Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

NGƯỜI MỸ ĐẾN NHÀ


NGƯỜI MỸ ĐẾN NHÀ
                                                                           BÚT KÝ:Nguyễn Đồng
     ( Lưu ý: Ngày tháng ghi trong các bức ảnh không đúng do cài đặt nhầm)


  
I. CHÁU GÁI ĐƯA MỸ VỀ NHÀ
James và Diệp Thùy

 Người Mỹ đến nhà đâu phải là chuyện lạ. Tôi có anh bạn người ở làng cổ Đường Lâm. Mỹ đến nhà anh ấy luôn luôn. Có khi, họ còn kéo vào nhà anh cả đoàn tới mấy chục người, sì sồ, chỉ chỏ nọ kia lung tung khắp mọi nơi. Thậm chí, có mấy người Mỹ còn vần vò những chum tương nhà anh, mở nắp ra, nhúng tay vào trong nước tương, đưa lên miệng mút thử rồi cười hô hô...
Vâng! Người Mỹ đến nhà giờ đây đâu phải chuyện lạ. Vào hôm mồng Tám tết Canh Dần vừa rồi. Cũng có một người Mỹ đã ghé thăm nhà tôi. Đó là ngài James Bird, Tùy viên y tế Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam.

James là bạn của Diệp Thùy, cháu gái tôi, hiện đang bán vé máy bay tại lãnh sứ quán Mỹ ở thành phố Hồ Chí Minh. Diệp Thùy và James mới chỉ quen nhau cách đây chừng 3 tháng.
Lần ấy, ngài tùy viên y tế của Đại sứ quán Mỹ có chuyến công tác từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh. Vừa vào đến lãnh sứ quán Mỹ thì James gặp ngay lúc Diệp Thùy  đang đau đớn, quằn quại kêu rên do bị chứng ngộ độc thức ăn rất nặng. Là một  bác sĩ giỏi, có nhiều kinh nghiệm trong điều trị nên James đã lập tức sơ cứu kịp thời rồi chở ngay cháu tôi vào bệnh viện. Với trách nhiệm của một tùy viên y tế, James đã ở lại để trực tiếp theo dõi bệnh tình, cùng các đồng nghiệp Việt Nam tham gia điều trị cho đến khi Diệp Thùy khỏi bệnh và ra viện...thời gian đó khoảng gần chục ngày.
Diệp Thùy vô cùng cảm ơn sự chăm sóc tận tình của James. Còn ngài tùy viên y tế của Đại sứ quán Mỹ lại hết sức khâm phục khả năng Anh ngữ của Diệp Thùy. Họ quý mến nhau, trở nên hai người bạn thân từ đó. Diệp Thùy muốn đưa người bạn Mỹ của mình về thăm nhà,  thăm quê để tỏ lòng biết ơn.


Diệp Thùy đưa James đến nhà tôi mà không báo trước. Tính cháu gái tôi vẫn thế, hồn nhiên, thông minh, láu lỉnh, thường hay dành cho mọi người trong nhà những điều thật bất ngờ. Tôi đã vô cùng ngạc nhiên và ngỡ ngàng khi một chiếc Mercedes màu cốm sang trọng đỗ xịch trước nhà. Từ trong xe, Diệp Thùy nhỏ nhắn, duyên dáng cười rất tươi, cặp nách một người Mỹ cao to, lộ cộ bước vào nhà tôi. Ai nấy đều ngớ ra.
- Thưa bác bá! - Diệp thùy giới thiệu: Đây là bác James Bird ; là tùy viên y tế Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. Hôm nay đến thăm nhà ta!
Sau đó, Diệp Thùy quay sang James, giới thiệu mọi người trong nhà tôi bằng tiếng Anh. Khi biết tôi là họa sĩ, James tròn mắt, cúi đầu, đưa tay cho tôi bắt. Anh nói bằng tiếng Việt:
- Họa sĩ! Tốt! Có tài...
James phát âm khá chuẩn, mặc dù theo Diệp Thùy thì khả năng Việt ngữ của người bạn Mỹ này còn vô cùng hạn chế. Vậy nhưng, khi James ngắm những bức tượng và phù điêu trong nhà tôi rồi nói một câu tiếng Việt khiến tôi thực sự... bị  “choáng”. James bảo:
- Cúi đầu trước quyền lực là bổn phận và ép buộc. Cúi đầu trước sáng tạo là sự khâm phục của con tim!
James và tác phẩm của Nguyễn Đồng

Khách đến nhà đột ngột; lại là người Mỹ nên cả nhà tôi đâm ra lúng túng, chẳng biết đón tiếp thế nào? Tôi gãi đầu, cười, nói nhỏ, nửa đùa nửa thật  với Diệp Thùy:
- Con cháu bây giờ lại đưa cả Mỹ về nhà! Bác biết tiếp sao đây?
Diệp Thùy cười, chưa kịp trả lời James đã huơ tay, lắc đầu. Thì ra, anh đã nghe và hiểu câu tôi nói với cháu gái.
- Bình thường! Bình thường - Jame xòe tay múa rồi cất tiếng hát: Khách đến... đến chơi ì i nhà... đốt than dậu mà ... quạt nước , pha trà mời người xơi...
 James hát quan họ nghe ngồ ngộ, lạ tai... nhưng phách nhịp khá chuẩn. Vừa hát, James vừa đung đưa, nghiêng ngả người và múa may tay chân trông càng thêm ngồ ngộ, khiến mọi người trong nhà tôi đều cười rũ...
Diệp Thùy cho hay: James rất yêu âm nhạc và Mỹ thuật. Sang Việt Nam James đã mua một cây đàn bầu và thường xuyên tập chơi.  Anh mê mẩn với cây đàn Việt Nam một dây này đến quên ăn, quên ngủ. Hiện James đã chơi được nhiều bài dân ca Việt Nam bằng đàn bầu. James còn dùng đàn bầu để chơi  những bản nhạc Âu - Mỹ. Anh vô cùng khoái chí khi những bản dân ca phương tây được dạo  lên bởi cây đàn bầu Việt Nam, nghe vô cùng thú vị và độc đáo làm sao?
Thì ra, văn hóa dễ đưa người ta đến với nhau. James tâm sự: Anh mới sang Việt Nam hai năm nay, quê anh ở bang Alasca, một trong hai bang tách rời với các bang khác của nước Mỹ. Alaska là vùng đất ở cùng cực bắc của trái đất, vì vậy lá cờ của bang này có sao Bắc Đẩu và chòm Đại Hùng Tinh. Nơi đây tuyết phủ gần như quanh năm; có nhiều mỏ vàng mà nước Mỹ đã mua rẻ được của Nga hoàng trên trăm năm trước. Đây là một bang khá đặc biệt bởi người các địa phương khác trong bang chỉ có thể đến thủ phủ Juneau của mình bằng máy bay hoặc tàu thủy. James bảo ở Alaska cũng có nhiều người Việt Nam sinh sống. Nhưng theo James thì những người Việt ở Alska và nói chung hiện sống ở khắp nước Mỹ đều có cái gì đó gườm gườm, cảnh giác, thiếu tự tin và không hòa đồng như người Việt sống ngay trên đất tổ tiên mình.


II. THÁI CỰC

James rất thích bức tranh khắc gỗ khổ lớn mà tôi treo trên tường. Bức tranh này có tên là “Vô đề”. Trên đó, tôi vẽ một bàn thờ với tượng Phật ở giữa, được cách điệu theo một cách nhìn hư ảo. Hai bên là hai câu đối mà mỗi chữ tượng hình được xếp bằng hình các đôi nam nữ đang làm tình ở nhiều tư thế... Ba nén nhang đang cháy đỏ lập lòe và những vòng khói hương ngoằn nghoèo...
Tất nhiên bức tranh của tôi không nói cụ thể về cái gì cả. Nhưng người xem thể hiểu tôi nói đến những cái khác nhau; đó là xác và hồn, xấu và đẹp theo quan niệm của Khổng giáo; là sự chơi bời hay nghiêm cẩn... Những cái trái ngược nhau ấy là những thái cực luôn tồn tại và không phân thắng bại. Đây là một bức tranh đa chiều, người xem có thể hiểu theo nhiều cách khác hẳn nhau...
Với những tác phẩm mỹ thuật
James am hiểu mỹ thuật nên đã bị bức “Vô đề” đã hút hồn. Anh cứ ngắm hoài, ngắm mãi rồi tâm sự rằng anh không ngờ họa sĩ Việt Nam giỏi như vậy. Tôi hỏi James hiểu bức tranh này thế nào? James vừa ngắm, vừa gật gù bảo:
-  Tôi cho rằng có cả ngàn cách hiểu cho bức tranh của anh. Tôi thì nghĩ đến những thái cực và những mâu thuẫn.Tôi cho rằng loài người chúng ta tồn tại được là bởi có những mâu thuẫn. Mâu thuẫn giằng xé chúng ta, nhưng cũng nuôi dưỡng cho sự phát triển của chúng ta... nói cho cùng thì nếu không có những mâu thuẫn thì chúng ta sống để làm gì? Bởi vậy, cuộc sống luôn tồn tại hai thái cực. Mỹ và Việt Nam vốn là hai thái cực!
-  Anh muốn nói đến ý thức hệ?
- Không hẳn thế!  Tôi cho rằng bây giờ cả người Mỹ và người Việt Nam đều không còn quá nặng nề về phân biệt ý thức hệ nữa. Cái quan niệm duy nhất đúng và nhất định sai dường như bị lung lay ở cả hai phía... Mọi tồn tại đều ở dạng tương đối mà anh!
- Người ta vẫn nghĩ rằng mọi mối quan hệ Việt- Mỹ , Mỹ -Việt hiện thời chỉ là hình thức, chỉ vì lợi ích của cả hai phía... Còn sự thật thì đâu dễ bỏ qua quá khứ!
James nhăn mặt lắc đầu:
- Có lẽ người Mỹ chúng tôi ngây thơ chăng? Nhưng chúng tôi thực sự muốn hòa đồng! Hòa đồng lại chẳng thú vị hơn đánh nhau hay sao?
James nói rồi cười, nheo nheo mắt một cách tinh ranh, múm mím môi và trợn mắt nhìn tôi rất hồn nhiên, khiến tôi cũng cảm thấy vui vui. Tôi bảo James:
- Thú thật là chúng tôi vẫn chưa hết nghi ngờ người Mỹ! Nhưng tôi tin vào những thành thật của nhiều người Mỹ, trong đó có anh!
James đưa tay lên mũi. Anh lại nheo nheo mắt làm một cử chỉ thân thiện rồi bảo:
- Ít nhất anh nên tin rằng việc tôi về quê Diệp Thùy lần này không liên quan gì đến vấn đề... “Diễn biến hòa bình” đâu!
Tôi gật đầu, dịu dọng hỏi James:
- Người Việt Nam có câu “Như gà phải cáo”. Anh có biết không?
James lắc đầu, tỏ ý không biết. Tôi giải thích:
- Cáo hay bắt gà... con gà bị cáo vồ một lần thì chẳng bao giờ quên cảnh giác!
-Ô! Tôi hiểu- James gật gật đầu rồi reo lên vui vẻ,  tỏ ra thông cảm, anh bảo: -“con gà việt Nam” lại đã quá nhiều lần bị vồ...
Nói rồi James bất ngờ  đặt tay lên môi, tỏ ra đăm chiêu, anh chúm miệng một cách hóm hỉnh bảo nhỏ vào tai tôi:
- Nhưng tôi còn biết người Việt Nam các anh còn có câu: ”Suy bụng ta ra bụng người” nữa đấy!
- ...
Há hốc mồm ra vì ngạc nhiên. Tôi thực sự khâm phục James và không ngờ anh lại biết, hiểu ý nghĩa và sử dụng một cách “ngon lành” những  thành ngữ tiếng Việt hoắc hoáy như vậy.

III. BỮA CƠM RƯỢU VIỆT

Trưa hôm đó, Diệp Thùy đưa James về thăm quê. Cháu tôi đã gọi điện về nhờ gia đình chuẩn bị một bữa cơm Việt thật chu đáo để thết đãi ân nhân của mình. Diệp Thùy dặn người nhà làm một bữa cơm rượu với những món ăn thuần Việt, phải có các món như: rau muống sào tỏi, cà pháo muối, nem chua, nem cuốn... đó là những món ăn Việt mà James rất thích. Ngoài ra, còn thêm vài món Việt nhưng có nguồn gốc từ phương Tây như: khoai tây rán, trứng ốp lếp....
James ăn cơm với gia đình Diệp Thùy
Tôi cũng có mặt trong bữa cơm rượu đó và ngồi ngay cạnh bên James. Anh cũng ngồi xếp bằng tròn trên chiếu, cầm bát đũa gắp thức ăn, và cơm một cách ngon lành, thành thạo không kém gì mọi người.
James  hiểu bữa cơm rượu đãi khách của người Việt Nam bao giờ cũng thường là một buổi trò chuyện. Anh luôn nhắc nhắc đến câu ”nhập gia tùy tục” và “hòa đồng” khiến tôi nghĩ đó hẳn là những nhắc nhở thường xuyên ở Đại sứ quán Mỹ  mà các thành viên đều thuộc lòng.
Tôi lại thêm thán phục James khi thấy anh thực sự giỏi giao tiếp. Anh tỏ ra không hề lúng túng, lạc lõng, đơn lẻ khi ngồi giữa một giữa một đại gia đình người Việt có tới mấy chục người. Trong đó có cả ông ngoại, bà nội, Chú, bác, cô, dì, cậu, mợ, anh chị em và các cháu của Diệp Thùy. Cho dù ngôn ngữ bất đồng. Màu da, màu mắt và...”ý thức hệ” khác nhau, ấy vậy mà bữa cơm rượu đã diễn ra rất đầm ấm, vui vẻ và cởi mở. Mặc dù James vẫn không thể bỏ được thói quen trải khăn khi ăn của người phương tây. Ở đây không có khăn trải nên James đã dùng mấy tờ giấy ăn để trải lên đùi...anh chỉ khác mọi người bởi cung cách đó.
James cũng nâng cốc với mọi người rồi uống cạn sau khi chạm chén. Anh còn biết cả cái ” đặc sản Bắc Giang” là bắt tay từng người sau mỗi khi làm động tác xã giao đó..
Trong bữa cơm rượu chỉ có một điều vô cùng bất lợi cho James. Đó là...mọi người mời anh nhiều quá. Bởi vì chẳng ai hiểu phong tục của người Mỹ là không bao giờ từ chối khi người ta cho... nên ai cũng thi nhau nâng cốc và gắp thức ăn cho khách. James đã thực sự khó xử khi có đến mấy chục người muốn “cụng ly“ riêng với Mỹ...
Cũng may do có sự can thiệp kịp thời của Diệp Thùy và sức vóc trời cho người da trắng phương tây mà James chịu đựng nổi trước sự “tấn công” của lòng mến khách một cách vô tư của mọi người trong đại gia đình. Tuy nhiên, dù sao thì James cũng đà “bị” ăn quá no, căng cả bụng. Buồn cười là anh đã nhầm “no” thành “béo” nên sau bữa cơm  rượu cứ liên tục kêu lên rất dễ thương:
- Ối trời ơi! Béo quá! Béo quá!
Không những James bị quá no mà anh còn bị quá mỏi bởi không có thói quen truyền đời ngồi xếp bằng ăn trên chiếu như người Việt.


VI. CÂU CHUYỆN VỀ QUÁ KHỨ
Tiếp giao một lúc lâu tôi mới phát hiện ra sự láu cá của James. Thì ra, anh chỉ hù dọa để mọi người cảm thấy như anh lọc lõi Việt ngữ. Thực ra, James chỉ thuộc và sử dụng được vài câu thành ngữ có thể đếm trên đầu ngón tay thôi. Nhưng vấn đề đó là những thành ngữ quan trọng nên thực sự gây được ấn tượng. Sau này, tôi biết: mặc dù anh đã được học trong hai năm và do một cô giáo tiếng Việt giỏi, chuyên dạy cho riêng mình anh. James phàn nàn rằng học tiếng Việt khó quá, anh siêng năng, chăm chỉ vậy mà hiện vẫn không có khả năng tự giao tiếp, phải nhờ phiên dịch.
Trước đình làng Hố Dầu
Cũng khá khen cho James: anh hiểu cách ứng sử “kính già yêu trẻ” của người Việt là rất quan trọng. Vì vậy, anh đã cúi đầu, chắp tay thưa gửi rất cung kính trước ông ngoại và bà nội của Diệp Thùy.
 James đã hỏi ông ngoại Diệp Thùy:
- Thưa cụ! Trước nay đã có người Mỹ nào đến nhà ta chưa ạ?
 Một câu hỏi có lẽ chỉ mang thuần túy ý nghĩa về xã giao, nhưng lại vô tình khiến cho câu chuyện chuyển về một quá khứ không được vui cho lắm.
- Có bác ạ! Ông ngoại Diệp Thùy trả lời James bằng giọng trầm ngâm.
- Ô! James vui vẻ  kêu lên - Chắc họ là “Tây ba lô” , đến nhà ta bằng xe đạp hả cụ?
Ông ngoại Diệp Thùy lặng lẽ lắc đầu:
- Không! Người Mỹ này từ trên trời xuống!
Mọi người trong đó có cả James đều tròn mắt.
Ông ngoại Diệp Thùy đã kể lại câu chuyện cách đây 40 năm. Một người Mỹ đã đến  nhà ông bằng một cách thức hết sức đặc biệt: Anh ta là một phi công Mỹ, lái chiếc máy bay “Thần sấm” F.105D. Sau khi chiếc máy bay do anh ta lái bị trúng đạn và bốc cháy, tan xác rồi chỉ trong chốc lát đã thành nguyên liệu cho người dân đúc xoong nồi... Anh ta đã tháo thân ra ngoài bằng dù. Chẳng biết vì lý do nào đó mà chiếc dù mang viên phi công Mỹ ấy lại mắc vào ngọn tre nhà ông...
Ngày ấy, ông mới ngoài 30 tuổi, cũng là một dân quân. Khi thấy kẻ bại trận lù lù, to béo đang lủng lẳng trên đỉnh ngọn tre, nhùng nhằng không biết làm thế nào mà xuống được.Từ trên cao có tới trên chục mét, hắn ta khóc ồ ồ  ở  như một đứa trẻ to xác. Ông bật cười nghĩ: cái thân xác có đến hai tạ kia mà rơi xuống đất thì không chững thành đống thịt. Ông thấy lo cho hắn.... nên chạy ra và hét lên:
- Đừng có buông tay mà mày tan xác đấy!
Nói rồi ông lại nghĩ: cái thằng lơ lửng ở trên cao kia chắc gì đã biết tiếng Việt? Thế là, ông lại phải hoa chân, múa tay ra hiệu cho hắn đừng nhảy. Sau đó, ông cùng với người con trai ôm thật nhiều rơm đến chất thành đống phia dưới chân thằng Mỹ rồi ra hiệu cho nó buông tay.
“Vị khách từ trên trời” vừa tiếp đất cũng là lúc mọi người tứ phía ập lại.
 Trước đó, bụi tre nhà ông đã thành cái tâm điểm để người từ các nơi lao đến. Có cả bộ đội, dân quân, đàn ông, đàn bà , người già và trẻ con. Người ta đem theo súng, dao găm, dao bầu, mã tấu và cả gậy gộc. Có cậu nhóc chỉ chỉ đem theo vũ khí là một hòn đá, cũng gọi “củ đậu bay”. Người ta vừa lao đến vừa hò hét:
- Đánh chết thằng Mỹ xâm lược đi!
- Đả đảo đế quốc Mỹ!
- Đả đảo! Đả đảo! Đả đảo!
-...
Trong số hàng trăm,hàng ngìn người lao về phía thằng Mỹ có không ít người bị máy bay Mỹ phá sập nhà cửa, làm tan nát ruộng vườn, hoa màu, lúa má.. Có người thì gia quyến bị máy bay mỹ giết hại. Và có thể nói tất cả, tất cả mọi người khi ấy đều căm bọn giặc lái vì chúng đã làm cho họ khổ sở, điêu đứng vì mọi chuyện trong cuộc sống hàng ngày. Nếu không có bọn giặc lái Mỹ thì trẻ con, người già đâu phải sống chui, sống nhủi trong hầm? Làm gì phải  đội cái mũ rơm nặng gần chục cân? Làm gì phải ăn đói, nhịn khát, Không được mặc quần áo trắng, hồng hay màu gì đó sáng sủa...
Người phi công Mỹ còn ngồi trên đống rơm thì đã bị nhận một trận đòn thù tới tấp của “củ đậu bay “ và gậy gộc. Cũng may mà không có ai chém hay nổ súng vào thằng Mỹ. Người ta cũng  hiểu giết một tù binh là có tội. Nói chung, việc tấn công tù binh chỉ do hàng chục cậu nhóc và vài cô gái. Các cậu nhóc thì đấm, đá; Các cô gái nói chung là chửi bới, cào cấu.  Khi hăng máu lên, có cô đã lấy răng làm vũ khí để “rửa hận”.  Tất cả cũng chỉ như “đấm bị bông” và gai cào với thằng Mỹ. Thậm chí, có cậu bé đấm phải chỗ cứng của thằng Mỹ mà về sau đau tay mấy ngày...
 Thế nhưng, tên tù binh đã hãi quá, run như cầy sấy, tè cả ra quần. Hắn ta rống lên như bò, nước mắt nước mũi nhểu ròng ròng. Các anh bộ đội, dân quân và người chức trách ngay từ đầu đã ra sức can ngăn, giải thích mỏi cổ với bà con về chính sách tù hàng binh  mà không ăn thua gì. Cuối cùng, một đồng chí sĩ quan dã phải quát lên rồi rút súng lục bắn mấy phát chỉ thiên lên trời mới giải tỏa được trận đòn thù.

Sau đó, người ta đưa tù binh vào trong nhà để lấy khẩu cung.
Vậy là Người ngoại quốc đầu tiên đã ngồi trên chiếc chõng tre nhà ông. Vì hắn quá to béo nên không ngồi vừa bất kỳ cái ghế nào trong nhà. Hắn vẫn còn ngực đập, chân run. Viên sĩ quan phiên dịch dịch của bộ đội Việt Nam đã trấn an tù binh Mỹ và lịch sự xin lỗi vì sự quá khích vừa rồi của  trẻ con và đàn bà. Anh cũng nói cho viên phi công Mỹ hay vì sao mà có sự nổi giận lôi đình ấy. Tù binh Mỹ thì chỉ biết gật gật đầu...
Ghi lại chứng tích quá khứ

James chăm chú nghe kể qua lời dịch của Diệp Thùy.  Anh im lặng và xem ra có phần tư lự. Ông ngoại  Diệp Thùy cũng ngừng kể khá lâu. Khiến cháu gái sốt ruột hỏi:
- Sau đó thì sao hả ông?
- Lấy khẩu cung sơ bộ xong, người ta giải thằng Mỹ đó đi! Nhưng lại gặp phải một trục trặc mất một lúc.
Thì ra, tên giặc lái chỉ còn mang một chiếc giầy bên trái. Chiếc bên phải không hiểu vì lý do nào đó đã không còn. Vướng lại trên máy bay ? Bị văng mất khi nhảy dù hay ai đó đã chơi khăm mà lấy đi của hắn chăng? Chỉ  có điều không có giầy thì thằng Mỹ không thể đi được. Người ta cũng đã cho tên tù binh đi thử nhiều chiếc giầy nhưng chẳng tìm đâu ra một chiếc tàm tạm vừa chân hắn. Cái chuyện đi chân đất vốn quá ư bình thường với mọi người Việt Nam con cháu Lạc Hồng thì lại là điều không thể với một phi công Mỹ. Đến nỗi, hắn bảo hắn có thể chết ở chỗ này chứ không sao đi bộ trên những lối mòn toàn  sỏi đá, cây que và biết bao thứ mảnh vụn của những vật cứng đầy nguy hiểm với bàn chân của hắn. Rắc rối là ở vùng rừng núi lúc ấy chỉ toàn đường nhỏ, lại không thể tìm đâu ra một phương tiên để chở một tù binh nặng trên 2 tạ đi ra đường cái. Mãi sau, người ta lại phải dùng đến sáng kiến của người Dương Hưu( Sơn Động), cho tên Phi công Mỹ lên một chiếc xe quệt  để chở đi.
Nghe đến đây thì James tò mò hỏi:
- Xe quệt là loại xe thế nào hả cụ?
- Là loại xe không có bánh, do trâu kéo.
James nhíu mày tỏ vẻ không hiểu, dùng Anh ngữ để hỏi Diệp Thùy thì cô bé cũng lắc đầu, hỏi lại ông ngoại của mình:
- Ủa! Sao xe lại không có bánh hả ông? Con có nhìn thấy loại xe ấy ở quê ta bao giờ đâu?
Ông ngoại cười bảo:
- Lúc cháu đẻ ra thì người ta đã không dùng xe quệt từ mấy chục năm rồi!
Tôi là người không những biết xe quệt mà còn đã từng là “tài xế” lái xe quệt nhiều lần nên đi lấy củi, chở thóc lúa nên đã nói với James:
- Xe quệt có lẽ cũng tương tự như xe trượt tuyết ở xứ lạnh. Tuy nhiên cấu tạo khác nhiều. Nó rất đặc biệt. Người ta dùng 4 thanh trượt có độ nghiêng để cho trâu kéo trượt đi thay cho những bánh xe. Đây là phương tiện vận chuyển rất tiện lợi. Xe trượt tuyết chỉ có thể đi trên mặt phẳng tương đối chứ xe quệt có thể đi trên mọi địa hình gồ ghề, nhấp nhô, qua hố sâu, lạch nước mà không bị đổ.Tuy nhiên, nó chỉ chở được trọng tải rất khiêm tốn. Nếu lần ấy chở người Mỹ nặng hơn 2 tạ thì quả là hơi quá tải.
James còn thắc mắc hoài về chiếc xe quệt. Nhưng cả tôi và Diệp thùy, hai bác cháu đã cố gắng mô tả và tìm mọi cách cũng không làm sao cho James hình dung ra được. Tôi đã khuyên James về Hà nội nên vào ngay bảo tàng dân tộc học mà xem, rất có thể ở đó người ta còn lưu giữ và trưng bày xe quệt.


V.LẠI CÓ THÊM TRỤC TRẶC VỚI JAMES

Câu chuyện của ông ngoại Diệp Thùy hẳn là đã để lại trong James những nỗi ám ảnh.  Nên từ lúc ấy, tôi thấy anh bớt vui. Sau đó anh lại cứ nằng nặc  bảo tôi làm cách nào đó cho anh tận mắt  xem được một bằng chứng về tội ác và lòng “căm thù giặc Mỹ xâm lược” của người dân Việt Nam cách đây mấy chục năm. Tôi đâm ra lúng túng và nghĩ bụng: Cái cách tò mò của tay Mỹ này thật khó hiểu! Bao người Mỹ lảng tờ đi, tránh không muốn nói ra thì anh ta lại cứ đòi xem. Lại chính ông ngoại Diệp Thùy đã làm cho sự tò mò của James được thỏa mãn. Ông bảo:
- Chuyện ấy dễ ợt! Bác Mỹ chỉ cần đi vài chục bước chân là thấy ngay!
Và ông đã đưa “bác Mỹ” James Bird tới một bức tường cũ, vốn là vành lao sân kho của một đội sản xuất ngày trước. Thì ra, ở đây vẫn còn một câu khẩu hiệu từ thời chống Mỹ. Khẩu hiệu  được kẻ bằng vôi trên tường gạch mộc đã cũ. Nét vôi có thể tồn tại rất lâu mà không bị bay màu. Sau này, tôi còn bảo với James rằng người Việt Nam còn có câu thành ngữ mà có thể anh chưa biết, ấy là khi cần ghi nhớ một điều gì không thể quên người ta thường nói : đánh dấu bôi vôi...
James đã chụp ảnh câu khầu hiệu bằng vôi:”HỄ CÒN MỘT TÊN XÂM LƯỢC MỸ TRÊN ĐẤT NƯỚC TA, THÌ TA CÒN CHIẾN ĐẤU, QUÉT SẠCH NÓ ĐI!”. James bảo Diệp Thùy dịch ra tiếng Anh để hiểu ý nghĩa câu khẩu hiệu này. Thế nhưng, Cô cháu gái tôi cứ lúng ta lúng túng túng mãi... không biết dịch sao cho người bạn Mỹ của mình hiểu tại sao người ta lại dùng từ “quét sạch” với người Mỹ cách đây 40 năm...
Bé An và James

Lại còn thêm một trục trặc nho nhỏ nữa đến với James, vẫn liên quan tới việc James tuân thủ quy tắc “kính già, yêu trẻ”. James ôm bé An mới mấy tháng tuổi, vừa nựng, vừa đong đưa rồi cất tiếng hát:
 - Một con vịt xòe ra hai cái cánh
Nó kêu rằng: quác! quác !quác!
Cạc! Cạc! Cạc!
Gặp hồ nước nó bì bà bì bõm...

 Cậu bé bất chợt ngước nhìn ông Mỹ đồ sộ, râu ria xồm xoàm, mắt xanh, mũi lõ, tóc hung đỏ, giọng hát ồ ồ ... thì khiếp sợ quá, khóc toáng lên. Mọi người chịu, không ai có thể can thiệp để bé An hòa đồng được với James.
Tạm biệt!

James đã về Đại sứ quán Mỹ ở hà Nội chiều hôm đó với tâm trạng bâng khuâng, trăn trở, vui buồn lẫn lộn. Sau này, khi gọi điện cho tôi anh đã tâm sự: Quan hệ giữa anh với những người dân Việt Nam ở các làng quê có nhiều điểm khác biệt so với quan hệ Việt -Mỹ hay Mỹ - Việt ở tầm vĩ mô.  Quan hệ ngoại giao giữa nhà nước này với nhà nước kia vốn là công thức sau những cái bắt tay của các nhà lãnh đạo cấp cao...
Còn ở tầm vi mô thì quan hệ Việt - Mỹ hay Mỹ - Việt lại vô cùng sinh động và ẩn chứa biết bao nhiêu điều thú vị.
                            
                                                                                           Hố Dầu 2-2010
                                                                                                        N.Đ
     



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét