Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

TỐI DẠ



                                                                                                         



                                                                      TRUYỆN NGẮN NGẮN: Phạm Tiểu Thư
                                        

   Từ nhỏ lão Chân Lấm đã được phong chức tối dạ. Một điều đơn giản nói cho lão dăm bảy bận lão vẫn chưa nghe thủng. Tỉ như trước khi ăn cơm phải rửa tay. Lão không thể hiểu nổi cái sự phải ấy. Thích thì rửa, không thích thì không rửa. Ai thấy cần thì cứ rửa, ai không cần thì không rửa. Sạch như bác sĩ mà ai cũng ốm o gầy còm. Bẩn như Thỉnh (người bị bệnh dở hơi) chợ Chằm vẫn to khoẻ lạ thường. Người ta bực mình bảo cái thằng tối dạ thế là cùng. Đi học còn nhiều điều khó hiểu hơn nữa. Toán học mà lại có tiên đề. Tiên đề có một điểm tựa đủ vững, một đòn bẩy đủ dài đủ cứng tôi sẽ bẩy tung quả đất lên. Nhưng lên đâu? Cả bầu trời chỗ nào cũng là khoảng không như nhau thì bẩy quả đất lên là lên đâu. Thầy không thèm trả lời hệ thống câu hỏi của trò tối dạ nên lão Chân Lấm không thể học nổi bài vì đơn giản là chưa hiểu bài. Thế mà lão cứ ì ạch kéo cày hết được cấp 3 (nay gọi là Trung học phổ thông) trước sự ngạc nhiên của nhiều người. Rồi về làm ruộng. Tối dạ chả bận đến ai nếu như không muốn nói nhiều người còn thích cái tính thiên lôi chỉ đâu đánh đấy của lão. Hợp tác lấy lão ra làm dân quân, rồi sung vào đội 813. Lão đã làm là y lệnh, thẳng tay với tất cả mọi người không chừa một ai. Hôm qua anh làm lãnh đạo tôi kính trọng, tôi nghe anh, làm theo lệnh của anh răm rắp. Hôm nay anh là kẻ có tội tôi cứ trói gô anh lại giải về trụ sở 813 để trên giải quyết. Năm nào lão cũng là chiến sĩ thi đua (cho thì nhận chứ lão có thèm thi đua với ai đâu) nhưng mọt kiếp lão không lên được chức vì khi xét nguồn người ta lại chê lão là tối dạ, đồ thiên lôi chỉ đâu đánh đấy.
   Đến hồi lấy vợ sự tối dạ lại một lần nữa được việc, nếu không dễ lão ế vợ mất. Bà mối sang nhà Tay Bùn thẽ thọt các ưu điểm của Chân Lấm, nào là người thật thà chất phác, biết thương yêu vợ con. Ai lấy được Chân Lấm thì nhẹ người, cả đời không lo phải gồng nặng gánh nhẹ. Lại còn được làm chồng người ta nữa, tha hồ nắm quyền thu chi trong nhà. Hôm hai người được thầy u Tay Bùn bố trí cho ngồi nhà ngang nói chuyện riêng, lão thấy cái cối giã gạo bằng gỗ lim to nặng tổ bố thì than: biết nhà cậu có cối gỗ lim thì ngày nào tớ cũng sang giã gạo, cối này giã đằm phải biết, tớ dận một thôi là gạo trắng như bông liền. Bao năm Tay Bùn khổ vì chuyện xay giã giần sàng, nhất là cái cối quá nặng này, nay nghe lão Chân Lấm nói vậy thì mở cờ trong bụng quyết lấy bằng được lão làm chồng, ai bảo lão chỉ có mỗi ưu điểm giã khoẻ cối khoẻ.
   Vậy mà bây giờ cái sự tối dạ của lão lại bị vợ cằn nhằn lên bờ xuống ruộng. Mặc, chưa nghe thủng là lão chưa gật. Lão chưa gật thì vợ đành chịu bó tay. Chả là cả làng đã ừ bán hết ruộng để làm công nghiệp, nhà nào cũng nhận hàng gánh tiền về chuẩn bị xây nhà chọc trời. Nhà lão tứ đời kiểu rùa tùm hụp, vợ lão sốt tiết làm nhà không mái lắm rồi. Cả đời bám ruộng chắt bóp lắm chỉ đủ ăn là may. Thời hợp tác xã viên là chủ, ruộng mênh mông bát ngát cò bay mỏi cánh không thấy bờ vẫn thiếu ăn quanh năm. Thời đổi mới nghe lãnh đạo phân tích tỉ trọng nông nghiệp càng cao càng tụt hậu mới vỡ lẽ. Mồi chài mãi, trải thảm mãi mới có công nghiệp chịu về lấy ruộng thì lão tối dạ lại không ừ. Lão bảo đã có kinh nghiệm sợ giàu lắm rồi. Thời cải cách ông nội lão chín năm là chủ tịch kháng chiến mà bị đòm tại bờ ruộng của nhà vì tội địa chủ giàu quá. Còn ông ngoại cũng chín năm kháng chiến là chủ tịch Liên Việt giàu vừa nên chỉ bị đi tù ở Bá Vân thôi. Thời ấy giàu là có tội bị đòm, sợ lắm. Bây giờ khuyến khích giàu thì nghèo là có tội sao không đòm nghèo đi. Nếu nghèo bị đòm thì lão ừ liền. Chỉ sợ nay mai chính sách mới không thích giàu nữa thì sao. Tay Bùn giải thích mãi về xu thế thời đại người ta không đòm giàu nữa lão mới có vẻ nghe ra. Nhưng lão lại viện cớ cả nhà truyền đời chỉ làm nông nghiệp, nay sang làm công nghiệp thì biết làm gì để sinh sống. Công nghiệp đến mấy cũng phải sống bằng cơm gạo. Có ruộng là có cơm gạo lão chẳng sợ đói, chẳng phải nịnh nọt nhờ vả bố con thằng nào. Nghìn đời qua cha ông đã sống, nghìn đời sau con cháu vẫn sống được trên mảnh ruộng này. Bây giờ bán theo khung giá quy định, sau này mua theo khung giá nào hay tấc đất tấc vàng, rồi lại bồng bế nhau lên non mà ở. Bị vợ chê là tối dạ, lần đầu tiên trong đời lão vặc lại: Có bà tối dạ thì có ấy!


                                                                          Phạm Tiểu Thư
                                               Thường Vũ – An Bình – Thuận Thành – Bắc Ninh
                                                                 02413.782.109  - 0168.5300.803

2 nhận xét:

  1. Truyện quá nhạt, lời kể rườm ra, thế này mà gọi là truyện ngắn ngắn

    Trả lờiXóa
  2. truyện cũng được đấy chứ

    Trả lờiXóa