Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

Vòm trời chăn sui


VÒM TRỜI CHĂN SUI - TRONG TRẺO TÌNH QUÊ
(Đọc VÒM TRỜI CHĂN SUI  của Quang Đại - NXB HỘI NHÀ VĂN ,  2006 )
                                                       LAN  HƯƠNG

Quang Đại bộc bạch ở cuối sách rằng: Tôi là một tác giả viết ký chưa lâu. Tác phẩm ký đầu tay của tôi là Vùng đá Rừng thờ... in năm 2000. Riêng tôi, Quang Đại dù có làm điêu khắc, có sáng tác thơ,  nhạc nhưng tôi vẫn thích đọc ký của anh hơn cả. Tập ký Vòm trời chăn sui hơn 220 trang của anh với hai chục bài cả thảy thì có 19 bài ký, một bài bàn về thể loại ký văn học. 

Theo lý thuyết có mấy điều cần và đủ cho thể loại ký thì Quang Đại có đủ. Trong số những người cầm bút, anh được mọi người đánh giá là người gặp may bởi được sống và "gặp" nhiều sự kiện hay đến mê hồn, tự nó đã mang "chất ký". Sự thật là cốt lõi của ký thì theo kiểm nghiệm thực tiễn, những điều Quang Đại kể về sự việc, con người đều có cả, quanh đâu đây và có thể tin ngay là có thật.
Quang Đại khiêm tốn nhận rằng, viết ký chính là làm nhiệm vụ "người phát ngôn của làng": Làng Chồi, bản Dao, Tiểu Bản, làng Lá, thôn Ngạc, làng Minh Phượng... tất cả đều gần gũi, thân quen. Đối với Quang Đại, sự thường trực nghe, nhớ cùng ghi chép về các vùng đất, con người mỗi khi có dịp đi thực tế cơ sở là đức tính cần thiết của người viết ký. Chả thế mà, quốc thụ (cây thị, cây đa, cây lim đã thành thần...) trong Những tượng đài xanh chính là những cây đại thụ bao người đi qua nhưng có ai biết nó được sánh với cây bao báp xứ Huế, với cây dã hương ngàn năm tuổi Tiên Lục (Lạng Giang) nổi tiếng thế giới. Một bãi đá vô tri vô giác (Vùng đá Rừng thờ), một chiếc giếng làng (Giếng tiên), một rừng hạt dẻ (Nỗi niềm hạt dẻ), một dấu chân Phật tổ (Đi tìm dấu chân Phật tổ), cho đến tên làng (Làng ngựa Minh Phượng), một làng nghề truyền thống (Làng nghề mò ngọc trai bên bờ sông Thương) rồi hiện tượng những ngôi mộ tự mọc lên bên đường (Những ông Đống ven đường)... đều được Quang Đại phát hiện, xem xét, nghiền ngẫm, truy tìm đến tận gốc rễ và thể hiện trong những bài ký đầy tính hấp dẫn và thuyết phục.Ở một lĩnh vực khác, Quang Đại tìm đến đời sống của những con người rất gần gũi mà đáng kính như người anh ra trận chưa trở về, người đội viên năm nào cùng thức với Bác Hồ trên chiến khu ... Ngồn ngộn tư liệu chứng tỏ vốn sống phong phú của tác giả được thể hiện trong từng ấy bài ký nhưng có thể khẳng định ngay rằng, ngôn ngữ và kết cấu chuyển tải nội dung của những bài ký Quang Đại được thể hiện khá nhuần nhuyễn, dễ hiểu và thật sự lôi cuốn bạn đọc.

Dẫn dắt bạn đọc từ câu thơ của Tố Hữu:

Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm xẻ nửa, chăn sui đắp cùng

Qua Vòm trời chăn sui, Quang Đại kể về những kỷ niệm tuổi thơ nhớ thương đến nao lòng. Anh có một thời ấu thơ và trai trẻ gắn bó với chiếc chăn sui đã mấy  chục năm tuổi như một huyền thoại. Quanh chiếc chăn sui của gia đình, bao thế hệ vợ chồng, con cái, tình đồng chí đồng nghiệp được giãi bày như một sự thật hiển nhiên pha lẫn tự hào của tác giả. Quang Đại đắm mình trong kỷ niệm. Anh kể về chiếc chăn sui từ khi được ông ngoại và kíp người giúp việc đẵn cây từ giữa rừng, dựng giàn giáo rồi ngâm nước để tác thành một chiếc chăn đắp mùa đông. Nhưng chẳng ngờ, sau hơn nửa thế kỷ, chiếc chăn đó được nâng lên trở thành công trình nghệ thuật của đứa cháu ngoại. ở đó chan chứa tình nghĩa gia đình có ông bà, có các con, có các cháu (Quang Đại là cháu ngoại lớn nhất và được hưởng hơi ấm chiếc chăn sui đầu tiên của thế hệ thứ ba). Còn thứ tình cảm cao hơn, thiêng liêng nữa là tình quân - dân, tình đồng chí. Chiếc chăn sui của gia đình đã được một đơn vị bộ đội trưng dụng. Hơi ấm chiếc chăn đặc biệt đã toả lan sang nghĩa đồng chí, đồng bào. Tuy nhiên, Quang Đại không quên những kỷ niệm buồn, kể cả việc chia tay với người bạn gái vì trót lỡ lời đụng đến kỷ vật gia đình và đặc biệt là sự quyến luyến của bà ngoại 98 tuổi với chiếc chăn sui cũ kỹ mặc dù cuộc sống đã đầy đủ hơn. Có lẽ chỉ có Quang Đại là người biết chia sẻ tình cảm ấy. Anh thổ lộ: "Trong những đêm mùa đông cả cuộc đời dài gần thế kỷ, bà ngoại tôi chỉ đắp một tấm chăn sui. Chính tôi đã từng chui vào tấm chăn màu nâu xỉn, thăm thẳm, cũ kỹ nồng nàn mùi thời gian và mùi kỷ niệm để cho mãi đến tận bây giờ cứ mỗi khi nhắc đến là thấy lòng mình nao nao nhớ da diết đến bà ngoại của mình mà không tài nào cầm được nước mắt. Ôi, chỉ tấm chăn thôi, nhưng nó lại có cả một cuộc đời và một số phận thật nghiệt ngã."

Cây bút đầy trách nhiệm với cuộc sống được dịp thể hiện rõ hơn những ý tưởng gìn giữ giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể. Từ nếp sống thuộc gia phong đến trách nhiệm với cộng đồng, với rừng núi, cỏ cây, bãi đá... có sức hút ghê gớm đối với cây bút Quang Đại. Từ sự thành công ban đầu của một hành trình thử nghiệm, chắc rằng anh sẽ vững vàng đi tiếp từ thể loại văn học mới được anh lựa chọn này.
                                                                                      Lan Hương

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

thắc mắc về những câu thơ...


NHỮNG CÂU THƠ
 CỦA CHU NGỌC PHAN
 KHIẾN TÔI THẮC MẮC
                                                           QUANG ĐẠI
 
Với thơ, tôi vốn ngoại đạo. Nhưng lại thích đọc thơ. Tuy nhiên, tôi thấy có khá nhiều những câu thơ của nhà thơ Chu ngọc Phan khiến tôi phải thắc mắc. Tôi cảm thấy có lúc anh Chu Ngọc Phan hơi ẩu trong sáng tác thơ.


Tất nhiên, dù ngoại dạo thì tôi cũng hiểu rằng làm thơ (cũng như viết văn) đôi lúc không cần thiết phải chính xác. 
Vâng! Có khi những cái “sai” lại đưa tới hiệu quả lớn trong nghệ thuật. Tôi viết văn và sáng tác mỹ thuật thì tôi hiểu điều đó lắm chứ...
Tuy nhiên, khi đã nói đến sự cụ thể nào đó. Chẳng hạn vẽ, viết chân dung một người A, B nào đó thì không thể A bảo B hoặc ngược lại được.
 Khi nhà thơ đã nói đến một địa phương cụ thể thì  không thể bịa đặt.
Anh chu Ngọc Phan viết:
           
                  Chưa vội về Lục Sơn
Ta đủng đỉnh ra quán trưa Đủng Đỉnh
Bát phở cay ớt thóc măng chua
Sông Rù Rì ơi đừng chảy vội.

Dưới bài thơ anh Chu Ngọc Phan có chú thích: Đủng Đỉnh là thị tứ thuộc xã Lục Sơn. Thực ra, nó ở xã Bình Sơn. Còn ở xã Lục Sơn hay cả vùng Tứ Sơn không hề có con sông nào tên là sông Rù Rì cả. Hư cẩu nghệ thuật ư? Nếu nghĩ vậy thì quá ngô nghê. Trong một bài thơ tôi thấy anh còn chú thích: Đèo Hạ Mi thuộc Quốc lộ 293, trong khi đó là một tỉnh lộ. Trong nhiều bài thơ anh nhắc đến bản Hà.  Đọc trong một bài thì đó là một bản ở Vùng hồ Khuôn Thần Lục Ngạn. Thế nhưng, ở bài khác lại nói người bản Hà thịt lợn sớm để đi chợ Gàng, một chợ ở Vô tranh, Lục Nam, cách Khuôn Thần gần 5 chục cây số. Sáng sớm mới thịt lợn mà mang đi bán xa như vậy liệu có hợp lý không? Với lại, hai vùng này lại rất ngược đường; cách sông, cách núi.  Chẳng lẽ thơ chỉ cần nói cái ý chứ mặc kệ thực tế muốn thế nào thì thế hay sao?
Chu Ngọc Phan  viết:


             Thoắt đã mấy ngàn năm
     Dã hương thành đại lão

Viết về cây dã hương Tiên Lục như vậy là sai. Như tôi được biết,người ta đã đem mẫu vật cây dã hương Tiên Lục đi xác định tuổi ở Mỹ. Kết quả chỉ hơn 600 tuổi. Ta trót nói ngàn năm còn tạm được, chứ “mấy ngàn năm” xem ra không ổn.

Biếu mẹ bao đạm trắng ngần
Chỉ mong tóc mẹ đôi phần còn xanh
Đây cũng là câu thơ của Chu Ngọc Phan trong bài “Quà biếu mẹ”. Tôi nghĩ ít ai  lại mong tóc mẹ mình xanh.  Vì cái điều mong mỏi ấy nó vu vơ và tầm phào quá. Nói thế là nói bừa và giả dối. Còn nếu về phía nghệ thuật mà liên tưởng chuyện bón phân  với “tóc mẹ xanh” thì khiên cưỡng quá, vụng về quá, ngô nghê quá.


Đôi lúc thơ anh còn có nhừng từ như ”Lão ké Thanh Y” “noọng người Dao”. Gọi như vậy là không được. Bởi người Thanh Y không có ông ké như Tày, Nùng, Thái. Cũng như con gái Dao không ai gọi là noọng cả. Có khi anh dùng chữ "giỏi hung" đặt vào miệng đồng bào dân tộc thiểu số phía bắc là hỏng. Vì chỉ đồng bào dân tộc thiểu số Tây  Nguyên và miền Trung mới dùng từ này.
Còn nhiều câu thơ của Chu Ngọc Phan khiến tôi phải thắc mắc nữa. Đó là những câu thơ xem ra khá phản cảm:
Ngực em sữa chảy ướt đầm
Cho Tôi thương mãi một lần Mẫu Sơn
                                             (Mẫu Sơn)
Hay:
Rừng dẻ trắng mù sương
Rộ tiếng lơn kêu sặc tiết 
                                      ( Bản Hà sớm) 
Tôi cũng thắc mắc sao thơ anh có bài hay thế. Lại có nhiều bài dễ dãi quá thể. Nói chung, số bài viết dễ dãi quá nhiều trong thơ anh.  Không chừng phải trên hai phần ba.... Có những bài như: "Cảm ơn tổ đến thăm tôi" 'Quà biếu mẹ"... sao mà dễ dãi đến khó tưởng tượng. Anh dễ dãi cả khi đặt đầu đề cho thơ. Chẳng hạn như anh có ít nhất hai bài thơ khác nhau cùng một đầu đề "Suối Mỡ".
Dễ dãi sẽ làm được nhiều thơ.  Và thơ sẽ có nhiều bài kém chất lượng. Ta thấy các nhà thơ ở Bắc Giang như Anh Vũ, Tô Hoàn, Duy Phi,  Trịnh Kim Hiền ... nào có ra thơ hàng loạt. Họ rất cẩn trọng nên  khi đã viết ra ít khi để "hở miếng" như thế.  

Tôi chân thành viết ra đây để anh Chu Ngọc Phan nhanh chóng dọn vườn thơ của anh. Và tất nhiên, đây cũng chỉ là ý kiến chủ quan của một người bạn đọc thơ Chu Ngọc phan.
 Xin đừng giận lời nói thẳng. 
                                                                                                             
                                                                                                                       Q. Đ

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012








Phố Bằng lăng
                 


Truyện ngắn Nguyễn Phan Hách

Tôi về thị xã Phủ Lạng Thương trong chương trình giao lưu với độc giả thư viện về cuốn tiểu thuyết mới của mình. Thời buổi Văn hóa Nghe Nhìn, còn có bạn yêu văn học là quý lắm. Tôi đi tàu hỏa đến từ hôm trước, thuê một phòng ở Khách sạn Bình dân. Phủ Lạng Thương giờ đã là một thành phố sầm uất, nhưng trong tôi vẫn còn nguyên cái thị xã êm đềm bên bờ sông Thương thơ mộng.
          Một mình vẩn vơ, tôi đi tìm phố cũ Bằng Lăng sát dọc bờ sông Thương. Chớm hè Bằng lăng giao cành nở tím ngát chạy dài hút mắt, đi trên phố như đi dưới một tấm voan tím khổng lồ. Tôi tìm ngôi nhà hoài niệm, nhưng không thấy, không còn những ngôi nhà lợp lá gồi với vườn tược mênh mông ngày xưa. Tất cả đã san sát gương kính sáng choang của các cửa hàng...

Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

tác phẩm mới nhất




THƠ VƯƠNG ĐÌNH KHÁNH

Vừa qua, HVHNT tỉnh Bắc Giang có tổ chức một trại sáng tác VHNT cho các nhà Thơ, Nhạc sĩ và các tác giả Sân Khấu tại Hà Giang. SÔNG LỤC trân trọng giới thiệu sáng tác của Vương Đình Khánh 










NHẤP NHÔ


Hà Giang
Núi bên núi nhấp nhô
Đá bên đá nhấp nhô
Người bên người nhấp nhô

Nhấp nhô vào cõi thực
Nhấp nhô vào cõi mơ
Nhấp nhô mầm  nảy

Hà Giang
Neo những cuộc đời
Nhấp nhô truyền kiếp.

                 Hà Giang 3/6/2012




VỀ LŨNG CÚ

Núi -  thấy đá
Đá - thấy ngô
Ngô - thấy sùng sục chảo thắng cố.

Về Lũng Cú
Cờ trong gió
Như ngọn lửa
Từ trái tim người  Việt

Về Lũng Cú
Đường vắt ngang Cổng Trời
Dấu chân tình yêu 
                         để lại.
                        
                      Hà Giang 3/6/2012