Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

LÕ HAY NÕ? Phạm Thuận thành

LÕ HAY NÕ?






NGỌNG HAY KHÔNG NGỌNG
  
                             
                            Phạm Thuận Thành





        Mới đây nhà văn Quang Đại ở Lục Nam (Bắc Giang) viết xong truyện ngắn Lam Điểu, trong đó dùng từ “lõ điếu” nên đã có cuộc thảo luận xảy ra về việc viết “nõ điếu” hay “lõ điếu” mới đúng chính tả.
       Nhà thơ Duy Phi dẫn cả Từ điển tiếng Việt để khẳng định viết “nõ điếu” mới là đúng. Nhưng nhà văn Quang Đại vẫn kiên quyết viết “lõ điếu” vì cách phát âm ở Bắc Giang như vậy. Nhà văn Quang Đại còn dẫn ra nhiều từ nói sai từ điển nhưng cả nước cùng nói sai lại thành đúng, như từ “sum suê” và “xum xuê” hay từ “khoái trí” và “khoái chí” chẳng hạn. Nhân cuộc thảo luận này thử bàn lại vấn đề chính tả tiếng Việt có lẽ bổ ích nhiều điều cho việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt chăng!
   1, Thời kì đầu làm từ điển tiếng Việt ghi bằng con chữ cái Latinh các giáo sĩ phương Tây quan sát cách phát âm của người Việt để ghi lại dạng tự khác hẳn với từ điển hiện nay. Ví dụ ‘tlâu” = “trâu”; “blời” = “lời” (hoặc “trời”)…
   2, Đầu thế kỉ 20 Bác Hồ có chủ trương giản lược hoá một số từ tiếng Việt, như chỉ dùng k không dùng c (kách mệnh) hay dùng z thay gi, d (nhân zân). Tuy nhiên việc tiên phong dùng chữ của Bác Hồ chưa thành công. Mãi gần đây người Việt tự “nói ngọng” mà thành công việc giản lược hoá tiếng Việt dùng d thay cho gi ở nhiều trường hợp.
   3, Việc kí âm ở các vùng miền tất sẽ xảy ra tình trạng phát âm cùng một từ không giống nhau. Vùng đất lõi người Việt ở đồng bằng sông Hồng phát âm không có các từ uốn lưỡi “r”, “tr”, “s” và “n”. Nghĩa là người ta không cần những từ có phụ âm đầu như vậy nhưng vẫn giao tiếp được, không nhầm lẫn. Đó là do có ngữ cảnh của câu nói. Khi đi học dù được nhà trường rèn cách phát âm, kể cả học sinh phát âm chuẩn ở lớp nhưng khi giao tiếp tự nhiên lại phát âm “sai”: r = d; tr = ch; s = x; n = l.
   4, Thời kì đầu các nhà truyền bá chữ quốc ngữ đặt ra một số quy định bất thành văn về cách phát âm để phân biệt từ loại. Ví dụ là động từ hay tính từ thì viết ch, là danh từ thì viết tr, như “che phủ” và “cây tre”; là tính từ thì viết l, là danh từ thì viết n, như “mũi lõ” và “cái nõ điếu” chẳng hạn. Nếu phát âm không đúng (do cách đặt lưỡi) thì bị coi là nói ngọng. Ngọng so với quy định của các vị ấy thôi chứ không ngọng chính tả vì các vị đặt ra quy định nhưng chưa được đưa thành luật để bắt buộc thực hiện.
   5, Thực ra các nhà truyền bá chữ quốc ngữ cũng lúng túng trong việc kí âm từ Hán Việt, một thành phần quan trọng của tiếng Việt. Ví dụ cách phát âm phụ âm zh của tiếng Hán khi chuyển sang tiếng Việt phải dùng tr mới tương ứng. Ví dụ âm “zhi” theo mặt chữ khác nhau nhưng phát âm giống nhau, vậy mà khi chuyển sang âm Hán Việt lại ghi thành hai chữ “tri” (tri thức) và “chi” (chi phái) có cách phát âm khác nhau.
   6, Sách Từ điển tiếng Việt hiện nay có nhiều người làm và đã phát hành. Để chuẩn hoá từ tiếng Việt thì một cuốn từ điển nào đó cần được Quốc hội phê chuẩn mới có tính pháp lí bắt buộc mọi người thực hiện. Lúc đó ta mới có thể căn cứ vào đó để đánh giá việc viết đúng viết sai từ tiếng Việt.
   Cũng cần nói thêm, tiếng Việt cũng như mọi ngôn ngữ khác là sinh ngữ, nó luôn phát triển, bổ sung cả vốn từ vựng lẫn cách hành văn, cốt sao mọi người hiểu được. Tất nhiên cách nói ngắn gọn nhất vẫn là cách dùng từ hợp lí nhất. Ví dụ cái đài thu thanh tiếng Việt vốn không có vật dụng này nên không có từ tương ứng, người ta dùng hai từ “đài thu thanh” và “rađiô” song hành. Cuối cùng từ “đài” ngắn gọn thắng thế. Gần đây có đài thu hình, được dùng từ “vô tuyến truyền hình” thể hiện. Do từ quá dài nên trong đời sống người dân rút lại còn hai chữ “vô tuyến”. Một từ tiếng Anh cũng được dùng song hành là “ti vi” nhưng do đã có từ “vô tuyến truyền hình” rồi nên từ “ti vi” bị tẩy chay, bị coi là lai căng, làm mất sự trong sáng của tiếng Việt. Tuy nhiên, đến nay người dân gần như quên từ “vô tuyến truyền hình”, kể cả từ “vô tuyến”, mà chủ yếu dùng từ “ti vi” ngắn gọn, dễ hiểu.
   Hiện nay chữ tin nhắn điện thoại, chữ mạng intenet đang được giới trẻ dùng rất thoáng, có nhiều cải cách dạng tự của từ tiếng Việt hiện nay (vẫn phát âm như cũ). Giới trẻ không sợ viết sai, viết ngọng. Rồi đây rất có thể đó là một cuộc cải cách tự phát cách viết chữ tiếng Việt.








Phạm Thuận Thành
(Hội viên Hội ngôn ngữ học Việt Nam)
Thường Vũ - An Bình - Thuận Thành - Bắc Ninh
02413.782.355 - 0168.5300.803

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét