Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

HOA HẬU RĂNG SỮA

CHÀO  MỪNG  NGÀY  QUỐC  TẾ  THIẾU  NHI  1/6


Nguyễn phạm bằng


HOA HẬU RĂNG SỮA
                                TRUYỆN NGẮN





Vào một đêm rằm. Tớ nằm ở chiếc chõng tre mà ông tớ kê ở gốc mít góc sân, ngửa mặt lên trời để … rình xem trăng nó méo dần đi như thế nào? Thực tình, đã có hàng chục đêm tớ rình trăng. Vậy mà lần nào cũng ngủ quên. Lần này thì nhất định tớ phải thức chờ bằng được.
Tớ chờ mãi. Chờ mãi. Chờ đến khi buồn ngủ díp cả mắt mà chẳng thấy trăng méo đi một tẹo tèo teo nào. Có lẽ vầng trăng láu cá hơn tớ tưởng. Nó chỉ rình lúc trẻ con ngủ thật say mới méo dần đi cũng nên. Tớ bắt đầu thiu thiu ngủ...Bỗng giật mình khi nghe thấy có những tiếng lách cách, lách cách, lách cách...rất giòn đều, râm ran ở phía mái ngói nhà trên. Nhìn lên thì thấy có rất nhiều vật gì như những hạt ngô nho nhỏ đang nhảy nhót, lấp loá dưới ánh trăng. Những hạt ngô này có cả chân và biết đi...

THƠ DUY KHOÁT





Nhà thơ Duy Khoát
(Ký họa: Quang Đại)

THƠ
 DUY  KHOÁT




NGUYÊN HỒNG

Có thời điên đảo thế nhân
Cụ không cam chịu nhà văn sống hèn
Rời Hà Nội đến Cầu Đen
Để con tim giữ được NGUYÊN khối HỒNG

                         Thôn Cầu Đen 6/5/2012
  





              VIẾNG MỘ NGUYÊN HỒNG                                         

Mấy cây xoan mùa này đang rắc hoa  lặng lẽ
lên phần mộ ông  nằm dưới chân đồi
Các cháu học sinh trường tiểu học mang tên ông vẫn sớm chiều qua lại
Nhìn bọn trẻ trên đường hẳn ông cũng thấy vui

Đã vắng bóng ông đạp xe thiếu nhi về thủ đô
đào tạo nghề văn cho lớp trẻ
(Nếu bây giờ ông đi dễ tai nạn trên đường)
Bộ tiểu thuyết”NÚI RỪNG YÊN THẾ” còn dở dang tập cuối
Ông có gặp cụ Đề trên căn cứ Phồn Xương?

Ông thường khóc thương bao nhiêu thân phận
Mà quên  mình cùng số phận lấm lem
Rời Hà Nội vì coi khinh thói đời điêu bạc
Thì vứt bỏ lợi quyền về với ấp Cầu Đen

 Tự dựng căn nhà tranh tre  trên đất sỏi
Làm lụng với dân quê tối lửa tắt đèn
 Cái xóm nghèo nay vẫn còn lam lũ
Có Nguyên Hồng nên cả nước biết tên
Thành địa chỉ cho những người cầm bút
Vẫn tìm về xóm núi Cầu Đen

                    Thôn Cầu Đen , Nhã Nam 6/4/2012

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Họa sĩ Quang Đại trong TÁC GIẢ TÁC PHẨM MỸ THUẬT VN



          CUỐN SÁCH "TÁC GIẢ TÁC PHẨM VIỆT NAM" ( Khổ  26x36cm, 240 trang
          do Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin ấn hành) 
          TẬP SÁCH ĐÃ TUYỂN CHỌN 115 TÁC PHẨM CỦA CÁC HỌA SĨ VIỆT NAM 
          TRONG ĐÓ CÓ PHAN KẾ AN,HOÀNG TÍCH TRÙ, PHẠM VĂN ĐÔN ,LƯƠNG XUÂN NHỊ,
          PHẠM VIẾT SONG, TRÀN ĐÌNH THỌ, HUỲNH VĂN THUẬN VÀ NHIỀU HOẠ SĨ NỔI 
         TIẾNG KHÁC, MỖI TÁC GIẢ ĐƯỢC CHỌN 4 TÁC PHẨM ĐỂ GIỚI THIỆU. 
         HỌA SĨ QUANG ĐẠI ĐƯỢC GIỚI THIỆU CÁC TÁC PHẨM TRONG ĐÓ CÓ 3 ĐIÊU KHẮC GỖ:
         HỒN NÚI,  MỘT PHẦN ĐỜI, CHÂN DUNG RỪNG VÀ MỘT TÁC PHẨM BẰNG CHẤT LIỆU 
         ĐÁ CẨM THẠCH ĐEN: SƠN NỮ.

Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

THƠ THI ĐÀN THỨ 7


THƠ THI
 ĐÀN THỨ BẢY







Quang Hoài


HỒ VĂN ĐÊM NGUYÊN TIÊU

Trăng Hồ Văn ngàn năm
Bùn Hồ Văn ngàn năm
Ngàn năm hương sóng...

Sau ồn ã ba sân thơ ủ giấu trăm mối tơ vò
sau náo nhiệt năm mươi quả bóng dìu năm mươi câu thơ
                  lưng lửng từng trời chấp chới đêm Nguyên tiêu huyền khởi
lặng lẽ những cụ Rùa cõng bia Tiến sĩ oằn lưng
mộng du mặt hồ lãng đãng sương giăng
bờ Bắc hồ lấp ló một thím Lươn óng nhẫy
âu sầu ngóng đợi chú Trạch cộc mê mải ăn
                            đêm chưa về để dài ngắn chê bai
bờ Nam hồ bập bềnh hé miệng một mợ Trai
buồn bã chờ hoài cậu Cò bị bọn Tép mê hoặc
                        quên đường về để Ngư Ông mất một dịp đắc lợi

bờ Đông hồ ngác ngơ một chàng Ốc
ngán ngẩm chờ mong Thị Hến trở về trong xoáy ốc thị trường
                                                                      để kết bạn Nghêu, Sò
tất cả chỉ thấy phía Tây sừng sững non Tản
                                                                mặt hồ
và lung linh đáy hồ vầng trăng vành vạnh
Lươn cùng Trai, Ốc lại rủ nhau lặn xuống
                                mở yến tiệc nhắm Bùn với Trăng....
bất ngờ một chú Trạch từ bùn sâu ngoi lên
thấy Thị Hến cùng Nghêu, Sò đã ngồi bên Ốc
trong chếnh choáng trăng rằm ngẫu hứng
Ngâm một câu thơ của Thần đồng thơ Việt:
“Nhấp nhô toàn những thiên tài
Cuối cùng thơ vẫn ở ngoài tầm tay”
Yến tiệc kéo dài đến tận canh tư
Thơ phú mang mang mặt hồ bọt sủi
Khi vầng trăng vừa ngậm non Đoài
Các cụ Rùa mới ra khỏi mộng du cựa mình
                                                              khe khẽ
và rung rinh những tấm bia Tiến sĩ
Dường như cả truyền thống và hiện đại trên lưng các cụ Rùa
                                                        đều nghiêng ngả lúc tàn canh
Chỉ còn bọn trẻ lảnh lót những vần thơ đón đợi bình minh...

Ngàn năm Trăng Hồ Văn
ngàn năn Bùn Hồ Văn
ngàn năm hương sóng
hồn người thăm thẳm
Đài Sen gác Khuê Văn thơm...thơm đến bao đời?....
                                                 
                                  Ngày thơ Việt Nam lần thứ IX
                             Đêm Nguyên Tiêu Tân Mão 17-2-2011


ĐẠI DIỆN NHÓM BÚT SÔNG LỤC THĂM THI ĐÀN THỨ BẢY


ĐẠI DIỆN NHÓM BÚT SÔNG LỤC THĂM THI ĐÀN THỨ BẢY

 Sáng hôm qua (Thứ7 ngày 27/5/2012) một đoàn đại diện cho Nhóm Bút Sông Lục gồm Đoàn Thị Tảo, Tân Quảng, Vương Đình Khánh và Quang Đại đã ra Hà Nội gặp gỡ, giao lưu với Thi Đàn Thứ Bảy.

SÔNG LỤC gửi tới bạn đọc một chùm phóng sự ảnh ban đầu về cuộc gặp gỡ này và giới thiệu một số sáng tác do các tác giả Thi Đàn gửi cho nhóm bút


Đoàn Thị tảo và Trà Mi



Quang Đại và Đoàn Thị Tảo cùng các nữ sĩ Hà Thành


Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

TÌNH ĐẦU

NGUYỄN PHAN HÁCH





Tình đầu
                                         Tản văn


      Cảm giác “tình đầu” đến với tôi thật kỳ lạ. Đẹp và bâng khuâng như nắng đầu thu. Thực thì rất thực nhưng cũng mơ hồ mong manh. Có gì mong manh hơn sắc thu. Nắng gắt hơn một chút ,còn đâu sắc thu vàng. Lạnh hơn một chút ,còn đâu hương se se heo may... Thu có đấy ,nhưng thở khẽ thôi, không thu sẽ tan nhòa...
          Trường chuyên nghiệp của chúng tôi, phía trước là dòng sông xanh ngắt, đằng sau là triền đồi cỏ biếc mênh mang, thấp thoáng bóng thông cổ thụ. Những chiều thu, những đêm trăng, chúng tôi tha thẩn trên bãi cỏ nô đùa, hay tìm một gốc thông vắng ngồi học bài. P. cô gái của miền đồi cọ bên bờ sông Thao. Và tôi chú bé của làng quê Bắc Ninh nhập trường muộn mấy tháng, nên bị bắt nạt. Tôi thấy P. đẹp lạ lùng (Với “trình độ” của tôi lúc bấy giờ). Mắt sáng rực, má hồng, nét cười tươi. Và tôi vẩn vơ, mơ mộng. Không biết bao lần tôi nấp sau gốc thông nhìn P. dạo chơi trên bãi cỏ. Bàn chân như tuyết đạp dập gẫy đám cỏ non. P. đi khỏi ,tôi đến vuốt ve những ngọn cỏ, cảm nhận hơi hương từ bàn chân P. còn đọng lại.
         

KHEN THƠ KIẾM TIỀN


      
KHEN THƠ... 
KIẾM TIỀN
                 ĐÁ NGANG



 Việc khen Thơ có cần không ? Khi mà bài thơ trước mắt chúng ta? Cái hay cái dở nó hiện ra đấy. Người đọc thơ lại cần một người dạy cho cách cảm thụ hay sao? Thiết nghĩ: kể cả người hiểu thơ và mù tịt về thơ cũng không cần phải ai lên lớp cả. Bởi bài thơ viết ra để người ta cảm nhận và thưởng thức chứ đâu phải để chúng ta bàn hay kể cho nghe cái hay của bài thơ ấy?  Cảm về một bài thơ thì đâu phải ai cũng giống ai? Đôi khi, cái hay của một bài thơ còn nằm ngoài cả ý niệm của tác giả và người...khen!
  Khen một bài thơ hay nhắc lại những ý tứ, những phát hiện hoặc nhắc lại nguyên si văn bản cả bài hay các đoạn thơ của nhà thơ như kiểu các ông bà  viết phê bình lấy tiền nhuận bút hôm nay liệu có cần thiết  lắm không?
Hay nó quá ư là nhảm nhí?
Nói như thế không phải tôi đã loại giới phê bình văn học ra khỏi cuộc chơi văn chương... 

Tôi thấy có những ông bà liên tục viết bài khen thơ của hết người này đến người kia. Người ta không thích khen cũng cứ nhè ra mà  khen. Hầu hết đều thổi thơ người ta lên mây xanh khiến tác giả nhận được lời khen mà méo mặt. Mỗi khi viết xong một bài “ khen” trên báo, có ông lại đưa tay ra xin xỏ dăm ba trăm tiền của bạn thơ. Có "bác thơ" được khen sướng rủn cả người. Đến khi phải nôn tiền ra thì không khác gì bị thiến...
         Việc khen thơ trở thành việc kiếm chác. Buồn thay! 

        Nhưng theo Đá tôi thì có lẽ tệ hại nhất là bài khen của các ông bà ấy đã tạo ra một loạt những người mắc bệnh hoang tưởng về thơ. Và bệnh này thì vô phương cứu chữa. Bởi lời những lời khen “ba vạ” ấy đã làm phổng mũi khối bác. 
Có bác khổ về lời khen. Cứ tưởng thơ mình “nhất Việt Nam nhì Thế giới” mới chết chứ!


Thôi! Xin các ông bà hãy bỏ ngay cái nghề khen thơ kiếm tiền cho chúng em nhờ.

                                                          ĐÁ NGANG

Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2012

rau muống




RAU MUỐNG
Truyện ngắn: PHẠM THUẬN THÀNH



  


        Sáng sớm bà Tình đã trở dậy đốt đèn đi hái rau. Ngọn đèn dầu vàng khè không soi sáng được tương lai nhưng chí ít cũng báo hiệu cho người khác biết là có người đang đi đây. Ở cái làng Khoai này bây giờ không thiếu kẻ vô công rồi nghề gõ kẻng ba giờ sáng đi tập dưỡng sinh. Dưỡng sinh để trường thọ. Con cháu đi làm ăn sớm mắt để trên trán phi xe va vào khối người. Bà Thông dính xe hàng thịt quên đồ nghề giết lợn quay về hộc tốc xốc gan làm bà hi sinh tại chỗ. Bà Ngọ dính xe hàng bún chợ muộn phóng vội ngã gẫy tay. Vợ chồng nhà Nở khoác tay nhau bách bộ dính xe hàng cá tươi khiến cả hai cùng gãy chân một lúc. Bà Tình chả dỗi hơi đi hóng đi hớt chờ xe tông như thế. Bà cũng đi nhưng là đi ra ruộng, tay cầm đèn báo hiệu tôi đang đi đây. Bà không dưỡng sinh bằng túm năm tụm ba mà dưỡng sinh bằng lao động một mình. Nửa thôi cuốc ruộng bằng

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Thơ Mai Anh

                                           
                                           Nguyễn Mai Anh
                                              (Ảnh Quang Đại)




Thơ Nguyễn Thị Mai Anh


Bút danh Thi Nguyên
Năm sinh: 1971
Nhà thơ, họa sĩ
Giải thưởng thơ Tạp chí Côn Sơn
Có tranh treo Triển lãm Đồng bằng sông Hồng
Nhóm bút sông Lục trân trọng giới thiệu chùm thơ  rút trong tập "Vũ khúc của lửa", NXB Hội Nhà văn, 2005 của chị.



Bên tượng nhà thơ

Bên tượng đài
 Chúng ta nói với nhau bằng giọng đang thay đổi chính mình
Lòng khâm phục lẳng lặng viền dưới bệ
Qua hai lần sáng tạo trán nhà thơ hướng mặt trời mọc
Linh hồn nhà thơ tìm về âm tiết thơm.

Sức sống viết dưới da cuộc sống một thông điệp sít sao
Sẽ mai táng những ngôn từ chết yểu.
Vật liệu xây dựng được chở qua pháp trường ngôn ngữ
Còn nguyên dư vị vĩnh hằng.
trên con đường ngoằn ngoèo chạy ngược từ cái chết đến sự sống
Đôi chân nhà thơ được tự do
Nỗi đau chỉ còn là món tiền chuộc nhỏ
Cuộc sống phi thường dẫn đường cho cái chết bi ca.

Thượng nguồn thơ là đời thường chảy xuôi miền khát vọng
Lòng người còn chịu được hơn những cơn đau
Cái chết qua gương tạo hóa già đi trông thấy
Chúng ta ở đây để cụ thể hóa những gì không phải là vĩnh cửu.
Song sức sống bất diệt vốn rất trí tuệ
Thức trong chúng ta canh một cái chết phàm trần.

GỐM THI NGUYÊN



GỐM THI NGUYÊN












Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

THƠ TÙNG BÁCH


Nhà thơ Tùng Bách
Ký họa của Quang Đại 

THƠ
 TÙNG BÁCH




NHÀ THƠ TÙNG BÁCH
Tên khai sinh : Lê Tùng Bách
Bản quán : Làng Đông , xóm Kim Sơn xã Sơn Bằng, Hương Sơn, Hà Tĩnh
Hội viên Hội nhà văn Việt nam
Hội viên Hội nhà báo Việt nam
Hội viên Hội văn nghệ Dân gian Việt nam



Cái hấp dẫn đầu tiên của VHNT nói chung cũng như thơ nói riêng là phải lạ. Chính lạ đã là hay rồi. Người ta có thể làm đủ mọi cách. Nào ý tưởng lớn lao. Tứ nọ, tứ kia... Nhưng không lạ thì người ta ít để mắt tới. Theo tôi, tiêu chuẩn đầu tiên của một tác phẩm phải là lạ.
Thơ Tùng Bách rất lạ. Đó là cái chất nửa bút tre nửa ngông rượu. Ấy là tôi nói loáng thoáng cho vui vậy. 
Hiện Tùng Bách đang sống ở Vũng Tàu. 
Mời bạn đọc ba bài thơ của “ Thi sĩ rượu”  quê đất Hà Tĩnh này.
                                                 
                                                                  SÔNG LỤC



Uống rượu với TRẠNG QUỲNH

Ai   rằng: Trạng Quỳnh đã chết
Tôi vừa gặp Trạng đêm qua
Trên chuyến tàu nhanh Nam-Bắc
Trạng đầu toa - Tôi   cuối toa

Mon men tôi đến bên Trạng
Cụ phải cụ Quỳnh không à ?
Trạng cười đưa tay dụi mắt
Phải rôì! sao chú biết ta?

- Nào ngồi  xuống đây nhắp tý
Thứ nước lã nào có ga
Cứ phải cay cay cổ họng
Thi phú gì gì...mới ra

- Dạ! Xin mừng sức khoẻ cụ
Mấy  vần  con đọc cụ nghe
Trạng gục gặc đầu…được lắm
Thi tứ rất là ... Bút Tre !


Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

LÕ HAY NÕ? Phạm Thuận thành

LÕ HAY NÕ?






NGỌNG HAY KHÔNG NGỌNG
  
                             
                            Phạm Thuận Thành





        Mới đây nhà văn Quang Đại ở Lục Nam (Bắc Giang) viết xong truyện ngắn Lam Điểu, trong đó dùng từ “lõ điếu” nên đã có cuộc thảo luận xảy ra về việc viết “nõ điếu” hay “lõ điếu” mới đúng chính tả.
       Nhà thơ Duy Phi dẫn cả Từ điển tiếng Việt để khẳng định viết “nõ điếu” mới là đúng. Nhưng nhà văn Quang Đại vẫn kiên quyết viết “lõ điếu” vì cách phát âm ở Bắc Giang như vậy. Nhà văn Quang Đại còn dẫn ra nhiều từ nói sai từ điển nhưng cả nước cùng nói sai lại thành đúng, như từ “sum suê” và “xum xuê” hay từ “khoái trí” và “khoái chí” chẳng hạn. Nhân cuộc thảo luận này thử bàn lại vấn đề chính tả tiếng Việt có lẽ bổ ích nhiều điều cho việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt chăng!
   1, Thời kì đầu làm từ điển tiếng Việt ghi bằng con chữ cái Latinh các giáo sĩ phương Tây quan sát cách phát âm của người Việt để ghi lại dạng tự khác hẳn với từ điển hiện nay. Ví dụ ‘tlâu” = “trâu”; “blời” = “lời” (hoặc “trời”)…
   2, Đầu thế kỉ 20 Bác Hồ có chủ trương giản lược hoá một số từ tiếng Việt, như chỉ dùng k không dùng c (kách mệnh) hay dùng z thay gi, d (nhân zân). Tuy nhiên việc tiên phong dùng chữ của Bác Hồ chưa thành công. Mãi gần đây người Việt tự “nói ngọng” mà thành công việc giản lược hoá tiếng Việt dùng d thay cho gi ở nhiều trường hợp.
   3, Việc kí âm ở các vùng miền tất sẽ xảy ra tình trạng phát âm cùng một từ không giống nhau. Vùng đất lõi người Việt ở đồng bằng sông Hồng phát âm không có các từ uốn lưỡi “r”, “tr”, “s” và “n”. Nghĩa là người ta không cần những từ có phụ âm đầu như vậy nhưng vẫn giao tiếp được, không nhầm lẫn. Đó là do có ngữ cảnh của câu nói. Khi đi học dù được nhà trường rèn cách phát âm, kể cả học sinh phát âm chuẩn ở lớp nhưng khi giao tiếp tự nhiên lại phát âm “sai”: r = d; tr = ch; s = x; n = l.
   4, Thời kì đầu các nhà truyền bá chữ quốc ngữ đặt ra một số quy định bất thành văn về cách phát âm để phân biệt từ loại. Ví dụ là động từ hay tính từ thì viết ch, là danh từ thì viết tr, như “che phủ” và “cây tre”; là tính từ thì viết l, là danh từ thì viết n, như “mũi lõ” và “cái nõ điếu” chẳng hạn. Nếu phát âm không đúng (do cách đặt lưỡi) thì bị coi là nói ngọng. Ngọng so với quy định của các vị ấy thôi chứ không ngọng chính tả vì các vị đặt ra quy định nhưng chưa được đưa thành luật để bắt buộc thực hiện.
   5, Thực ra các nhà truyền bá chữ quốc ngữ cũng lúng túng trong việc kí âm từ Hán Việt, một thành phần quan trọng của tiếng Việt. Ví dụ cách phát âm phụ âm zh của tiếng Hán khi chuyển sang tiếng Việt phải dùng tr mới tương ứng. Ví dụ âm “zhi” theo mặt chữ khác nhau nhưng phát âm giống nhau, vậy mà khi chuyển sang âm Hán Việt lại ghi thành hai chữ “tri” (tri thức) và “chi” (chi phái) có cách phát âm khác nhau.
   6, Sách Từ điển tiếng Việt hiện nay có nhiều người làm và đã phát hành. Để chuẩn hoá từ tiếng Việt thì một cuốn từ điển nào đó cần được Quốc hội phê chuẩn mới có tính pháp lí bắt buộc mọi người thực hiện. Lúc đó ta mới có thể căn cứ vào đó để đánh giá việc viết đúng viết sai từ tiếng Việt.
   Cũng cần nói thêm, tiếng Việt cũng như mọi ngôn ngữ khác là sinh ngữ, nó luôn phát triển, bổ sung cả vốn từ vựng lẫn cách hành văn, cốt sao mọi người hiểu được. Tất nhiên cách nói ngắn gọn nhất vẫn là cách dùng từ hợp lí nhất. Ví dụ cái đài thu thanh tiếng Việt vốn không có vật dụng này nên không có từ tương ứng, người ta dùng hai từ “đài thu thanh” và “rađiô” song hành. Cuối cùng từ “đài” ngắn gọn thắng thế. Gần đây có đài thu hình, được dùng từ “vô tuyến truyền hình” thể hiện. Do từ quá dài nên trong đời sống người dân rút lại còn hai chữ “vô tuyến”. Một từ tiếng Anh cũng được dùng song hành là “ti vi” nhưng do đã có từ “vô tuyến truyền hình” rồi nên từ “ti vi” bị tẩy chay, bị coi là lai căng, làm mất sự trong sáng của tiếng Việt. Tuy nhiên, đến nay người dân gần như quên từ “vô tuyến truyền hình”, kể cả từ “vô tuyến”, mà chủ yếu dùng từ “ti vi” ngắn gọn, dễ hiểu.
   Hiện nay chữ tin nhắn điện thoại, chữ mạng intenet đang được giới trẻ dùng rất thoáng, có nhiều cải cách dạng tự của từ tiếng Việt hiện nay (vẫn phát âm như cũ). Giới trẻ không sợ viết sai, viết ngọng. Rồi đây rất có thể đó là một cuộc cải cách tự phát cách viết chữ tiếng Việt.








Phạm Thuận Thành
(Hội viên Hội ngôn ngữ học Việt Nam)
Thường Vũ - An Bình - Thuận Thành - Bắc Ninh
02413.782.355 - 0168.5300.803

Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2012

GIAI PHẨM THƠ Sông Lục 2012








Chọn lọc - Biên tập : Tân Quảng, Đoàn Thị Tảo, Vương Đình Khánh, Quang Đại.



KIM Ô



Tháng ba




Rét gầy bịn rịn chia tay
Nắng non mỏng dính mưa lay phay trời
Vỏ khô cây nứt nảy chồi
Hoa gạo đỏ về một thời hoang sơ
Cái cò lạc cánh bơ vơ
Cây cầu vồng nhỏ đứng chờ cơn mưa
Trâu cày bì bõm ruộng trưa
Hai con sáo tắm bên bờ sông trôi
Ì ầm sấm động xa xôi
Bỗng đâu tiếng ếch vỡ đôi buổi chiều.


Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

TÁC PHẨM MỚI NHẤT- Thơ Tân Quảng





Tân Quảng


DỰ ÁN TREO

Xóm xưa cỏ ngợp ngang người
Kìa khu công  nghiệp nnằm phơi bẽ bàng
Đêm buồn vẳng tiếng mèo hoang
Hoa xoan thảng thốt hồn làng còn vương


CHIỀU LỌT KẼ TAY 




Nghe chiều nắng lọt kẽ tay
Mùa thu đánh đổ heo may xuống đồng
Tình giờ đã cạn như sông
Đất âm thầm giấu nỗi lòng vào cây

Cầm thu hư ảo hương bay
Ngu ngơ bện tuổi làm dây buộc thuyền
Hồn giờ đắng rượu chát men
Vịn vào trượt ngã vực lên bóng mình

Người ơi duyên phận tròng trành
Xin đừng vẽ gió cho thành cơn giông
Mùa đi trên nhánh sầu đông
Nhặt đôi trái rụng về trồng chiêm bao.

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

LÕ HAY NÕ?


LÕ  HAY  NÕ?


Ý kiến nhà văn Duy Phi:


Theo Từ điển tiếng Việt
: thò ra, mũi lõ...
: có phần thò phần thụt sâu vào, khuất bên trong, rút ra đóng vào
được, quả mít chín tụt nõ, nõ điếu
hai chữ đó không dùng chung l,n
nên thận trọng...
Chúc vui... 




Tác giả Quang Đại vừa chuyến đến thư của nhà văn Mai Phương (Hội VHNT Băc giang) gửi cá nhân tác giả. Toàn văn như sau: 


        Chào anh Quang Đại
       Em đã đọc trang Sông Lục rồi. Theo em hiểu và lâu nay thấy cách dùng trong các cuốn  từ điển hay dân gian người ta gọi là "nõ điếu". Em đồng tình với quan điểm bác DUY PHI. Xét ra thì đúng là  là danh từ.  chỉ một vật gì đó đóng ở giữa, ví như " nõ cối xay", "mít chín tụt nõ" , "nõ điếu" còn  dùng để chỉ tính chất. Ví như người dân hay nói  "lão ấy kiệt lõ đít", hay"mũi lõ".
      Chúc anh vui

Tác giả Quang Đại có vài lời gửi đến nhà văn Duy Phi:

          Bác Duy Phi kính mến!
          Ở trên em có nhầm khi trao đổi cùng bác( Nhầm chứ không cố ý đâu)!  Vì cứ say máu tranh luận nên quên! Thành thực xin lỗi bác!  Nhưng theo em giả như trước đó người ta có thể quy ước ngược lại vẫn được chứ?  Nhưng cái ý cứ thò ra thì gọi là  lõ có lẽ cũng cần xem lại. Ví như tai cũng thò ra khỏi đầu như mũi lại không gọi thò lõ? Còn ở quê em gọi là ngõng cối xay chứ không thấy ai gọi là nõ cối cả. Cũng như ngõng cối đá.  
       Còn ý bác về việc  Nõ và Lõ vốn là một biến thể. Khi chưa có một bản luật tiếng Việt thì vẫn có thể dùng? hay nghư ý kiến Phạm Thuận Thành thì bác nghĩ sao?

SÔNG LỤC  mong có nhiều ý kiến trao đi , đổi lại về vấn đề này. Tác giả Quang Đại cho rằng lõ và nõ vốn là một biến thể của nhau. Nghĩa là có cùng nguồn gốc. Do đó có thể dùng như nhau. Nhưng nếu như phân tích của nhà ngôn ngữ Phạm Thuận thành thì lại nảy sinh thêm vấn đề người đi trước đã quy ước thì không lẽ người đi sau cứ chấp nhận cho dù thấy nó không hợp lý hay sao? 


Thứ Tư, 2 tháng 5, 2012

NÕ HAY LÕ - Phạm Thuận Thành



Ý KIẾN CỦA NHÀ VĂN PHẠM THUẬN THÀNH VỀ 
LÕ HAY NÕ



Tôi đã đọc bài tranh luận rồi.
Hôm trước tôi không góp ý mà chỉ viết lại chữ nõ thôi. Nay tôi có ý kiến riêng.


1, Hiện nay do người Việt nói tiếng Việt không chuẩn (một phần do không có một uỷ ban ngôn ngữ của quốc hội có đủ tính pháp lí để thống nhất) nên tất cả sai thành đúng, như các từ chí - trí, sum suê - xum xuê, ô sin...


2, Riêng người Kinh Bắc lại ngọng n - l nên khó phân biệt, còn người Thanh Hoá lại ngọng dấu hỏi - ngã cũng vậy.


3, Tôi không tra từ điển nhưng các nhà làm từ diển tiếng Việt từ thời Alecxan de Rot đến Huỳnh Tịnh Của...thời chữ quốc ngữ đang được phổ biến đã khảo sát và quy định riêng từ danh từ và từ tính từ đồng âm rồi. Như Quang Đại đã đề cập. Một vật thò ra khỏi sự khuôn thẳng của vật chính thì có thể thêm từ lõ để nhấn mạnh sự thò ấy, nhưng phải có từ chủ như thò lõ, cặc lõ chẳng hạn. Lúc này nó là tính từ bổ nghĩa cho danh từ hoặc động từ. Nhưng khi biến thành danh từ chỉ vật thò ra lại dùng nõ.Cái nõ điếu chẳng hạn.


   


Tóm lại, đó là sự lỏng lẻo của tiếng Việt, sự bùng bình của tiếng Việt mà không thể nhất thống được do thiếu sự chuẩn hoá mang tính quốc gia (có luật hẳn hoi). Tôi đã tham gia thảo luận ở Hội ngôn ngữ rồi. Ví như lấy văn bản của Bộ giáo dục làm chuẩn cho cả nước là sai vì bộ chỉ có quyền trong bộ không bắt trên theo hoặc bộ khác theo được.




Nhưng ý kiến của Quang Đại không phải là bảo thủ mà là chưa tường cách tạo từ và quy ước của người đi trước đã được người Việt chấp nhận mà thôi.


Nếu Quang Đại cứ dùng lõ điếu mà cả nước chấp nhận thì đó là công làm phong phú ngôn ngữ Việt của cá nhân nhà văn Quang Đại.


Tuỳ tác giả.
              
       Phạm Thuận Thành


Cảm ơn nhà văn Phạm Thuận Thành( Hội viên hội Ngôn ngữ học Việt Nam) đã cho ý kiến đầu tiên. Nếu bạn đọc khác có ý kiến xin gửi về. Xin trân trọng cảm ơn!
NBSL