Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Có một cô gái làm thơ tên là Hưng Hấp...


NÀNG THƠ DƯỚI CHÂN NÚI LA SA




Bót ký cña : Nguyễn Đồng

Nàng thơ Nông Thị Hưng (Ký họa: Quang Đại)
    Núi ấy là núi La Sa, cái tên nghe thật lạ tai. Theo tiếng Việt thì la sa có lẽ…vô nghĩa. Người ta đã gọi quả núi này theo một thổ ngữ nào đó chăng? Tuy nhiên, La Sa chỉ là một quả núi bình thường như bao quả núi khác ở vùng Yên Thế này. Vâng! Một quả núi bình thường, dưới chân nó cũng có một ngôi nhà tường đắp bằng đất núi rất bình thường. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như ngôi nhà dưới chân núi La Sa lại không có… một nàng thơ.

Nàng thơ đó tên là Nông Thị Hưng.
Tôi cũng chẳng nhớ nguyên cớ tại làm sao mà tôi lại cất công lặn lội đi tìm bằng được tác giả của một bài thơ đăng trên tạp chí “SÔNG THƯƠNG”. Một bài thơ có lẽ cũng không đến nỗi xuất sắc cho lắm. Nếu như đây là bài thơ của một tác giả oai hùng, lừng lấy tiếng tăm thì chẳng nói làm gì! Đằng này, theo như tôi được biết thì đây lại là bài thơ đầu tay của một cô gái người dân tộc thiểu số đang làm ruộng, làm nương, trồng màu…dưới chân núi La Sa. Bài thơ của Nông Thị Hưng chỉ vẻn vẹn:

Người miền núi

Người miền núi
Chân quen đi đất
Thắt phẻn dao,
 ăn sương uống nắng

 Người miền núi
 Lời nói chắc như gỗ lim
Thẳng như cung đã bắn

Người miền núi
Gặp người không hỏi
Uống một mình không uống
Đi một mình không đi

Ta là người miền núi
Cái mày à!



Tôi chú ý đến bài thơ này bởi cấu tứ vững vàng, khúc triết,  kiệm lời, không có bất kỳ hoa mỹ nào, nhưng vẫn khắc họa được một cách sắc sảo những nét điển hình, cái chất thô mộc, thật thà, đáng yêu của người miền núi mà có khi…người ta viết cả hàng trăm trang giấy cũng không sao nói nổi. Bài thơ dường như không có câu từ thừa. Cho dù chẳng vần điệu nhưng âm hưởng lại chắc nịch, thực sự đã vang vọng và đọng lại, gây nên những ám ảnh nhất định trong tôi.
Nhưng việc tôi đi tìm nàng thơ không phải vì thấy thơ người ta hay, người ta là đàn bà con gái thì nghĩ người ta cũng đẹp, cũng xinh…như thơ. Vậy nên mới cất công đi tìm để mà tán tỉnh người ta. Tôi nói không phải như thế, chẳng biết chừng cũng vẫn còn ai đó không tin, bĩu môi mà cười vào mũi tôi, nhủ rằng: đâu biết chỗ ma ăn cỗ!
 Xin thưa là tôi đã có bằng chứng ngoại phạm về chuyện này. Bởi hôm đi tìm nàng thơ, tôi đã rủ thêm thi sĩ Trịnh Kim Hiền đi cùng. Đây là một chàng thơ chúa nhát gái và ghét cay gét đắng chuyện yêu đương nhăng nhít. Ông này mà có thả vào phòng một mình với cô nàng nào đó cũng chỉ biết ngồi thu lu như con thỏ mà thôi, Vì thấy chàng ta có cái tính nết ưu việt như vậy nên tôi rủ đi với ý đồ “nhất cử lưỡng tiện”: Ngoài việc minh chứng cho cái sự vô cùng đứng đắn của tôi ra, Trịnh Kim Hiền sẽ giúp tôi thẩm định tài thơ của cái cô nàng ở dưới chân núi La Sa kia.

Bìa tập thơ MƯỜI BÀI  của Nông Thị Hưng



Còn tại sao lại phải đi thẩm định? Thẩm định để làm gì ư? Đây mới thật là điều khó nói. Bởi vì thú thật là hôm đó, không hiểu sao tôi bỗng dưng nổi máu trách nhiệm cao với làng thơ Bắc Giang mới chết chứ! Khi thấy một số người không tin là có một người ất ơ nào đó,  chẳng thấy xuất hiện bao giờ, đánh đùng một cái lại thòi lòi ở đâu ra một bài thơ đầy tính chuyên nghiệp, hay hơn cả thơ mấy bác vẫn được coi là “cây đa cây đề” ở tỉnh Bắc thì lạ thật! Không chừng, đây lại là của giả, là đạo thơ… hay có ai đó mớm lời để đạt một mục đích nào đó chăng? Tôi nghĩ,  những phỏng đoán ấy  cũng là phải thôi!
Chẳng mấy chốc, sự nghi ngờ đã lây sang tôi từ lúc nào không hay! Khi mà bệnh nghi ngờ đã không thuốc chữa, lại cộng thêm tính tò mò cố hữu cộm lên,,, tôi đã rủ rê tay nhát gái Trịnh Kim Hiền đi làm một việc đầy lòng nghĩa hiệp…

Hai chúng tôi lọ mọ lần lên đất Yên Thế. Hỏi ra mới hay: núi La Sa chỉ cách nơi ở của ông Đỗ Vinh, người cùng hội cùng thuyền với chúng tôi hơn chục cây số. Ấy vậy mà khi hai chúng tôi đến hỏi ông thi sĩ này về Nông Thị Hưng thì nhận ngay được cái lắc đầu.
 Thế nhưng, chỉ cần nghe được loáng thoáng câu chuyện giữa  tôi và Trịnh Kim Hiền trao đổi với chồng, bà Đỗ Vinh đã bảo luôn, gần như là khẳng định:
-  Tôi biết cái nhà cô làm thơ ấy rồi! Thế này nhé!Cách đây chừng hơn một cây số, có một con đường bê tông ở mé trái, các chú đi thẳng tuột theo đường này. Từ đây trở đi, các chú cứ hỏi cô Hưng Hấp làm thơ thì không ai là không biết! Nhớ là hỏi cô Hưng Hấp làm thơ đấy nhé!
Cả tôi, Trịnh kim Hiền và ông Đỗ Vinh đều ngớ ra, đưa mắt cho nhau. Ông Đỗ Vinh lúng túng, gãi đầu, gãi tai, xem ra khá là áy náy trước câu nói của bà vợ. Ông nhíu mày bảo:
- Bà này lạ thật! Sao ai người ta làm thơ bà cũng bảo hấp thế nhỉ?
- Không à? - Bà Đỗ Vinh cười cười với ông rồi sởi lởi phân bua –  À! Không phải tôi bảo, mà là cả vùng này người ta vẫn gọi cô ấy là Hưng Hấp đấy chứ! Không tin thì các chú cứ đi mà hỏi thử xem? Không lại bảo tôi chuyên đi nói xấu người làm thơ!
Nói rồi, bà Đỗ Vinh lại nguýt chồng. Cả ba chúng tôi đều ngơ ngác. Trịnh Kim Hiền và tôi thì đâm ra cụt hứng. Lặn lội mấy chục cây số lên đây chẳng lẽ lại chỉ để gặp một cô hâm hấp hay sao? Nhưng rồi, cả hai cũng đã bình tĩnh lại và nghĩ: chẳng có gì lạ nếu như người ta gắn hai chữ hâm hấp cho một ai đó làm những việc không hề giống với mọi người xung quanh. Một cô gái chuyên phát nương, cuốc ruộng lại chúi đầu, chúi mũi vào thơ phú thì quả là khác mọi người quá còn gì? Ngay như tôi đây, may mà dấu vợ đi tìm nàng thơ, chứ nếu bà ấy mà biết thì không chừng tôi cũng bị coi là… cám trên vung mất.    
Nếu đúng như lời bà Đỗ Vinh nói, nghĩa là mọi người trong vòng bán kính trên chục cây số đều gọi nàng thơ dưới chân núi La Sa là Hưng Hấp thì hẳn nàng ta không hâm hấp thì có lẽ cũng chập cheng mất thôi. Nhưng dù sao thì ở đây,  nàng cũng đã là người nổi tiếng…

Để chứng minh ngay sự đúng hay hay sai cho phu nhân Đỗ Vinh, tới đầu đường bê tông mé trái đúng như lời bà nói, Trịnh Kim Hiền đã hỏi ngay một cháu học sinh :
- Cháu ơi! Cháu có biết nhà cô Hưng Hấp ở đâu không?
Cô bé nhanh nhảu:
- Dạ! Thưa bác có ạ! Cô Hưng Hấp thì cũng là cô Hưng Đa, ai mà không biết. Các bác cứ đi thẳng một mạch theo đường bê tông này, bao giờ gặp một cây đa rõ to, phải to đến cỡ mấy người ôm cơ. Nhà cô Hưng Hấp hay Hưng Đa ở ngay cây đa này đấy bác ạ!

Chúng tôi cảm ơn bé gái rồi quành xe vào con đường bê tông . Quả nhiên, có gặp một cây đa rõ to thật. Cạnh cây đa đúng là ngôi nhà của nàng thơ. Nhưng té ra, cái biệt danh Hưng Đa không phải chỉ là nhà nàng ở cạnh cây đa, mà chính chồng nàng cũng tên là Đa. Người ta vốn hay quen ghép tên vợ chồng vào nhau để gọi mà.!
Anh chàng Đa to khỏe và khá điển trai. Cũng là người dân tộc Tày nên hiền lành, mộc mạc, thật thà, chất phác và đặc biệt là rất mến khách. Trong lúc hai chúng tôi ngồi hỏi chuyện nàng thơ thì Đa và mấy anh hàng xóm đã ngả xong một chú khuyển từ lúc nào. Quay ra, quay vào đã thấy họ thui thui, cạo cạo… rồi chẳng mấy chốc, mùi thịt chó nướng đã thơm lừng cả lên…

Những người làm thịt chó mặc kệ cho những người làm thơ nói chuyện cùng nhau. Với họ thì thơ so thế quái nào được với thịt chó! Thơ có đem ra mà ăn được đâu? Mùi thịt chó thì ai cũng ngửi thấy được như nhau, còn nếu như thơ có mùi thì chắc là buổi hôm ấy chỉ có… ba người ngửi.
Nông Thị Hưng đưa  cho Trịnh Kim Hiền hai bản thảo thơ của cô, đó là bài “Lá cờ và người cha” và “Lời cây” . Tôi thấy Trịnh Kim Hiền chăm chú đọc đi đọc lại như thôi miên rồi anh gật gật đầu bảo tôi:
-  Được  đấy! Quang Đại đọc xem !
Tôi đón mảnh giấy học trò có kẻ ô ly. Trên đó là những dòng chữ viết bằng mực tím. Nội dung hai bài thơ đã khiến tôi sửng sốt, tôi không tin vào mắt mình… có lẽ, hai bài thơ này còn vượt trội hơn rất nhiều so với bài “Người miền núi” đã đăng trên tạp chí.
Cả hai bài thơ đều có ý tưởng lạ, cách diễn đạt hiện đại và mới mẻ, một cách nói mạnh mẽ và ấn tượng, ám ảnh:
                        Lá cờ và người cha

 Hôm nay người ta trao cho tôi một lá cờ
Giữa thanh thiên bạch nhật

Cha tôi kể:
Thờibóng tối cha tôi cũng được trao một lá cờ
Nhưng là trong bí mật
Cha vác cờ biền biệt xa quê
Tuổi xanh gửi vào cây súng

Hòa bình 
                                     cha trở về quê với hai bàn tay chai sần vết đạn
Đắp đất làm nhà dưới chân núi La Sa

Lời cha tôi sớm sớm, chiều chiều vang vọng,
Vào vách núi
Lấp lánh huân chương.

Cha tôi dặn:
Nếu có ai đó trao cho con một lá cờ
Con hãy làm theo cách của con!


Lời cây

Trong mơTôi thường mơ đến cái chết
Đầu tôi lỗ chỗ vết thủng tầng ô zôn.

Lần thứ nhất tôi làm đơn gửi lên trái đất
Xin được sống như bao bao đời vẫn sống
Để rễ được theo mạch đất về làng

Lần thứ hai tôi làm đơn gửi xuống mặt trời
Xin được xanh như bao đời vẫn xanh
Để lá được soi gương mặt nước trong lành

Lần thứ ba…
Tôi hát!

Thật là khó tin. Một cô nông dân miền rừng, ít tiếp xúc với văn học nghệ thuật, đến nỗi cho đến lúc ấy, cô chẳng cả quen biết sơ sơ với một nhà thơ nào. Dù cách nhà cô chỉ vài cây số thôi, cũng đã có đến mấy thi sĩ, có cả những nhà thơ nổi tiếng, từng được giải trung ương. Không hiểu sao cô lại có được những cảm nhận và rung động tinh tế, lối diễn đạt hàm xúc, biểu cảm mang nhiều tính bác học đến như vậy? Phải nói là chỉ với ba bài thơ được biết đến lúc ấy thôi, tôi và nhà thơ Trịnh Kim Hiền đều cho là Hưng làm thơ rất có nghề, thậm chí còn ở mức nghề tinh xảo.
 Nhưng chính nàng thơ lại hỏi chúng tôii:
- Các anh xem có dược không? Viết không có vần như vậy thì có phải là thơ không hả các anh?
Nghe giọng cô, nhìn gương mặt cô, tôi hiểu Hưng đã hỏi một cách thật thà chứ không hề mang theo hàm ý khiêm tốn gì cả. Đúng là cô làm thơ, viết những cảm xúc của mình ra giấy mà không biết được chắc chắn nó hay dở ra sao thật. Chỉ đến khi thấy chúng tôi khen thì mũi Hưng mới nở ra… và cô cũng đã bị những lời khen kích động chẳng kém ai. Tôi đã biết đến tác hại của con “vi trùng khen” khi một thấy một nhà thơ là hội viên hội nhà văn hẳn hoi mà luôn lấy lời khen làm quà… khiến cho không biết bao nhiêu người ngộ nhận…
Nhưng thơ Hưng thật đáng khen. Một cô gái làm thơ ở xó rừng., sau này đã có người bảo như vậy, hơi thô thiển nhưng mà đúng. Trước khi bài ”Người miền núi”đăng ở tạp chí “SÔNG THƯƠNG” thì chẳng ai biết đến thơ Nông Thị Hưng. Thơ Hưng trước đó chỉ là thứ để thiên hạ người ta dè bỉu, bảo cô là người dở hơi,  “cám hấp“ mà thôi. Nàng thơ dưới chân núi La Sa thực sự là một “ốc đảo” giữa lau lách và…người. Tôi và Trịnh Kim Hiền đều thắc mắc, cho là nhất định phải có một cái “nguồn” nào đó đã … chảy ra nàng thơ dưới chân núi La Sa này chứ?
Thì ra, cái “nguồn” đó chính là một chiếc hòm gỗ, kiểu hòm gỗ xách tay mà cách đây ba, bốn chục năm người ta vẫn thường dùng để đựng áo quần và trăm thứ bà rằn. Có một cái khóa Việt Tiệp mốc thếch, to bằng nắm đấm án ở bên ngoài. Chiếc hòm gỗ vốn là bảo bối “bất khả xâm phạm” của nàng thơ Nông Thị Hưng mà bất kể là chồng cô hay ai cũng không thể đụng vào. Trong đó chứa đồ nghề làm thơ là một cuốn sổ kẻ ô ly, chính là cuốn sổ mà Hưng đã xé trang giữa, chép cho chúng tôi hai bài thơ vừa rồi; một cây bút bi mực tím và một cái đài bán dẫn chạy pin nhỏ xíu của Trung Quốc. Nông Thị Hưng đã vươn ra thế giới bên ngoài bằng chiếc đài bán dẫn này, nó thực sự là In-tơ-nét của cô. Hưng đã nghe các chương trình … và đặc biệt là các buổi phát thanh văn nghệ của Đài tiếng nói VIệt Nam thì cô không bỏ sót bất cứ một buổi nào. Có khi, đang dãy cỏ ở vườn mà đến chương trình văn nghệ là cô bỏ cuốc, nghỉ để nghe đài. Khoảng còn lại của chiếc hòm được lèn chặt tả phế lù các loại sách, báo, tạp chí cũ, mới, có cả những tờ rách bươm, rơi rụng và những mẩu cắt. Hưng nói là ngoài chiếc đài bán dẫn ra thì bà bán sách cũ ở gần đầu cầu Sỏi cũng là nơi bổ xung “chất Văn nghệ” trong cô. Và những thứ được coi là “bổ dưỡng” nhất ở hàng sách ngồi lê này là những cuốn “ VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI” cũ. Bất kỳ gặp cuốn nào chưa đọc là Hưng Hấp lập tức mua ngay. Không có tiền thì mua chịu, một vài ngày đem trả cũng chẳng sao bởi nàng thơ dưới chân núi La Sa  vốn là khách quen…nhẵn mặt của bà hàng bán sách cũ gần đầu cầu Sỏi.
Chuyện cô Hưng Đa làm thơ, bỏ cả việc làm để nghe đài hay đọc sách báo đã được dân bản đặt thêm cho một cái biệt danh Hưng Hấp khiến phu quân của cô nổi cáu. Vốn xưa nay người hiền thường hay cục. Anh chàng Đa lành như đất núi La Sa ấy đã đập vỡ tới…16 chiếc đài bán dẫn của vợ chỉ vì Hưng đã nghe… quá nhiều chương trình văn nghệ rồi viết vớ, viết vẩn!  Đa còn dọa sẽ đập vỡ tan tành cả chiếc hòm vốn là bảo bối hành nghề làm thơ của vợ và đem “ hóa vàng những của nợ” ấy đi.
Nhưng Đa chưa làm gì với chiếc hòm ấy . Ngoại trừ có vài lần, nó là đối tượng để hai vợ chồng họ chơi trò… kéo co không phân thắng bại.  Song lời dọa của chồng khiến Hưng  đâm lo.   Cứ mỗi lần vợ chồng có chuyện nọ, chuyện kia là nàng thơ lại phải đem sơ tán hòm đồ nghề làm thơ của mình đi nơi khác, của một nơi, người một nẻo, tội nghiệp y như ngày nào người ta đi sơ tán máy bay…
 Hưng bảo với Đa: anh mà đập chiếc hòm và đốt những thứ trong ấy thì em tự tử. Sự thực thì Hưng cũng đã có lần tuyệt thực đến hai ba ngày, đến nỗi cô bị lả đi, đứng không nổi phải có người dìu mới đi được để phản đối chồng đối xử bất công với… chiếc hòm báu vật của mình. Đa sợ, không dám đụng đến đồ nghề làm thơ của vợ nữa.  Nhưng xem ra, anh chồng vẫn còn ấm ức lắm. Anh ta đã nghĩ ra một cách ngăn cản không cho vợ làm thơ một cách quyết liệt hơn. Ấy là một hôm, Đa cho làm mấy mâm cơm rượu, mời gia đình cả hai bên nội ngoại đến nhà mình để đánh chén và nói rõ cho mọi người hay tác hại của việc vợ say mê làm thơ ra sao, và bắt vợ phải hứa trước hai gia đình là từ nay không được làm thơ nữa, nếu tái phạm thì sẽ bị đuổi ra khỏi nhà. Trước sự thúc ép quá đáng, Hưng đã phải uống một lúc cạn ba chén rượu mới ngắc ngứ nói lên được lời hứa theo ý chồng, rằng từ nay … cô …sẽ… không làm thơ nữa. Tuy nhiên, sự việc đã lặp lại giống hệt chuyện cụ Ga-li- lê ở nước Ý vào mấy thế kỷ trước... vì ngay sau đó, cô lại bảo: nhưng …mà …nếu..không …được …làm thơ… thì con chết mất!
Kết quả là Nông Thị Hưng phải bỏ nhà đi nơi khác để mưu sinh và… làm thơ. Cô đã ra Hà Nội làm Ô - sin gần một năm trời. Chiếc hòm đựng đồ nghề làm thơ phải tạm thời gói trong ba bốn lớp nilon rồi vùi sâu trong lòng núi La Sa. Ra Hà Nội, cô phải xa chiếc hòm, thế là cô chẳng còn gì để đọc. “Hưng Hấp viết::

Ra Hà Nội không có tiền mua sách
Vào Chợ Thành Công đọc trong mắt người già…
  
Đó là câu trong bài “ Những người già đi qua chiến tranh“ ra đời vào những ngày này cô vất vưởng khi phải rời  núi La  Sa
Nhắc lại với chúng tôi chuyện đó, nàng thơ lại rơm rớm nước mắt. Song thật bất ngờ khi Hưng bảo:
- Chính em đã đốt thơ của em đấy, hai anh ạ!
Tôi và Trịnh Kim Hiền đều ngớ người ra.
- Em đã đốt chiếc hòm đó rồi sao? Tôi sửng sốt hỏi.
- Không - Hưng lắc đầu - Em chỉ đốt đi hơn sáu chục bài thơ mà em đã làm sau bao nhiêu năm, vì đọc lại thấy nó dở ẹc!
- Vậy em không giữ lại bài nào à?
- Có chứ!  Thì chính là hai bài thơ mà các anh vừa đọc với bài “người Miền núi”.
- Còn  những bài khác nữa chứ?
Hưng lắc đầu:
Em chỉ còn ba bài đó thôi! Những bài đã đốt thì coi như phăng teo luôn.
Tôi và Trịnh Kim Hiền đưa mắt nhìn nhau trước việc nàng thơ sử sự với thơ của mình. Cả hai chúng tôi đều cho đây cũng là một cách sử sự thật dũng cảm, đúng đắn, rất chuyên nghiệp, đáng khâm phục.

Sau buổi cùng Trịnh Kim Hiền đến chân núi La Sa ăn thịt chó, nói chuyện với nàng thơ Hưng Hấp về, Tôi đã đem hai bài thơ đó của cô gửi đăng trên tạp chí “SÔNG THƯƠNG” và lập tức được coi là một hiện tượng thơ lúc đó ở Bắc Giang. Đồng thời, “Lá cờ và người cha”và “Lời cây” cũng là hai bài thơ được bình chọn và trao giải thơ hay trên tạp chí “SÔNG THƯƠNG”.

Nàng thơ dưới chân núi La Sa có thơ đăng trên tạp chí “VĂN NGHỆ CÔNG AN” một cách thật bất ngờ và tình cờ. Ấy là một lần, Hưng mua được cũng ở hàng sách báo cũ gần cầu Sỏi cuốn tạp chí “VĂN NGHỆ CÔNG AN”, thấy số điện thoại của tạp chí in trên đó. Thế là, cô gọi điện luôn, nói chuyện với phó tổng biên tập suốt mấy chục phút về thơ. Hưng hỏi liệu cô có thể gửi thơ cho “VĂN NGHỆ CÔNG AN” được không? Dĩ nhiên phó tổng biên tập trả lời là: được! Tuy nhiên,  ông cũng phải nói thêm là nếu bài đạt chất lượng về nghệ thuật và nội dung thì tạp chí mới đăng. Chẳng nề hà gì, Hưng gửi ngay và thơ cô được giới thiệu trên hai số “VĂN NGHỆ CÔNG AN” liền.
Cho dến nay, Nông Thị Hưng chỉ có chừng hơn chục bài thơ. Trong đó đều là những bài khá hay, có những bài xuất sắc. Cái hay của thơ cô là bài nào cũng ngắn gọn, xúc tích, chắt lọc, kiệm lời nhưng đa nghĩa, để lại nhiều ám ảnh cho người đọc. Tôi muốn dẫn thêm ra đây một bài thơ nữa của Nông Thi Hưng:

 Nhân bản

Người ta nhân bản ra người
Tôi nhân bản tôi ra thành nhiều mảnh
Tôi nhân bản nỗi buồn
Đem xâu thành chuỗi…

Nước mắt,
     Nụ cười,
giấc mơ,
ám ảnh

Trẻ con chưa biết tên làng đã biết cầm súng
Chúng bắn không tiếng kêu
Chúng bắn không nhà cháy…

Chúng bắn
Những khẩu súng lập lòe xanh đỏ
Mắt những con dã thú chiến tranh

Chợt rùng mình
Trái tim tôi cất lời nhân bản.

Nông Thị Hưng tâm sự với tôi rằng cô sắp cho xuất bản một tập thơ đầu tay có tên là “MƯỜI BÀI. Trong đó, cô cũng sẽ chỉ chọn đúng mười bài thơ của mình để giới thiệu với bạn đọc. Đây sẽ là một tập thơ mỏng tang… nhưng mỏng, dầy, nhiều bài hay ít bài đã nói lên điều gì? Nếu như thơ dở thì đến cả trăm bài cũng chẳng bằng một bài thơ hay. Biết đâu đây lại là tập thơ độc đáo của Nông Thị Hưng thì sao?

 Chẳng biết là tập thơ ‘MƯỜI BÀI” ấy đã ấn hành chưa? Anh chàng Đa hiền lành rồi có đốt mất chiếc hòm báu vật của vợ  không nhỉ? Hay anh ta chỉ dọa gió thế thôi!  Nhưng tôi tin là dù có thế nào đi nữa thì Hưng Hấp vẫn cứ yêu thơ và say mê làm thơ. Dưới chân núi La Sa sẽ vẫn còn có một nàng thơ. Bởi thật là khổ thân! Làm thơ đã là cái tội, cái nợ… vướng vào thân nàng mất rồi.
Tôi xin không tả hình dáng, gương mặt nàng thơ của chúng ta. Bởi ai cũng biết, người con gái làm thơ nào mà chẳng đẹp.


                                                                     N.Đ
    


1 nhận xét: