Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Thư ngỏ gửi anh Trịnh Long Biên

Thư ngỏ gửi anh Trịnh Long Biên!

    Bút ký của Quang Đại

Họa sĩ Quang Đại

  Anh Trịnh Long Biên kính mến!

Bức thư ngỏ này đáng lẽ ra phải là: “Thư ngỏ gửi ông Trịnh Long Biên, uỷ viên trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Điện Biên”. Thế nhưng, anh Trịnh Long Biên ơi! Xin phép cho em được dùng cách gọi thân mật, tình cảm truyền thống, phù hợp theo lứa tuổi của người Việt Nam mình. Bởi em biết anh hơn em vài  tuổi, chúng ta là người cùng một quê ở xã Đan Hội, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Bố anh (Ông Trịnh Văn Phiên) và bố em(Ông Nguyễn Văn Quảng) vốn là hai người bạn chiến đấu thân thiết, vào sinh ra tử, sống chết có nhau từ trước Cách mạng tháng Tám và trong những năm kháng chiến chống Pháp ác liệt, gian lao. Tình bạn của hai ông đã bị chia lìa  một cách thật xót đau bằng cái chết của bố anh… cái chết mà mỗi khi nhắc lại, trong  bố em như có cục nghẹn. Ông vẫn thường ứa nước mắt, ngậm ngùi nói ngắt ra từng tiếng , bảo rằng đó là: cái– chết- chưa - được- đặt-tên.
 Có lẽ anh sẽ chẳng thể ngờ,mặc dù chưa gặp, không biết mặt anh, vậy mà từ lâu, rất lâu rồi trong lòng em vẫn ấp cứ ủ sẵn những câu hỏi để dành riêng cho anh, nhất định phải hỏi anh! Bao câu hỏi ấy lúc nào cũng cứ canh cánh trong lòng em, nhức buốt, nhói đau trong trái tim em, những câu hỏi đẫm nước mắt…


Đôi khi em nghĩ, những câu hỏi mà mình định hỏi anh Trịnh Long Biên thì không chừng anh ấy đã tự hỏi chính mình từ lâu lắm rồi…
Có thể anh đã từng im lặng với câu hỏi trong lòng mình! Song nếu cũng chính những câu hỏi đó mà người khác đem ra hỏi thì anh nghĩ sao? Nhất là khi người hỏi lại là đứa em cùng quê. Anh sẽ trả lời em chứ? Em sẽ nhận được những câu trả lời cũng bằng nước mắt? Hay những câu trả lời thắt gan, thắt ruột? Chứ không thể là sự lặng im… bởi anh còn lặng im cho đến bao giờ nữa?
Em đã phải đắn đo thật nhiều.
 Bao câu hỏi mà em định hỏi anh không hề bình thường, nó đó được bắt nguồn từ hơn nửa thế kỷ nay, nó vòng vèo đi qua bao uẩn khúc của thời gian. Đây là những câu hỏi đầy đụng chạm, va đập và không hề dễ chịu với cả người hỏi lẫn người trả lời, một câu hỏi mà em  uốn  mỏi cả lưỡi mấy chục năm trời mà chưa thốt ra được…
 Em muốn bắt đầu câu hỏi của mình bằng một chuyến cùng anh lội ngược tháng năm, không phải bằng cỗ máy thời gian của các nhà khoa học viễn tưởng chế tác ra, mà là qua những câu chuyện kể của bố em  và các bậc cao niên ở quê hương Đan Hội thân yêu của chúng ta.
 Bố em thì đã đi gặp bố anh từ lâu rồi , chỉ  bao điều ông kể  là găm mãi vào đầu em thôi. Nhưng ở quê ta đến nay vẫn còn có nhiều cụ già ở vào tuổi cha chú anh em mình, đang còn sống, đã từng chứng kiến bao đổi thay, mất mát và những nỗi mừng vui, đau khổ, ngọt bùi, cay đắng trên quê hương suốt gần thế kỷ nay. Các cụ sẵn sàng tự nguyện thay cỗ máy thời gian cho anh em mình cưỡi lên mà trở về quá khứ. Tuy nhiên, những “cỗ máy” này đều đó quá tuổi “xưa nay hiếm” rồi, nên  vấn đề trục trặc của sự nhớ quên là không sao tránh nổi…   
 Đội du kích xã Đan Hội được thành lập trước Cách mạng tháng Tám, được ông Phương Minh Nam đưa sang chùa La dự một lớp tập huấn quân sự đặc biệt vào đầu năm 1945. Bác Nguyễn Văn Chiếu, hiện đang sống ở thôn Triền, xã Đan Hội, được cử làm đội trưởng. Trở về, cả đội đó xung phong đi đầu, cầm súng kíp, dao găm, mã tấu thậm chí là gậy gộc, dẫn bà con quê hương đi phá kho thóc của Nhật, cướp chính quyền tại địa phương.
 Khi chính quyền về tay nhân dân thì chính những người trong đội du kích lại được tổ chức phân công đảm nhiệm những cương vị chủ chốt. Đội du kích của xã ngày càng lớn mạnh, họ là những người đứng mũi chịu sào, nhận bao gian lao, vất vả, hiểm nguy, gánh vác mọi công việc “thượng vàng hạ cám” để xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ. Đồng thời, họ cũng chuẩn bị sắn sàng để đương đầu với bọn xâm lược Pháp đang lăm le cướp lại nước ta.  Bố em, bố anh cùng các đồng chí, đồng đội của mình đã sát cánh bên nhau  từ những ngày đầu tiên ấy.
  Vào cuối năm 1946 đầu năm 1947, Hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ Tịch, nhằm chống lại cuộc tấn công của giặc Pháp bằng đường thuỷ, một con kè tre được dựng lên, chắn ngang sông Lục Nam ở đoạn Chợ Sa, thuộc làng Vườn, xã Đan Hội. Đây là một công trình phòng thủ quân sự độc đáo, có một không hai, xưa nay chưa hề thấy nói đến ở đâu, kể cả ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Con kè tre này chủ yếu do du kích ở các xã cuối dòng sông Lục Nam mà đội du kích xã Đan Hội, người bản địa làm nòng cốt, đóng góp nhiều nhất, quan trọng nhất xây dựng nên. Người ta đã huy động nhân dân các xã hai bên bờ sông Lục Nam chặt hàng triệu cây tre, đóng bè xuôi về Chợ Sa. Sau đó, tre được gom lại thành một bó thật lớn, đường kính có thể tới trăm mét, nối từ bờ bên này sang bờ bên kia với chiều dài hơn nửa cây số. Bên ngoài bó tre to “tổ bố” đó được quấn rất nhiều xích sắt, bên trong có mấy chục sợi dây cáp lớn bằng thép được căng níu vào những cột gỗ chôn thật chắc ở hai bờ. Sau đó, hàng trăm người đứng làm dây chuyền, chuyển đá xuống  chất đầy gần chục chiếc thuyền đinh có trọng tải lớn, đánh chìm xuống đáy sông, buộc dây xích sắt cực lớn nối xuống đó để cố định con kè.
Công việc dựng kè tre kéo dài mấy tháng trời. Bố anh, bố em lúc ấy đang vào thời tuổi trẻ, đã cùng với các bạn trang lứa nô nức rủ nhau tham gia. Hầu hết họ đều là con nhà nghèo nhưng giàu lòng yêu nước, tự nguyện đem cơm nắm, cá mắm, mắm tôm trộn nhiều muối nướng lên, xác cua muối, thậm chí chỉ là khoai sắn luộc của nhà mình đem đi ăn rồi làm công việc kháng chiến. Lúc ấy lại vào cữ cuối năm, gió bấc căm căm mà những người du kích phải ngâm mình dưới nước hay phơi thân trong giá buốt để chuyển đá xuống thuyền đinh, đào hố chôn cột… Họ đều không có áo ấm, chỉ có manh áo nâu rách hở da hở thịt, rét thâm tím mình mẩy. Mọi người làm việc tới khuya rồi ngủ ngay bên bờ sông, không giường chiếu, chăn màn, bố anh và bố em ôm nhau, trùm rơm lên mà ngủ. Gian khổ là vậy nhưng khí thế cách mạng lại vô cùng sôi nổi, hào hứng.
Kè tre sông Lục đó thành biểu tượng về lòng yêu nước của những người du kích  trên quê hương ta. Giặc Pháp nhiều lần hùng hổ tấn công lên bằng ca-nô, vướng phải con kè phải dừng lại. Chúng nó vô cùng tức tối, lồng lộn nhưng không làm thế nào phá được. Cả lũ đành hậm hực rút lui, trở về sào huyệt ở Phả Lại. Cánh quân bộ của chúng tiến đến thị trấn Lục Nam vì không kết hợp được với quân thuỷ cũng phải lui binh. Con kè tre đã làm chậm một năm bước tiến của giặc Pháp. Sau này, do bọn phản động báo cho chúng biết chi tiết kết cấu của con kè nên công binh của chúng đã nghĩ ra được cách phá. Quân Pháp đưa lên mấy chiếc tàu phá mìn có lưỡi húc thật khoẻ, cùng với ca nô vũ trang hộ tống đến gần. Chúng nó bắn đại bác, cho nổ một khối thuốc nổ lớn khiến cho những cây tre bị xé tơi ra, bắn tung lên trời rồi văng đi xa hàng nửa cây số. Cả một vùng chợ Sa tràn ngập xác tre tơi tả, những sợi cáp hay xích sắt nào mà còn thì lại bị lưỡi thép của tàu phá mìn húc đứt, con kè tre bị phá huỷ hoàn toàn. Quân giặc ào qua, chiếm cứ vùng chợ Sa và toàn xã Đan Hội.
Thế là từ đây, những ngày máu lửa bắt đầu. Cuộc chiến đấu giữ làng, giữ đất nổ ra quyết liệt nhưng không cân xứng giữa một bên là bọn đế quốc Pháp với lực lượng đông, vũ khí hiện đại, có xe cơ giới yểm hộ, với một bên là đội du kích xã Đan Hội chỉ có vài cây súng thô sơ, cũ kỹ, còn lại chủ yếu toàn dao găm, mã tấu. Kết quả là xã Đan Hội bị giặc chiếm, đội du kích cùng những người cách mạng phải đi ra chiến khu. Nhưng đêm đêm, họ vẫn thay nhau thường xuyên về quê hoạt động, bí mật trừng trị bọn đế quốc và tay sai, quấy rối trong lòng địch.
 Đội du kích xã Đan Hội trong đó có bác Chiếu, bố anh, bố em và nhiều đồng đội khác đã trở thành những người bạn chiến đấu thân thiết, họ đã cùng  lăn lộn trong máu lửa. Hồi ấy, bọn giặc trên bốt chợ Sa đã từng rao giá đầu “ thằng Phiên” (Bố anh), đầu “thằng Quảng”(Bố em) với giá cao ngất ngưởng. Bọn phản động ở làng Húi và làng Triệu suốt đêm ngày lùng sục hai ông. Chúng nó không từ một thủ đoạn nào để tìm cách giết bằng được “ hai thằng đầu sỏ du kích”…
Bố em kể rằng, vào đêm 28/4/1950, một số đội viên du kích, đều là đảng viên kiên trung của xã Đan Hội do bác Nguyễn Văn Hãnh, chi uỷ viên, xã đội phó du kích, chỉ huy, đã từ chiến khu bí mật đột nhập về quê nhà với dự định đưa hết số thanh niên còn lại ra chiến khu, chống lại chiến lược “ Dùng người Việt trị người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”của giặc Pháp. Bác Phiên cùng một số đồng đội khác được phân công về hai làng Triệu, Bưởi. Bác Hánh và bố em cùng một số đồng đội nữa thì vào làng Húi.
 Chuyến đi này bị lộ do có phản động chỉ điểm. Bác Hãnh bị địch bắt ngay tại một nhà ở xóm Đoài. Bố em chạy vào xóm Đình, bị bọn lính Com măng đô phát hiện ra và đuổi theo.Chúng nã đạn tới tấp. Thằng Tư Trụ, xếp bốt Chợ Sa, hô hoán om sòm: “ Bắt lấy thằng Quảng, nó chạy vào vào phía sau đình. Bắt lấy, đừng để nó chạy thoát, chúng mày đâu, vây kín vào!”. Cả xóm Đình bị náo động. Bố em  đánh lièu ấy chui lên gác bếp một nhà trong xóm lúc ấy đang đỏ lửa,  ngùn ngụt khói. Ông nằm im trên đó, lập sẵn phương án chiến đấu chống trả kẻ thù và không quên chuẩn bị một quả tạc đạn nổ tức thì để sẵn sàng chết chung với bọn chúng. Quân địch đã vào cả căn bếp đó, lục lọi khắp các xó xỉnh, cả nhà lò (nhà buồng) nhưng không thấy gì. Chúng xỉa lưỡi lê tới tấp vào đống rơm, quẳng cả tạc đạn xuống giếng… nhưng chúng nó không để ý đến cái gác bếp mà bố em nấp trên đó. Thế là bố em thoát .
Bác Phiên, bố anh, thì thật may được người dân báo cho biết ngay khi về tới đầu làng Triệu. Thế nhưng, ông vẫn bị bọn địch đuổi theo suốt cả đêm.Chúng đã nã hàng ngàn phát đạn về phía tiếng chân của bác. Phải đến mói gần sáng, khi phải chạy cật lực, sắp đứt hơi, bác Phiên mới dứt được cái đuôi lửa của kẻ thù. Bác Chiếu kể, sau cú chạy này, chân bác Phiên đã gần như bị rệt. Chính bác Chiếu đã nướng lá náng, bóp cho bạn ba bốn ngày mới đỡ.
Vậy là đợt đột nhập về quê của đội du kích bị lộ, nhưng phần lớn đều thoát được, chỉ có bác Hãnh là bị địch bắt. Chúng nó đó đánh đập, tra tấn bác Hãnh rất dã man. Thằng Hạch, vốn là người làng Húi, bạn nối khố, cùng chăn trâu cỏ, sau này đã từng là đồng chí, đồng đội với bố em và bác Hãnh. Nhưng nó phản bội cách mạng để đi theo giặc, đã từng trở về giết chết cả nhà bố mẹ nuôi, những người đào hầm dấu nó, cưu mang, nuôi nấng, che trở nó ở xã Yên Sơn khi nó còn ở hàng ngũ cách mạng. Lúc ấy, Hạch đang làm xếp bốt  dụ dỗ. Bác Hãnh đã nhổ nước bọt vào mặt nó và chửi rủa, bảo thằng Hạch là quân phản bội, bán nước cầu vinh. Thằng phản động đó điên tiết dùng báng súng táng túi bụi vào đầu bác Hãnh khiến bỏc ấy bị ngất đi. Tỉnh dậy, bác Hãnh lại chửi quân cướp nước và bán nước. Chúng càng đánh thì bác càng chửi to hơn.
 Ngày hôm sau, theo “ sáng kiến” của chính thằng Hạch, bọn Pháp và phản động đem bác Hãnh ra chợ Sa để hành hình người Cộng sản giữa phiên chợ đông, nhằm uy hiếp tinh thần nhân dân cả mấy xã trong vùng. Chúng trói tay, trói chân bác Hãnh rồi luồn cây, khiêng bác lũng lẵng ra chợ. Dọc đường đi, bác Hãnh không lúc nào ngừng chửi rủa bọn chúng và hô hào bà con đừng sợ giặc mà hãy một lòng tin tưởng vào cách mạng và Cụ Hồ. Cứ mỗi câu bác chửi hay hô hào đồng bào là thằng Tư Trụ, xếp bốt Chợ Sa lại đâm một mũi dao nhíp vào người bác. Khi chúng khiêng bác đến Chợ Sa thì không còn một chỗ nào trên người không có lốt dao nhíp. Máu túa ra, nhuộm toàn cơ thể một màu đỏ tươi, trông như là bức tượng vừa mới tô sơn đỏ. Máu bác chảy tong tong khắp đường Đan Hội. Vậy mà bác vẫn chửi giặc. Chúng điên lên, chặt một tay, rồi hai tay, bác vẫn chửi không thôi. Chúng tiếp tục chặt cả hai chân, nhưng bác vẫn chửi quân bán nước. Sau đó thì bác hô:
- Hồ Chủ Tịch muôn năm!
- Đảng cộng sản…
Bác Hãnh đã không hô nốt được câu khẩu hiệu “Đảng cộng sản Đông Dương muôn năm” vì bọn giặc đã chặt đứt đầu bác, cái đầu lâu người du kích cộng sản văng ra giữa chợ, thân hình bác bị chặt làm sáu phần vào đúng 10 giờ trưa ngày 29 tháng 4 năm 1950.
Chính  hôm ấy, cũng đúng vào lúc ấy, bố anh và bố em đang ở trên ngọn một cây dã gần ngay chợ, mặc dù chân bác Phiên sưng bị tấy nhưng vẫn dùng tay, đầu gối và nhờ bố em đỡ để trèo lên. Hai ông đã nhìn thấy tất cả, chứng kiến tất cả cảnh đồng chí mình hy sinh. Hai ông đã phải cắn môi bật máu…nước mắt chắt cả vào trong tim. Khi tụt xuống gốc cây dã, hai ông ôm nhau chết lặng, vết răng người này hằn trên vai người kia. Hai ông đã định liều mình, sẵn sàng trả thù cho bạn ngay lúc ấy, dù có phải hy sinh. Nhưng tổ chức đã không cho phép. Cũng chính đêm hôm ấy, bố em cõng bố anh đi qua hướng Đèo Trê để về căn cứ…
Anh Trịnh Long Biên ơi!
 Bố anh không còn để mà kể cho anh nghe những câu chuyện của đời ông, nhưng bố em thì đã kể cho em nghe nhiều chuyện về bác Phiên. Sau khi bác Hãnh hy sinh, bác Phiên như người say máu kẻ thù, ngày nào cũng như ngày nào, dường như không ăn không ngủ, luôn đi tìm và nghĩ ra đủ cách để giết giặc, trả thù cho đồng chí của mình. Có lần, chỉ hai ông bố của chúng ta đã dám  phục kích trên đường 17, chặn đánh cả trung đội địch, tiêu diệt hai xe chở lính và mấy chục thằng Tây. Hai ông còn rủ nhau gài mìni trên đường, làm nổ tung mấy xe cơ giới của giặc Pháp, khiến chúng vô cùng cay cú nhưng không làm gì được. Chúng bèn trả thù bằng cách cho giải ông nội em và cha mẹ của nhiều du kích khác lên đồn, bắt mỗi người hàng ngày phải kéo lê một bó rào tre trên quốc lộ 17 vài lượt vào sáng sớm trước khi chúng hành quân, để nếu có mìn thì những người cha mẹ du kích sẽ bị tan xác …
Thế rồi, những năm tháng ác liệt đã qua đi. Hoà bình lập lại năm 1954 với cờ hoa ngợp trời và niềm vui bất tận của mọi người dân trên quê hương. Đặc biệt là những người du kích, những người cộng sản; Bố anh và bố em lại một lần nữa ôm nhau mà nhảy cẫng lên vì sung sướng. Bố anh giữ chức bí thư chi bộ Đảng xã Đan Hội. Bố em là uỷ viên thư ký của uỷ ban hành chính xã. Bác Hiệu làm chủ tịch xã, bác Chiếu làm bí thư Đảng Đoàn (tương đương như chủ tịch mặt trận Tổ Quốc bây giờ ). Tất cả những  chức vụ quan trọng khác của Đảng và chính quyền xã Đan Hội đều do những chiến sĩ trong đội du kích nắm giữ. Họ hồ hởi bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh và lãnh đạo nhân dân địa phương xây dựng cuộc sống mới trong niềm tự hào của người chiến thắng.
Cuộc Cải cách ruộng đất đã nổ ra một năm sau đó, đem về ruộng đất cho người nông dân. Cái được thật lớn lao, bởi hàng triệu người nông dân Việt Nam vào thời ấy không có lấy một thước đất cắm dùi, phải làm thuê, làm mướn cho địa chủ, nay vì Cải cách nên mọi người đều có ruộng. Có người nông dân đã choàng tay ôm lấy đất mà hôn hít, ngoạm đất mà ăn ngon lành như ăn kẹo bánh…Cuộc Cải cách đã làm đổi đời cho hàng chục triệu người nông dân.
Thế nhưng, cuộc Cải cách ấy cũng đã mắc phải những sai lầm vô cùng đau xót, để lại những nỗi ám ảnh không bao giờ nguôi với những ai từng chứng kiến. Với em thì hồi đó còn thơ dại chưa biết gì, nhưng chỉ nghe kể lại thôi mà em cũng khiến em trăn trở mãi...
Cái thời “ nhất Đội nhì giời” ấy đã đem lại bao nỗi kinh hoàng, sững sờ, bao bi hài kịch điển hình về sự ngu dốt tệ hại và quái gở của một số cán bộ làm công tác Cải cách ruộng đất ở các làng xóm thuộc xã Đan Hội quê mình. Các cụ kể rằng, mọi việc làm, lời nói của Đội cải cách đều không có suy xét và kiểm chứng đúng sai. Họ nghĩ gì làm nấy một cách tuỳ tiện và bừa bãi. Việc bắt người, bắn người thì họ chỉ căn cứ vào một hai lời khai,  chưa biết rõ đúng hay sai, động cơ người khai thế nào. Những cuộc đấu tố diễn ra liên miên suốt ngày nọ sang ngày kia trong các làng xóm. Đội cải cách chỉ dẫn và ép buộc mọi người đấu tố hoàn toàn theo ý họ. Vì thế mới nảy sinh chuyện con tố cha, vợ tố chồng, họ hàng thân thích tố lẫn nhau mà phần nhiều những lời đó lại là do Đội cải cách bịa đặt, mớm cho.  Công việc sản xuất thì nhiều khi Đội cải cách sui dại nông dân. Ai đời họ bảo, nông dân ít đất, nên đắp những cái ụ thật cao, trồng khoai lang xung quanh từ dưới lên trên vừa không tốn diện tích lại nhiều củ. Kết quả nông dân thu về toàn rễ khoai. Đội Cải cách còn bảo nông dân trộn gạo vào cám cho chó ăn, chó sẽ ỉa ra gạo cho gà ăn, và thế là chỉ một lần mà chăn được cả chó lẫn gà. Mặc dù khẩu hiệu “ Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” từng được cho là sai lầm trước đó, nhưng tinh thần của nó vẫn còn vương vất trong cải cách ruộng đất. Đội Cải cách bảo, nông dân tính thuế nông nghiệp bằng sỏi nên cần gì chữ, bọn nhiều chữ là bọn trí thức tiểu tư sản. Ông Nguyễn Hồng Vân là thầy giáo, người làng Húi đã bị Đội cải cách bắt trói chỉ tại vì đã nói một câu… đúng khoa học. Chẳng là, khi thấy mọi người giã quả trám cả hột cứng như đá thành một hỗn hợp thịt quả và vụn hạt đem kho nấu làm thức ăn, ông giáo Vân thấy thế liền khuyên bà con không nên ăn như vậy mà bị đau dạ dày. Thế là, Đội cải cách bảo ông là phần tử trí thức, tiểu tư sản, luôn nghĩ đến ăn ngon mặc đẹp, định xui dại , làm hại phẩm chất tốt đẹp của giai cấp nông dân. Chỉ có thế thôi mà ông giáo bị bắt trói rồi tống vào nhà giam.
 Người chết vì Cải cách ruộng đất đầu tiên là ông Bá Lung ở thôn Húi, một nhà tương đối khá giả, từng làm bá hộ. Ông từng là chủ tịch Hội cấp dưỡng địa phương quân, toàn bộ gia tài  đã đem hiến cho kháng chiến, cho đến bây giờ, con cháu ông vẫn còn giữ  lại được tờ phiếu chứng nhận tài sản ủng hộ cách mạng do ông Nguyễn Văn Phúc, phó chủ tịch tỉnh Hải Dương ký tên và đóng dấu,( Đan Hội lúc ấy thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương), với nội dung: “  Nguyễn Văn Lung, thôn Húi, xã Đan Hội, địa chủ kháng chiến đã hiến toàn bộ tài sản cho cách mạng. Hiện tại giá trị tài sản còn lại tương đương 14 cân thóc. Ruộng đất, không. trâu bò, không, tiền của, không, vậy mà ông Lung lại là người bị Đội cải cách dự định sẽ đem đấu tố và xử bắn đầu tiên ở xã Đan Hội. Đội cải cách ở làng Húi cùng những cốt cán đó bảo nhau: “ Không bắn thằng Lung còn bắn ai?”. Ông Lung biết điều này qua một người bà con nằm trong hàng ngũ cốt cán. Vào trước hôm bị đem ra đấu tố, ông Lung đã cắt tóc, cạo râu, mặc quần áo mới, đi dép mới, viết di bút cho con cháu, mua một cái sỏ lợn về ăn bữa chiều vui vẻ cùng gia đình. Đêm đến, ông  vẫn với bộ quần áo mới, dép mới, cầm một cái sào lẳng lặng đi về phía con ngòi giữa đồng làng mà không ai hay biết. Ông lội xuống ngòi. Nước đến đầu gối. Ngập ngang  háng rồi đến ngực. Ông lấy cây sào dò và biết chỉ còn bước nữa sẽ ngập túp đầu. Thế là ông dừng lại, cắm cây sào ở chỗ ấy, lấy đôi dép dưới chân rửa sạch, treo lên đầu cây sào. Sau đó ông tự trói chân, trói tay rồi lao mình xuống chỗ nước sâu. Con cháu sau khi xem di bút liền đi thẳng ra ngòi mà vớt xác ông lên, đem về. Đoạn tường thuật vừa rồi là do sau khi con cháu tìm được xác ông Lung thì dân làng đó phỏng đoán ra như thế.
Cái chết của ông Lý Vượng (cũng là người làng Húi) sau đó vừa bi thương, vừa hài hước khiến người ta phải dở khóc dở cười. Ông Vượng vốn làm lý trưởng xã Đan Hội từ trước cách mạng nhưng đã bị Tây cách chức từ lâu do có sự chống đối chúng gì đó. Sau này ông đã bị mù hoàn toàn , không còn trông thấy gì nữa.Vậy mà một hôm, Lý Vượng bị trói trật cánh khuỷu, giải ra sân đình Húi với tội danh cắt dây điện thoại của đội cải cách. Ông Vượng khóc lóc, kêu lên rền rĩ, thảm thiết:
- Lạy các quan cải cách! Oan cho con quá! Con mù không nhìn thấy gì thì làm sao mà cắt được dây điện của các quan ạ! Xin các quan đèn trời soi xét!
- Không mày còn ai!- Đội trưởng Đội cải cách vỗ bàn quát:- Nông dân người ta nói sai cho mày làm gì. Mù nhưng mày vẫn là một tên phong kiến nguy hiểm. Nông dân bảo rằng thấy mày đêm hôm qua chống gậy ra bờ ruộng cắt dây điện thoại của Đội. Điểm chỉ vào bản khai nhận đi, để chúng tao còn đem đi bắn!
Vừa nói, người đội trưởng vừa ra hiệu cho hai cốt cán kéo tay ông Vượng ép ông chỉ điểm vào tờ khai do họ đã viết sẵn. Trong khi ấy, ông già mù không nhìn thấy gì cứ ồ ồ khóc. Họ bắn ông Vượng ngay sau đó. Khi chết, hai hố mắt ông đang nhắm lại mở ra đỏ lòm…
Nhưng, những gì đội cải cách đã làm với chi bộ Đảng và chính quyền cách mạng xã Đan Hội mới thực sự làm cho mọi người vô cùng sửng sốt và kinh hoàng.
 Đội cải cách về xã Đan Hội hôm trước thì hôm sau họ ra một tuyên bố xanh rờn rằng, chi bộ Đảng ở xã Đan Hội là một chi bộ Quốc Dân Đảng. Chính quyền xã Đan Hội là chính quyền của Quốc Dân Đảng. Họ giải tán chi bộ Đảng và chính quyền xã, yêu cầu chủ tịch xã lúc đó là ông Nguyễn Văn Hiệu phải đem con dấu lên nộp cho Đội. Khi chủ tịch Hiệu lên nộp con dấu thì lập tức bị Đội cải cách đe rằng rằng, rất nhiều chủ tịch xã như anh chui vào hàng ngũ để giết hại nông dân đó bị đền tội, anh phải thành thực khai ra tội chống nông dân của anh. Bác Hiệu nói rằng, tôi cũng chính là một  nông dân, là đảng viên Đảng cộng sản chứ không phải Quốc Dân Đảng. Tôi đi chiến đấu để giải phóng cho giai cấp mình, tôi không có tội. Đội cải cách đã  tống giam bác ba ngày ở trong nhà lò nhà ông Bật (làng Húi) . Sau đó, họ cho bác về nhà viết bản tự thú kèm theo lời đe doạ, nếu anh còn ngoan cố, không thành thực khai ra những tội ác của mình với giai cấp nông dân thì sẽ bị tra tấn, bị đấu tố và bị tử hình. Bác Hiệu về nhà với một tâm trạng vừa thất vọng, vừa bất lực, cùng cực, khi biết tin nhiều ông chủ tịch ở các xã bên cạnh người bị nhục hình tra tấn rồi bị bắn, người thì thắt cổ, người thì  đâm đầu xuống sông, xuống giếng  tự tử. Bác còn nghe đồn ở đâu đó, người ta đem vị chủ tịch xã mình  đến một thùng vôi, dùng cuốc bổ vào đầu khiến cho ông chết ngấp ngoải, giãy giụa hàng nửa ngày trời dưới thùng ... Nghĩ số phận mình rồi cũng sẽ thê thảm như vậy nên bác Hiệu đi xin ở đâu đó một cục thuốc phiện thật to rồi nuốt vào bụng để tự kết liễu đời mình…
Ngay sau đó, tất cả các đảng viên kiên trung trong xã Đan Hội đều bị bắt. Có ba Đảng viên bị bắt đi trại lao cải ở trên huyện là các bác Trịnh Văn Phan (anh ruột bác Phiên), Nguyễn Văn Huyên và Nguyễn Văn Chiếu.
 Bác Phan lúc ấy đó 70 tuổi, tham gia hoạt động cách mạng từ thời bóng tối, là bí thư chi bộ đảng đầu tiên ở xã Đan Hội. Ngoài việc bị kết tội là một “đầu sỏ Quốc Dân Đảng”, Bác Phiên còn  bị kết thêm một tội quan trọng nữa, và cũng chính vì tội này mà bác bị đưa đi lao cải, đó là tội tham gia trong bè lũ “nhân văn giai phẩm”. Bác Phan vốn là người có học, giỏi chữ Nho, lại yêu văn thơ và chơi thân với nhà thơ Phan Khôi, một thành viên của nhóm nhóm “Nhân Văn Giai Phẩm”. Ông Phan Khôi đã nhiều lần về làng Triệu thăm viếng và đàm đạo với bác Phan về văn chương, nghệ thuật, điều này thì mọi người trong làng đều biết nên khi đấu tố, có người đã tố ra.  
 Bác Huyên ở làng Húi, một Đảng viên lâu năm, phó chủ tịch uỷ ban xã cũng bị quy là thành phần “Đầu sỏ Quốc Dân Đảng nguy hiểm”. Bác Chiếu ở làng Triền vốn con một địa chủ kháng chiến, gia đình từng là cơ sở của Đảng từ trước cách mạng Tháng Tám, nuôi dưỡng, giúp đỡ  tài chính cho các nhà cách mạng Tiền khởi nghĩa, trong đó những người sau này trở thành cán bộ cao cấp như Phương Minh Nam, Hồ Công Lạng …Lúc ấy,  bác Chiếu bị Đội cải cách quy là thành phần bóc lột, địa chủ cường hào ác bá. Cả ba bác này đều bị đưa ra đấu tố, bị hô khẩu hiệu “ đả đảo” và đều bị kết án 20 năm tù giam vì tội “ chui vào tổ chức để giết hại nông dân”.
Những đảng viên còn lại đều bị giam mỗi người một nơi trong làng Húi. Bố em bị Đội cải cách bắt giam ở chuồng trâu một nhà ở xóm Đình. Ông bị bệnh thương hàn rất nặng mà họ không chạy chữa, cũng không cho người nhà đưa ông về nhà, cứ phải nằm lay lắt ở đó rất lâu.
 Bác Phiên bố anh thì đầu tiên họ cũng nhốt trong nhà lò nhà ông Bật (ở thôn Húi, nơi mà họ đã từng nhốt bác Hiệu). Sau đó, họ giải bác sang giam ở nhà ông Nức cùng thôn. Ở đây, suốt ba bốn ngày họ không cho bác ăn uống gì, khiến bác bị đói khát rất cùng cực. Đói thì còn có thể chịu được , nhưng những cơn khát  hành hạ thì thật khủng khiếp, bác bị mê man bất tỉnh vì khát mà  không được một giọt nước. Khi bác dường như không biết gì nữa, chỉ còn thều thào kêu khát thì một người canh giữ bác đã lấy ở đâu đó một cái gáo dừa vốn để múc nước phân chuồng lợn, hắn đái vào đó rồi đưa vào miệng bác Phiên. Thế là bác Phiên uống lấy, uống để, uống hết mới tỉnh ra và biết đó là nước đái. Nhưng cũng nhờ gáo nước đái khốn nạn ấy mà bác Phiên tỉnh ra, bác nghĩ trong đầu, thôi chết! Đảng của Trường Chinh bị phản bội rồi. Đội cải cách là những thằng phản động, thu nạp toàn hàng ngũ nguỵ binh, lính com măng  đô trước đây vào dân quân du kích, chúng nó thù nên chỉ  muốn cho mình chết, phải trốn ra khỏi nơi này để cùng với các đồng chí trung kiên tước vũ khí của bọn chúng, giành lại chính quyền thôi. Nghĩ vậy, lựa lúc bọn gác lơ là, bác chui lên nóc nhà  mà trốn đi.
Đầu tiên, bác Phiên tìm đến định giải thoát bố em. Nhưng đến nơi thì  mới hay bố em bị thương hàn nặng. Bọn gác biết ông chẳng thể trốn đi  được, nên để mặc ông ở chuồng trâu rồi tất cả đi ngủ ở một chỗ nào đó. Bác Phiên thấy tình trạng bạn mình như vậy thì thất vọng lắm, chỉ còn biết ôm bạn mà khóc một hồi lâu. Tuy nhiên, hai ông cũng đã tâm sự và chuyện trò được với nhau mươi phút, bàn định và cùng nhau lập nên một kế hoạch tước vũ khí của dân quân du kích mà hai ông cho rằng lúc đó đang bị Đội cải cách khống chế. Theo kế hoạch của hai ông vạch ra thì chi bộ Đảng xã Đan Hội phân công đồng chí Khiên, đồng chí Huyên và đồng chí Quảng chịu trách nhiệm chỉ huy tước vũ khí ở làng Húi. Đồng chí Chiếu chỉ huy tước vũ khí ở hai thôn Triền,Vườn. Đồng chí Phiên và đồng chí Phan chịu trách nhiệm tước vũ khí ở làng Triệu và làng Bưởi. Tước được vũ khí xong thì ngay trong đêm nay hoặc ngày hôm sau phải hoàn thành việc bắt trói toàn bộ Đội cải cách, sau đó báo lên trên, nếu bên trên mà cũng bị phản bội thì lập phương án tác chiến riêng, tách Đan Hội ra khỏi hàng ngũ phản động.
Nhưng kế hoạch mang tính chất của một cuộc khởi nghĩa này đã không thành vì khi bác Phiên đến nhà thì bác Chiếu vừa đi khỏi , ngày hôm sau có tin bác Chiếu bị bắt ở Chùa La. Các đồng chí khác được phân công trong kế hoạch thì tất cả đều đã bị bắt giam. Về đến làng Triệu, bác mới hay toàn bộ vũ khí của du kích đều đó bị Đội cải cách thu từ trước. Bác Phan, anh trai bác, cũng vừa bị đưa đi lao cải ở trại giam Kim Chi. Bác phiên vô cùng chán nản và dao động. Đi nghe ngóng dân tình thì thấy khắp nơi, đâu đâu người ta cũng đều nhất nhất nghe theo các “ông bà” Cải cách. Không ai còn coi bí thư chi bộ xã Đan Hội ra gì nữa. Từ người già đến trẻ con đều răm rắp làm theo những gì Đội cải cách bảo. Đi đâu cũng thấy nông dân họp bàn chuẩn bị đấu tố “ thằng Phiên”, “ thằng Quảng”, “ thằng Khiên”. Các đồng chí kiên trung của bác đều bị Đội cải cách kết tội nặng và dường như đều chuẩn bị đem ra bắn. Ngó sang xã khác thì tình hình cũng chẳng hơn gì. Bác Phiên bị khủng hoảng tư tưởng. Tinh thần tuyệt vọng tột đỉnh. Nghĩ rằng,  nếu quay về thể nào cũng bị Đội cải cách bắt giam, rồi lại phải chết khổ, chết nhục, thế là, bác treo cổ tự vẫn ở cầu Lang Quan, một cây cầu tre ở nơi giáp gianh giữa xã Đan Hội và xã Lê Lợi bây giờ.
Anh Trịnh Long Biên ơi! Câu chuyện về cái chết của bố anh chắc là anh đã biết?  Em chẳng hiểu anh đã nghĩ gì về cái chết oan khuất, đau xót và cay đắng của bố mình?
Anh Trịnh Long Biên kính mến!
 Chuyện cải cách ruộng đất kể đến bao giờ mới hết. Nếu ai nghĩ là một ngày nào đó mọi người sẽ quên hẳn đi thì thật là sai lầm. Liệu anh có thể ngờ được không? Cho đến tận bây giờ, nghĩa là đó sau hơn 50 năm, em vẫn nhìn thấy trên bàn thờ tại một gia đình ở quê ta còn đặt ngay bên bài vị người quá cố một đoạn dây thừng mà ngày nào Đội cải cách từng trói người để đem đi bắn. Em biết, con cháu người chết oan làm vậy hoàn toàn không phải để ghi nhớ một mối thù. Vì trong số họ cũng có nhiều người là những đảng viên, nếu không thì cũng là những công dân mang ơn sâu chế độ. Họ chẳng thể nhỏ nhen, cố chấp, hèn hạ mà đi thù một sai lầm. Hay nói một cách khác, không ai lại đi thù chính mình. Thế nhưng cay đắng và oan trái thì không thể quên, đó thật là một điều ngang trái. Cũng phải thừa nhận rằng, cho đến tận bây giờ những mối hiềm khích, ngờ vực, bao mất mát tình cảm do sai lầm của Cải cách ruộng đất tạo nên giữa các gia đình, thậm chí ở nội bộ một gia đình trong thôn xóm sau ngần ấy tháng năm vẫn còn âm ỉ mãi chưa nguôi…
Nếu như không có cuộc sửa sai vào năm 1956 thì chẳng hiểu rồi mọi chuyện sẽ đi đến đâu ? Thật khó mà tưởng tượng nổi tổn thất của Đảng , của chính quyền và nhân dân ta nếu như Cải cách ruộng đất còn tiếp diễn như thế chỉ cần trong vòng một tháng nữa thôi. Bố em và nhiều đồng chí của ông sống được là nhờ có sửa sai. Ngay sau khi có lệnh sửa sai,  ông nội em đã ra chuồng trâu nhà người ta mà đặt bố em vịn vào vai rồi kéo con về nhà mình chẳng khác chi ngày nào cụ kéo bó rào tre trên đường 17… Bệnh thương hàn của bố em lúc ấy đó quá nặng, đã đến hồi “ thập tử nhất sinh”, người nhà lập tức phải đưa xuống bệnh viện Hải Dương cấp cứu, chạy chữa  chỉ với hy vọng “còn nước còn tát”. Nhưng thật may là ông đã khỏi bệnh và nói với ông nội em một câu đùa chua chát:
- Thày ơi! Con thoát chết nhờ mấy con vi trùng thương hàn!
Quả là như vậy! Nếu bố em mà không bị bệnh thương hàn thì có lẽ ông đã bị đem ra bắn rồi. Cuộc sửa sai đó tuyên bố trả lại đảng tịch và phục hồi chức vụ cho tất cả những đảng viên còn sống. Thế nhưng, phần lớn các Đảng viên kiên trung bị oan sai trong xã Đan Hội đều không nhận lại đảng tịch, không chịu ra công tác nữa, bởi họ thấy trong lòng còn chưa nguôi cay đắng, họ cảm thấy mình bị xúc phạm quá nặng nề. Bố em lúc đầu cũng bất mãn, bỏ vào rừng Rìa Ráy nằm một mình, không ai gọi được ông về. Thậm chí, có cán bộ tổ chức huyện vào gọi cũng bị ông văng tục: “ tao đút c.. vào”. Mãi sau này, khi xã Đan Hội trở về Lục Nam, Bắc Giang, ông bí thư huyện uỷ Lục Nam Nguyễn Xuân Tống đã đích thân lội bộ vào rừng động viên  ba bốn lần như kiểu Lưu Bị cầu Gia Cát, bố em mới chịu trở về nhận lại đảng tịch và tham gia công tác. Ông được nhân dân bầu làm chủ tịch xã Đan Hội đầu tiên sau cải cách ruộng đất.
Anh Trịnh Long Biên kính mến!
Cuộc lội ngược tháng năm của anh em mình quả thật là cú những đoạn thật nặng nề. Nhưng biết làm sao được vì đó là sự thật. Khi đã “hạ cánh an toàn” vào thời hiện tại rồi mà trong lòng em vẫn còn ám ảnh mãi không nguôi về số phận lạ lùng mà nghiệt ngã của một đội du kích trong đó có hai người cha của anh em mình. Những trang sử hùng tráng và bi thương đã qua đi, bụi thời gian đã phủ mờ. Đội du kích ngày ấy giờ chỉ vài người còn sống, và sẽ chẳng bao lâu nữa đâu, các cụ lại sẽ họp nhau đầy đủ ở phía bên kia…
Cái chết của bác Hãnh cho đến ngày nay bà con mấy xã trong vùng vẫn còn kể lại. Câu chuyện về người anh hùng được lưu truyền cho bao lớp cháu con. Ai cũng bảo chết như thế thì  thật xứng đáng được tuyên dương là anh hùng. Nhưng danh hiệu ấy, cho đến giờ bác Hãnh vẫn chưa được truy nhận.
Còn cái chết của bác Hiệu, bác Phiên thì rõ ràng là những cái chết oan khuất. Ai ai cũng biết: vì sai lầm của cải cách ruộng đất nên mới dẫn đến những cái chết cay đắng, xót xa này. Thật đáng tiếc, là về mặt “danh chính ngôn thuận” thì những đảng viên Cộng sản bị bắn và chết oan trong Cải cách ruộng đất chưa hề được xác nhận bằng văn bản. Chưa được điều tra cụ thể để có những minh oan và chưa có lời xin lỗi một cách minh bạch. Họ cũng chưa được nhận lại danh hiệu đảng viên. Nhiều người trong đó có công trạng trong kháng chiến mà đến giờ chưa được biểu dương.
Bên cạnh đó còn có những người dân vô tội bị quy sai rồi bị bắn, họ không đáng chết mà phải chết oan. Nỗi oan khiên còn bám đeo vào cả số phận con cháu của họ không biết đến bao giờ.
Còn có những đảng viên sau sửa sai vì quá tiêu cực mà sinh ra bất mãn, không nhận lại đảng tịch, thôi không công tác nữa thì lỗi đâu hoàn toàn ở họ. Cho đến nay, nhiều đảng viên như thế  vẫn còn phải sống trong sự thành kiến vô lý, khiến cho công trạng của họ trước đó thành ra mập mờ một cách khó hiểu. Bác Nguyễn Văn Chiếu (làng Triền) thực sự có tham gia hoạt động cách mạng trước tháng tám năm 1945, được các lãnh đạo lão thành ở trung ương và nhiều người cùng hoạt động xác nhận, vậy mà cho đến nay bác vẫn chưa được hưởng chế độ.
Anh Trịnh Long Biên ơi! Có lẽ trên thế giới không có một dân tộc nào, chẳng  một quốc gia nào lại không có những vấn đề sai lầm trong lịch sử. Sai lầm, nếu ở một khía cạnh nào đó của sự tiến hoá thì còn có thể là quy luật của sự sống. Cũng chưa thấy có một sai lầm nào trong lịch sử loài người lại có thể giải quyết một cách “êm xuôi” bằng im lặng, lấp liếm hay “chạy làng” được như sai lầm trong Cải cách ruộng đất. Trong lịch sử nước ta, những án oan như  Lệ Chi Viên, Hồ Dâm Đà, hàng ngàn năm sau vẫn cần được thẩm định lại.
Theo em thì việc sửa sai trong Cải cách ruộng đất vẫn còn nhiều việc ta chưa làm và chưa làm xong. Nhưng dường như chúng ta cứ sợ sệt điều gì đó mà cố quên đi. Hay chúng ta sợ khơi gợi quá khứ sai lầm trong Cải cách ruộng đất sẽ làm tổn thất danh dự của đảng và chế độ tốt đẹp của chúng ta? Làm giảm sút đi niềm tin của quần chúng nhân dân? Hay chúng ta lo rằng nếu khơi lại vấn đề nhạy cảm này thì bọn phản động và thù địch sẽ lấy đó mà lợi dụng mà kích động, tuyên truyền xuyên tạc? Phải chăng vì những lẽ ấy mà chúng ta muốn nhờ thời gian vùi lấp? Để rồi tạo nên cái quy ước ngầm, không đụng đến, mà cần quên đi những sai lầm trong Cải cách ruộng đất?
Không! Đây đâu chỉ là chuyện nhớ quên! Cũng chẳng phải chỉ là sự mất, còn. Mà cao hơn thế, nó là lương tâm, đạo lý muôn đời. Là công bằng, văn minh của một chế độ mà những người trong đó luôn phấn đấu.
 Để đồng chí, đồng bào mình bị hàm oan mãi thế mà không động lòng sao được?
Sai lầm trong Cải cách ruộng đất là sai lầm nội bộ. Không một thế lực thù địch hay thực dân đế quốc nào can thiệp vào những sai lầm ấy. Chúng ta  sai thì phải sửa. Sửa chưa xong thì sửa tiếp. Còn nhân dân ta thì chắc chắn sẽ cảm thông với Đảng và nhà nước về những sai lầm sảy ra vào thời mà cán bộ của ta vẫn còn có những điều ấu trĩ. Theo em thì việc sửa chữa tiếp những tồn tại trong Cải cách ruộng đất chỉ làm cho đảng ta trong sạch hơn, vững mạnh hơn mà thôi. Nhân dân ta sẽ vô cùng tự hào khi thấy đảng của mình không những đã dũng cảm chiến đấu chống lại và chiến thắng thực dân, đế quốc mà còn dũng cảm và chiến thắng với cả chính mình.
 Em thấy gần đây ở bên nước Úc người ta đã làm một cuộc sửa chữa sai lầm rất chân thành, cảm động và rất ấn tượng khi họ bắn lên trời loạt pháo hoa với dòng chữ: “CHÚNG TÔI XIN LỖI CÁC BẠN”.
Còn chúng ta? Chúng ta sẽ làm gì hả anh? Em không dám hy vọng điều gì lớn lao, chẳng dám mong những loạt pháo hoa… chỉ ứơc sao mọi người chúng ta hãy làm điều gì đó cho quá khứ để nguôi vơi đi  bao ám ảnh về một thời buồn đau. 
Dù sao thì em cũng đã nói ra được điều vô cùng khó nói. Em cũng đã hỏi anh những câu hỏi mà cho đến giờ em vẫn còn thấy nó thật  nặng nề… nhưng khi nói ra được và hỏi anh xong, em thấy lòng mình nhẹ vơi đi ít nhiều ...
Giờ đây, em xin trút gánh nặng từ lòng em sang cho anh!
Chúc anh và gia đình hạnh phúc và bình an!

Quê hương Đan Hội 30/4/2008
                  

1 nhận xét:

  1. Anh này chắc không thể trả lời đâu Đ à. Lịch sử nước ta bắt đầu bằng huyền thoại, kéo dài bằng bí mật và uẩn khúc mà. Nếu giải mã hết, hỏi còn gì không?

    Trả lờiXóa