Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Có một sân thơ của tuổi trẻ....




THƠ TRẺ 3600!...

QUẦN BÒ ÁO BÀ BA.

QUANG ĐẠI
      
Quang Đại trên bờ Thiên Quang Tỉnh( trong  "Ngày thơViệt Nam " 2009

Lễ đài của "NGÀY THƠ VIỆT NAM 2009" được dựng lên trước cửa nhà Đại Bái ( Văn Miếu-Quốc Tử Giám). Theo như lời một người bạn của tôi thì mấy năm lại đây, NGÀY THƠ VIỆT NAM ngoài sân thơ chính thức, vẫn quen gọi là "sân thơ già" ở trước nhà Đại Bái này ra, thì còn có một "sân thơ trẻ" được tổ chức riêng ở khu sân nhà Thái Học phía sau. Tôi mới đi dự ngày thơ lần đầu nên rất muốn được chứng kiến lễ thả thơ và rất nhiều tiết mục vô cùng hấp dẫn tại "sân thơ già". Nhưng tôi đã vấp phải một nỗi hiếu kỳ khi vô tình thấy mấy nhà thơ cao tuổi hất cằm vào phía dãy nhà sau, thì thào to nhỏ với nhau, xem ra không mấy thiện ý lắm với "sân thơ trẻ".  Theo như các ông, các bà đang thì thào nhỏ to ấy thì trong đó chỉ là "thơ phồn thực", thơ sexy bạo liệt của những nữ quái thời thượng... thơ "mở khuy"... và cả thơ "nắm đấm" nữa. Tôi cũng có biết về những mâu thuẫn trẻ - già trong làng thơ Việt Nam gần đây. Nghe bảo, mâu thuẫn "to" đến mức có một nhà thơ già là bố đẻ một nhà thơ trẻ hẳn hoi đã phải viết một bài thơ gửi con rất chi là bi ai, nói về chuyện ông không nhận ra... con của mình.  Người ta còn đồn rằng: thơ trẻ và thơ già có lúc như ... ở hai "phe".

Thú thật, với thơ phú tôi chỉ là kẻ ngoại đạo, nhưng khoái thơ và... hơi tò mò. Từ lâu, tôi đã nghe lỏm  được người ta xôn xao, bàn tán này nọ về thơ trẻ. Tôi cũng đã được đọc một vài bài phê bình thơ trẻ, thấy chủ yếu là ca thán, phàn nàn, trong đó có trích dẫn một số câu, đọc lên quả là cũng... gai gai thật.  Bên cạnh đó, tôi cũng lại thấy có vài bài bênh vực, ngợi ca thơ trẻ, xem ra thì cũng rất có lý.  Tôi mông lung, chẳng hiểu "sư, vãi" phải trái thế nào. Phen này phải "nhìn tận mắt" xem bộ dạng thơ trẻ nó  làm sao!
                                          
                                                Quang đại và Đoàn Thị Lam Luyến
Thì ra, "sân thơ trẻ" không ồn ào như "sân thơ già". Cách bài trí và thiết kế mỹ thuật có vẻ êm ả, hài hoà, lịch sự và có chủ ý nghệ thuật rõ ràng chứ không loè loẹt đỏ xanh như ngoài kia. Việc chọn và trưng bày thơ trên các pa nô cũng nêu được điển hình của một vài đường hướng thơ trẻ, những cái TÔI của nghệ thuật thơ được cô đọng qua một vài tác giả trẻ tương đối thành danh. Mấy quầy bán, tặng thơ trẻ cũng được chào mời rất tình cảm, tế nhị và khiêm nhường. Các bạn trẻ đã tặng những người vào "sân thơ trẻ" những ấn phẩm thơ được in ấn rất cầu kỳ, đẹp và sang trọng...
 Đi qua một vòng, với ôm nặng thơ tặng, tôi ngồi ngay vào hàng ghế đầu trong "sân thơ trẻ", cách sàn sân khấu chỉ vài ba mét. Khi đã an toạ, ngước mắt lên, tôi nheo nheo mắt khá lâu trước cái tiêu đề "THƠ TRẺ 3600!" và nghĩ:có vẻ gay cấn đây! Nhiều người khác cũng đã nghĩ đến một sự quay quắt, quậy phá, một cái gì đó mang tính bùng nổ... hay chí ít cũng là sự bốc đồng, đầy ngẫu hứng vốn sẵn có ở tuổi trẻ. Dẫu sao thì một người không còn trẻ và chưa già như tôi (cái gạch nối giữa trẻ và già) đã thực sự tò mò và băn khoăn: Sao lại ba trăm sáu mươi độ? Quay ngoắt lại ư? Mà quay ngoắt lại ai? Quay ngoắt lại cái gì kia chứ?  Những thắc mắc này của tôi đã được cô MC Phong Điệp giải thích ngay từ đầu, rất ngắn gọn: 3600 có nghĩa là sự chuyển động, một  giải thích quả là đơn giản và dễ hiểu. Nhưng xem ra, cả tôi và nhiều người ngồi dưới vẫn cứ không chịu hiểu, còn thắc mắc và hoài nghi: chỉ là chuyển động thôi ư? Tôi lắc đầu, một số người khác cũng lắc đầu, cố tình không tin...
Ngồi lâu mà chẳng tháy độn tĩnh gì, tôi cảm thấy nóng ruột; chẳng biết lúc này ở ngoài "sân thơ già" bây giờ họ đang làm gì? Về sau nghe bạn kể lại thì "ngoài ấy" cũng không có gì mới cả, vẫn chỉ như mọi năm: người đọc thơ mình thì cứ hùng hồn đọc, chẳng biết ở dưới người ta nghe hay là nói chuyện riêng? Và rồi, khi xuống dưới sân khấu, trở lại làm thính giả thì chính ông vừa nãy lại nói chuyện riêng như ai, chẳng thèm nghe thơ người khác! Đây có lẽ cũng là một kịch bản buồn não lòng vốn lặp đi lặp lại trong nhiều cuộc đọc thơ ở khắp mọi nơi, nó cũng giống như các cuộc triển lãm nhiếp ảnh, mỹ thuật thì tác giả đến dự triển lãm cốt chỉ để xem tác phẩm của mình được bày biện như thế nào?

 

 Sân thơ trẻ lúc này đã được chuẩn bị  xong từ lâu, hàng trăm người đã ngồi hết các hàng ghế và đứng chật ních xung quanh. Nhưng phải chờ các thủ tục khai mạc ở phía ngoài, "người lớn" mà chưa chơi thơ thì "trẻ con" chơi trước thế nào được! Bởi vậy mà đến nửa buổi, hơn 9 giờ "sân thơ trẻ" mới đi vào  hoạt động.
Mở đầu không phải là MC ra trò trước, mà lục cục một vũ điệu trẻ rất sôi động và bắt mắt của một nhóm nhảy híp - hốp. Những cô bé cậu bé choai choai ăn mặc theo mốt rất... riêng tư, lắc mình, lắc mông và lắc tất cả những gì có thể lắc... Các cô các cậu ấy tung người lên, ngã sóng xoài, chỉ tay, giơ chân, lộn tùng phèo, trồng cây chuối và đi bằng... một tay.
Tôi nói với một ông bạn cũng ở vào cỡ tuổi nhàng nhàng như tôi rằng: Mở đầu như thế cũng chẳng phải là "chiêu" gì mới lạ.  Nhưng lập tức, tôi biết ngay là mình nhầm và phải há hốc mồm ra khi một cái mặt nạ gớm giếc bước lên sân khấu. Mặt nạ này mang trang phục rất cổ quái: quần bò, áo bà ba nâu, một vạt đút trong cạp quần, trông có vẻ rất lố. Tôi hoang mang đưa mắt cho ông bạn ngồi bên thì thấy ông này rung rung đùi, ghé tai tôi bảo: sẽ có chuyện lạ đấy! Nhưng chưa là cái gì so với năm ngoái đâu! Ông biết không? Năm ngoái ấy à! Có một tay thơ trẻ còn quấn băng trắng toát đầy mình lên đọc thơ nữa kia! Năm nay chẳng biết chừng sẽ xuất nhiều chiêu "độc" hơn! Thôi! Xem hồi sau sẽ rõ!
Không phải "xem hồi sau", mà ngay lúc ấy, rất nhiều người đã bị sốc khi nghe "mặt nạ" đọc thơ:
    
Xin lỗi những lỗ tai!
Tao sẽ hát.
Hoặc sẽ gào thét.
Hoặc ri rỉ than!
Chúng mày buồn ngay!

Có ai đó vỗ tay khoái trá, còn phần lớn thì mặt nghệt cả ra! Dù sao thì khi nghe đọc thơ, người ta không có đủ thời gian mà ngẫm nghĩ hay suy luận được nhiều...và người ta đã đặt câu hỏi: Mặt nạ kia xưng "tao" với ai nhỉ? Chỉ với những cái lỗ tai không danh tính thôi sao? Có ai đó bực bội bảo:  Nó "vơ đũa cả nắm" quá thể, không chừng xưng tao với cả bố nó đấy! Còn "chúng mày" thì còn gồm những ai nhỉ? Là tôi ? Là anh? Là tất cả chúng ta? Là một cái gì đó mang tính vĩ mô hay vi mô thì xin mọi người hãy tự nghĩ!  Mặt nạ đọc tiếp:

Xin lỗi những con mắt!
Tao sẽ nhảy nhót, múa may,
hoặc sẽ lăn lộn, cuồng quay.
Hoặc chỉ đứng im
Chúng mày chán ngay!

Xin lỗi những con tim!
Tao sẽ yêu.
Hoặc sẽ gét, sẽ giận giữ, căm thù, phẫn nộ.
Mặc kệ cho chúng mày vô cảm
Chúng mày đau ngay

Mặt nạ chính là nhà thơ trẻ Nguyễn Anh Vũ, một kiến trúc sư làm thơ.
Có thể cho là Nguyễn Anh Vũ nói với các giác quan của chính mình... theo cách nghĩ của nghệ thuật thì mỗi con người đều có thể có thật nhiều giác quan chứ không chỉ hai lỗ tai, hai con mắt và một trái tim... và chúng ta phải hiểu với nhau rằng: phạm trù đạo đức đôi khi ở bên ngoài cái đẹp, trong đó có nghệ thuật thơ ca. Trong cảm nhận của nhiều người thì Nguyễn Anh Vũ " ném" tiếp những "củ đậu bay-thơ" nhằm về phía ai đó là"chúng mày":
Xin lỗi những giấc mơ
Tao sẽ mang đến chân trời mây trắng
Hoặc mang đến nhà thổ, nhà xia.Nhà xác
Hoặc ngủ một giấc không mộng mị
Chúng mày chết ngay!

Bài thơ mở màn của Nguyễn Anh Vũ muốn nói gì thì nói đã khiến cho người ta nghĩ về một tuyên ngôn, một thách thức hết sức ngổ ngáo, thô lỗ, bất cần đời của một  đối tượng nào đó, có thể nhân danh tuổi trẻ hoặc là chính tuổi trẻ.  Đây là bài thơ khá thú vị và không bàn cãi về sự thông minh, ranh mãnh và tài hoa của chàng kiến trúc sư thi sĩ này. 
Chương trình"THƠ TRẺ 3600! "gồm phần chào mừng lấy tít là một câu thơ của Nguyễn Phan Quế Mai : Để cỏ giật mình nảy những mầm xuân còn có các bài thơ :"Bung" ( Lữ Thị Mai), "Nói với anh" (Huyền Minh), "Nhịp gốm"(Nguyễn Quang Hưng),"Vì sao"(Điệp Giang),"Phía trên đám mây là cả bầu trời" (Thuỵ Anh),"Để cỏ giật mình nảy những mầm xuân" (Nguyễn phan Quế Mai). Bài thơ "xin lỗi" của Nguyễn Anh Vũ được đọc từng đoạn, gần như xuyên suốt phần chào mừng , các bài thơ khác xen vào giữa và bài kết của Nguyễn Phan Quế Mai( "đại tỷ" của nhóm) nói chung là hiền lành, dịu êm có cảm giác như nó là những cái "xoa" cho "cú đấm" Nguyễn Anh Vũ:

Em sững sờ trước đá ngàn năm
Những cánh buồm mắc giăng trên biển cạn...
                    Nói với anh (Huyền Minh)

Người ôm nhịp sinh nở của nước
Sải trên từng bậc mây
Bình minh sáng nay chói loà châu thổ
Cánh tay ôm choàng không khí
      Uốn nhịp quanh co thành quách, núi sông
                     eo lưng mềm thiếu nữ
                        hình hài nước mắt, miệng cười...
                                         Nhịp gốm(Nguyễn Quang Hưng)

Những bài thơ được trình diễn ở  phần I : Mùa gieo vần, phần II: Mùa sống và yêu, phần III: Mùa Chữ nói chung đều hướng thiện và không có gì quá đáng,  không có thơ sexy, chỉ có thơ về đồng quê, kỷ niệm và tình yêu, những thứ vẫn thường gặp ở thơ "người lớn". Chỉ có bài khoảng trời xanh trong áo của Nguyễn Anh Vũ mà tôi  nhớ mang máng đâu có câu đại ý: Em mở khuy ngực áo, bầu trời xanh hiện ra... ví von  ngực người yêu với bầu trời hay với bất cứ cái gì đó cao đẹp thì lâu nay những người làm thơ họ vẫn làm chứ cứ gì cánh thơ trẻ?
Tuy nhiên, sau "pha" ấn tượng ban đầu,  tôi chỉ thấy"THƠ TRẺ 3600!" êm êm đi qua lỗ tai. Các nhà thơ trẻ đã cùng mặc đồng phục quần bò, áo bà ba nâu lên sân khấu và cùng nhau trình bày các thi phẩm của mình với những cảm xúc chân thành và đều ở tâm thế tự tin, vững trãi, cứ như họ là những diễn viên chuyên nghiệp đang say sưa diễn một vở kịch thơ có tên là"THƠ TRẺ 3600!".Với những đài từ sân khấu, điệu bộ, ánh mắt và sự giao lưu đa chiều giữa các nhân vật, với khán giả và với cả không gian lãng mạn mà chính thơ của họ đã vẽ ra. Họ thẫn thờ đi lại, đứng lên, ngồi xuống,  đối thoại với bạn diễn, với chính mình và cả với cái vô hình, siêu hình...họ dõi ánh mắt về phía xa xăm, nằm toài, úp mặt trên nền sân khấu mà đọc thơ... họ đã diễn một cách thật nhuần nhuyễn... tôi nghĩ chắc chắn là họ đã được tập luyện rất công phu trước khi lên sàn diễn... thơ. Với sự phụ hoạ, góp sức của ân nhạc là các nhạc cụ dân tộc chọn lọc rất đắc địa như nhị, tiêu, sáo... cùng các tiết mục của hai ca sĩ trẻ Kim JoJo,Tôn Thất Sơn và một nhóm nhảy Híp-hốp...đã tạo cho"THƠ TRẺ 3600!" có sức lôi cuốn và hấp dẫn từ đầu đến cuối.
 Nguyễn Anh Vũ bỏ mặt nạ ra ngay sau màn chào mừng. Cậu ta đọc thơ một cách hể hả và sảng khoái, thơ Nguyễn Anh Vũ có nhiều câu đẹp và bay bổng, lãng mạn. Nguyễn Anh Vũ và Nguyễn Quang Hưng có thể sẽ là hai tài năng triển vọng của thơ Việt Nam Tôi đặc biệt chú ý đến những câu thơ vững chãi, đầy ngẫm ngợi siêu phàm của Nguyễn Quang Hưng:

...Cây gạo bên chùa búp hoa chắp tay
Cò chở tiếng thu không
Thả xuống rặng tre lao xao bóng khói...
Cổ Trai(Nguyễn Quang Hưng)

          ...Lời sấm truyền luôn rong chơi dưới lớp đất sâu nhất
 của cánh đồng
Chúng ta chỉ ngẫu nhiên nhận được vào thời khắc
 quá muộn
Khi đã nuốt hết những bản nhạc trong cỏ tươi
Và bóc đi mỡ màu của đất dai
đến những lớp cuối cùng...
Cái đẹp không đến với chúng ta(Nguyễn Quang Hưng)

Lệ Bình Quan là một tác giả thơ trẻ không in thơ  mà chỉ tải thơ trên mạng. Thơ Lệ Bình Quan cũng khá ấn tượng, tiếc rằng tôi chỉ nghe mà không nhớ nguyên văn.
Thơ của Huyền Minh, một cô nàng từ cao nguyên đá Hà Giang vừa vội vã xuống Hà Nội tập... diễn thơ cùng các bạn cũng có những vần thơ mang âm điệu vùng cao, cùng những phát hiện đáng nể:

Sinh ra ở trên đá
Lớn lên từ ruột đá
Ăn mèn mén bằng muôi gỗ
Uống nước đun bằng ấm đồng
Đi trên con đường núi
Mọi đỉnh núi
Đều thấp hơn đầu gối...
Điều giản dị(Huyền Minh)

Thuỵ Anh sống ở bên nước Nga gần ba chục năm, cô vừa mới về nước vài tháng nay và cũng kịp thửa một chiếc áo bà ba nâu để lên trình diễn thơ. Thơ cô lành mạnh và đầy chất học trò, nghe thơ cô, tôi có cảm giác như đó là  những vần thơ làm vào những năm sáu mươi, bảy mươi gì đó từ hế kỷ trước; đó là một thứ thơ đều đều, miên man kể lể một cách quá ư dễ dãi:
..Phía trên đám mây là cả bầu trời
Xanh nhức nhói một màu xanh có thật
Bao năm rồi em ngỡ mình vẽ được màu trái đất
Hoá ra màu trời đất vẫn mông lung

Nào ai đã đi được đến tận cùng
Đường chân trời giao hoà cùng góc bể
Mà dám bảo bầu trời xanh như thế
Khi biển lớn thành một giọt nước long lanh...
              Phía trên đám mây là cả bầu trời(Thuỵ Anh)

Lữ Thị Mai là cô gái trẻ nhất và có thể cũng xinh đẹp nhất trong nhóm 5 nàng thơ, cô sinh năm 1988 và đang học tại Khoa sáng tác- lý luận phê bình văn học, trường Đại học văn hoá. Thơ của Lữ Thị Mai cũng vẫn chỉ là những bộc bạch, kể lể dài dòng, chỉ có điều cô kể lể có cảm xúc"mới" hơn mà thôi. Khi nghe thơ cô, tôi cảm giác như có sự vay mượn, bắt trước ai đó trong những bạn làm thơ trẻ.  Đây phải chăng là một cảm xúc thật của Lữ Thị Mai:

...Tôi vẫn thường về nhà
Bằng đôi chân vay mượn từ kẻ khác
Cô gái thất tình
Gã đàn ông say
Đứa trẻ lang thang bán vé số
Bước chân không hợp chủ
Ngồn ngộn bung khỏi đế dầy...
                   Bung ( Lữ Thị Mai)


Nước ta xuất hiện nhiều nhà thơ nữ tên là Mai nữa, trong đó có những người khá nổi tiếng. Nhóm trưởng "THƠ TRẺ 3600! cũng tên là Mai(  Nguyễn Phan Quế Mai), cô vừa cho ra tập thơ có cái tên rất khêu gợi: "Trái cấm", được hai nhà thơ đàn ông là Nguyễn Trọng Tạo và Lê Minh Quốc kẻ nâng đầu, người đỡ cuối (Nguyễn Trọng Tạo viết tựa, Lê minh Quốc Viết lời bạt). Nhưng tôi đọc thì thấy thơ của cô có cái gì đó... long lỏng, loang loãng, lơn mơn và chung chung... Ngay trong bài thơ Để cỏ giật mình nảy những mầm xuân là bài thơ hẳn là cả tác giả, biên tập chương trình "THƠ TRẺ 3600!" cho là đắc địa... thì cũng chỉ thế này:

....Gặp những nhà thơ, câu hỏi của tôi sau cái bắt tay
"Làm thơ có đủ sống không anh?"
Họ đáp lại bằng giọng cười xuề xoà dễ dãi
"Em à, thời buổi này ai đi mua thơ?"
...
Những nhà thơ ơi!
Hãy cứ làm con chim vừa bay vừa hót
Thả xuống đời tiếng ca lảnh lót, để cỏ giật mình nảy những mầm xuân...
"Để cỏ giật mình nảy những mầm xuân" (Nguyễn phan Quế Mai).

Ba câu thơ cuối đoạn thơ trên đồng thời cũng là câu kết của bài thơ theo tôi nếu có hay thì cũng chỉ là hay vừa vừa thôi. Nhưng nó đã được đọc ở phần chào mừng và nhắc lại khi  kết thúc như là một khẩu hiệu.

Sau chương trình còn có cuộc giao lưu giữa ba chàng thơ và năm nàng thơ với khán giả ( sự thật là khán giả nghe nhóm"THƠ TRẺ 3600!"giao lưu với MC Phong Điệp). Trong cuộc giao lưu này, MC Phong Điệp đã hỏi Lữ Thị Mai một câu rất ấm ớ và thiếu thông minh, đại ý: Có bao nhiêu nghề trên đời sao bạn lại chọn học nghề viết văn? Ngực tôi bỗng nhói đau...

Khi rời khỏi sân thơ trẻ, tôi không thấy người ta bàn tán nhiều về thơ mà lại xoay quanh tám bộ đồng phục quần bò áo bà ba nâu vừa rồi. Ông bạn ngồi gần tôi lúc nãy cho rằng: Chúng nó bóng gió "tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" đấy! Tôi thì thấy quần bò áo bà ba đâu có gì  gai mắt cho lắm! Nhưng thú thật, tôi đã đón đợi một cách căng thẳng những gì mà nhiều người "yếu bóng vía" cho là "quái thai" trong thơ trẻ...

 Và tôi đã thực sự bị hẫng hụt... một hẫng hụt nhẹ nhõm và bình an...



                                                                                                             Q.Đ




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét