Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Đi về phia dã tràng xe cát

Đi về phía dã tràng xe cát

     Bút ký của: Nguyệt Nga
   (thành viên Nhóm Bút Sông Lục



Chân dung tự họa
( Tranh sơn dầu của Đoàn Lê)


Tôi có một người chị đang sống ở bên bờ biển Đông. Ch ấy đang mê mải bán cát cho lũ Dã Tràng…
 Có một đôi lần, chị xếp công việc bán cát bận rộn của mình lại, ngược dòng sông Lục mà lên thăm chúng tôi. Chị đã nhiều lần gặp gỡ cả Nhóm Bút Sông Lục rồi kết bạn tâm giao. Sau khi trở về với biển, chị lại đến với rừng, trong hành trang mang theo có cả những câu thơ ám ảnh hồn người:"Chán chồng ra biển bán hàng/ Biển bao nhiêu cát dã tràng cũng mua", hay là: "Tôi cô đơn nhất hành tinh/ Thế gian thừa đúng một mình tôi thôi!". Một lần, khi ngủ đêm ở thượng nguồn sông Lục, thao thức trong lán nứa giữa rừng, bất ngời, chị có được câu thơ: “Vén chăn đắp tiếng thở dài...".
  Chị là ĐoànThị Tảo. Tác giả bài thơ “Chị tôi” được phổ nhạc mà ca sỹ Mỹ Linh đã hát trong phim “Người Hà Nội”. Chị Tảo Quý tôi, gắn bó với những bạn văn chương của mình ở bên bờ sông Lục đến nỗi dù đang mắc bệnh hiểm nghèo, chị vẫn lặn lội từ biển lên ngàn. Chị đến và đi, để lại trong chúng tôi tình thương mến và nỗi nhớ nhung da diết. Nhóm Sông Lục đã tổ chức một chuyến đi thăm nhà chị ở thị xã Đồ Sơn.
Cả nhóm có mười một người. Ba mắc công chuyện không thể đi, bởi thế, chiếc xe mười hai chỗ ngồi dành cho 8 người thật rộng rãi, thoải mái. Chuyến lữ hành khá vui vẻ với hạt dẻ Mai Sưu, hồng Nhân Hậu, bánh đa Kế, vải thiều khô Lục Ngạn. nghĩa là có mặt hầu như đầy đủ những đặc sản của Bắc Giang. Nhưng điều quan trọng nhất là tình người. Hẳn chị Đoàn thị Tảo sẽ vui lắm, xúc động lắm khi gặp lại những người bạn của chị từ miền rừng Lục Nam. Lục Ngạn. Ở trên xe, ai trong chúng tôi cũng mường tưởng đến lúc gặp mặt. Chị sẽ ra đón chúng tôi ở đâu ? Đã lâu rồi chưa gặp nhau không hiểu bây giờ trông chị thế nào? Bệnh tiểu đường của chị đã đỡ chưa ? Chúng tôi kháo nhau, không hiểu công việc “bán cát” của tác giả "Chị tôi" bây giờ ra sao nhỉ ?
Mọi người đều nghĩ, chuyến này nhất định chúng tôi sẽ được nghe chị Tảo đọc những bài thơ mới nhất của mình, biết đâu, trong đó có cả những thi phẩm về “Nhóm Bút Sông Lục” và miền quê chúng tôi. Cả nhóm không điện trước, vì muốn dành cho chị một bất ngờ. Bởi vậy mà đến Đồ Sơn, ai nấy đều thấp thỏm…

Nhưng… điều bất ngờ lại dành cho chúng tôi. Chị Tảo vắng nhà đang có việc ở ngoài Hà Nội. Tiếp chúng tôi là chị Đoàn Lê, chị ruột Đoàn Thị Tảo. Đoàn Lê là cái tên mà chúng tôi đã biết đến từ lâu qua những truyện ngắn, tiểu thuyết và một số tác phẩm điện ảnh. Nhưng cả nhóm sông Lục đều chưa ai một lần gặp chị. Vậy mà, cuộc gặp gỡ của chúng tôi với Đoàn Lê không có một hụt hẫng nào cả. Chị bảo:
- Các bạn hãy coi Đoàn Lê như Đoàn Tảo. Vì chúng tôi là chị em ruột, cùng làm văn chương, cùng ở chung một nhà.
Dã tràng xe cát biển Đông...
Chị Đoàn Lê đã ngoài 60 tuổi, là mẹ của phu nhân Đại sứ Việt Nam tại Áo. Chị đã là bà nội, bà ngoại mấy lần rồi, vậy mà giọng nói vẫn ngọt ngào, mềm mại, quyến rũ như giọng thiếu nữ.
Một giọng nói sang trọng và lịch thiệp, duyên dáng dịu dàng như con người chị. Đoàn Lê tiếp chúng tôi trong khu nhà được bài trí khá tươm tất, trang nhã,hài hoà. Sự cởi mở của Đoàn Lê đã cuốn hút chúng tôi khiến cả nhóm dường như quên hẳn mục đích ban đầu của chuyến đi là đến thăm chị Đoàn Tảo, quên cả việc chị Tảo vắng nhà.Chưa gặp nhau dù chỉ một lần, những Đoàn Lê bỗng  nhiên trở thành một người mà tưởng chừng cả nhóm đã quen biết từ lâu lắm rồi…
Chị Đoàn Lê dẫn chúng tôi đi thăm phòng khách, phòng hội thảo, phòng trưng bày. Phòng nào cũng được sắp xếp, bài trí với tính thẩm mỹ cao. Tại phòng trưng bày, chúng tôi đã được chiêm ngưỡng hơn bốn chục tác phẩm hội hoạ của chị. Có cả sơn dầu, bột màu. Tranh của chị nuột nà, mềm mại, đầy nữ tính. Thì ra, ngoài tài văn thơ, Đoàn Lê còn là một hoạ sĩ. Chị bảo, chị sẽ mở một triển lãm cá nhân vào cuối năm nay. Nhìn bức tĩnh vật vẽ chiếc điếu cày gác trên cây đu đủ, nhà thơ Tân Quảng ngẫu hứng đọc:
Nhà quê bạn với điếu cày
Tụm bờ tán gẫu mấy tay làm đồng
Thuốc lào Vĩnh Bảo chính tông
Khum tay che đóm, khói đồng lơ mơ
Xênh sang được lúc sổng bừa
Khoai lang lót dạ nhặt thưa điếu cày
Ngẩng đầu nhìn dải khói bay
Ơ ! Đàn cò trắng cũng say la đà.
Đoàn Lê thích, xin Tân Quảng chép lại cho chị để làm đề từ cho bức tranh. Ngẫu hứng của Tân Quảng đã mở đầu cho cuộc đọc thơ. Hầu như tất cả những người biết làm thơ của Nhóm Bút Sông Lục đều đọc bài của mình. Trong đó, bài thơ “Một” của Kim Ô cứ như viết để tặng Đoàn Lê:
… Một căn nhà, một con tim
Một trưa thiếu vắng, một đêm dư thừa
Một giường, một nắng, một mưa
Một niềm nuối tiếc… ngày xưa… một mình.
Quang Đại và Văn Thành đọc hai bài thơ nói về bà, Đoàn Lê Bảo: “Sao lại có những bài thơ viết về bà hay thế!”.
Cụ Lưu Văn Thư đọc bài tứ tuyệt nêu cảm nghĩ của cụ khi đến Đồ Sơn thăm dinh Bảo Đại, thưởng thức đặc sản của Đồ Sơn:
Khách sạn Đồ Sơn thưởng thức cua
Vào dinh Bảo Đại đng làm vua
Sự chuyện phường chèo thành chuyện thật
Quên cả gừng cay muối mặn xưa.
Chị Đoàn Lê cúi đầu cảm tạ tấm lòng của cụ Thư với Đồ Sơn. Chị kính chúc cụ luôn khoẻ mạnh, sống lâu, tâm hồn mãi thanh thản như bài thơ cụ viết.
Thế rồi, chúng tôi ngồi vào bàn tiệc mà một mình chị Đoàn Lê chuẩn bị trong khi cả nhóm đi ngắm cảnh Đồ Sơn. Thật không ngờ chỉ một thời gian ngắn như vậy mà chị đã sắp bàn cho cả mười người ăn tươm tất đến thế. Chúng tôi lại vừa nâng cốc chúc tụng nhau vừa đàm đạo văn thơ. Chủ và khách như hoà làm một.
Giữa bữa tiệc thì chị Đoàn Lê có khách. Hai vợ chồng Việt Kiều vừa từ Cộng Hoà Liên Bang Đức về nước đến thăm Đoàn Lê. Người chồng to béo, điểm trai, râu tóc kiểu cách. Cô vợ trông rất galăng. Tôi có cảm giác từ trang điểm bên ngoài đến tình cảm bên trong của nhà chị này đều mang đậm nét của nền văn minh"công nghiệp". Chị ta nói năng, giao thiệp thật tự nhiên, hoạt bát. Chị bảo với mọi người rằng hai vợ chồng đang đói và ngồi ngay vào mâm cơm, cầm đũa bát ăn một cách “tự nhiên như người ... CHLB Đức”. Tất nhiên là khi họ ăn vài miếng rồi chị Đoàn Lê mới kịp giới thiệu. Người chồng chính là nhà thơ Thế Dũng ở Hội Văn Học Nghệ Thuật Hải Hưng trước đây, nay đang cư trú ở CHLB Đức. Tôi giật mình, nhìn kỹ người khách điển trai và chợt nhận ra đúng là anh Thế Dũng ngày xưa, lúc mà tôi còn là cộng tác viên của cuốn tạp chí Văn nghệ Hải Hưng. Tôi với anh không những quen biết mà còn thân nhau nữa. Bây giờ trông Dũng khác trước nhiều quá. Dáng người anh đậm đà hơn và có vẻ phong trần. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện buồn mà người ta vẫn đồn đại về anh. Đang là một nhà thơ có tên tuổi, được bạn đọc đánh giá cao, đùng một cái, Thế Dũng gặp phải trận đòn trời giáng. Ấy là khi nhà thơ tận mắt chứng kiến, hai ông bạn thân đều cùng tên Dũng, đang đú đởn với vợ mình ngay trên giường vợ chồng anh. Cả ba trên người không một mảnh vải che thân. Vì cú sốc này mà Thế Dũng chán đời, bỏ đi ra nước ngoài. Nghe bảo anh được một người đàn bà rất giàu cưu mang.
Thì ra, người đàn bà ấy đây. Minh Tâm là tên chị, nhưng ở bên Đức người ta gọi chị là “Người đàn bà có điện thế 1000 vôn”. Quả thật, chị ta đã phóng điện làm quỵ nhà Thơ Thế Dũng hào hoa, phong nhã. Và nghe đâu trước Thế Dũng còn có mấy anh chàng nữa. Minh Tâm hiện làm tổng giám đốc của một tổng công ty với 40 cửa hàng ăn uống ở CHLB Đức. Chị là một người Việt kinh doanh tài ba mà báo chí cả Đức và Việt Nam đều ca ngợi. Trong cuộc gặp gỡ hôm nay, Minh Tâm đã đem thế mạnh của công nghiệp hiện đại vào làm khuynh đảo cái không khí tao nhã, khẽ khàng vốn có từ mấy thi sĩ, văn sĩ. Chị mạnh mẽ, ào ạt như cơn lốc cuốn. Và quả thực, điện thế từ chị đã phóng ra, làm tê liệt không khí văn chương của căn phòng…
Nhưng không hiểu do tỷ lệ một trên mười một giữa kinh doanh và văn chương, hay do Minh Tâm mải ăn nên ngừng phóng điện mà một lúc nào đó, không khí lại trở về với chữ nghĩa. Nhà thơ Trịnh Kim Hiền đọc thơ của Thế Dũng cho Thế Dũng nghe:
Ôi! Mùa Đông Berlin-Diso và gió
Những bước nhảy quên buồn
Của nhịp tim xa xứ
Thế Dũng rất cảm động khi có người lại thuộc một lúc hai bài thơ của anh. Sự xúc động này có lẽ lây cả sang Minh Tâm hay sao mà chúng tôi thấy “điện thế” từ người chị như tụt hẳn xuống. Cho đến khi cả Nhóm Bút Sông Lục xin phép ra về thì dường như Minh Tâm ít nói hẳn đi. Xem ra, chị cũng rất xúc động. Chị cùng Thế Dũng và Đoàn Lê tiễn chúng tôi.
Thế Dũng đi bên tôi. Chúng tôi vừa đi, vừa ôn lại quãng đời văn chương bên nhau trên đoạn đường từ cổng nhà Đoàn Lê ra đường cái rồi chia tay.
Khi xe chạy, tôi vẫn còn thấy vợ chồng Thế Dũng và chị Đoàn Lê lưu luyến vẫy theo.
Vậy là chuyến đi thăm chị Đoàn Tảo không thành, nhưng chúng tôi đã gặp Đoàn Lê, Thế Dũng và “người đàn bà mang điện thế 1000 vôn”. Chị Lê duyên dáng, nhân hậu, đẹp cả dáng người và tâm hồn, còn chị Tảo của tôi, hôm nay từ Hà Nội về chắc là tiếc lắm. Vì khi chị tới nhà thì chúng tôi đã đi rồi. Ai bảo chị cứ mải bán cát?  Mà sao lại phải lên tận Hà Nội ể bán cơ chứ ? Hay ở đó cũng có những anh dã tràng ? Chị Tảo ơi! Hẹn chị dịp khác nhé. Nhóm Sông Lục vẫn nhớ chị nhiều lắm!

                                                                                         N.N

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét