Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Kiếp tre

Nhà văn Phạm Thuận Thành
             


Kiếp tre
  Truyện ngắn của :Phạm Thuận Thành



 
   C
hủ trương chuyển dịch kinh tế thuần nông sang kinh tế dịch vụ của đảng uỷ Bình An ngày một có hiệu quả rõ ràng. ở thôn An Đồng trung tâm xã hay ở thôn An Phú cửa ngõ lên huyện không nói làm gì, ngay ở thôn An Cư hẻo lánh nhất cũng thấy rõ sự chuyển dịch nông thôn theo xu thế kinh tế thương mại dịch vụ không thể cưỡng nổi. Rõ nhất là việc chặt hạ tre. Nhưng bụi tre gai dầy, to hàng trăm gốc, từng ngăn cản xe tăng đại bác của quân Pháp, góp phần làm nên một An Cư đỏ lừng lẫy chiến công, thế mà chủ nó không thể thương được. Bóng tre bao đời trùm kín tầm nhìn tầm khôn của dân làng rồi, còn để nó trùm phủ đến bao đời nữa. Mà càng để càng mất giá vì người ta không làm nhà tre, không làm đồ dùng bằng tre, vậy chỉ để làm cọc hay làm củi thôi. ở Bình An tre bị chặt hoang hết bụi này sang bụi khác. Làng quê hết tre như người bị cạo trọc đầu, ngổ ngáo khác lạ thảm hại.Chỉ riêng trại lão Hoành tre vẫn um tùm phủ kín sự thông hiểu nghị quyết của lão. Vì thế cái tin lão Hoành ngang như cua phá tre lan nhanh từ xóm Trong ra xóm Ngoài, lên xóm Trên, về xóm Dưới. Dân làng An Cư có thời sự để bàn và luận. Mà cái món thời sự bao giờ cũng là món ngon nhất với người làng vùng sâu vùng xa luôn đói thông tin này. Ngang với ai chứ ngang sao nổi với tổ chức. Đố dám một mình chống lại nghị quyết đấy. Ô hô, thế là lô cốt cuối cùng bị đánh đổ rồi, và cây tre cuối cùng của làng cũng bị đổ nốt nhé. Ôi, quê hương ta từ nay sạch bóng lũ ăn tàn phá hại đất mẹ yêu thương để từ đây mọc lên những vườn cây sinh thái, những vườn cây ăn trái xum xuê trĩu nặng quả trên (ư ử) cành...cành. Câu cảm thán của ai đó vút lên ngân sa không còn bị luỹ tre ngăn trở, vang tận tai lão Tung ở xóm Dưới. Lão muốn đến mừng cái tay suốt đời ngang như cua may mà còn kịp thay đổi tránh khỏi cái án kỷ luật đã treo lơ lửng trên đầu. Nhưng trăm nghe không bằng một thấy, cứ là phải mục kích tận mắt đã. Lão Tung chống gậy liêu xiêu đi. Dọc đường gặp ai lão cũng hỏi Cái lão Hoành ngang như cua phá tre phỏng?. ầy dà, tôi vào chơi với lão ấy đây, chắc là giở chứng rồi. Dò dẫm đến được cổng nhà lão Hoành, lão Tung đứng dạng chân, hai tay bám chắc vào cây gậy, với thế chân kiềng vững chắc, lão hắng giọng gọi với vào nhà:
   - Lão Hoành ngang như cua có nhà không? Tung đây. Tung đến hỏi thăm có phải Hoành phá tre không đây.

   Không có tiếng người đáp. Chỉ có tiếng đốp đốp đốp hối hả vang lên. Tiếng tay tre cọ vào thân rít lên ai oán. Tiếng cây tre ngã xoành bất lực. Đúng lão Hoành phá tre thật rồi. Tiếng dao đẵn tre đanh, gọn, chắc rất đặc trưng. Nhưng hôm nay, tiếng dao đẵn tre của lão Hoành lại cứ như đẵn vào tâm tưởng của lão Tung vậy. Lão rảo bước vào nhà, ra vườn. Tre ngả tanh bành. Búi tre hoá đen trên trăm cây, cây nào cũng óng nuột, nở nang ngày nào bây giờ chỉ còn mấy cây vẹo vọ vì mất chỗ dựa lẫn nhau. Cảnh phá búi nó tang thương khác hẳn cảnh chặt chọn thế đấy. Chặt chọn thì tre vẫn ấm bụi để sinh sôi tiếp. Chặt phá búi thì bị dóc hết tay tre cho cây dễ đổ, và đến tre non chưa đến tuổi chẻ lạt cũng bị hạ tuốt tuột. Lão Hoành vẫn cắm cúi đẵn, cánh tay gân guốc đen đúa cứ vung lên một cách giận dữ làm như bọn tre mắc tội truyền kiếp với lão vậy.
   Lão Hoành vốn không phải người gốc làng An Cư. Đầu năm năm hai đơn vị lão về hoạt động ở vùng Năm Đống hỗ trợ cuộc tổng phá tề của cả mấy huyện. Tiểu đội Hoành được điều về phối thuộc với du kích làng An Cư do lão Tung phụ trách. Đội du kích có ba nữ, trong đó có cô Bờ trẻ nhất, xinh tươi nhất. Bờ lại là con gái độc nhất của cụ quản bạ Điền với dinh cơ khang trang, vườn tược rộng lớn vào loại nhất làng. Từ lâu Tung đã có ý với Bờ nên thường kiếm cớ gần gũi để dìu dắt chiến sĩ trẻ. Bờ thì hồn nhiên như không, chảng để ý gì đến ý tứ của Tung. Thế mà khi tiẻu đội Hoành về, Bờ thay đổi hẳn. Cô bập ngay với Hoành như hình với bóng. Tung ngứa mắt lắm, nghĩ: ba năm du kích nằm kề, không bằng bộ đội nó về một đêm. Mà Tung nào có hèn kém gì Hoành. Về chức vụ thì Tung là đội trưởng du kích, nay kiêm chỉ huy cả tiểu đội của Hoành, còn Hoành chỉ là chiến sĩ thường. Về diện mạo thì Hoành càng kém xa Tung. Hoành cao ngỏng, da đen sắt sí như bị sốt rét kinh niên, bàn chân to bè như chiếc xà lan. ở tiểu đội mọi người đã gán cho Hoành cái biệt danh cây tre Việt Nam từ trước. Bờ hỏi: Anh có bực mình với cái tên cây tre không? Không bực. Cây tre sống ngay thẳng, bền bỉ, dù bên ngoài có lám láp bùn đất thì bên trong lúc nào cũng vẫn trắng bong, tinh sạch. ấy là Hoành muốn nói lên cái bụng vô tư không có gì và lớp ruột trắng bong của tre. Có lần họp chung bộ đội và du kích, Tung châm chọc:
   - Tre Việt Nam cây nào cũng thẳng, riêng tre hoá đen bao giờ cũng cong cong.
   Mọi người cười bò lăn bò càng. Hoành thản nhiên đáp lại:
   - Tre hoá đen vốn thẳng, chỉ khi về đến làng An Cư nó mới hoá ra cong cong thôi.
   Bờ sót ruột quá đứng dậy to tiếng:
   -Tôi phản đối các đồng chí nói cạnh khoé nhau làm mất tình đoàn kết nội bộ đấy.
   Tung cũng cảm thấy mình quá lời, sợ quá đà nên tuyên bố cuộc họp bắt đầu. Cuộc họp bàn về phương án chống địch càn quét lớn. Địa hình làng Nghe về mùa nước chẳng khác nào một pháo đài tự nhiên. Xung quanh làng là những luỹ tre hoá đen nối nhau chắn nước chắn gió. Chỉ có hai con đường vào làng ở phía bắc và phía nam. Cả hai phía đều có cầu. Cầu Hai ở phía nam, lối ra đường liên huyện. Cầu Ba ở phía bắc, lối ra khu đồng cao chuyên trồng màu của làng. Nhận định phía cầu Ba dễ tiến quân, địch sẽ tập trung binh hoả lực nên ta bố trí phần lớn lực lượng. Phía cầu Hai bố trí một lực lượng nhỏ. Những nơi xung yếu khác thì bố trí chông mìn kết hợp. Phương án chiến đấu được thông qua. Hoành đứng dậy xin bổ sung:
   -  Địch có hàng tiểu đoàn, ta chỉ có trung đội thiếu, theo tôi nên dự kiến thêm phương án đánh địch trong làng, kể cả dự kiến đường rút để bảo toàn lực lượng nếu như ta không thể giữ nổi trận địa.
   Tung được dịp trên cương vị chỉ huy cao nhất kịch liệt phê phán tư tưởng bàn lùi, thiếu tích cực của Hoành, chưa đánh đã lo đường rút. Hoành tỉnh bơ không nói gì. Bờ lại phải bênh:
   - Phương án đánh địch trong làng hoàn toàn có thể xảy ra chứ. Ai mà biết được sức công phá của địch như thế nào. Khi trước trung đoàn thủ đô đã từng đục tường thông nhà đánh địch hàng tháng trong thành phố là gì. Nếu giữ được trận địa không cho địch vào làng thì việc dự kiến phương án đánh địch trong làng thì có hại gì đâu mà đồng chí Tung lại phê bình. Thế này thì còn gọi gì là họp với bàn nữa.
   Tung cũng thấy hố to. Phê bình hạ thấp uy thế Hoành trước Bờ lại hoá ra càng đẩy Bờ về phía Hoành. Hẳn hai người đã có ý gì với nhau rồi. Việc giành Bờ của Tung càng khó thêm đây.
   Đúng như dự kiến của trên, quân Pháp mở trận càn Pôlô Tuyếccô tấn công dữ dội vùng Năm Đống. Mũi chủ lực chúng chọc thẳng vào làng An Cư vì chúng tưởng cơ quan lãnh đạo kháng chiến của tỉnh đóng ở đây. Mới mờ sáng, pháo, moocchê từ huyện Cẩm đã bắn cấp tập vào làng. Nhà cháy, nhà sập khắp nơi. May mà bà con đã kịp sơ tán từ hôm trước nên không có thiệt hại về người. Moocchê dứt, hai xe tăng địch đã gầm rú phía đồng cao, vừa tiến vừa bắn vào lũy tre phía cầu Ba. Hoành đề nghị được ra đặt mìn diệt tăng. Bờ cũng xin đi. Hai người khoác mìn lội dọc con đường tiến ra đồng. Hoành quan sát đường tiến của xe tăng để đặt mìn. Rồi cả hai lại lội theo đường cũ trở về. Vừa lọt vào giao thông hào sau luỹ tre dày thì đã nghe hai tiếng nổ long trời. Một chiếc xe tăng bốc cháy ngay bên mép đường. Chiếc dưới ruộng bị đứt xích, chúi lòng pháo xuống đất như con voi kiệt sức gục xuống. Hoành bảo Bờ:
   - Cho em chiếc bị cháy, anh nhận chiếc đứt xích nhé.
   Bờ cười, hàm răng đen nhưng nhức làm duyên:
   - Em không lấy đâu, cho anh cả để làm anh hùng.
   Mặc dù mất hai xe tăng ở ngay cửa ngõ vào làng, bộ đội và du kích làng Nghe buộc phải lùi dần vào trong làng. Họ giữ từng ngôi nhà, từng bức tường chưa đổ. ở điếm cầu Ba chỉ có Hoành và Bờ chốt giữ nhưng địch không thể tiến được. Đây là nơi cất vũ khí của ta. Trong hậu cung còn mấy hòm tạc đạn và mìn muỗi. Bờ làm nhiệm vụ lắp mìn muỗi vào giọng chuột để chuyển cho Hoành. Địch tiến đến ngoài tường, Hoành vẩy một giọng chuột, mấy quả mìn văng ra nổ cấp tập uy lực sát thương rất lớn, địch không hiểu quân ta dùng vũ khí gì mà lợi hại thế. Sang chiều, lợi dụng địch tạm nghỉ tiến công, Hoành và Bờ cất hết vũ khí xuống hầm bí mật, rồi rút về xóm Trong. Lúc này toàn đơn vị cũng đã rút khỏi làng an toàn. Hoành và Bờ mất liên lạc, đành xuống hầm bí mật ở dưới bụi tre hoá đen nhà Bờ. Hai người không ngờ hầm bị thẩm nước ngoài ao vào, chỉ còn vừa đủ hở đầu để thở. Nước thì vẫn dâng cao dần. Hoành bàn:
   - Bờ này, cứ ở dưới hầm thì chết ngạt là cái chắc. Chẳng thà ta chọn cái chết oanh liệt, đội hầm lên mở đường máu thoát ra ngoài đồng cơ may còn sống.
   - Làm thế anh hùng thật đấy, nhưng có khi hy sinh mà không diệt được quân địch, như vậy tự ta làm mất lực lượng của cách mạng. Theo em ta chịu bị bắt, rồi tìm cách thoát để chiến đấu tiếp là hơn.
   - Thế là hèn nhát đầu hàng à? Lọt vào tay giặc nhỡ chúng cứ bắn bỏ thì sao?
   - Hèn hay không là tuỳ cách nhìn nhận. Ai cũng thà hy sinh chứ không chịu bị địch bắt thì các chiến sĩ cộng sản tiền bối liệu có ai còn sống để có phong trào, có kháng chiến như bây giờ không. Với lại khi địch mạnh chúng có thể làm bừa làm càn tuỳ ý thích của chúng. Bây giờ khác rồi, ta cũng bắt sống hàng binh đoàn quân địch, chúng đã phải tôn trọng chính sách tù hàng binh, việc tuỳ tiện bắn bỏ tù binh đâu có thể xảy ra bừa bãi được.
   - Vậy sau khi được thả em hãy đợi anh nhé.
   - Vâng.
   Hoành và Bờ ôm hôn nhau khẳng định tình yêu, rồi đội hầm chịu bị bắt.
   Sau hiệp nghị Giơnevơ, Hoành phục viên về làng An Cư tìm Bờ. Bờ ở tù ra bị bệnh lao, người gầy xanh chứ không tươi xinh như cô du kích Bờ ngày trước. Hoành vẫn cưới Bờ. Họ có với nhau một đứa con thì Bờ bị hậu sản chết. Hoành ở vậy nuôi con. Cái biệt danh ngang như cua gắn với Hoành từ khi cu Hoạt học lớp 6. Hoành bảo con học, cu Hoạt chê bố dạy sai. Nó bảo: Bố ơi, tre là cây tre, viết tê e rờ, tức là chờ nặng, khác với che là che chắn, che phủ, viết xê hát, tức là chờ nhẹ, thế mới đúng chính tả. Hoành không bảo nổi con, tức quá ra tận trường chất vấn cô giáo. Chính tả là cái gì? Cô giáo nhẹ nhàng giải thích: chính tả cách viết đúng đã được nhà nước tiêu chuẩn hoá. Viết đúng chính tả giúp cho cách nói, cách phát âm chuẩn xác. Đó là làm trong sách tiếng Việt. Thế ra trước khi có chính tả thì tiếng Việt đục tối à. Ai là người đã chẻ sợi tóc làm tư, làm cho tre chỉ còn là cây tre chứ không còn cái nghĩa ban đầu là che chắn nữa. Xin nói cho cô giáo rõ nhé. Sở dĩ cái thứ cây có gióng có đốt, trong trắng ngoài xanh được dân ta gọi là cây tre là vì nó có bóng che mát rượi ngày hè. Trời giông bão thì luỹ tre chắn gió cho nhà đỡ tốc mái, cây cối đỡ rụng quả gãy cành. Trong kháng chiến cây tre cản bước quân thù. Từ khi có xóm có làng, cây tre luôn bao bọc che chắn xung quanh, thế nên nó mới vinh dự mang tên là tre. Người dân chúng tôi nói đâu cần phân biệt chờ nặng chờ nhẹ. Nặng hay nhẹ do nước từng làng. Người làng này chớ có nhại giọng của người làng khác kẻo to chuyện đấy. Chửi cha không bằng tiếng pha tiếng đấy. Lão Hoành dồn một chặp như súng liên thanh. Cô giáo vẫn nhẹ nhàng: ý kiến của bác cháu sẽ phản ảnh lên trên, nhưng trước mắt ta cứ phải tôn trọng quy tắc chính tả đã ban hành bác ạ. Đó là luật pháp đấy. Lão Hoành trợn mắt lên: tôi nói bã bọt mép như thế mà cô giáo vẫn cứ bảo thủ à. Chính tả mà sai thì có hoạ là tả ấy. Cô giáo bị phụ huynh học sinh quát vẫn kiên trì: Đấy là chỉ bác cho là sai thôi. Bao giờ nhà nước bảo sai thì cháu mới phải nghe. Cháu dạy học phải tuân theo hướng dẫn của Bộ, của nhà nước. Xin bác viết thành văn bản ý kiến của bác gửi lên trên để trên xem xét lại trường hợp này bác ạ. Nói thế thì nói thèm vào à. Tôi không phục. Lão Hoành vùng vằng bỏ ra về. Cô giáo nhận xét với cả lớp: Bố em Hoạt tên là Hoành, nghĩa là ngang, thể nào ngang như cua ấy. Bọn học sinh lớp 6 đi đâu cũng kháo nhau: chú Hoành ngang như cua. Rồi cả làng, cả xã cũng bảo lão Hoành ngang như cua. Riêng dân làng An Cư càng tin cái ngang ngang chập chập gần như là cá tính cố hữu của lão Hoành. Nhất là cái việc thảo luận nghị quyết chi bộ về việc thực hiện nghị quyết phá tre trồng cây đặc sản của xã. Số là, trong kỳ họp Hội đồng nhân dân xã vừa rồi, khi bàn về chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, các đại biểu nhận thấy, là một xã đất chật người đông vào loại nhất cả nước, ấy vậy mà diện tích cây tre chiếm đến 5%, độ che phủ đến 10%. Tre là cây trồng lưu niên, thu nhập thấp, mà nhu cầu dùng làm nhà ngày càng ít vì người dân đã chuyển sang làm nhà mái bằng là phổ biến. Nếu chuyển 10% diện tích che phủ của cây tre sang trồng nhãn lồng hay vải thiều thì sẽ đem lại nguồn lợi vô cùng to lớn cho cả xã. Thế là biểu quyết phá tre. Trên cơ sở nghị quyết này, cấp dưới lại đồng loạt ra nghị quyết phá tre. Đến cấp chi bộ là cấp lãnh đạo thực hiện, hầu hết vẫn suôn sẻ. Sau nghị quyết của chi bộ thì tre bắt đầu bị tử hình đồng loạt. Và tre chỉ còn cách giãy đành đạch ngã xuống. Tre như riêng bị thảm hoạ sóng thần khủng khiếp. Tre không biết chui, không biết trốn. Chủ của tre cũng không thể giấu tre đi được. Vì tre không phải là chó. Chó khi có lệnh triệt để phòng dại còn được chủ giấu dưới hầm bí mật. Đằng này tre thì giấu làm sao. Thương lắm cũng chỉ còn cách đánh vài gốc bánh tẻ dâm ở góc ao chờ cơ hội gây lại búi mới. Những luỹ tre hoá đen đầu gió đầu nước rắn như thép của làng An Cư cũng lần lượt bị hạ. Độc nhất lão Hoành dám ra mặt phủ quyết nghị quyết phá tre. Lão phát biểu: Mỗi thứ cây đều có giá trị riêng. Riêng cây tre thì gắn bó với người nông dân lắm lắm. Nào sợi lạt bện thừng, bó mạ, buộc rào. Nào cái tăm, cái đóm. Nào cái rổ, cái rá, hay cái nơm, cái đó, cái giọng chuột. Nào cán cuốc, cán cào. Nào cái dui cái hoành, cái cột cái kèo. Tỉnh chỉ nên có nghị quyết cải tạo vườn tạp chuyển sang trồng cây có lợi ích kinh tế cao hơn thôi. Còn cải tạo như thế nào, trồng cây gì là do người dân tự chủ động. Xưa nay chưa hề thấy có nghị quyết kết án tử hình một loại cây quý giá, thiết yếu với người dân như cây tre bao giờ. Tôi không đồng ý với nghị quyết phá bỏ tre này. Phá bỏ tre khác nào phá bỏ văn hoá lối sống làng truyền thống. Làng không có tre đâu còn là làng nữa. Lão Tung bảo bí thư chi bộ cứ cho biểu quyết, thiểu số phải phục tùng đa số. Nếu thiểu số không phục tùng, cứ đem điều lệ trị cho há mồm ra. Lão Tung nói thế, nhưng thực bụng không thù ghét gì lão Hoành về chuyện cô Bờ ngày trước, mà là do lão có ý thức tổ chức cao, với lại lão muốn thử xem lão Hoành một mình giơ tay phủ quyết, lại đòi bảo lưu ý kiến lên tận trung ương, vì riêng trường hợp đặc biệt này từ tỉnh trở xuống đều đã có nghị quyết. Lão Hoành giao hẹn, bao giờ có ý kiến phản hồi của trung ương lão sẽ thực hiện. Chi bộ có đảng viên kiên định ngang như thế thì còn thể diện gì nữa. Chờ cho cả làng chấp hành phá bỏ hết, chỉ còn bơ vơ búi tre nhà lão Hoành ở xóm Trong, bí thư chi bộ mới đến gặp riêng Hoạt, đương chức Trưởng phòng văn hoá. Hoạt đang có uy tín cao ở huyện, nghe bí thư chi bộ trình bày, giật mình hỏi:            
   - Ông cụ kiên quyết không phá bỏ tre thật à. Thế thì gàn dở quá. Để tôi, ông cụ không phá thì tôi phá, các cậu khỏi lo.
   Trưởng phòng Hoạt sai một nhân viên khoẻ mạnh đưa ngay về nhà. Làng An Cư phong quang khác lạ. Thiếu bóng tre Hoạt như không còn nhận ra làng quê quen thuộc nữa, lòng chếnh choáng bộn rộn. Chỉ đến khi về đến nhà Hoạt mới lấy lại được trạng thái cân bằng vì cảnh nhà không có gì đổi khác. Lão Hoành đang làm cái giọng chuột mới, tính đi kiếm chút cải thiện nay mai. Hoạt chất vấn ngay:
   - Cả tỉnh người ta phá tre được, sao thầy không phá? Thầy định phá sự nghiệp của con à?
   Lão Hoành thủng thẳng:
   - Anh làm văn hoá mà vô văn hoá thế à. Văn hoá Việt Nam gốc ở văn hoá làng, mà văn hoá là văn hoá tre. Tre bao bọc nên làng. Chân tre để phân định làng này xóm khác. Phá bỏ tre là phá bỏ cội nguồn văn hoá dân tộc, anh rõ chửa. Như cái giọng chuột tre đơn giản này, bình thường thì có thể đi bắt chuột kiếm bữa, còn khi xưa giáp trận, tôi và u anh đã dùng nó bắn cấp tập mìn đẩy lui hàng trung đội quân Pháp đấy. Kết luận: anh muốn phá tre thì hãy chờ cho thằng già này ngoẻo đã nhé.
   ở huyện thì sôi như lửa, thế mà bây giờ trước lí lẽ của bố, Hoạt không biết nói sao. Đành phải giở ngón cuối cùng:
   - Con lạy thày rồi. Nhưng thầy cũng nên biết, có mất văn hoá thì cũng là mất chung của cả tỉnh chứ. Việc thày khư khư giữ lại búi tre, lợi văn hoá đâu chẳng thấy, nhưng hại thằng con trưởng phòng văn hoá là chắc. Con đang được dự kiến chân phó chủ tịch văn xã, thế mà thầy công khai không thực hiện nghị quyết thì khác nào thầy đào huyệt cắm chông bẫy con đường tiến  thân của con cơ chứ.
   Lão Hoành nghe, trong lòng phẫn chí lắm mà vẻ mặt vẫn phải thản nhiên như điếc. Hoạt dấn tới:
   - Thầy ừ nhé, để con bảo chú nhân viên ở lại ngả giúp.
   Lão Hoành gầm lên:
   - Không. Tao không khiến. Vì con tao thì tao chặt, chặt hết, tự tay tao chặt, rõ chưa. Còn mày, cút mẹ mày về với cái danh vọng của mày.
   Hôm sau lão Hoành mua lòng lợn, tràng hoa, thịt gà, thổi xôi biện mâm lễ ra búi tre khấn vái. Rồi lão bày mâm mời bọn tre cùng uống rượu. Hai tay hai chén, lão đến từng cây tre vòng tay giúp tre chạm chén, lão uống một chén, còn một chén đổ vào gốc mời tre cùng thưởng. Lão than: Tre ơi, mày đi trước nhé. Tao cũng đứt từng khúc ruột đây. Tao triệt để chúng mày xong thì tao cũng triệt để luôn tao đấy. Tao mong chúng mày được hoá kiếp làm người. Làm người thì gắng mà sống ngay thẳng như kiếp tre bây giờ nhé. Còn tao, tao lại xin được hoá kiếp làm tre thay chúng mày ở đất này, để tre không bao giờ chịu cảnh tiệt nòi mất giống. Tre muôn năm, muôn muôn năm! Sau khi chuốc hết chai rượu cùng tre, lão Hoành bắt đầu vung dao lên. Đốp, đốp, đốp. Từng nhát dao chém phập vào lòng lão. Tre rũ lá đau buồn nằm xuồng lần lượt từng cây một, bất kể tre già, tre non hay tre bánh tẻ.
   Khi lão Tung đến cũng là lúc cây tre cuối cùng bị hạ nốt. Lão Hoành buông dao toan đứng dậy, nhưng lại ngã sấp mặt xuống những gốc tre mới chặt vẫn còn đang rỉ nước, tư thế như ôm ấp phần còn lại của búi tre lớn. Lão Tung nhìn thấy một cảnh tượng lạ lùng: từ giữa lưng lão Hoành đội lên một mầm măng mập mạp, cứ mỗi giây mỗi lớn vổng lên. Từ mầm măng ấy toả ra ánh sáng cầu vồng lấp lánh. Lão Tung dụi mắt lẩm bẩm: Chẳng lẽ lão Hoành hoá thành tre thần hay sao.
   Rồi lão gọi to:
-  Lão Hoành ơi, cho Tung theo với!

                                                        Phạm Thuận Thành

                               Thường Vũ - An Bình - Thuận Thành - Bắc Ninh
                                             02413.782.355  -  0168.5300.803


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét