Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

MAT TROI TRANG



MẶT TRỜI 
TRẮNG...
TRÊN 
SA MẠC
(ĐỌC TRƯỜNG CA MẶT TRỜI TRẮNG CỦA ANH VŨ)

                                                  Nguyễn Đồng


Đó là tên một bộ phim của Liên Xô cách đây khoảng nửa thế kỷ. Còn trường ca MẶT TRỜI TRẮNG (Nhà xuất bản hội nhà văn)của nhà thơ Anh Vũ thì mới ra lò năm 2012 này.

Nhà thơ Anh Vũ, tên thật là Vũ Công Ứng. Sinh năm 1943. Quê Từ Sơn, Bắc Ninh. Hiện sống ở thôn Tân Mới, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Là hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Ông đã từng có những tập thơ như “Đôi mươi quan họ”, Vệt chân chim", "Gốc còn"... được bạn đọc trong tỉnh Bắc Giang đánh giá cao. Ông được người trong tỉnh coi như một tài thơ. Từng là “cây đa cây đề” trong làng thơ Bắc Giang.
Nhà thơ Anh Vũ cũng đã từng sáng tác một trường ca có tên là “ Lòng chảo khác” vào năm 2009 nhằm vào dịp kỷ niệm 55 năm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Trường ca này được giải.
 Lần này, cứ như là “ Quen mui bén mùi ăn mãi” ông lại viết một trường ca nữa để phục kích 50 năm kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Lào. Ý tưởng của trường ca này là ca ngợi nước Lào và tình hữu nghị Việt - Lào qua hình ảnh của anh hùng Trần Ngọc Phương, hiện là chủ tịch hội hữu nghị Việt - Lào tỉnh Bắc Giang. Trường ca ấy chính là MẶT TRỜI TRẮNG.
 Trường ca mở đầu với “Tự Khúc”. Như là lời dẫn. Như là mở đầu. Như là sự phân bua của tác giả để cuối cùng dẫn đến câu : “Và chúng ta còn đi trên đường”.
Câu thơ này được ngắt ra làm tựa đề cho 3 phần mà tác giả gọi là tình khúc : tình khúc1: Và chúng ta...;  tình khúc 2 :Còn đi; tình khúc 3:  trên đường. Cuối cùng là “nguyện khúc” tương đương với lời kết.
Như thế thì xem chừng trường ca này có kết cấu thông thường chứ không có gì quái đản. Có vẻ rất...trường ca. Thế nhưng, nhiều người đọc đã phàn nàn về sự rối rắm thiếu mạch lạc về nội dung của từng chương đoạn ấy. Xem ra, nó cứ na ná,hao hao giống nhau, vẫn chỉ là kéo dài của những... nhạt nhẽo và cố rặn ra.
Thú thật là tôi cũng rất ít đọc trường ca. Kiến thức về trường ca của tôi rất hạn hẹp. Thậm chí tôi không phủ nhận ai đó bảo là tôi dốt về trường ca. Xin bạn đọc cho tôi được coi đọc trường ca như là... đọc thơ bình thường đi. 
Và khi coi đọc trường ca như đọc một bài thơ... thì khi  đọc xong MẶT TRỜI TRẮNG, tôi như người bị lạc vào một sa mạc khô cằn của cảm xúc về tình yêu với đất nước Triệu Voi láng giềng dù là nơi ấy đang ngập trong đại ngàn.
 Đây là một cảm giác rất thực của tôi khi đọc MẶT TRỜI TRẮNG. Nếu nói dối cảm xúc của mình để đi đến một mục đích thóa mạ tác giả thì đó là hèn hạ. Mà việc làm vô bổ ấy chắc chắn sẽ bị người khác lên án. Tôi không làm như vậy. Tôi đã cố đọc thật kỹ MẶT TRỜI TRẮNG. Và càng đọc tôi càng thấy thất vọng bởi sự cằn cỗi của tâm hồn tác giả. Tôi cảm thấy dường như tác giả đã cố tình hay vô tình tự lừa dối mình và độc giả.
Ta gặp nhan nhản những câu thơ nhạt nhẽo, vô hồn và còn có phần như ngô nghê mà tôi xin trích một ít ra đây: cả câu dài, câu ngắn, theo thể lục bát và...không lục bát để bạn đọc tự đánh giá:
... Là bảy thế kỷ bập bùng
Năm mươi năm tuổi anh hùng hôm nay...

...Tôi đã chào chị chào anh
Trần Ngọc Phương
Người đồng hương
Người anh hùng một thời lửa bom trận mạc
Người kết nối vòng chỉ xiều lào
Năm mươi năm...

Hay:
 ...Trần Ngọc phương. Khăm Son
Sự thật trăm phần trăm sao như chuyện lạ...

Hoặc:
...Giờ đẹp
Ngày đẹp
Tháng đẹp
Cuộc trời đất nức hương 2012
Tròn nửa thế kỷ
Bàn tay ấm trong bàn tay
Thật vẫn còn đây...

...Chắc lỗ đạn khoan thủng còn đó
Thì thơ truyền thống tiếp từ đây...

Những câu đọc lên như văn cúng nửa mùa  này là thơ truyền thống sao?

Có lẽ tác giả Anh Vũ nghĩ rằng ít người hiểu được thể trường ca. Hơn nữa, người biết kỹ về nước Lào cũng chẳng là bao. Thế nên, tác giả đã dẻo bút khua khoắng, phun hỏa mù làm người đọc cảm thấy rối rắm, hoảng loạn trước những mớ ngôn ngữ lùm xùm của ông.

Với MẶT TRỜI TRẮNG, người đọc thiếu tỉnh táo sẽ lập tức rơi ngay vào một mê hồn trận của Anh Vũ. Nhiều người đọc cứ tưởng mình quá dốt, không hiểu được những ý tứ trong những câu thơ mặc dù tác giả đã viết ngay từ đầu:

Nào cùng đọc câu thơ không phải tình cờ
Câu thơ ai cũng hiểu...

 Đây là câu mở màn và là cũng là chiêu  dọa nạt đầu tiên của tác giả trong MẶT TRỜI TRẮNG. Tôi hiểu thực ra tác giả muốn nói ngay với độc giả rằng: chẳng hiểu gì đâu mà đọc. Nhà thơ Anh Vũ vốn là kẻ kiêu ngạo số 1 trước nay ở tỉnh Bắc Giang này.
Đúng vậy, làm gì có câu thơ nào mà ai cũng hiểu? Nhất là những câu thơ sau đó thì chẳng như tác giả “phán” tẹo nào. Đó là một loạt những rối rắm, những “vòng vo tam quốc” .Những ngôn ngữ đặc trưng Anh Vũ ... đúng là chỉ có "ma" mới hiểu. Nhiều từ láy và "từ mới bịa " đã được dùng ở bao bài thơ cũ mèm của ông, nay được dịp lặp lại cho bằng hết. Nào  là :mẫm mạp, bó bện, thênh vênh, lùm lòa. Nào là Thơm ngậy, tơ trăng, âm thâm, ngồi tho,..vv và  v.v...
Ngay ở cái tên của tập trường ca đã cho thấy Anh Vũ thiếu hiểu biết cả những kiến thức sơ đẳng về đất nước Lào. Ý nghĩa của hình tròn trắng trên nền xanh của quốc kỳ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào không phải là mặt trời, mà là: mặt trăng trên dòng sông Mê Công.

“...Vòng mặt trăng mặt trời quốc kỳ Lào sáng trắng..”.
Ấy là một dòng thơ ở phần Tình khúc 1- Và chúng ta... trong MẶT TRỜI TRẮNG. Viết thế rõ ràng Anh Vũ đã hiểu cái hình tròn trên cờ Lào là mặt trăng hay mặt trời cũng được.          Sao lại tùy tiện thế nhỉ? Tất nhiên, người Lào có cơ sở văn hóa lịch sử của họ để hiểu đó chỉ là mặt trăng. Và nhất định phải là mặt trăng trên dòng sông Mê Công. Tôi biết, cái vòng tròn trắng trên quốc kỳ Lào vốn bắt nguồn từ cái tên của thành phố Viên Chăn, thủ đô nước Lào. Tên của thành phố này tiếng Lào có nghĩa là "thành phố mặt trăng". Vậy mà Anh Vũ đã nhầm đó là mặt trời trắng...
Có lẽ, tên bộ phim của Liên Xô ngày nào đã ám ảnh quá, khiến tác giả ngộ nhận chăng?

Anh Vũ vốn không đi bộ đội và càng chưa hề sang nước Lào. Ông cũng không có lấy một nửa móng tay kiến thức vi tính. Hiểu biết của ông về đối tượng đề cập còn quá nông cạn. Do đó, cảm xúc của ông với đề tài còn chưa chín.  Dường như ông cố rặn mà viết ra với động cơ khó hiểu nào đó. Tôi thì tôi cho là đây là việc làm có tính cơ hội, không phải lối "chơi" vô tư của một người nghệ sĩ. Nên ông viết về người bộ đội và đất nước Lào thật vô hồn, hời hợt, không có sức thuyết phục. Đọc lên toàn những giả dối, kỳ quặc. Thậm chí có câu thơ ngớ ngẩn:

...Và cái gánh khối ba lô vô hình chúng ta oằn
                                                         vai nhớ
Nghĩa vụ có là vinh quang
Vinh quang nặng có khi còn hơn nghĩa vụ...
Ba lô bộ đội để đeo chứ không gánh. Kể cả đó là khối ba lô vô hình.
 Sao lại đi đặt vấn đề dớ dẩn thế hả trời?  Ai lại cân đong giữa vinh quang và nghĩa vụ bao giờ. Nếu là người lính thì bao giờ nghĩa vụ cũng để lên đầu. Người lính đâu chăm chăm nghĩ đến vinh quang? Và thưa ông Anh Vũ, vì thế người lính mới vinh quang. Tôi nghĩ, đây thực sự chỉ là một câu thơ luẩn quẩn, giả dối mà thôi.

Cả một tập trường ca dài dằng dặc hơn 100 trang mà đọc lên chẳng thấy có câu nào cuốn hút. Toàn là liệt kê tên địa danh và những “tên” phong tục và vài chi tiết liên quan đến nước Lào và người Lào. Đúng là tất cả chỉ dừng lại ở chỗ liệt kê chứ chưa hề miêu tả được bề ngoài chứ chưa nói gì đến gợi ra hồn cốt.
Trường ca là thế ư? Tôi chỉ thấy những nhạt nhẽo, vô bổ. Những lảm nhảm, đều đều...
Cho dù tác giả cố tình thay đổi tiết tấu. Có đoạn còn cho cả thơ văn xuôi vào. Có chỗ, tác giả cố tình lên gân, lên cốt và luôn làm ra vẻ rằng ta đây hiểu về nước Lào lắm. Thế nhưng, đọc lên vẫn cứ lào thào như gió qua vách thủng. Với tôi, đọc MẶT TRỜI TRẮNG viết về nước Lào mà chẳng thấy nước Lào hiện lên thêm một tẹo teo nào.  
 Tôi nghĩ, đây là thất bại thảm hại của một tài thơ. Dù cho là có bài khen của nhà thơ Vũ Từ Trang, người anh con bác ruột của ông ở cuối sách cũng không làm cho trường ca này mặn mòi thêm...

Nhiều người cho rằng nhà thơ Anh Vũ đã tự đánh mất mình khi ông cố rặn đẻ ra một đứa con hoang . Và bạn đọc cũng hiểu vì sao tôi lại mượn tên bộ phim  MẶT TRỜI TRẮNG TRÊN SA MẠC để đặt đầu đề cho bài viết này.
                                                                                          N. Đ



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét