Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

người đàn bà Mông thổi kèn lá



Giàng Khánh Ly






NGƯỜI ĐÀN

 BÀ MÔNG

THỔI KÈN LÁ
                                                             Bút ký: Quang Đại



Giờ chị đã khoảng 50 xuân.
Nhưng tôi vẫn cứ thấy ngài ngại khi gọi chị là đàn bà. Cái từ này nghe thô thô, tàn nhẫn và…quả là vô cảm nếu như dùng để gọi một người đẹp như chị. Nhưng sự thật thì Giàng Khánh Ly đã thành “đàn bà” từ những năm chỉ mới vào tuổi trăng tròn.

I. KHÚC DẠO
.
Ấn tượng ban đầu về chị nữ phó chủ tịch huyện người Mông xinh đẹp, duyên dáng, hát hay, có gương mặt khả ái và phúc hậu xuất hiện trong buổi khai mạc trại sáng tác của Ủy ban liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam tại Mộc Châu (Sơn la) 2013 đã khiến các thành viên dự trại thấy cần phải phân công cho một tác giả viết riêng về chị, coi đây như một điểm nhấn trong những sáng tác văn học nghệ về Mộc Châu tại  trại sáng tác này..
Tôi đã tìm đến nhà riêng để gặp Giàng Khánh Ly. Sau khi biết được ý định của tôi, chị bảo:
- Nếu như anh viết về em thì xin anh hãy viết về một người phụ nữ Mông. Không phải là viết về một phó chủ tịch nữ hay là một phụ nữ Mông thành đạt. Xin anh đừng viết như thế. Bởi vì còn rất nhiều phụ nữ Mông thành đạt hơn em nhiều anh ạ! Có điều, em đúng là một trong những tấm gương của người phụ nữ Mông ở huyện Mộc Châu này trong việc vượt qua những khổ đau, bất hạnh của cuộc đời  để mà vượt lên.
Giàng Khánh Ly  ngừng lời, rót mời tôi cốc nước trà giảo cổ lam. Chị xin lỗi tôi để ra vườn một lát rồi trở vào với một lá đào trên tay. Chị mủm mỉm cười, đôi lúm đồng tiền nhúng nhính:
- Em sẽ kể cho anh nghe câu chuyện đời em bằng cách kể của người phụ nữ Mông nhé?
Tôi vừa nhíu mày, đưa tay lên gãi đầu… thì Giàng Khánh Ly đã đặt chiếc lá đào lên môi. Một giai điệu réo rắt, thiết tha, sâu lắng cất lên từ làn môi xinh xinh. Tôi nghe quả đúng là lời thủ thỉ, tâm tình trong một câu chuyện kể lâm ly…
Có lẽ tôi đã cảm được điều gì đó. Phải chăng tôi cũng hiểu hết được tiếng kèn lá trên môi Giàng Khánh Ly đang kể điều gì… và tôi đã đắm mình vào lời nỉ non của người đàn bà Mông.
Một lúc lâu sau, tôi thấy nước mắt Giàng Khánh Ly  trào ra thành giọt lăn trên má chị, chảy dòng, đọng ngập cả kèn lá…




II. KHÚC  ĐỌA ĐÀY

Khánh Ly không phải là một cái tên học đòi hay bắt trước theo kiểu người  Kinh. Ly là tên bố mẹ đặt cho cô bé từ thủa lòng. Trong tiếng Mông thì “ly” có nghĩa là sinh sau đẻ muộn, là con út trong nhà. Cô bé Mông bản Lóng Luông đã mang tên Giàng Thị Ly ngay từ khi con ma nhà họ Giàng nhận nó.  
Nhà Ly nghèo lắm, nghèo nhất bản Lóng Luông. Bố Ly vì không có tiền cưới vợ nên phải lấy hai chị dâu của mình. Ly và chị Sế là con của người vợ vốn là chị dâu thứ hai của bố.
 Khi bố và mẹ mất đi, hai chị em Ly ở với  người anh trai cùng mẹ vốn cũng là bác dâu của họ. Chị Sế và Ly đã mắc nợ người anh trai này một con trâu làm ma cho mẹ. Người anh trai không chịu chung cái ma vì người chết đã đi bước nữa khi lấy chú ruột của mình. Cái nợ này đã đeo đẳng, làm khổ hai chị em Ly suốt mấy chục năm về sau. Nó là cái cớ cho người chị dâu đánh đập, hành hạ hai cô em chồng. Hai chị em Sế, Ly ở trong nhà anh trai ruột cùng mẹ khác bố mà như đi ở đợ cho phìa, cho tạo.
Hai năm sau, chị Sế đi lấy chồng thì một mình cô bé Ly ở lại chịu đòn roi. Người chị dâu khi đó còn ngiệt ngã, tai quái hơn cả một mụ dì ghẻ độc ác trong chuyện cổ tích. Lúc này, cô bé Ly mới chỉ bốn, năm tuổi mà ngày nào người chị dâu cũng bắt phải dậy sớm, thức khuya để làm lụng tối mắt tối mũi, hết việc nọ đến việc kia như con trâu, con ngựa. Thậm chí, ngườ chị dâu ấy còn bắt Ly hầu hạ, cung phụng đủ điều.
Bản Lóng Luông của Ly ở một thung lưng núi. Mỗi ngày, khi con chim chưa đập cánh, khi con trâu chưa cựa chuồng thì bé Ly đã phải dậy sớm đeo bế đi cõng nước từ trên tít trên cao.  Cô bé phải leo ngược dốc chừng hai ba cây số để cõng về ba bốn chày dề nước. Chày dề là một ống bương có hai đốt, đựng được lượng nước chừng non chục cân. Có những hôm sương muối lạnh như cắt thịt, cắt da, đến người lớn còn ngại không muốn chui đầu ra khỏi chăn sui thì bé Ly vẫn phải đi cõng nước. Nghe tiếng bước chân cô bé gùi nước về gần đến nhà là người chị dâu lại đã chạy ra xoi mói, dòm dòm, ngó ngó. Chỉ cần thấy một trong bốn chày dề vơi vơi một chút là chị ta liền chửi bới thậm tệ rồi giơ tay tát lấy, tát để hoặc đấm, đá túi bụi, khiến cho cô bé  phải ngã xấp ngã ngửa.
Có bận, người chị dâu đánh Ly ngất lịm trước cửa nhà, móng chân cô bé bị  trầy ra, túa máu. Cả bốn ống chày dề đều lộc cộc văng ra xa, lăn lóc trên dốc, nước ộc ra, tung tóe khắp nơi. Ấy vậy mà khi Ly tỉnh dậy, chị dâu lại bắt cô bé phải đeo bế đi gùi nước ngay lập tức…
Đi kiếm củi thì lại còn phải vượt dốc, băng rừng đi vào sâu hơn, xa hơn nữa. Cô gái Mông bé bỏng phải một thân một mình đối mặt với rừng rậm âm u, hoang lạnh. Đâu đó, vẳng tiếng hổ gầm, sói tru khiến con tim nhỏ nhoi thắt lại.
Nhưng Ly sợ con “hổ cái” ở nhà còn hơn cả con cọp, con beo trên rừng….
Người anh trai cô thì hiền lành thôi. Nhưng anh ấy không bênh Ly. Anh ấy cũng như bao người đàn ông người Mông khác, luôn coi đàn bà, con gái như cỏ rác. Chính anh trai của Ly cũng đã hành hạ vợ. Để rồi, người vợ lại trút nỗi hận ấy lên Ly như kiểu “giận cá , chém thớt”.  
Mới  mấy tuổi đầu mà Ly đã phải nếm trải một cuộc sống đọa đầy.
Khổ quá nên Ly đã nhiều lần tính tới chuyện bỏ nhà, trốn đi.
Ly có người chị gái tên là Dụ, con ông bác mà sau này mẹ chị ấy lấy bố của Ly nên gọi bố Ly là chú dượng. Dù không cùng cha, cùng mẹ nhưng  chị Dụ rất thương quý Ly. Chị Dụ  trước đây cũng trốn nhà đi học, biết tiếng Kinh, thành cán bộ nhà nước làm việc  ở trên tỉnh.
 Thỉnh thoảng, chị Dụ trở lại thăm quê. Mỗi khi về nhà chị thường hay thủ thỉ, chuyện trò với Ly. Những câu chuyện của chị Dụ đã mở ra cho cô bé một khoảng trời mơ ước, những miền đất hứa ngập tràn ánh sáng tươi đẹp. Chị Dụ khuyên Ly đi theo chị.  Chị cũng đã nói với người anh cho Ly cùng chị ra tỉnh. Nhưng anh trai và chị dâu không nghe, nhất  định bắt bé Ly phải ở nhà làm con trâu kéo cày để trả nợ cho họ.
Nhưng Ly vẫn cứ trốn nhà đi theo chị Dụ nhiều lần mà không thành. Người chị dâu biết thóp  là cứ lần nào chị Dụ về  nhà rồi  khi ra đi là y như Ly đi theo sau. Ba bốn lần cô bé  bị chị dâu chặn đường bắt lại. Mỗi lần như thế, chị ta đánh cô bé thừa sống thiếu chết rồi kéo Ly sền sệt  về nhà.
Có một lần, cũng vào dịp chị Dụ về thăm quê. Cô bé Ly đã trốn đi trước lúc chị Dụ trả phép mấy ngày. Điều này đã khiến người chị dâu ác độc bị bất ngờ. Chi ta đâu có hay chị Dụ và Ly đã bàn tính với nhau. Trước khi trốn lên rừng, Ly đã đưa váy áo và hai chiếc vòng bạc nhờ chị Dụ cầm hộ. Còn cô bé lén lút chuẩn bị xôi, mèn mén, ngô rang để ăn trên rừng lúc trốn trên rừng.
Người chị dâu sùng sục săn tìm suốt mấy ngày. Thật may, đó là những hôm sương mù dày đặc, nghĩ là khó mà nhìn thấy để bắt được Ly nên chị ta đành ấm ức quay về. Sau mấy ngày đêm khổ  sở vì phải ngủ trong rừng rậm cùng sợ hãi, đói khát. Ly men rừng ra đường ra đến gần đường quốc lộ thì nghe thấy tiếng chị Dụ và mấy người bà con khác được chị dâu cử  đi để tìm Ly nói chuyện với nhau.
 Khi quay về bản, một người bảo chị Dụ: “ Nếu chị gặp cái Ly thì bảo nó đem hai cái vòng bạc về nhé!”. Đợi cho mấy người bà con đã đi xa, Ly  mới từ trong rừng đi ra gặp chị Dụ. Hai chị em ôm lấy nhau, mừng rơi nước mắt.  
Chị Dụ và Ly đi nhờ xe tải của  bộ đội hai ngày đêm thì tới thị xã Sơn La. Ấy là một ngày sau tết Tân Hợi (1971) ít lâu.
Cô bé Ly cảm thấy như mình  đang mọc thêm đôi cánh để trở thành một nàng tiên bay lượn trên rừng hoa đào rực rỡ sắc xuân.



                                                        Giàng Khánh Ly với ca khúc 
                                                                                "Từ trên đỉnh núi"


III. KHÚC ƯỚC MƠ

Đầu tiên, chị Dụ đưa Ly vào khu sơ tán bản Sàng thuộc huyện Mai Sơn. Khi ấy, Ly chưa hề biết đến một câu tiếng phổ thông. Bởi vậy, chị Dụ không thể cho Ly đi học được. Hàng ngày, trước khi đi làm chị Dụ thường vất cho Ly một bó mía để cô bé ở nhà ăn cho đỡ buồn rồi bảo em đi  lấy củi, nấu ăn giúp chị.
 Khi từ cơ quan về hay  rỗi lúc nào là chị Dụ lại tranh thủ dạy tiếng Kinh cho Ly. Chị Dụ bảo với Ly là chỉ khi nào nói được tàm tạm tiếng phổ thông thì cô bé mới có thể đi học chữ rồi sau đó mới đi học làm cán bộ được.Nhưng học nói tiếng Kinh là một việc vô cùng khó nhọc với cô bé bản Mông  từ núi cao xuống.
Ở cùng chị Dụ gần một năm, được chị dạy dỗ tận tình và cho đi tiếp xúc với nhiều người bên cạnh mà Ly chỉ nói được ít từ quá ư ngọng ngịu mà những người Kinh xung quanh nghe cô bé nói chỉ mỉm cười, lắc đầu vì không biết cô bé nói gì.
Tuy nhiên, chị Dụ vẫn chuyển về Hát Lót ở trung tâm thị trấn Mai Sơn và đưa Ly vào học cấp một. Do không biết tiếng phổ thông nên việc học hành của Ly gặp rất nhiều khó khăn. Thế là, chị Dụ lại phải cạy cục xin cho em vào học tại Trường thiếu nhi dân tộc tỉnh Sơn La.  Đây là một trường nội trú dạy dạy học sinh người các dân tộc thiểu số từ vỡ lòng đến hết cấp Hai. Học sinh ở đây được cấp lương thực, quần áo và nhu yếu phẩm cần thiết theo chế độ đãi ngộ của nhà nước.
Vào học trường này, cô bé Ly đã gặp thuận lợi là có nhiều bạn cùng là người dân tộc thiểu số cùng học. Trong đó, có những bạn cũng là người Mông nhưng rất thạo tiếng Kinh. Thời gian những bạn này dạy tiếng Kinh cho Ly còn nhiều hơn cả thày cô giáo dạy  ở trên lớp.
Nhờ giúp đỡ của thày cô và bạn bè mà Ly dần dần nói được tiếng Kinh. Tuy nhiên, tiếng kinh mà Ly nói vẫn là thứ tiếng Kinh ngọng líu, ngọng lô. Mãi cho đến những năm học lớp Ba, lớp Bốn Ly mới nói sõi, đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông. Lúc này, cô bé còn thuộc được cả gần chục bài hát. Từ đây, Ly học rất sáng dạ.  
Ly có giọng hát rất hay nên được cả lớp bầu làm quản ca. Cô giáo của Ly  cũng vì thấy bé hát hay mà thay chữ đệm để tên cô bé trùng với tên ca sĩ Khánh Ly. Từ đây, cái tên Giàng Khánh Ly luôn được thày cô, bạn bè nhắc đến trong niềm thương yêu. Cũng từ năm từ lớp Ba đến lớp Bảy, năm nào Giàng Khánh Ly cũng đứng  trong tốp đầu  những học sinh giỏi của Trường thiếu nhi dân tộc nội trú Sơn La.
Học xong  cấp Hai phổ thông. Giàng Khánh Ly tiếp tục vào học tại trường đào tạo cán bộ ở Thuận Châu.
Từ một cô bé Mông bé bỏng, còm nhom, đen đủi, không biết đến một câu tiếng Kinh;  đôi mắt ngác ngơ hàng năm kể từ khi rời bản Lóng Luông trốn nhà lên thị xã. Giờ thì Ly  là học sinh giỏi ở tất cả các môn học tự nhiên và xã hội.
Giàng Khánh Ly đã trở thành một cô gái  Mông xinh đẹp, hát hay.
Dường như cuộc đời khổ đau của cô gái Mông bản Lóng Luông đã sang trang mới. Một chân trời ước mơ sáng tươi,  đang rộng mở phía trước với bao khát vọng.
Nhưng …
Thật không ngờ… tai họa lại ụp lên đời cô như một chiếc bẫy định mệnh.

IV. KHÚC TRẦM CỦA LÁ

Giàng Khánh Ly đã học văn hóa hết lớp Tám ở trường ở Trường đào tạo cán bộ các dân tộc tỉnh Sơn La khi đó đóng ở Thuận Châu.
 Vào giữa năm 1980. Trong dịp nghỉ hè trước khi bước vào lớp Chín, một bạn gái người Thái đã rủ Ly về nhà chơi.
Ly đã theo bạn về bản Nà Pó, xã Mường Sang. Được cùng bạn ra suối tắm, cùng đi chơi nương, bắt cá, hái rau rừng, cấy lúa  thật vui.
 Ở chơi nhà bạn, Ly bỗng thấy nhớ nhà, nhớ quê làm sao. Suốt chín năm trời đi xa,  bản Lóng Luông luôn là nỗi nhớ quắt quay trong lòng mà… ngay cả trong nghĩ thôi, cô bé chẳng dám một lần trở về.
Từ bản Na Pó bên Mường Sang, có ai đó chỉ lên một dải mây trắng  phía trên cao, ở ngay trước mặt bảo bản Lóng  Luông của Ly ở đó. Ôi! Gần vậy ư? Cô bé kêu lên, thèm về bản của mình quá chừng. Nhưng Ly lại thấy sợ không dám về. Nghĩ lại những ngày ấu thơ sống trong đọa đày mà cô bé quay mặt đi, nhắm mắt lại, không dám nhìn về cái dải mây thân thương trên lưng núi nữa…
Nhưng rồi không biết “ ma xui quỷ khiến”  thế nào mà cô bé vẫn cứ leo núi đi  về nhà. Có phải nỗi nhớ da diết đã thúc giục cô gái? Hay định mệnh trớ trêu đã giăng bẫy Giàng Khánh Ly?
 Nhìn thì ngay trước mặt nhưng Ly đã phải luồn rừng, leo dốc suốt hai ngày trời mới về được bản Lóng Luông. Cô gái đã òa khóc, ôm lấy  cột nhà, ôm lấy những gốc cây, tảng đá trong vườn... xung quanh cô ngập tràn kỷ niệm.
Anh chị của Ly đã  ngớ người ra khi thấy cô đột ngột trở về.  Họ vô cùng sững sờ vì Ly  xinh đẹp, duyên dáng quá. Cả bản Lóng Luông ùa sang xem “cái Ly đẹp như tiên”. Các cô gái tíu tít hỏi Ly về thị xã, về người Kinh dưới xuôi. Rồi họ bảo Ly hát cho nghe. Ly sang thăm hết nhà nọ đến nhà kia trong bản.
 Suốt đêm hôm ấy, bản Lóng Luông sáng lửa…
Nhưng cũng ngay đêm hôm đó, tại nhà anh chị Ly  đã có một cuộc bàn mưu, tính kế giữa vợ chồng anh trai cô và ông xã đội trưởng Tráng A Chu. Họ bảo nhau : cái Ly đẹp thế, nếu cứ để cho nó đi học thì rồi nó vào tay một thằng người Kinh nào đó thì tiếc lắm! Phải làm thế nào để không cho nó đi học thôi.
Chị dâu soạn rượu, soạn chén rồi đi ra. Hai chén rượu nhấc lên, nhấc xuống. Cứ mỗi lần cụng lại lóe ra một âm mưu đen tối trong đầu óc coi khinh phụ nữ của hai người đàn ông Mông.
Đến khuya, Ly về nhà thì thấy hai cái chén chổng chôn ở bên chai rỗng. Căn nhà còn nồng nặc mùi rượu. Nhưng cô lại không để ý…
Sáng ra, chị dâu sai Ly đi cõng nước. Ly nói: nước trong lu còn đầy, đi cõng nước làm gì? Chị dâu  bảo:: mày cứ đi cõng nước về, tao có việc cần.
Thế là Ly đeo bế  leo dốc, đi về phía khe nước quen thuộc ngày nào. Vừa  đi Ly vừa hát, cô đâu có biết tai họa sắp giáng xuống cô.
Vừa đặt bế xuống, lấy ra một chày dề định hứng nước thì bỗng dưng có tám gã thanh niên lực lưỡng  từ trong bụi xồ ra như tám con mãnh thú vô lấy Ly . Cô gái hoảng hốt kêu lên rồi vất bế, ù té chạy xuống dưới dốc.
 Nhưng làm sao mà Ly thoát được.  Chỉ loáng cái, mấy gã thanh niên đã chạy theo, đuổi kịp rồi chắn đầu, bắt được Ly. Mặc cho Ly lấy hết sức để giãy giụa, cào, cắn quyết liệt, gào thét, chửi mắng om sòm nhưng vô vọng. Họ vẫn  nhấc bổng Ly lên rồi khiêng đi.
Đến khi biết là không thể nào cưỡng lại được định mệnh trớ trêu và phong tục cướp vợ oái oăm của dân tộc mình, Ly chỉ còn biết ôm mặt khóc nức nở khóc. 
Khiêng Ly về đến nhà  thì họ nhốt  ly vào buồng. Đến lúc này, cô gái bản Lóng Luông vẫn không biết mình bị bắt làm vợ ai. Nhưng với Ly thì phải làm vợ ai cũng thế cả thôi… bao ước mơ, bao khát vọng của đời Ly đã bị cắt ngang mất rồi.  Cô gào khóc gọi thày cô, bạn đến mà cứu mà chẳng ai nghe được lời cô!  Ly cảm thấy nhớ trường, nhớ lớp , thày cô bè bạn đến xót ruột.
Nhưng còn làm gì được nữa? Ly ân hận và đấm ngực trách mình sao bỗng dưng sao chui lại vào hang hùm, hang sói ?  Ly căm thù cái tục bắt vợ vô cùng nghiệt ngã kia.
Thế là chỉ mới mười sáu tuổi đầu, Giàng Khánh Ly đã phải làm vợ người ta.
Đã nhiều lần Ly ra nương thuốc phiện cao ngập đầu ở sau nhà, cạo lấy nhựa nuốt hàng vốc để tự tử mà không thành. Người Mông trồng thuốc phiện cũng có phương thuốc chống ngộ độc thuốc phiện rất hữu hiệu.
Cô gái Mông xinh đẹp Giàng Khánh Ly đành phải buông  tay trước cuộc đời làm vợ dở sống, dở chết của mình.


V . KHÚC VÚT CAO

Chị đã kể cho tôi nghe những quãng đời đắng cay, cơ cực, xót sa bằng khúc trầm của lá. Tôi còn nghe được trong tiếng hát của người đàn bà Mông với âm hưởng vút cao của khát vọng.
Giàng Khánh Ly thấy không thể cứu được tuổi thanh xuân của mình nữa rồi. Chị nghĩ đến việc giải thoát cho những thế hệ đàn bà, con gái Mông tiếp theo. Cuộc giải thoát này sẽ gian khổ, cam go và dài lâu có khi đến đời con, đời cháu, chắt mình vẫn chưa xong…
Chị cho rằng: người phụ nữ Mông chỉ có thể thoát khỏi những hủ tục của dân tộc mình sau khi  mọi  người Mông đều biết  đến cái chữ.
Thế là bản Lóng Luông có cô giáo Giàng Khánh Ly. Xã Lóng Luông có Phó hiệu trưởng Giàng Khánh Ly. Giàng Khánh Ly là hội Trưởng hội phụ nữ xã Lóng Luông. Rồi chị trở thành phó chủ tịch huyện Mộc Châu.
Chị là một người lãnh đạo rất có uy tín với nhân dân các dân tộc huyện Mộc Châu. Đặc biệt, bà con người dân tộc Mông ở đây  luôn tin tưởng, nghe theo chị; luôn coi chị như “sứ giả” hay vị “ thủ lĩnh” của dân tộc Mông ở huyện. Mọi vướng mắc dù nhỏ, dù lớn liên quan đến người Mông trong huyện Mộc Châu người ta đều vời đến chị. Có cả những vụ việc xảy căng thẳng ra với người Mông ở bên kia biên giới Việt - Lào tiếp giáp với Mộc Châu cũng được chị giải quyết một cách êm thấm.
Chị kể rằng có lần về quê, vô tình chị thấy các cháu nhỏ đang chơi hồn nhiên, thơ ngây  tranh nhau :”Tao làm cô Ly, lớn lên tao làm cô Ly!”. Chị thấy thật ấm lòng.
Những “nấc thang” vùng lên cùa cô gái Mông không đơn giản chỉ là sự thăng tiến. Mà hơn thế, còn là hòa khúc vang ngân, giội vào tư duy,  tâm thức dân tộc Mông của chị. Giàng Khánh Ly đã “chuyển giao” ước mơ, khát vọng trước đây của mình sang  bao thế hệ các cô gái Mông là học trò, là con em dân tộc Mông.  Biết bao cô gái Mông bản Lóng  Cuông đã thành bác sĩ, kỹ sư…
Những nương thuốc phiện bạt ngàn đã bị triệt phá.
Tuy nhiên, con đường đến ước mơ của Giàng Khánh Ly đã phải đi qua những khúc vòng vèo, quanh co, nghiệt ngã…
Giàng Khánh Ly đã gặp lại thày cô, bạn bè sau hai chục năm thương nhớ.  Cô  ôm rít lầy những người thân yêu mà nước mắt lã chã tuôn rơi…
Giàng Khánh Ly đưa khúc hát của dân tộc mình vang xa. Chị đoạt huy chương vàng tại liên hoan hát ru toàn quốc ở Huế; huy chương bạc tại liên hoan tiếng hát các dâm tộc thiểu số Việt Nam tại Hà Nội.

Và hôm nay, tôi lại được nghe tiếng kèn lá ngân vang trên môi xinh của người đàn bà Mông duyên dáng.

           TRẠI SÁNG TÁC VHNT MỘC CHÂU 4/2013
                                                                                                                   Q.Đ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét