Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Đợi bóng

MỐI TÌNH SẮT SON
          CỦA NGƯỜI “ĐỢI BÓNG”


 Đợi bóng

Em là bóng nắng mau qua
Sao tôi mãi tựa gốc đa đợi chờ
Em là mây rủ lững lờ
Để tôi hi vọng bến bờ đẩu đâu

Cau non chẳng thắm cùng trầu
Thẹn lòng vun xới mặc cau quá thì
Em dù dứt áo ra đi
Tôi còn đợi bóng
 nhỡ khi em về.
                                                                 Nguyễn Bá Binh
                                     (Bài in trên tạp chí Người Kinh Bắc quý 2/2010)


   Xem phim Bao Thanh Thiên, trong vụ án Dùng li miêu đánh tráo thái tử, nhân vật Quách Hoè là con người vô cùng đặc biệt. Có lẽ ở cái đất nước đông dân nhất thế giới ấy mới có những chuyện kì lạ, con người kì lạ như vậy. Chàng thanh niên Quách Hoè yêu cô gái cùng quê, chưa kịp cưới nhau thì cô gái được kén vào cung làm phi tần của vua Tống. Quách Hoè với tình yêu không thể thả được đã tự tịnh thân để trở thành thái giám vào cung hầu người yêu. Được ở gần, được ngắm dung nhan, được hầu hạ người yêu là hạnh phúc rồi. Quách Hoẻ sẵn sàng làm mọi việc để làm đẹp lòng và có lợi nhất cho người yêu. kể cả việc dùng li miêu đánh tráo thái tử, đổ tội cho người phi khác sinh được con trai... Kết cục người yêu thành hoàng hậu, rồi thành thái hậu, nhưng sau hai mươi năm Bao Công đã điều tra rõ vụ án, Quách Hoè bị chết, nhưng dù bị chết vẫn không làm ảnh hưởng tới người yêu - thái hậu.
   Tưởng chỉ ở Tàu mới có người như Quách Hoè, hoá ra ở ta cũng có không ít những người suốt đời mang mối tình đơn phương mà sắt son chung thuỷ nhất mực, như nhân vật trữ tình trong bài thơ Đợi bóng trên đây.
   Ở khổ thơ đầu, dường như hai người họ chưa hẳn đã là tình yêu, mà mới chỉ là những quan hệ bâng quơ, có gần có xa của những người cùng làng cùng xóm. Gần mà không gần hẳn vì cô gái khi gần thì lại như bóng râm lúc nắng qua mau. Vừa mới làm mát chưa kịp hết nực bóng đã qua rồi. Bảo xa thì cũng không xa hẳn vì em lại như đám mây bay lửng lơ ngay trên đầu, làm chàng trai có cảm tưởng cầm nắm được mà kì thực là với không tới. Với không tới nhưng lại cứ dối lòng để mang hi vọng đẩu đâu. Dường như nàng yêu mình. Có khi mình lấy được nàng. Chuyện trai gái này rõ là chưa có thề non hẹn biển. Nhưng người trai đã si tình, ngồi tựa gốc đa chờ và hi vọng, dù là hi vọng đẩu đâu.
   Ở khổ thơ sau nói rõ cô gái đã đi lấy chồng. Mặc chàng trai hi vọng, vun xới cho tình yêu chín tới, nhưng cô gái vô tình đâu biết điều đó. Nên khi có người đến là cô dứt áo ra đi ngay khi tuổi chỉ mới vừa chớm lớn. Cau non thì chưa thắm trầu làng. Cau vừa tới hạt lại thắm trầu người. Chuyện trai gái như vậy là thường tình thôi. kể ra bài thơ như vậy tưởng chả có gì đặc sắc. Vậy mà chỉ một câu kết đắt giá đã làm nên một tính cách, làm cho bài thơ trở nên vững vàng.
Em dù dứt áo ra đi
Tôi còn đợi bóng
 nhỡ khi em về.
   Từ đầu đến giờ rõ ràng người trai chỉ là tình yêu đơn phương với cô gái làng. Vậy mà tình yêu ấy lại rất sắt son chung thuỷ. Người trai mong cho cô gái được hạnh phúc và lo cho cô suốt quãng đường dài lập gia đình. Nhỡ khi em về tuy ít xảy ra nhưng dù ít vẫn là có. Người trai sẵn sàng đợi cái bóng người mình yêu cả đời, để sẵn sàng bù đắp vào phần hao hụt hạnh phúc cho cô nhỡ có sự cố gia đình. Chẳng thà là tình yêu thắm thiết mà không lấy được nhau thì có đợi cũng là có lí do nuối tiếc. Đằng này chưa phải là tình yêu mà đã dám đợi cả đời thì lạ thật. Cũng là một kiểu Quách Hoè. Vì cho dù cô gái có bị nhỡ về thì chưa chắc cô đã bén duyên chàng trai. Trường hợp này hi vọng của chàng trai chỉ dễ đến đích hơn mà thôi.
   Đấy là chuyện trong thơ. Thực sự ngoài đời cũng đã từng có những trường hợp hai người yêu nhau không lấy được nhau, về sau cô gái bị nhỡ đã được chàng trai đợi bóng bù đắp hạnh phúc rồi.
   Trong thời hiện đại, tình yêu cứ như mây gió thoảng qua, bài thơ nói về mối tình nhất mực sắt son chung thuỷ này hẳn có ý nghĩa xã hội nhiều lắm. Đề tài tình yêu, hôn nhân, gia đình luôn là chuyện để nói muôn đời.
   Được biết tác giả bài thơ, ông Nguyễn Bá Binh chỉ là nông dân, sinh hoạt trong câu lạc bộ Hán Nôm và biên tập thơ ở câu lạc bộ đàn và hát dân ca Hương Quê của xã An Bình. Chỉ là người yêu thơ mà có thơ hay như vậy đủ thấy phong trào thơ của Bắc Ninh hiện nay mạnh đến mức nào.

Phạm Thuận Thành
Thường Vũ - An Bình - Thuận Thành - Bắc Ninh
  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét