Lâm Xuân Vi - Thơ như men rượu nồng say
Lời tự bạch :”Văn học nói chung và thơ nói riêng đối với tôi là niềm khao khát đam mê suốt đời. Bởi, sẽ tìm thấy ở đó nguồn dung dưỡng cho chân thiện mỹ mà đời đời con người phải hướng tới để bồi đắp và tôn vinh nó”. Và có lẽ vì thế mà thơ của Lâm Xuân Vi như men rượu nồng,uống từng giọt, từng ly, để cảm nhận từ từ và say lúc nào không biết.
Rất tình cờ, tôi có được “Tuyển tập thơ Lâm Xuân Vi”, do Hội Văn học nghệ thuật Ninh Bình xuất bản, với gần như tuyển chọn một đời thơ của nhà thơ xuất thân miền đất cổ đô với những huyền thoại có cả nghìn năm tuổi nước Đại Cồ Việt xưa- Gia Viễn, Ninh Bình.333 bài thơ chắt lọc từ tình yêu quê hương đất nước, không chỉ là miền đất nơi sinh ra mà là cả dải đất cong cong hình chữ S, với những thiết tha, đắm say, để rồi từ đó là chất men ấp ủ cho những tình cảm về bao miền đất đã đi qua, những con người bắt gặp trên đường đời, những rung động đầy tinh tế trước cảnh vật, những cảm xúc trước nhân tình thế thái của thời cuộc….
Quê hương thơ Ninh Bình của nhà thơ Lâm Xuân Vi có lẽ khiến bao người ghen tị, bởi đó là miền đất vừa có chất lãng mạn của thơ mà mỗi tên núi, sông, làng quê …đều như vẽ lên những bức tranh sơn thủy hữu tình, là miền quê của những huyền thoại lịch sử oai hùng dựng nước giữ nước nghìn năm xưa, miền quê của những thi nhân sống mãi với thời gian bằng những vần thơ “Non, Nước”, và miền quê mà mỗi khi nhắc đến là lại nhớ tới tình sử đầy bí ẩn của một Thái hậu mà muôn đời sau nhân gian vẫn cứ ngẩn ngơ hỏi tại sao…Tất cả là chất men ủ cho thơ của ông có vị nồng say như rượu ngọt . Có lẽ thế mà những bài thơ về quê hương Ninh Bình của nhà thơ Lâm Xuân Vi đọc lên từng câu chữ như có nhạc, họa,có bóng dáng người thơ xưa, có mỹ nhân ẩn hiện, có cả hương vị của miền đất bán sơn địa…”Hơn năm chục bài thơ đưa lối/Anh dắt em lên theo tiếng gọi tiền nhân/Nước chảy đá mòn,tình không khuất lẫn/Thành núi thơ, và thơ đã nhập thần…”-Thơ trên núi thơ,”Gặp hương đất nồng nàn cổ tích/Những dấu vết lưu trong lòng đất/ Có chân người Giao Chỉ-tổ tiên/Sực nhớ câu chân cứng đá mềm/ Chân giữ đất để gìn giữ đất/ Những chiến công trong tầng trầm tích…”-Hương đất Hoa Lư, Người khơi dậy Sông Sào, Với Ngọc Mỹ Nhân, Tam Cốc, Cảm nhận Cúc Phương…
Tình yêu quê hương của ông trong thơ không chỉ là cảnh vật mà còn là bóng dáng của người mẹ, không chỉ là mẹ của nhà thơ mà là Mẹ Việt Nam,những bà mẹ tảo tần sớm khuya nắng đội, mưa dầm, lặng im đưa những đứa con hiến cho Tổ Quốc, chẳng thế mà mở đầu “Tuyển tập thơ” ông để 2 câu thơ làm lời bạt:”Lưng còng lệch dáng mẹ đi/ Thơ đành thất luận mỗi khi trở trời”, ông đã dành nhiều câu thơ như chắt chiu giọt yêu thương đằm sâu với mẹ như “Mẹ”,”Lời mẹ”,”Mẹ ơi”,”Lời mẹ trong mơ”, “Bóng mẹ trời quê”…
Trong thơ của ông 3 mùa Xuân- Hạ- Thu có nhiều sắc thái ảo diệu , mê hoặc của đất trời, không có mùa đông, hay cái màu xám ủ dột, lạnh lẽo của mùa đông như chặng cuối của đời người, số phận nên ông không thích đưa vào thơ, nên hầu như chỉ thóang qua ở vài câu thơ chút đông tàn.Nhưng 3 mùa không chỉ là cây cỏ lá hoa, là cảnh vật thiên nhiên, thơ về “mùa” nhưng như số phận đời người, như sự trải nghiệm
của bản thân mình và của mỗi người trong đường đời. “Bước vào nửa lụi tàn đông nửa xanh chiu chít xuân nồng miên man/ Giao thừa đậm nét dân gian/phút thiêng nối với muôn ngàn xưa sau…/Cầu chi cũng sự an bằng/ Cúi xin quyền phép vạn năng đắp bồi “- Phút thiêng,”Đất trời như mơ thực/Trong tình khúc dậy thì/Mưa ngọt ngào ý vị/ Tiễn biệt chiều đông đi/ Dẫu chẳng dễ quên chi/ Nỗi lụy bi trơ trụi/ Nhưng sao nỡ giận hờn/ Lỗi lầm đông sám hối”…-Xuân tự tình,”Phượng cuối hè thôi khoe sắc đỏ/ Hóa thân vào nắng gió tươi xanh/ Nơi cuối rễ đầu cành ứ nhựa/ Dành mùa sau rực rỡ hết mình”- Cuối hạ,”Những vạt xanh lẳng lặng/ trôi theo nắng vào thu/ khát khao ngưng đọng lại/ cúc đượm vàng tương tư…/Mai đi dâu về đâu.tìm nhau trong ký ức/cỏ may găm tím chiều/ đêm vặn mình thao thức”- Vào thu…
“Em là nguồn mạch sinh sôi/ Là bùa hộ mệnh giữa đời chông chênh”, có lẽ tình yêu của nhà thơ Lâm Xuân Vi là một cõi thiêng liêng, có chút tâm linh như là động lực để ông tồn tại, ông có niềm tin vào những điều tốt đẹp,có được niềm đam mê với thơ, và nuôi tâm hồn thơ của ông lúc nào cũng như ly rượu đầy.Tình yêu của ông thì nồng say, đắm đuối, là dâng hiến cho nhiều mà không nhất thiết phải nhận.Song những vần thơ tình của ông lại hình như không có sự tròn đầy, viên mãn, sự bình yên êm đềm mà cứ như thể gập ghềnh, rắc rối, trắc trở, một khỏanh khắc băn khoăn đắn đo… Nhưng có lẽ thế thơ tình của ông mới nhiều sắc diện, mới có cảm xúc để những tri âm, tri kỷ đồng cảm, thấy được có một chút gì là mối tình trong ký ức, hiện tại của mình.”Khi đã yêu tất cả hóa thành thơ/ Người đợi chờ sẽ thành thi sĩ/ Còn thi sĩ sẽ là gì em nhỉ/Xin tình yêu mộng mị mách ta giùm…”- Khi đã yêu,”Bên em anh bỗng hóa Thần Nông/ chiu chít những cánh đồng mùa gặt/rộng dài tít tắp/ hạnh phúc không lời”…- Ngày của chờ mong,”Thoắt gần gũi thoắt vụt xa/ Thoắt thành máu thịt thoắt là người dưng…”- Tháp ngà tình yêu….
Nghề nghiệp cho ông đi nhiều vùng miền đất nước, từ vùng quan ải phía Bắc, nét bút đầu tiên cha ông vẽ hình đất nước đến tận cùng đất mũi Cà Mau, dấu chấm cuối cùng của chữ S thiêng liêng , đủ cả Bắc- Trung- Nam , từ miền đồng bằng châu thổ đến vùng duyên hải, núi cao…có lẽ thế mà trong tập thơ, ông dành nhiều cảm xúc cho mỗi vùng miền đã đi qua. Ông không cần cầu kỳ đặt tên cho bài thơ mà lấy ngay địa danh mình đi qua để chia sẻ cảm xúc:”Tam Đảo vào thu”, “Về Ghềnh Ráng”, “Đến Tây Hồ nhớ Ức Trai “,”Thăm bảo tàng Quang Trung”, “Cây đào Tô Hiệu”, “Qua Hạ Long”, “Cháy cùng tháp cổ”, “Nước ở Đồng Văn”,” Đà Lạt đêm trăng”,” Câu hò Huế”,”Trước Lam Kinh”,”Tây Nguyên ngày em đến”, “Gửi về xứ Lạng”, “Xa sông Hậu”, “Vũng Tàu”,”Tấm vé Suối Tiên”… Tất cả những bài thơ của ông về đất nước có thể gói gọn trong 4 chữ: Tình yêu Tổ quốc. Tình yêu Tổ quốc xuất phát từ tâm hồn, từ trái tim, niềm tự hào về lịch sử dựng nước, giữ nước 4000năm lịch sử, là vẻ đẹp của nền văn hiến mang 2 chữ Việt Nam, là hương thơm của hoa trái 4 mùa dịu ngọt, là tình cảm mà mỗi hạt đất ,mỗi giọt nước, chiếc lá… cũng như thân thuộc, như là chính nơi quê hương chôn nhau cắt rốn của mình.
333 bài thơ trong “Tuyển tập thơ Lâm Xuân Vi”, rút ra những gì ưng ý nhất từ 8 tập thơ trước, có thể là đúc kết một chặng đường thơ của ông, chặng đường như cuộc đời của ông, hết mình và chân tình với tất cả. Ngôn ngữ thơ của ông không cầu kỳ hoa mỹ, bóng bảy, mà giản dị, gần gũi, dễ hiểu, dễ cảm, kết cấu thơ của ông cũng không nặng về kỹ thuật trình bày mà thiên về thể thơ truyền thống nên tạo cảm giác dễ chịu khi đọc thơ
Gấp lại những tranhg thơ Lâm Xuân Vi, cảm giác như nhìn thấy ông với nụ cười rất hiền đang cắm cúi, miệt mài với vẻ đẹp của ngôn từ , để rồi tiếp tục hành trình thơ
M.C
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét