CÙNG BẠN ĐOC!
Sông Lục mở một chuyên mục giới thiệu các tác phẩm mới nhất của các tác giả trong nhóm bút và các tác giả nơi khác khác gửi đến. Những tác phẩm này phải chưa công bố ở đâu lần đầu. Số đầu tiên xin gửi đến truyện ngắn LAM ĐIỂU vừa viết xong. Còn chưa ráo mực "vi tính" của Quang Đại. Chuyện ngắn đề cập đến cái mà cả đời văn nghệ sĩ chúng ta đi tìm. Nhân vật trong truyện ngắn dám đập vỡ cả vinh quang để đi tìm đó là cái gì?
LAM ĐIỂU
TRUYỆN NGẮN: Quang Đại
Hắn mất chiếc lõ điếu.
Ấy vậy mà chẳng khác chi chuyện cháy
nhà, chết người. Tư dinh hắn rung lên như có bão. Nhiều lúc, cảm thấy những cái
lá gồi lợp trên mái phần phật tung lên như cá sởn vẩy sau mỗi cơn thịnh nộ của
hắn.
Đôi khi, hắn buồn bực lắm. Không nói không
rằng, ngửa cổ dốc nửa lít rượu trắng vào mồm rồi nằm thượt. Thở hắt từng đợt
lên mái...
Vợ hắn đã chứng kiến được việc mất chiếc lõ
điếu nghiêm trọng thế nào khi hắn đập vỡ tan tành cả bức tượng gốm vốn là tác
phẩm sáng giá. Là gan ruột. Hồn vía. Thậm chí là linh khí của hắn. Bức tượng mà hắn đã phải xuống nằm ở một
xưởng gốm dưới Phù Lãng hàng nửa năm trời. Hì hục nặn. Bóp. Chau chuốt. Chờ
nung. Hỏng lên, hỏng xuống mãi mới thành. Bức tượng có tên là Phỗng này từng
được giải vàng tại triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Đưa hắn từ bùn đất ngoi lên hàng
ngũ tên tuổi trong giới mỹ thuật. Bức tượng mà không ngày nào hắn không ngồi
ngắm vài chục phút trước khi... bắn một điếu thuốc lào.
Thế rồi, bực mình vì mất chiếc lõ điếu mà hắn
đã cho bức tượng ấy... một chưởng. Vỡ vụn. Xem ra, chiếc lõ điếu với hắn còn
quý hơn cả những vinh quang mà cả đời hắn đằng đẵng mong ước, phấn đấu.
Hắn có bút danh là Lam Điểu. Nếu bạn đọc cần chân dung hắn thì tôi xin cung cấp ba dữ liệu điển hình: mũi to, răng cửa sứt và nồng nặc mùi hôi. Vâng! Nếu bạn thấy thằng người nào hội cả ba thứ trên thì đích là hắn. Mũi to và răng cửa sứt thì có lẽ bạn cũng đã từng gặp trên đời. Thế nhưng, mùi hôi từ cơ thể hắn thì lại quá đặc biệt. Đó là thứ mùi tổng hợp của mồ hôi dầu, mắm tôm, thịt chó, rượu khê và muôn vàn thứ bốc hơi khác trộn vào. Chủ đạo là mùi thuốc lào. Đó là cái mùi mà người ta không thể ngửi thấy được ở bất cứ đâu.
Chính bạn gái của tôi đã từng bị ám
ảnh mãi về mùi hôi đặc biệt ấy của hắn. Chẳng là, nghe tiếng tăm họa sĩ Lam Điểu,
cô nàng tò mò muốn gặp. Tôi đã bảo mãi là chỉ có hôi hám thôi, chứ chẳng có cái
quái gì ở cái tay họa sĩ xó vườn ấy đâu. Thế nhưng cô nàng không tin. Cứ bắt
tôi đưa đến bằng được. Chẳng ngờ, hắn thật đểu, định ôm bạn tôi hôn. Hắn bị cô
ấy đẩy cho một nhát. Ngã dúi, ngã rụi. Bạn gái tôi bữa đó suýt chết ngất về mùi
hôi của hắn. Bảo với tôi là cho mãi đến bây giờ, có tới gần mười năm rồi mà hễ
cứ nghĩ đến cái tên Lam Điểu là lại buồn nôn.
Vì chuyện này mà tôi và hắn đã giận nhau suốt
một thời gian dài. Nhưng sau đó, không biết thế nào tôi lại... vẫn chơi với
hắn.
Lam Điểu là gì? Người vọc vạch ít Hán tự sẽ
nghĩ Lam Điểu là con chim xanh. Hay con vẹt cũng thế. Cũng có thể khi đặt bút
danh này, hắn còn muốn người ta nghĩ thêm cái hàm ý đó chăng? “Cá tháng Tư” với
người đời cũng là thứ tiêu khiển mà!
Còn thực ra, Lam Điểu chính là câu nhái của...
làm điếu. Chính xác là thế. Trăm phần trăm là thế! Không sai! Tôi là bạn hắn
nên tôi biết. Còn làm điếu là câu người ta xin thuốc nhau. Mời thuốc nhau. Hay
chỉ nói về mỗi việc làm ra cái điếu thôi? Mặc kệ người ta! Ai hiểu thế nào cũng
được! Hắn bảo thế.
Tóm lại, chung quy cái bút danh của
hắn gắn bó với cái điếu cày.
Hắn vốn xuất thân từ một tay sành
khoét lõ điếu. Thế thôi. Ngoài ra hắn chẳng có tài cán gì. Có một nhà điêu khắc
mà tên tuổi đã được đánh bóng chẳng biết do đâu. Một lần, ông ta lang thang đến
cái xóm nhỏ ven đồi gần nhà hắn. Đang cơn thèm thuốc lào. Ở đầu đồng nghe cuối
đồng có tiếng điếu cày. Thế là tìm đến. Mượn điếu. Mượn cả thuốc của hắn. Say .
Khoái tiếng điếu cày của hắn quá. Đến nỗi không đi được. Nhà điêu khắc đó đã ở
nhờ mái gồi nhà hắn cả tháng để làm tượng. Nghe bảo hắn đã tốc một góc mái lá
gồi nhà mình lên. Như là tốc váy để cho ông kia có ánh trời mà sáng tác.
Cảm động về điều đó. Lại thấy hắn
khoét lõ điếu thật điệu nghệ. Mà lại khoét chỉ để riêng mình thưởng thức thôi.
Chứ không đem bán hay mưu lợi gì thì ông này phục sát đất. Ông ta cho đây quả
là đức tính của một nghệ sỹ thực thụ. Thế là, ông ta dạy nghề cho hắn. Hướng hắn
đi vào con đường nghệ thuật. Thứ nghệ thuật mà ông ta bảo là theo phong cách nhà
quê, nhà mùa gì đó. Ấy là ông ấy nói chứ dân xung quanh biết đâu mà lần. Giờ thì hắn đã là một họa sĩ
điêu khắc nổi tiếng của tỉnh này thật.
Cũng vì cái bút danh Lam Điểu mà hắn
có được một con bồ. Các bạn nghĩ bồ của Lam Điểu là một kiểu Thị Nở đời mới
ư? Không phải đâu! Đây là một em chân
dài. Mắt xanh. Mỏ đỏ. Tóc vàng ngô hẳn hoi. Một con bồ ngon lành. Chưa đến tuổi
băm. Mà chắc chắn thằng đàn ông máu gái nào cũng phải thèm thuồng. Lại độc thân. Ở mỗi một mình một nhà không rõ lý do.
Chẳng hiểu cô nàng xinh đẹp, có cái tên Minh
Mừng, gọi lên muốn rụng cả môi ấy mê gì ở cái tay họa sĩ lõ điếu hôi như tổ cú
này chẳng biết?.
Thì ra, cô ta vốn cũng yêu nghệ thuật. Tất
nhiên, thứ nghệ thuật mà Minh Mừng “yêu” là thứ nghệ thuật lôm nhôm, chắp vá kiểu riêu cua
chan bún cá. Ở cô ta hội đủ thơ, ca,
nhạc, họa, đồng bóng, bói toán và tình dục. Trong thời buổi này quả là có lắm
người yêu nghệ thuật thật. Cô ta là hạng người “xuất khẩu thành thơ”. Dọa được
khối người ( kể cả mấy ông nhà thơ nổi tiếng) bởi những câu ứng khẩu nhanh như
máy khâu. Những câu ứng khẩu của Minh Mừng nếu ở người thường thì thấy lủng cà
lủng củng, chẳng đâu vào đâu. Nhưng với các nhà thơ, hay các văn nghệ sĩ nói
chung thì lại là chuyện khác...
Minh Mừng thấy người ta nói nhiều
đến họa sĩ Lam Điểu. Cô cũng nghĩ Lam
Điểu là con chim xanh. Người mà lấy bút danh là chim xanh ắt phải đa
đoan, đa tình - cô chân dài Minh Mừng nghĩ như thế.
Và ...những suy diễn ấy đã dẫn cô đến mảnh
vườn có mái lá gồi...
Chẳng biết hôm ấy vợ con Lam Điểu có
nhà hay không mà cô ta như người độc chiếm vườn tượng nhà hắn. Cô ta đã cười
phá lên. Cười ngất ngư. Cười ngặt nghẽo. Cười ngẹt thở khi Lam Điểu nói cho cô
ta hay ý nghĩa thực của cái bút danh có vẻ bay lượn kia lại chỉ là... làm điếu. Buồn cười thật. Quá là buồn cười là
đằng khác.
Đầu tiên, Minh Mừng cũng chỉ buồn
cười chút ít. Nhưng đến khi tự cô ta nghĩ ra là làm điếu còn để nói đến
một việc khác... không hề liên quan tí teo nào đến hút thuốc lào hay làm điếu
cày cả .Thế là cô ta lại cười nôn ruột.
Cười một thôi rồi cô ta bỗng nín
bặt. Nhắm mắt. Mím môi. Vênh vênh mặt. Nghiêng nghiêng đầu. Cô chìa tay về phía
Lam Điểu như dáng mời gọi: làm điếu! làm
điếu ! làm điếu... cho em làm điếu đi anh...
Mãi mà hắn chẳng hiểu gì. Mặt cứ thộn ra khiến nàng chân dài càng cười
rũ rượi.
*
*
*
Rồi Lam Điểu cũng biết thế nào là
“Cho em làm điếu đi anh!” khi hắn cùng cô chân dài đi lên rừng để tìm gỗ làm lõ
điếu...
Lạ thật! Xem ra cả đời hắn chỉ loay
hoay với việc làm lõ điếu. Nhất là vào
thời buổi bây giờ, thiên hạ càng ngày càng vơi người hút thuốc lào. Cái thủa
“hút thuốc lào nâng cao sĩ diện...” đã xa lắc xa lơ. Kể cả khi thày hắn dạy cho
hắn thứ nghệ thuật mà ông ta gọi là nghệ thuật bác học, bác hạch gì đó. Rồi hắn
cũng đã đoạt được giải nọ, giải kia, có tên có tuổi trong làng Mỹ thuật hẳn hoi.
Vậy mà Lam Điểu vẫn cứ say mê khoét lõ điếu. Thế đấy! Hắn vẫn chưa ưng với cái
lõ điếu nào trong hàng trăm chiếc mà hắn làm ra.
Chả nhẽ cái đích của đời hắn lại chỉ
nhỏ nhoi thế thôi ư?
Có lẽ là thế thật!
Cung cách hắn làm ra được một cái lõ điếu thật
công phu. Để lấy gỗ làm lõ điếu, hắn đã rủ cô chân dài lần mò lên tận Thái
Nguyên, Bắc Cạn.. Cũng chẳng biết hắn nói gì, hay dỗ dành ra làm sao mà cô chân
dài một thân một mình đi theo hắn vào tận rừng sâu núi thẳm. Luồn cây, chui bụi
dọc theo bờ những con suối để tìm cây sâng. Cô chân dài hỏi sao không tìm cây
sâng ở trên cao mà lại tìm ở bờ suối? Hắn bảo chỉ những cây sâng mọc ở bờ suối
mới cho gỗ làm lõ điếu tốt nhất. Cô chân dài hỏi vì sao thế thì hắn bảo đó là
kinh nghiệm của người Mường ở Tây Bắc. Hắn nói với cô rằng những cây sâng mọc
bên bờ suối đã ít, lại phải đi tìm bằng được cây sâng nào có rễ mọc thò lõ
xuống nước như là...
Hắn ngập ngừng khiến Minh Mừng cười phá lên. Nhắc
lại câu: làm điếu! Làm điếu!
Cho mãi đến lúc này. Trong cái không
gian đặc biệt chỉ có một thằng đàn ông và một con đàn bà ... hắn mới hiểu ra
cái ý làm điếu khác... hắn đỏ bừng mặt lên. Xấu hổ một cách vô nghĩa giữa rừng
xanh...
Chẳng biết còn có những chuyện gì đã
xảy ra giữa hắn và Minh Mừng khi hơn nửa tháng trời chỉ có một đôi trong vùng rừng
toàn lá, cây, dây nhợ chằng chịt, kín mít kia. Chỉ biết, chuyến đi đã khiến cô
ta yêu hắn. Mê mẩn hắn. Mùi từ cơ thể hắn toát ra từng khiến người khác lợm
mửa. Ấy thế mà cô ta lại bện hơi. Nghiện. Cô ta thích thú hít hà rồi còn trắng
trợn bảo với mọi người là say hắn như điếu đổ chỉ vì cái mùi ấy. Lạ thật! Ái
tình quả là không biết đâu mà lần. Một thằng mũi to, răng vừa sứt vừa sỉn. Hôi
hám nhất trần đời lại cặp bồ với chân dài Minh Mừng thơm tho... Đây quả là sự
lạ nhất Việt Nam ,
nhì thế giới mà không hiểu sao lại chưa
có admin nào đưa lên mạng.
Lại nói chuyện Lam Điểu làm lõ điếu.
Lấy được gỗ về rồi. Hắn lại phải ngâm vào nước gio đa hai ba tháng giời. Đem ra hong gió cho thật khô rồi mới bắt tay
vào khoét lõ điếu. Hắn đã kỳ khu cả tháng trời để làm ra cái lõ điếu mà tiếng
kêu chỉ có nhất chứ không có thứ nhì. Với một cái lỗ tuyn huyn mà hắn cứ khoét
vào một tí ti. Lại rút ra. Tra vào điếu hút thử. Nghe tiếng kêu rồi lại rút ra.
Nheo nheo mắt ngắm nghía. Bóp đầu, bóp óc nghĩ ngợi cả buổi...
Con dao mà hắn dùng để khoét lõ điếu
làm bằng loại thép rất tốt, sắc lẹm, là bảo bối hắn giữ lại được từ ngày còn đi
bộ đội, đóng quân trên một bản người Mường. Gỗ sâng vốn mềm, dễ gọt. Nhưng lại
dai và thường ngấm một lượng nước nhất định khiến cho lõ điếu không bị khô cong
mà vặn vẹo. Vì thế mà giữ nguyên được hình dạng ban đầu. Điều này sẽ khiến âm
thanh phát ra khi hút thuốc lúc nào cũng như lúc nào. Âm thanh vang, dền, nền,
nẩy khiến cho những tay ngiện thuốc lào rất khoái. Tất nhiên, lõ điếu làm bằng
gỗ rễ sâng thò lõ xuống nước suối thì khỏi phải nói. Chính vì bí quyết này mà
lõ điếu do Lam Điểu làm ra không có cái lõ điếu nào sánh nổi.
Lam Điểu giảng giải với tôi rằng lõ
điếu không phải chỉ là thứ nhồi thuốc vào hút. Như kiểu cái tẩu thuốc của
người Tây phương đâu. Nó còn là một cái van đặc biệt không cho nước trong ống điếu
chảy ra ngoài. Khi hút vào, khói thuốc sẽ đi qua nước làm mát họng. Hắn bảo cư dân ở các nước Ả - Rập và vùng
Trung Đông cũng có một loại điếu tên là shisha. Ở Thái Lan có loại điếu boong. Đều khá giống với điếu cày của người Việt. Tuy họ dùng để hút một loại lá khác. Không phải thuốc lào. Nhưng giống nhau ở chỗ cũng dùng nước để làm mát. Tuy nhiêhất thế giới. Lam điểu bảo tôi:
tiếng điếu cày là quốc hồn, quốc túy. Nước Nam này thực sự có Văn minh thuốc
lào.
Ấy là tư tưởng của Lam Điểu.
Tôi vốn không phục những tác phẩm
điêu khắc của hắn. Kể cả cái thằng Phỗng được giải vàng tôi cũng cho là do hắn
mua được ban giám khảo.
Thế nhưng, tôi lại thán phục tất cả
những cái lõ điếu do hắn khoét ra.
Ở hắn, cái gì cũng thấy nhếch nhác.
Chỉ điếu cày là bóng lộn và sang trọng. Hắn đã khoét gần trăm cái lõ điếu mới chọn được cái lõ
điếu mà hắn ưng ý. Chính là chiếc lõ điếu khoét từ một khúc rễ sâng thò lõ xuống
suối mà hắn đã cùng Minh Mừng lấy về. Phải chăng chính tình yêu cũng có công ở
đây?
Hắn đã ưng ý với hình thức, tiếng kêu rất sang
của cái lõ điếu này. Chiếc lõ điếu mà hắn cho là đỉnh cao của mọi chiếc lõ điếu
trên đời. Tôi biết thừa hắn nói thế chỉ
là hắn nói thế. Nhưng tôi cũng công nhận điều đó. Mặc dù đã có cuộc thi vô địch
lõ điếu bao giờ đâu.
Tất nhiên, Lam Điểu rất sành hút
thuốc lào. Hắn bảo hắn chỉ hút thuốc lào Quảng Xương (Thanh Hóa). Hắn cho đó là
thứ thuốc lào ngon nhất trần đời. Ngon hơn cả thuốc lào Vĩnh Bảo (Hải Phòng)
vẫn được người trong vùng cho là bố tướng. Còn đóm để hút thuốc thì bao giờ
cũng phải là đóm gỗ ké tước mỏng mà hắn thửa về từ vùng cao.
Tôi đã nhiều lần thấy hắn vê mồi
thuốc. Không nhìn. Nhưng tay hắn đã thò tay vào bánh thuốc lào Quảng Xương là y
như vặt ra được một mồi. Đúng bằng mọi mồi trước đó. Cách hắn nhồi thuốc vào lõ
cũng thật điệu nghệ, nhịp nhàng, thành thục...
Khi mọi sự chuẩn bị đã xong. Hắn
ngồi dựa lưng vào tường. Đối diện với tượng Phỗng. Rồi nghoẹo đầ. Dim dim mắt. Châm lửa. Hút. Hút một hơi.
Dài hơn cả thời gian một danh ca cải lương hàng đầu đổ câu vọng cổ. Hắn nói với
tôi rằng hút thuốc lào cũng phải “nhất khí”. Như là viết thư pháp. Nếu hút hai
hơi thì mất hết khoái cảm. Chẳng ra cái quái gì. Cũng như ông đồ Nho nào mà
viết thư pháp không liền mạch. Chỉ còn mỗi việc vo tròn. Ném vào sọt rác.
Một bản nhạc thuốc lào vô cùng lạ tai réo rắt
cất lên. Thứ âm thanh của nước. Lửa. Khói và không khí cọ vào nhau. Qua cái cựa
gà đặc biệt trong lõ điếu của riêng hắn...
Trời đất, tôi chưa thấy một ai hút
thuốc lào sành điệu thế này. Lạ làm sao vào năm thứ mười hai của thế kỷ hai mốt
mà vẫn có được một người giữ nguyên bản sắc dân tộc như hắn. Lam Điểu thực sự
là một bảo tàng sống của cái sự hút thuốc lào của người Việt. Hắn bảo tất cả
những tác phẩm điêu khắc của hắn đều hiện ra dưới làn khói thuốc lào. Thuốc lào
làm thức tỉnh tiềm năng sáng tạo trong trí não hắn. Tôi tin.
Đời hắn không thể thiếu khói thuốc
lào và bản nhạc từ chiếc điếu cày. Bởi thế, chiếc điếu cày luôn là vật bất ly
thân. Gắn bó sống chết vớiLam Điểu.
*
*
*
Ấy thế mà sáng hôm ấy. Khi hắn lôi
điếu ra. Định bắn một phát cho sảng khoái để lại lao vào nặn bóp thì ôi thôi! Mất
lõ.
Thật chẳng khác nào tượng thằng cu đái bên
nước Bỉ bị mất chim!
Tôi không dám nói ngoa rằng thằng cu
đái bằng đồng mất cái thây lẩy, từng phun ra bia Bỉ hảo hạng không bằng... Lam Điểu mất lõ
điếu. Nhưng chắc là tương tự. Hắn đã sững sờ. Thẫn người ra.
Hắn điên
đầu. Hắn xót sa. Hắn đau khổ. Hắn tiếc đứt ruột...
Thủ phạm đầu tiên hắn nghĩ đến là
vợ. Hắn và vợ hắn vốn là hai kẻ ly thân ở trong một nhà. Thậm chí, vợ hắn luôn
coi hắn như kẻ thù từ khi hắn đi theo nghệ thuật rồi làm khổ vợ, khổ con. Vợ
hắn luônluôn có bằng chứng để khẳng định rằng hắn yêu những cục đất sét còn hơn
cả vợ con. Đương nhiên chị ta không dám so sánh mình với cái lõ điếu quý hóa
của hắn.
Từ trước đến giờ vợ con Lam Điểu nào
có ưa gì hắn hút thuốc lào và làm nghệ thuật.
Hắn vành mắt lên hỏi vợ dấu lõ của
hắn đi đâu? Vợ hắn hỏi lại: lõ nào? Cả chục năm nay tôi có thiết gì cái lõ của
ông! Thế mà khối đứa thích mà không được đấy! Không phải bà dấu lõ của tôi thì
ai dấu? Đi mà hỏi con Mông Mành của ông ấy! Mông mành nào? Môi tôi không vẹo vọ
hay sứt mẻ để gọi ra được đúng tên cái con dở hơi ấy. Cô ấy thì liên quan gì
đến chuyện này? Mà bà cũng biết ghen cơ đấy? Tôi không dở hơi mà đi
ghen với cái con cám hấp trên vung! Nhưng lõ của tôi đâu? Lõ nào?...
Thế là việc tra khảo vợ vòng lại từ
đầu. Nghĩa là về mo. Nhưng loanh quanh một hồi kết quả cũng lòi ra một manh
mối: Hắn biết người ta đang bày bán lõ điếu của hắn ở một cửa hàng đồ cổ ngay giữa
thị xã. Hắn tạm dừng tra hỏi vợ mà đi ngay đến đó. Không hiểu sao ở đây lại có
tới mấy chục cái lõ điếu giống hệt nhau. Mà nhìn qua hắn cũng nhận ra ngay
chính là những lõ điếu hắn khoét. Bởi tay hắn làm thì hắn biết, sao mà nhầm
được. Chỉ có điều không hiểu tại sao những chiếc lõ điếu này lại được bày bán ở
đây nhỉ? Thì ra, vợ hắn đã lấy rồi đem ra bán. Vợ hắn không màng gì đến cái “lõ”
trên người hắn đã hơn chục năm nay. Nhưng lại biết những cái lõ điếu hắn vất
đâu dó có thể bán được tiền...
Bây giờ lõ của hắn đã là lõ của người ta? Chẳng biết trong số này có cái lõ điếu mà hắn
vẫn đang dùng không? Mỗi cái lõ điếu ấy người ta đều đề giá rất cao. Có cái tới
tiền triệu.
Cao mấy thì cao, nếu thực là cái lõ
ấy thì bao nhiêu tiền hắn cũng mua lại. Lam Điểu bảo với nhà hàng đồ cổ là muốn
mua một cái lõ điếu trong số đó. Và hắn thử tiếng kêu của 87 chiếc lõ điếu.
Cuối cùng, hắn biết tất cả đều là những lõ điếu mà hắn đã quăng đi. Hắn không
mua. Bị nhà hàng chửi cho một mẻ mất mặt. Bị chửi hắn lại càng tức, càng căm kẻ
lấy lõ điếu. Hắn nghĩ: kẻ đó chính là vợ hắn. Hắn đinh ninh cái “con cá mắm” đã
bán. Đã giấu. Đã vất lõ điếu của hắn đi đâu đó.
Hắn lại về nhà tiếp tiếp tục tra khảo
“con cá mắm”. Vợ hắn vẫn ngoan cố bảo thấy những lõ điếu vất lăn lóc ở góc nhà,
không làm gì thì đem đi bán chứ không rút cái lõ vẫn cắm trong điếu.
Hắn cục lên. Không nói không rằng. Mắm môi.
Mắm lợi. Hùng hục vơ một nắm nòm ké. Bật lửa. Nắm nòm cháy đùng đùng. Đáng lẽ
chỉ một động tác đơn giản là thụi lên mái gồi. Thế là lửa bùng lên ngay thôi.
Vì mái gồi nhà hắn vốn thấp lè tè ấy mà. Sau đó thì là ầm ĩ. Hay không ầm ĩ?
Thật khó mà đoán bởi từ ngày trở thành “nghệ sĩ lớn”, hắn coi bà con láng giềng không bằng nửa con
mắt... Chư a chắc nhà hắn cháy đã khiến xung
quanh người ta động lòng...
Nhưng hắn đã không thụi bó nòm ké ngay lên mái
mà kêu rú lên như chó dại. Rồi hắn chạy ra sân. Lại chạy vào nhà. Lại chạy ra
sân. Chạy ra, chạy vào. Chạy vào, chạy ra. Bó đuốc trên tay hắn thì cứ thì vẫn cứ
phần phật. Đến là kinh.
Thế mà vợ hắn dửng dưng, tóp tép
nhai trầu. Đấy! mọi người có thấy không? Vợ một nghệ sỹ nhớn vào năm mười hai
của thế kỷ hăm mốt vẫn nhai trầu. Hắn không nuốt nổi cục tức vì không làm gì
được cái “con cá mắm” vô cảm kia!
Tôi không nói thì bạn đọc cũng có thể
biết kết cục là bó nòm ké đã thui... chính vào tay Lam Điểu. Hắn phải vất vội
ra giữa sân rồi đi lấy nước mắm xoa vào chỗ bòng. Cuối cùng thì việc “con cá
mắm” có là thủ phạm hay không thì mãi mãi vẫn không sáng tỏ.
Không làm gì được vợ. Hắn buộc phải
quay sang hướng điều tra khác. Hắn nghĩ đến tay Cân, giám đốc bảo tàng tỉnh. Hôm
nọ tay này cho một đoàn cán bộ sang điều tra, khảo sát để cấp phép cho vườn
tượng của hắn được hoạt động như một bảo tàng tư nhân. Thật đáng ngờ. Tay này cũng nghiện thuốc lào. Mê chiếc điếu cày của hắn
lắm. Đã nhiều lần đích thân đến hỏi mua. Nói là mua để trưng bày trong bảo tàng
chứ hắn biết thừa rồi sẽ có một chiếc điếu vớ vẩn nào đó thế mạng vào. Còn chiếc
điếu thật, “nếu” mua được của hắn thì sẽ trở thành của riêng. Thứ mà tay Cân,
Kẹo ấy mân mê hàng ngày. Tuy nhiên, hắn rứt khoát không bán, cho dù tay giám
đốc ấy gạ lên gạ xuống mãi. Đưa ra cái giá rất cao. Tay
ấy lấy tiền chùa ra mua thì tính gì đắt rẻ? Còn lâu nhé! Nghệ sĩ nhớn mà lại đi
tiếp tay cho tiêu cực à?
Lúc này, hắn cho là chính lão giám đốc này đã
bằng mọi cách thó chiếc lõ điếu của hắn
rồi tính kế... đoạt cả điếu. Nhưng hắn
lại không có bất kỳ cớ gì để viết đơn kiện. Càng không thể tra khảo tay giám
đốc Bảo tàng tỉnh như tra khảo vợ hắn dược. Với lại, mái ngói nhà bảo tàng tỉnh
vốn không phải là thứ dễ cháy.
Thế nên, lại thêm một nghi án về
chiếc lõ điếu mà hắn chỉ biết ngậm ngùi tính sổ trong ruột gan...
Thực ra thì hắn cũng đã đi đến Bảo
tàng tỉnh. Cũng đã uất lên. Cũng đã cầm một “củ đậu bay”. Cũng định đứng giữa
cổng nhà bảo tàng mà ném lên cái mái ngói mà dưới đó là những bảo bối hàng
tỉnh. Rất có thế sau vụ đại náo của hắn thì cái lõ điếu quý hóa hắn ở một ngăn
tủ nào đó sẽ lăn ra do” cháy nhà ra mặt chuột”.
Nhưng may cho hắn là trước đó hắn
chỉ bị “hưng phấn” trong vỏ não một chút. Chứ chưa uống rượu say như dự định từ
ở nhà. Và có lẽ mồ mả nhà hắn chưa động...
Việc mất chiếc lõ điếu khiến hắn
thiểu não. Buồn thê thảm. Cái vui, cái sướng nhất trên cõi đời bỗng dưng bị cắt
béng đi. Hắn chẳng còn biết đi tìm chiếc lõ điếu ở đâu và bằng cách nào nữa.
Hắn không ăn. Hắn không ngủ. Không sáng tác. Không nghĩ gì đến bồ bịch. Hắn vỏ
đầu bứt tai. Rên ư ử. Rồi nhiều lúc cực lên hắn khóc. Nước mắt, nước mũi nhểu
ra trông thật thảm hại. Đầu óc hắn bù sù . Hình như suốt từ khi mất cái lõ điếu
đến giờ đã gần một tháng. Vậy mà hắn cắt toàn bộ nhu cầu vệ sinh hàng ngày. Bởi
thế, hắn đã hôi nay lại càng thêm hôi...
Thế rồi, có một hôm. Hắn lại ngồi
khóc hu hu ở ngoài vườn như thằng dở hơi thì bỗng nghĩ ra điều gì đó. Thế là
hắn đột ngột nín khóc. Hai tay vỗ đùi phành phạch. Chết chửa! Thế mà không nghĩ ra. Còn ai vào
đấy nữa! Còn ai gần gũi hắn hơn trong thời gian ấy? Ai có thể lấy đi được cái
vật bất ly thân? Ai có thể thiến dái được ta? Thì ra là hắn đã khổ vì tình. Lần
này hắn chắc chắn như đinh đóng cột thủ phạm chính là Minh Mừng. Chỉ có em là gần gũi anh nhất thôi! Minh Mừng
ơi là Minh Mừng! Sao em lại nỡ làm khổ anh? Sao em lại đi ghen với cái lõ điếu
kia chứ! Phải rồi! Đã bao lần Minh Mừng
bảo: Anh yêu cái lõ điếu hơn cả em!
Hắn cũng chợt nhớ ra là cả tháng nay
Minh Mừng không đến nhà hắn. Yếu tố phạm tội đã quá rõ. Hắn vội vã, lập cập
chạy ngay đến nhà Minh Mừng.
Vừa đến cổng thì mắt hắn va vào một
cảnh tượng làm xoay chuyển tư duy về tình yêu trong hắn. Ở gốc vải đầu nhà,
Minh Mừng đang ôm ghì. Chùn chụt mút lưỡi một thằng đàn ông...
Hắn quỵ xuống. Hắn suy sụp. Hắn hiểu Minh Mừng
không phải chỉ là của hắn. Và Minh Mừng không yêu hắn đến độ... lấy chiếc lõ
điếu vì ghen. Hắn thêm buồn. Thôi thế là chiếc lõ điếu của hắn không còn manh
mối nào nữa rồi.
Hắn ủ rũ. Hắn thê thảm. Hắn lặng lẽ
quay về...
Các bạn sẽ hỏi tôi câu chuyện rồi sẽ
đi đến đâu ư? Thưa rằng: tiếp đó thì hắn nghi ngờ tất cả mọi người hút thuốc
lào trong bán kính hơn chục cây số. Hắn bỏ công đi rình rập. Đi hỏi xem xung
quanh có người nào hút thuốc lào là hắn bí mật tìm đến. Phục kích để nghe bằng
được tiếng điếu cày nhà người ta. Nếu chỉ cần nghe được là hắn dám chắc đó là
lõ điếu của mình hay không. Nếu phát hiện được chiếc lõ điếu của hắn Thì hắn sẽ
làm gì? Hắn lẳng lặng đi vào. Không nói không rằng. Rút lõ cho vào túi. Cũng
không thèm nói câu gì. Lẳng lặng đi về. Kẻ kia chắc chắn mặt sẽ ngắn tũn ...
Cả tháng trời hắn đi điền dã như thế mà công
không. Mặc dù bán kính hơn mười cây số là đã lan cả sang hai huyện láng giềng.
Hắn lại tính mở rộng bán kính điều tra rộng ra thêm hai chục, thạm chí là ba
chục cây số nữa....
Và khi tôi kể chuyện này với các bạn thì Lam Điểu vẫn còn đang đi tìm lõ điếu.
Mùa xuân 2012
Q.Đ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét