Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

PHẠM THUẬN THÀNH VỚI THƠ































NGUYỄN VĂN CHƯƠNG 


PHẠM THUẬN THÀNH VỚI THƠ
(Đọc tập thơ Thiên Thai, NXB VHDT 2012)


   Năm nay (2012) Phạm Thuận Thành có hai niềm vui lớn. Vợ chồng anh vừa khánh thành cái nhà tây hai tầng khang trang. Ngôi nhà cũ ba gian gỗ lim vuông thành sắc cạnh có hiên vững chãi anh để làm nhà thờ vì anh là con trưởng, cũng là nơi tiếp khách. Ở đây có tủ sách, máy tính, nơi anh sáng tác và lang thang mạng. Chỉ mấy sào ruộng khoán và cây bút bi mà anh xây được đến hai nhà lầu. Nhà lầu để ở và nhà lầu tác phẩm. Sách anh ra sòn sòn, có năm đến ba đầu sách. Ai thế nào không biết chứ riêng tôi thì bái phục, ngả mũ kính chào đại ca!
   Lâu nay bạn đọc cả nước đã quen biết truyện ngắn, tiểu thuyết, khảo luận lịch sử và văn hóa của Phạm Thuận Thành. Về thơ anh xuất hiện còn ít song đã đôi ba lần đoạt giải thơ nơi này nơi khác. Qua thử sức đua tài ở các cuộc thi anh tự tin hơn.
   Nhân đây tôi muốn nói thêm, Phạm Thuận Thành thẩm định và bình thơ người khác cũng tinh tường và giàu cảm xúc lắm. Chúng ta có thể tìm đọc bài anh bình thơ của một nữ thi sĩ Angola (Bằng Việt dịch) và bài “Sông Hóa” của nhà thơ Tô Ngọc Thạch trên báo Văn nghệ hay bài “Với người hàng xáo” của nhà thơ Nguyễn Duy Hợp trên tờ Đại biểu nhân dân gần đây thì rõ.
   Ở Bắc Ninh chắc nhiều người biết làng Khoai (An Bình - Thuận Thành). Chúa ơi! Sao các cụ ngày xưa thật thà thế không biết! Gọi làng mình là làng Lúa, làng Hoa có phải sang không, có phải thơ không. Làng bé xíu và nghèo lắm. Nhưng chùa đất có Phật vàng. Láng giềng nhà anh là hai vị trạng nguyên: Nguyễn Quang Bật (đỗ 1484) và Nguyễn Lượng Thái (đỗ 1553). Tỉ lệ 2/47, quý hóa chưa!
   Nhà nghĩa đen đẹp rồi. Lần này anh lên cái nhà nghĩa bóng. Anh vừa xuất bản tập thơ Thiên Thai gần 50 bài, đủ các góc độ đề tài, thể tài và cung bậc tình cảm.
   Bài “Chân dung tự họa” vui và hóm: Chắc hắn là nông dân/Cả năm không nghỉ lễ/Cả đời không nghỉ hưu. Lạc chốn ăn chốn chơi/Nhà hàng thua xó bếp/Gái đẹp thua mẹ sề. Chân thực, cụ thể đấy mà điển hình, sống động và khái quát đấy. Một mình Phạm Thuận Thành sắm nhiều vai lắm, vai nào cũng ấn tượng. Nhưng vai Chắc hắn là nông dân thì không lẫn vào đâu được.
   Đọc tiểu thuyết của anh thấy anh cũng hoạt ngôn, từng trải và tán như… Cuội! (Nước mắt của tuyết trắng, Tiếng vọng đồng hoang, Cổ Trai xuất đế…). Đọc truyện ngắn của anh thấy anh cám cảnh đời với nỗi đau đứt ruột (Vực tàn hơi). Đọc khảo luận của anh biết anh minh kinh bác học trong trước thuật, không hổ danh ở nơi chôn rau cắt rốn của anh cũng là nơi các quan trạng gửi núm ruột của mình.
   Đọc thơ Phạm Thuận Thành độc giả dễ nhận ra phong cách trữ tình mà thế sự, kiệm lời mà đa nghĩa, chân mộc mà uẩn súc, rung động mà nhiều nghĩ ngợi.
   “Đánh mất cánh đồng” là bài giàu chất thời sự nóng bỏng, niềm khắc khoải khôn nguôi về việc cánh đồng biến mất. Người nông dân chỉ còn nước ra vỉa hè phố thị bán rao mồ hôi rẻ mạt mà độ nhật. Có ai giật mình thảng thốt khi đọc bài “Mũi tên không nhọn nữa”?
   Trăm lạy, nghìn lạy người mẹ già lam lũ, lo con mất gốc: Đã quen ăn dao ăn thìa ăn dĩa/Mẹ thương kiếp bơ sữa gửi cho đôi đũa tre.
   Là cựu chiến binh, những bài thơ về đề tài lính của Phạm Thuận Thành như Lính hát, Đi đường lớn nhớ đường mòn… cái đẹp và cái cao cả ở “Bộ đội Cụ Hồ” sâu đằm mà dung dị.
   Cứ tưởng tạng người như anh thì quê một cục. Hóa ra không phải. Lầm. Đọc mảng thơ về tình yêu của anh thấy đa thanh, phức điệu, nhiều luyến láy và dấu hoa mĩ lắm: Đời Tô Thị, Uống rượu ở hồ Núi Cốc, Khúc riêng…
   Xin lỗi bạn đọc, tôi chả vội khen anh hết lời. Bởi, nếu tập thơ sau của anh viết lên tay thì còn có mĩ từ để tặng. Thiên Thai có thể có dăm ba bài lép chứ chưa phải bài nào cũng chắc như cua gạch cả. Tập thơ đầu tay mỏng số trang nhưng không hề nhẹ. Giọng thơ rất mới, mang phong cách riêng. Anh đã đóng dấu son vào thể loại thơ để vững vàng xếp cạnh hơn hai mươi đầu sách cùng một tác giả. Ưu thời mẫn thế mà vẫn hi vọng, lạc quan, trong sáng là điểm nổi bật ở tập thơ Thiên Thai.
Mùa thu Nhâm Thìn 2012

 Nguyễn Văn Chương
Xóm Ngòi - Mão Điền - Thuận Thành - Bắc Ninh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét