Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

TÌNH ĐẦU

NGUYỄN PHAN HÁCH





Tình đầu
                                         Tản văn


      Cảm giác “tình đầu” đến với tôi thật kỳ lạ. Đẹp và bâng khuâng như nắng đầu thu. Thực thì rất thực nhưng cũng mơ hồ mong manh. Có gì mong manh hơn sắc thu. Nắng gắt hơn một chút ,còn đâu sắc thu vàng. Lạnh hơn một chút ,còn đâu hương se se heo may... Thu có đấy ,nhưng thở khẽ thôi, không thu sẽ tan nhòa...
          Trường chuyên nghiệp của chúng tôi, phía trước là dòng sông xanh ngắt, đằng sau là triền đồi cỏ biếc mênh mang, thấp thoáng bóng thông cổ thụ. Những chiều thu, những đêm trăng, chúng tôi tha thẩn trên bãi cỏ nô đùa, hay tìm một gốc thông vắng ngồi học bài. P. cô gái của miền đồi cọ bên bờ sông Thao. Và tôi chú bé của làng quê Bắc Ninh nhập trường muộn mấy tháng, nên bị bắt nạt. Tôi thấy P. đẹp lạ lùng (Với “trình độ” của tôi lúc bấy giờ). Mắt sáng rực, má hồng, nét cười tươi. Và tôi vẩn vơ, mơ mộng. Không biết bao lần tôi nấp sau gốc thông nhìn P. dạo chơi trên bãi cỏ. Bàn chân như tuyết đạp dập gẫy đám cỏ non. P. đi khỏi ,tôi đến vuốt ve những ngọn cỏ, cảm nhận hơi hương từ bàn chân P. còn đọng lại.
         
P. hình như không để ý đến tôi. Có vẻ cao xa. Nhưng em học không được khá cho lắm. Và một dịp may đến. Ôn thi cuối kỳ, lớp tổ chức “học nhóm”. Tôi cùng nhóm với P. giúp phụ đạo cho P. Chúng tôi thường ngồi dưới gốc thông già, nắng đông sàng qua tán lá lung linh trên trang sách. Nhưng đó chỉ là tình bạn thời cắp sách, nhưng mà tôi cứ muốn: “Một cái  gì bâng khuâng hơn tình bạn”. P. hồn nhiên nghiêm chỉnh học bài. Còn tôi để ý từ hương mái tóc, hơi thở, làn da em...
          Một ngày chủ nhật ,có người bảo tôi: P. nhắn cậu sang chơi. Tôi ngỡ ngàng.  Nhà ký túc nữ, nội quy hạn chế nam qua lại. Tôi bước qua cổng ngách dẫy tường. Nhà vắng hoe, mình P. nằm đọc sách bên cửa sổ.
- Mình bị ốm, nằm nhà buồn quá, cả tổ nữ bọn nó rủ nhau đi bộ xuống thị xã chơi.
Lòng tôi rưng rưng. Hằng ngày quanh P. lúc nào cũng ríu rít bạn bè. Chỉ thấy P. hồn nhiên, chỉ thấy tiếng cười đùa. Nhưng lúc buồn vắng cô đơn nhất, P. nhớ đến ai? Đấy là một dấu hiệu. Như vậy đâu phải là P. không để ý đến tôi.
Tôi đặt tay lên trán P. xem nóng nhiều hay ít. Vì em ốm, nên mới được quyền tự nhiên như thế, thích quá. Còn không thì bao giờ được chạm tay vào vạt áo em.
Chúng tôi ngồi nói chuyện vu vơ, ăn hạt dẻ rang. P. bảo:
-         Cậu làm thơ bích báo hay lắm. Dạy tớ cách làm thơ với.
-         Câu trên sáu chữ, câu dưới tám chữ.
P. nhìn ra ngoài cửa. Nắng đầu đông vàng hoe như hoa cúc:
- Nắng này sao cứ làm tớ se se buồn- P. bảo.
- “Bắt đền cái nắng đầu đông
Cho ta buồn đến se lòng nắng ơi”
Tôi buột mồm đọc.
-         Cậu vừa nghĩ ra đấy à.
-         Ừ!
-         Sao cậu làm nhanh thế?
-         Không biết ,cứ tự nhiên.
- Bắt đền... nhưng sao lại bắt đền. Nắng làm gì mà bắt đền nó. Phải chữa lại là “Sáng hôm nay  nắng đầu đông”... Và tại sao nắng lại làm mình buồn?
-         Cậu vừa nói lúc nãy “Nắng này sao cứ làm tớ se se buồn”.
-         Ừ nhỉ - P. bật cười.
Sau lần ấy, bao giờ nắng đầu đông cũng gợi buồn trong suốt cuộc đời tôi...
Vào những ngày cuối khóa học, một hôm có mấy “thằng” ở trường khác đến chơi. P. và bọn con gái cùng chúng vào rừng thông đi picnic suốt cả ngày.
          Tôi ở nhà ngẩn ngơ như gà lạc mẹ. Hôm sau tôi hỏi:
-         Ai đấy!
-         Bạn mới quen.
-         Quen bao giờ?
-         Bao giờ thì việc gì đến cậu - P. phát cáu.
Tôi vẩn vơ buồn. Tuần ấy có kiểm tra bộ môn. P. làm bài bị điểm hai,  khóc tức tưởi. Tôi hả dạ quá. Dửng dưng, không thương...
Thế rồi mấy ngày sau đó, một buổi tôi ra bến sông giặt áo. Vô tình gặp P. cũng đang giặt. Cô “xin công” giặt cả hộ tôi, vừa xát xà phòng, vừa cười vì cổ áo bẩn. Tôi lại thấy lòng mềm đi. Giận mình đã hả dạ một cách không quân tử. Hôm nay tôi đi giặt áo. Hôm nay là ngày gì. Trời trong xanh, dòng sông lặng như mặt gương. P. vén quần quá gối lội xuống bến sỏi rũ áo. Đôi chân trắng muốt lung linh trong làn nước. Đôi chân kẹp chặt  xuống đống quần áo đầy bọt xà phòng. Chiếc áo của tôi đã được kẹp chặt vào đôi chân kia. Tôi bỗng thấy cảm giác là lạ khi “phát hiện” ra điều lẩn mẩn ấy.
Hôm nay là một ngày khác thường. Và sự kiện lớn đã xảy ra. Chúng tôi đứng trong nước lặng, bỗng nhiên thấy đất bến sông run nẩy dưới chân, chao đảo, đứng không vững. Cả dòng sông như mặt gương bỗng chòng chành như đưa võng. Một lát sau, sóng cuộn lên ào ào xô cả tôi lẫn P. ngã sấp xuống nước.
Trận động đất năm ấy không biết là bao nhiêu độ richte, chỉ biết là khá mạnh.
Tôi đỡ P. đứng dậy. Đầu tóc nước ròng ròng tơi tả. Những chiếc áo trôi ra xa và sắp chìm, tôi vội nhoài người túm lại được.
Hoàn hồn sau trận động đất, những người đi trên đê thốt lên bàn tán ầm ĩ. Còn tôi và P. thì ngồi trên bãi sỏi nhìn dòng sông đang trở lại êm đềm.
Trận động đất thế là từ đấy thành biểu tượng của sự chấn động trong trái tim non nớt của tôi - Sự chấn động của tình yêu đầu. Mãi mãi không bao giờ quên được...
Thi tốt nghiệp xong, chúng tôi ai về quê nấy chờ ngày đi nhận công tác. Những ngày nghỉ ngơi thanh thản. Nhưng đầu óc tôi sao cứ để về cái làng quê bên bờ sông Thao có ngôi nhà mái lá gồi rộng lớn và những hàng cọ chạy vòng quanh đồi. Tôi tưởng như nhìn thấy những bậc đá rêu ướt rượt bến sông Thao, nơi em thường ra sông giặt áo...
Thư gửi cho đồi cọ, mà không bao giờ thấy trả lời. Hừ, con người ta thế đấy. Chả trách quê tôi có bài hát cổ “Chén son để cạnh mạn thuyền. Chén son chưa cạn lời nguyền đã phai”. Nhưng mà tôi và P. đã thề nguyền gì đâu nhỉ? Chưa. Tuyệt đối chưa. Chưa một lời hò hẹn yêu thương. Chỉ có những câu “Tớ ốm nằm nhà một mình buồn quá”, “Tại sao lại bắt đền nắng đầu đông”, “Đưa áo cho tớ giặt hộ”. Hình như chỉ có ba câu ấy là đáng kể nhất. Vâng, chỉ có ba câu. Thế thôi. Ba câu, vậy tại sao tôi lại nhớ nhung giận hờn, đau khổ.
Thời gian trôi, tôi chả ngồi nhớ thương “mối tình đầu” mãi được. Nhưng cam đoan rằng từ ấy đến bây giờ ,tôi chẳng bao giờ có được cảm giác kỳ diệu như cảm giác tình yêu với P. ngày ấy.
Tôi đã viết hơn 10 cuốn sách. Trước trang giấy trắng, hình bóng P. ngày xưa biết bao lần hiện lên trong đầu và ẩn vào những dòng chữ.
Tôi không biết P. bây giờ ở đâu, làm gì, như thế nào. Và chính là tôi cũng không muốn biết. P. của tôi mãi mãi cứ phải là một cô gái trẻ đẹp như trăng rằm. Tôi có thể gánh nặng đời thường trên vai, nhưng P. cứ phải là một thiên thần bay bổng, mãi mãi là cô nữ sinh tóc ngang vai dạo bước trên đồi cỏ xanh mướt tinh khôi. Không chắc  là P. đã từng một lần đọc văn thơ tôi trên sách báo? Và có đọc thì có nhận ra “người yêu” thuở trước.
                          
                                                  NGUYỄN PHAN HÁCH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét