TRẦN THÁI TRIỂN
EM LÀ
MÙA THU
HÀ NỘI
(Đọc HỒN PHỐ - Tản văn của Chử Thu Hằng, NXB Hội nhà văn 2011)
Tôi biết Chử Thu Hằng với tư cách một Nhà thơ, nên khi đọc tản văn Hồn phố của chị, tôi cứ ngờ ngợ rằng đây cũng là một tập thơ; mà là một tập thơ hay, mang hồn cốt của một người Hà Nội gốc.
Viết về cây, có lẽ hiếm người viết kỹ như Chử Thu Hằng "Cây xanh cũng có hồn. Cùng với những huyền thoại đất Kinh đô, nét thanh lịch của người Hà Nội, thú ăn chơi tao nhã của người Hà Nội, cây xanh của Hà Nội cũng góp phần tạo nên một Thăng Long ngàn năm văn vật, kết tinh thành nền văn hiến đất Thăng Long rất đỗi tự hào". Sấu là loài cây phổ biến và thân thuộc của Hà Nội, ai cũng thấy, nhưng mấy ai phát hiện ra "Sấu là loài cây rất lạ, lá rất nhiều và xanh suốt bốn mùa"; thấy được cây sấu "Vừa trút bỏ lá già, vừa thay lá non" là một thảng thốt vùa tinh tế vừa kỹ lưỡng. Đó chính là một phẩm chất rất quan trọng của người cầm bút. Có phải Chử Thu Hằng chỉ viết về cây sấu không? Không, Chử Thu Hằng viết về con người đấy, những người quen và lạ quanh mình. Tôi bỗng nhớ ngày mới tiếp quản Thủ đô, đã có nhiều ý kiến của những người có trách nhiệm phản đối việc trồng sấu bên đường phố, họ cho rằng, vì sấu có quả nên sẽ rất nguy hiểm cho trẻ em. Còn thời gian thì đã chứng minh rằng, chống chọi với giông, lốc, với khí hậu khắc nghiệt, cây sấu có ưu thế hơn hẳn các loài cây khác. Tác giả Hồn phố cũng tỏ rõ thái độ khi ai đó nói về "Bọn trèo me, trèo sấu" một cách thiếu thiện cảm.
Trong tản văn "Hà Nội đêm trở gió" Chử Thu Hằng viết về người Hà Nội nói chung hay viết cho chính mình. "Người Hà Nội yêu mùa đông. Trời lạnh, để cho làn da trắng mịn, để có dịp khoe áo, khoe khăn. Con gái Hà Nội rất biết làm duyên với những chiếc khăn. Lạnh ít, những tấm khăn voan đủ màu bay phấp phới trên xe máy, dọc ngang khắp ngả đường. Lạnh nhiều, những bộ măng tô, khăn len, mũ len duyên dáng được dịp trình làng. Ai đã đến Hà Nội vào mùa đông, ngắm những khuôn mặt thiếu nữ ửng hồng trong thời trang mùa lạnh, hẳn sẽ thấy mùa đông thật đáng yêu". Ai đó từng "Gửi nắng cho em”, còn Chử Thu Hằng lại “... ước chi gửi vào trong đó chút lạnh rớt của mùa đông xứ Bắc” cho một người xa. Cái “ước” đó thật lãng mạn, và cũng tình tứ lắm.
Văn Chử Thu Hằng sắc, gọn, đi thẳng vào những vấn đề cần nói. Cảm xúc, ý tưởng được gói ghém cẩn mật, khôn ngoan, khéo léo qua từng trang viết. Chỉ với năm trăm chữ mà chị đã làm hiện lên rõ mồn một "Hà Nội những ngày mưa ngập phố". Có chi tiết như thật, như hư nhưng cái đó không quan trọng. Mà cái đáng quan tâm là chị "Cứ vừa thương vừa lo cho các cụ Rùa, lỡ chẳng may lạc bước lên bờ thì khổ”. Lịch sử hiện ra. Truyền thuyết hiện ra. Người Việt Nam nào không liên tưởng… nhưng Chử Thu Hằng lại lặng lẽ chấm câu. Một kiểu văn kiệm lời đầy ẩn chứa.
“Sen tàn nghe rốn tiếng mưa thu…”, "Đâu rồi, võng đay?" là một hoài niệm, một nuối tiếc pha chút ngậm ngùi. Biển dâu dời đổi, nhiều nét đẹp đang mất đi. Chử Thu Hằng đã nói thay tâm sự của bao người trong cõi nhân sinh luôn luôn biến cải này. Còn ở "Mùa gặt với người trong phố", một tản văn với tiêu đề lạ, tác giả lại viết về tình yêu quê hương, yêu những người nông dân tay lấm chân bùn từ một góc nhìn khác. Đồng thời, chị gửi một thông điệp, một khẩn cầu tha thiết đến các nhà khoa học: Có cách gì để giúp đỡ bà con nông dân trong việc xử lý rơm rạ sau mỗi vụ gặt? Và qua đó giúp cả những “người phố" bớt đi vấn nạn "Khói lên đến tận thiên tào". Tôi chắc rằng những người nông dân khi đọc "Mùa gặt…" của Chử Thu Hằng sẽ thấy chị yêu và thông cảm với họ lắm lắm.
Trong Hồn phố có một loạt bài, mà theo chủ quan, tôi muốn xếp riêng vào một loại. Đó là "Đức tin", "Phụ nữ thời nay", "Điểm dừng", "Đỏ và xanh"… Đây là những suy nghĩ thuộc phần "mộc", phần "cứng", viết không khéo rất dễ tẻ nhạt, bởi ai cũng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nhưng Chử Thu Hằng đã làm "mềm" đi một cách rất văn chương, khiến người đọc không thể rời trang sách, cũng phải cùng suy nghĩ và đồng cảm với chị.
Trong Hồn phố có một loạt bài, mà theo chủ quan, tôi muốn xếp riêng vào một loại. Đó là "Đức tin", "Phụ nữ thời nay", "Điểm dừng", "Đỏ và xanh"… Đây là những suy nghĩ thuộc phần "mộc", phần "cứng", viết không khéo rất dễ tẻ nhạt, bởi ai cũng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nhưng Chử Thu Hằng đã làm "mềm" đi một cách rất văn chương, khiến người đọc không thể rời trang sách, cũng phải cùng suy nghĩ và đồng cảm với chị.
"…Và khi nhắm mắt, xuôi tay, trút bỏ những vui buồn dương thế. Con người lại về với đất trong chiếc hòm đỏ bốn dài, hai ngắn, dưới vuông cỏ xanh khép lại một kiếp người". Và chị đã nghiệm ra "Sự ham muốn càng nhiều, càng lớn thì tâm không thể yên, sinh ra tà tâm, muốn dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để đạt được ham muốn của mình. Ham muốn của con người là vô hạn, nhưng đời người lại hữu hạn. Vì vậy, đến một lúc nào đó, mỗi người phải đi đến điểm dừng của mình dù muốn hay không". Chử Thu Hằng thật thâm trầm khi viết: "Mấy trăm triệu người theo đạo Thiên chúa, mấy trăm triệu người theo đạo Phật, mấy trăm triệu người theo đạo Hồi và những người theo đạo khác là những người may mắn. Họ có nơi để gửi gắm lòng tin, có nơi để cầu xin giúp đỡ và có đấng bề trên để phù hộ cho những ước mong của họ, gánh đỡ những lỗi lầm của họ".
Chử Thu Hằng đọc nhiều, hiểu rộng, am tường kim cổ đông tây, nhưng khi viết chị lại biết tự mình tiết chế ngòi bút, tiết chế đến kiệt cùng. Chính vì thế, nhiều bài khi đọc xong cảm giác của người đọc như còn thiếu thiếu, thòm thèm… giá như tác giả "múa" thêm vài "chiêu" nữa…
Văn Chử Thu Hằng không "ma", chữ Chử Thu Hằng không "xiếc" mà lạ thay vẫn cuốn hút người đọc. Ai đã cầm trên tay Hồn phố, chắc chắn không thể không cùng chị lãng đãng với một Hà Nội mơ màng sương khói, để “cảm” được Hồn phố của Hà Nội ngàn năm.
Vậy bí quyết là ở đâu, Chử Thu Hằng?
Văn Chử Thu Hằng không "ma", chữ Chử Thu Hằng không "xiếc" mà lạ thay vẫn cuốn hút người đọc. Ai đã cầm trên tay Hồn phố, chắc chắn không thể không cùng chị lãng đãng với một Hà Nội mơ màng sương khói, để “cảm” được Hồn phố của Hà Nội ngàn năm.
Vậy bí quyết là ở đâu, Chử Thu Hằng?
Bắc Giang, tháng 7 năm 2012
Trần Thái Triển
( Nhóm bút Sông Lục)
Trần Thái Triển
( Nhóm bút Sông Lục)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét