Cuốn sách TÂY YÊN TỬ
CỦA CHI HỘI VHNT CÁC DTTS VN TỈNH BẮC GIANG
Quang Đai Tự họa |
QUANG ĐẠI
Tên thật: Nguyễn Quang Đại
Sinh ngày:
20 - 2 - 1953
Quê
quán: Lục nam Bắc Giang
Trình độ
chuyên môn: Cao Đẳng Mỹ thuật
Địa chỉ: Số 134 Thanh xuân - TT Đồi Ngô - Lục
Nam - Bắc Giang.
Vào hội VHNT các DTTS VIỆT NAM: 2003
TÁC
PHẨM
- Bài ca tổ quốc ( Tượng gò hàn thép)
- Hồn núi (Tượng gỗ)
- Chuyện cổ tích( Tượng Gốm)
- Vòm trời chăn sui( Tập bút ký)
- Suối nước Vàng (tập truyện ngắn)
- Nghiệt ngã( tập bút ký)
- Xá lỵ hình tim (tiểu thuyết)
- Ca ve và ông tướng (tiểu thuyết)
GIẢI THƯỞNG:
- Giải Trẻ UBLH các Hội VHNT Việt nam - Tượng Hồn Núi-
- Giải nhì “cuộc thi truyện ngắn và bút ký”
tạp chí Văn hóa các dân tộc với tác
phẩm “Nỗi Niềm hạt dẻ”. 2003
- Giải nhì
giải Văn học nghệ thuật Sông Thương lần thứ nhất với tác phẩm “Hồn núi”
- Một số giải Nhất , nhì, ba truyện ngắn và bút ký trong các
cuộc thi VHNT của tỉnh; Giải tác phẩm tiêu biểu trên tạp chí Sông Thương
Báu vật
Truyện ngắn
Dân làng Húi đã quá quen với cảnh:
cứ vào sáng sớm, hôm nào cũng như hôm nào, cụ Hòa dắt trâu sang nhà cụ Khiêm,
hai cụ chung nhau khiêng chiếc thuyền mương cùng đồ nghề lưới vương đặt lên
lưng trâu, sóng đôi, giong trâu đi ra khỏi làng, hướng về con ngòi giữa đồng.
Thường thì điểm đến đã được hai cụ định
ra từ lúc ở nhà. Đến nơi, hai cụ lại cùng nhau hạ thuyền xuống nước, việc cụ
nào vào việc cụ nấy. Cụ Khiêm thả lưới dưới nước. Cụ Hòa dắt trâu cho gặm cỏ
trên bờ. Hễ cụ Khiêm bơi thuyền đến đâu là
cụ Hòa dắt trâu theo đó. Cụ Khiêm mà quay thuyền thì cụ Hòa cũng vòng trâu
theo, lúc nào cũng song song, thủy, bộ …thủ thỉ đủ chuyện trên đời.
Cũng chẳng hiểu sao mà hai cụ lại có
nhiều chuyện để nói với nhau đến thế. Chuyện bà Đỗng ở xóm Si thỉnh thoảng lại
cho cả làng nghe một bài chửi đứa ăn trộm gà; bài chửi có văn có vẻ, có vần có
điệu hẳn hoi. Chẳng hiểu có phải thằng ăn trộm gà do bị chửi đau quá, càng bị
chửi càng tức…nên cứ nhè chuồng gà nhà bà mà bắt trộm hay sao mà vài ngày lại
thấy bà ấy chứi... rồi thì chuyện trùm khủng bố Bin - La - Đen, có bộ râu rậm,
chẳng biết bây giờ sống chui, sống nhủi thì có cắt đi không? Râu rậm như vậy ăn
thế nào được nhỉ? Nếu mà ăn mắm tôm thì…! Hai cụ cùng cười rồi quay sang chuyện
khác:
- Chị chàng Hảo vợ tay Cận xóm mình
ghê thật!- Cụ Hòa kể - Đàn bà mà một mình quật ngã, khóa trái tay, giải hai
thằng trộm đào lên ủy ban xã cụ ạ!
- Ấy thế mà tay Cận thì lại nhút
nhát, hậu đậu, vụng về, chỉ được cái hiền lành.
- Ở đời vẫn thế đấy cụ ạ !- Cụ Hòa
bình luận - “ thế gian được vợ hỏng chồng, Đâu phải như rồng mà được cả đôi”.
Quy luật bù trừ cụ ạ!
- Cụ là giáo viên trường Đảng có
khác, rút ngay ra được quy nuật.
- Ấy chết! Cụ lại nói ngọng rồi! Quy
luật chứ?
- Quy nuật
- Luật.
Đến năm, sáu lần cụ Khiêm vẫn phát
âm sai. Cả hai cụ đều lắc đầu chịu thua nhau.
Hai cụ quên béng việc chữa ngọng khi
thấy có tiếng cá quẫy sùng sục. Cụ Khiêm hể hả:
Cụ giàng trâu lại. Xuống giúp tôi
một tay.
Cụ Hoà vội lao xuống nước. Hai cụ lùng tùng dưới ngòi
một lúc thì kéo lưới lên. Cụ Hoà chặc lưỡi:
- Tưởng gì! Toàn chõn mà quẫy cứ như
thuồng luồng ấy.
- Chõn cũng tốt! Ba tướng chõn này
tôi quây đã lâu. Hôm nay mới vướng lưới đấy. Tối cụ sang chơi, tôi làm món gỏi
cá chuối. Ngon tuyệt! Cụ sơi bao giờ chưa nhỉ?
- Mấy lần rồi! Món ấy cũng ngon.
Nhưng tôi vẫn khoái món trạch trấu gói xương xông, bọc lá chuối nướng .
- Còn phải nói! Món ấy độc nhất vô
nhị. Bởi thế nên trước đây khi cụ còn làm hiệu phó trường Đảng ở trên huyện,
chủ nhật nào cũng đạp xe hai chục cây số về quê. Không biết là cụ về với tôi
hay là về với món trạch trấu nướng của tôi ấy nhể?
- Cả hai - Cụ Hoà cười - Hồi còn công tác trên huyện, cả tuần tôi nhớ
cụ, nhớ cả món đặc sản gia truyền của cụ!
- Còn tôi thì ngóng cụ suốt từ hôm
cụ đi. Tôi dành đoạn ngòi Gạo để thứ sáu mới đánh, chỗ ấy nhiều trạch trấu,
được con nào thả sống chậu chờ hôm sau cụ về…
Cứ như thế, hai ông bạn già ngày này, tháng kia qua hết
đoạn sông nọ, nhánh ngòi kia. Có người bảo:
“Hai ông cụ này say nhau như điếu đổ, cả đời chẳng lúc nào rời nhau”.
Sự thực thì đã có đến… gần hai chục
năm trời mỗi cụ ở một nơi. Thậm chí họ còn ở hai bên chiến tuyến. Ngoài thời
gian ấy ra thì đúng là từ tấm bé đến lúc tuổi “cổ lai hy”, dân làng Húi luôn
thấy hai cụ sánh vai nhau thật.
Cuộc sống của hai cụ đều chẳng quá
khó khăn hay chật vật gì để đến nỗi già cả vẫn còn phải lọ mọ đi làm lụng để
kiếm miếng ăn. Cụ Hoà lương hưu cũng chẳng nhiều nhặn gì, chỉ hơn triệu đồng.
Nhưng ở quê thế là cũng to lắm rồi. Số
tiền lương ấy không những thừa để nuôi cụ mà còn giúp thêm cho cả con cháu. Cụ
đi chăn trâu để thằng cháu nội đich tôn tập trung vào việc học. Cụ Khiêm tuy
không có lương hưu nhưng vườn tược cũng khá. Nhất là từ khi cây nhãn lồng làng
Húi lên ngôi, mỗi mùa nhà cụ thu hoạch vài tạ long, kiếm được mấy chục triệu
đồng. Cụ đi đánh lưới vương là vì tiếc cái nghề gia truyền.
Ngoài những lý do ấy ra, hai cụ luôn
đi với nhau còn vì một chuyện rất quan trọng, chỉ hai cụ biết với nhau: ấy là họ
đang cùng đi kiếm tìm một báu vật gia truyền của dòng tộc nhà cụ Hoà.
Đó là chiếc vòng đồng đen có chạm
nổi hai con rồng chầu mặt nguyệt với những tầng mây lửa vờn quanh, nét chạm trổ
cực kỳ tinh xảo. Nghe bảo ở chỗ mắt rồng và trong lòng mặt nguyệt còn được nạm
ngọc quý. Đây là món quà đặc biệt mà vua nhà Mạc tặng cho hoàng hậu. Về
sau, báu vật này được truyền cho các
nàng dâu cả nhiều đời của dòng họ Mạc Đăng.
Khi nhà Mạc bị truy diệt, con cháu
phải cải từ họ Mạc Đăng sang họ Đào Đăng. Mẹ cụ Hoà là con dâu cả đời thứ mười
ba, được mẹ trao cho chiếc vòng ấy.
Nhưng cũng chính vì chiếc vòng mà bà
bị bọn thổ phỉ rượt đuổi ráo riết, đến bờ sông Lục thì cùng đường. Thấy chiếc
thuyền nan neo sát bờ, bà nhảy vội lên, hai tay bới nước, ra được giữa dòng thì
khẩu pạc hoọc trên tay tướng phỉ khạc lửa, cả thuyền lẫn người bị lật úp, chìm
nghỉm. Chiếc vòng linh truyền đã mất tích trên dòng sông Lục từ ngày ấy. Sau
này, dòng họ Đào Đăng và cả nhưng tay hám của ở khắp mọi nơi cũng đã rà tìm đủ
mọi cách mà không sao tìm thấy.
Ngày mẹ mất, cậu bé Hoà mới được hai
tháng tuổi. Bố cậu bế con ra túp lều của vợ chồng người thuyền chài ở cuối xóm
để xin sữa. Khi ấy, vợ chồng bác chài cũng có một cậu bé hơn Hoà chừng sáu
tháng, vừa cai sữa được hơn chục ngày. Cảm thương sự côi cút của đứa bé, bà mẹ
của Khiêm đã ăn cháo lá sung, bảo chồng đi bắt ba ba đổi lấy chân giò về hầm
ăn… hai cậu bé cùng nhau ôm chung bầu vú đã săn sạm sông nước mà chít cho rõ no
rồi lớn lên bên nhau.
Nghề sông nước vốn là gia truyền của
họ tộc nhà Khiêm. Từ ông tổ năm sáu đời đến bố Khiêm đều nối nhau bơi trên các
dòng sông, con ngòi quanh vùng. Bố Khiêm nổi tiếng là người bắt ba ba giỏi ở
vùng chợ Sa. Trong các phiên chợ, ông lấy mo cau cắt thành hình ba ba có nhiều
kích cỡ, to nhỏ khác nhau rồi treo lên, ai thích mua cỡ nào thì ông lập tức lao
theo xoáy nước, chỉ loáng cái là ngoi lên với con ba ba to nhỏ đúng như ý khách
hàng.
Sau này lớn lên, Khiêm cũng được bố
truyền cho nghề bắt ba ba. Cho đến khi quân Pháp về đóng ở bốt chợ Sa. Chẳng
biết bọn mắt xanh mũi lõ căm dòng sông vì lẽ gì mà không ngày nào là chúng
không câu moóc - chê hay vãi hàng trăm băng đạn xuống dòng sông, khiến cho
chẳng còn con ba ba nào dám ở những cái lựng mà cha con Khiêm vẫn coi như ao
vườn nhà của nhà mình.
Vào năm 1949, Khiêm và Hoà lúc ấy
đều ở tuổi 18. Họ rủ nhau vào du kích đánh Tây. Năm sau thì Khiêm được tổ chức
phân công đi lính Com - Măng - Đô với nhiệm vụ làm tay trong của ta trong hàng
ngũ địch. Người liên lạc với Khiêm để lấy tin tức không ai khác chính là Hoà.
Hàng đêm, hai người bạn nối khố vẫn cứ thụt thò ở hai phía hàng rào kẽm gai…
Được hai năm thì Hoà đi bộ đội, chiến đấu ở
mãi tận Tây Bắc. Hai người bặt tin nhau đến hơn năm năm.
Hoà bình lập lại, Hoà trở về quê
giữa mùa lụt. Nước ngập lưng mái đình làng Húi. Muốn vào làng phải đi thuyền
hoặc men theo sườn đồi. Đồng làng trở thành biển nước mênh mang. Tít từ xa, Hoà
thấy một chấm người tay lòng khòng bơi chiếc thuyền mương nhỏ như cái lá tre và
nhận ngay ra bạn mình, liền bắc tay làm loa gọi với ra:
Khiêm ơi Khiêm! Tao đây, tao đã về
đây! Hoà đây!
Cái “lá tre” bỗng sững ngay lại. Rồi
chấm người hớt hải, vội vã bơi vào. Còn cách mép nước cả chục mét, Khiêm đã
cuống cuồng nhảy xuống. Họ lao vào nhau, ôm riết, nước mắt tứa ra, cổ họng cả
hai đều nghẹn lại. Phải lặng đi một lúc lâu, Khiêm mới rên rỉ kêu lên:
- Hoà ơi! Oan tao quá! Oan tao quá
Hoà ơi!
Khiêm gục đầu vào vai bạn khóc nấc
lên, tức tưởi. Hoà phải gặng hỏi một lúc lâu Khiêm mới nói được. Thì ra, sau
khi Hoà vào bộ đội chỉ có mấy ngày đã xảy ra một chuyện hết sức éo le: trong
lần liên lạc đầu tiên với người du kích mà tổ chức cử ra hay Hoà. Mọi chuyện
vẫn diễn ra đúng như bàn giao và chỉ dẫn của Hoà. Nhưng khi họ sắp gặp nhau ở
một chỗ hẹn thì không may, một lính Pháp đột ngột xuất hiện, nó hoảng hốt vừa nổ
súng vừa rú lên:
- Việt Minh, du king, Việt Minh!
Toán lính Com - Măng - Đô ở gần đấy,
rồi cả mấy thằng Pháp nữa xồ ra, cũng nã súng tới tấp vào người du kích. Anh ta
bị thương rất nặng, khi được đồng đội đưa về một lát thì hy sinh. Trước khi hy
sinh, anh nói rằng đã thấy Khiêm dẫn toán lính Pháp nã súng về mình, chính
Khiêm cũng bắn về phía anh ta.
Quả là tao cũng bắn - Khiêm nức nở -
Nhưng tao nhằm ra ngoài. Tao không bắn đồng đội mình. Song lại chẳng có gì để
chứng minh… tao oan quá Hoà ơi!
Hoà nghẹn họng khi nghe bạn kể. Với
tình tiết như thế thì cái án oan này khó mà xoay sở được. Sau này, lý lịch của
Khiêm luôn kèm theo mấy chữ: “Đi lính cho Pháp”. Bốn chữ nghiệt ngã ấy đã gây
bao phiền toái, rắc rối cho gia đình Khiêm. Thằng con cả của Khiêm học rất giỏi,
từ lớp một đến lớp mười đều xếp thứ nhất, thứ nhì. Thi đỗ đại học nhưng Uỷ ban
xã không làm thủ tục để đi nhập trường.
Xin đi làm công nhân công trường cũng không nơi nào dám nhận vì có lý
lịch “Bố xỏ giầy Tây”. Anh ta xoay sở
xuống tận Hải Phòng buôn bán gì đó mà giàu sụ, thề không bao giờ đặt chân lên
đất làng Húi nữa. Và quả là anh ta không trở về quê một lần nào nữa thật; có lẽ
vì cố chấp với lời thề của chính mình. Hàng năm, chỉ cho một thằng con trai
thỉnh thoảng về quê để lễ bái tổ tiên. Nhưng chính thằng cháu nội đích tôn của cụ Khiêm đã gây ra một án mạng
tày trời ...
Câu chuyện về chiếc vòng đồng đen mà
cụ Khiêm nghe bạn kể từ hồi còn bé tẹo đã ám ảnh cụ suốt. Trong hàng vạn mẻ
lưới kéo lên từ dòng sông Lục, mẻ nào cụ cũng để ý xem có vật lạ mắc vào lưới
mình hay không? Đã bao lần trong đời cụ thót tim khi một vòng sắt theo cày hoặc
đại loại vật gì đó giống như chiếc vòng mắc vào mắt lưới… Thậm chí, nhiều lần
cụ đã kéo lên được những chiếc vòng đồng hắn hoi, có chiếc đã hoen rỉ, có chiếc
còn mới, nhưng không có chiếc nào có vết tích của trạm trổ, chúng chỉ là những
chiếc vòng trơn…
Sau này, khi có cả cụ Hoà ở bên cùng
mò tìm, lưới vét của cụ Khiêm đã quét đi, quét lại suốt hàng chục cây số sông
ngòi quanh vùng mà chiếc vòng linh truyền của dòng họ Đào Đăng vẫn cứ biệt tăm…
Cho đến một hôm, cụ đã kéo từ đáy sông lên
chính chiếc vòng ấy, ở ngay đúng nơi mà ngày nào bà mẹ cụ Hoà đã tan vào dòng
sông.
Lúc ở lưới kéo lên, chiếc vòng vẫn còn nguyên
lành không một vết rỉ, chỉ phủ bên ngoài lớp bụi và rêu. Chùi hết đi thì chiếc
vòng đen bóng, bốn mắt rồng và phần giữa mặt nguyệt vẫn long lanh những mảnh
hồng ngọc.
Hôm tìm được chiếc vòng, hai cụ đều
run lên, xúc động ôm nhau khóc. Cụ Khiêm hai tay nâng chiếc vòng lên khỏi đầu,
quỳ xuống khấn vái trời đất, lạy hương hồn người mẹ xấu số của bạn rồi đưa
chiếc vòng cho cụ Hoà:
Cụ hãy cầm lấy rồi trao cho bà Nhã
con dâu của cụ. Từ nay, chiếc vòng linh khí lại trở về với dòng họ Đào.
Cụ Hoà lã chã nước mắt, tay run run
đón lấy chiếc vòng rồi sụp xuống, vái lạy cụ Khiêm. Cụ Khiêm vội ngăn lại:
- Ấy chết, cụ không nên làm thế, tôi
với cụ là một mà. Hoà ơi! Mày đừng làm thế, tao tủi thân lắm… Mày có còn cho
tao là thằng bạn nối khố nữa không?
Cụ Khiêm cũng khóc. Cụ Hoà ôm bạn
mếu máo lắc đầu:
Không! Hoà phải tạ ơn Khiêm đã cho
Hoà được gặp lại mẹ. Với lại cụ ơi! Cụ phải cho tôi lạy sống cụ. Tôi là bạn cụ
thật, nhưng tôi còn là con cháu họ Đào. Tôi phải có bổn phận thay mặt dòng họ
để tạ ơn cụ. Xin cụ chớ chối từ. Nếu chối từ là cụ để cả họ nhà tôi mắc vào cái
tội vô ơn.
Cụ Khiêm đành phải để cụ Hoà lạy
sống ba lạy. Hai cụ cùng xuýt xoa về vẻ đẹp của chiếc vòng. Về nhà, cụ Hoà gọi
ngay bà Nhã - con dâu cả của cụ lên căn dặn rồi trao cho con dâu chiếc vòng gia
bảo.
Đến nửa đêm thì đột nhiên có tiếng
kêu rú lên, làm kinh động cả nhà và hàng xóm kề bên. Mọi người chạy lại thì
thấy chiếc vòng đã được bà Nhã tháo ra, để ngay giữa giường, cổ tay bà Nhã tại
nơi đeo vòng thì không hiểu sao tím lịm, sưng vù lên. Bà Nhã tóc tai rũ rượi,
đang run lên như cầy sấy, răng đánh vào nhau lập cập, nói chẳng ra lời. Xem
chừng bà đã quá khiếp sợ mà hồn vía lên mây cả. Mãi sau, khi có đông người, bà
mới hoàn hồn kể lại rằng: Nghe lời cụ Khiêm,
bà đeo chiếc vòng vào cổ tay, nửa đêm, tỉnh dậy thì chợt thấy mắt rồng và mặt nguyệt rực sáng
lên… Chiếc vòng bỗng nóng rực, bà cảm thấy như có hàng trăm chiếc kim lửa đâm
vào cổ tay …
Nhưng chiếc vòng nằm đó. Cụ Hoà cầm
lên thì nó vẫn lạnh ngắt. Còn những chỗ nạm ngọc thì chẳng có gì đặc biệt, chỉ
long lanh ánh lên khi có đèn rọi vào. Nhưng quả là có một quầng thâm tím rất
đều vòng cổ tay bà Nhã. Tuy nhiên, cũng có thể đưa ra một lý giải: bà Nhã sợ
quá, thần hồn nát thần tính, đáng lẽ tháo chiếc vòng ra thì lại cứ xoay vòng
tròn mãi dẫn đến sưng tím cả tay… bà Nhã thì quả quyết những điều bà nói và dứt
khoát không đeo chiếc vòng ấy vào tay nữa, dù cụ Hoà có thuyết phục thế nào thì
bà cũng xin cha tha cho…
Chiếc vòng sau đó được đặt lên bàn
thờ cụ cố bà. Nhưng chỉ vài ngày sau thì muôn chuyện phiền toái đã đến.
Trước tiên là những tay buôn đồ cổ
đủ mọi cỡ, từ tép diu cho đến kếch sù đã tới vật nài đòi mua. Có người đã trả
giá đến gần một tỷ. Nhưng dù có trả bao nhiêu cụ Hoà cũng không bán. Không bán
thì cụ cũng vẫn phải khốn khổ về chuyện tiếp khách vào ra.
Sau đó thì đến lượt bọn trộm cắp nhòm
ngó. Chúng đánh bả chó, đào tường, cậy cửa, đêm nào cũng thấy dấu vết về sự lần
mò… lốt chân bọn trộm xéo nát hoa màu xung quanh nhà, làm xiêu vẹo những cây
cảnh, cây thế, chúng làm cho cả nhà, cả họ nhà cụ mất ăn mất ngủ hàng tháng
trời.
Tiếp theo là sự phiền phức đến từ
nhà chức trách: Bảo tàng tỉnh do có báo cáo từ dưới lên đã đến lập biên bản,
xét nghiệm rồi ra quyết định trưng thu với lý do: chiếc vòng này là vật Quốc
bảo đã nằm từ lâu dưới sông, nay nói là của riêng gia tộc là vô căn cứ.
Chuyện này đã xảy ra lôi thôi to. Cụ
Hoà giải thích thế nào cũng không chuyển được quan điểm của mấy nhân viên bảo
tàng. Phẫn chí, cụ điên tiết, lăm lăm cầm con dao bầu sáng loáng trên tay, mắt
đỏ ngầu, long sòng sọc. Cụ hét lên:
Tao là Đảng viên. Cả đời vì chế độ
này. Tao đi cầm súng đánh Tây giành độc lập. Thằng giặc không giết nổi tao. Đây
là chiếc vòng gia bảo của dòng họ nhà tao. Cả vùng này ai cũng biết. Nay nhờ
hồng phúc tổ tiên mà nó đã trở về… Không đứa nào được đụng vào. Tao thề với
Hoàng tổ Mạc Đăng Dung. Đứa nào lấy chiếc vòng này đi thì hãy bước qua xác tao…
- Cụ dằn giọng - Bước qua xác tao! Bước qua xác tao! Rõ chưa!
Cụ gào lên như một con hổ dữ bị
điên. Mọi người đều khiếp đảm khi thấy ông cụ hiền lành là thế, nhuần nhuỵ, nho
nhã làm vậy mà đến nước đường cùng phải dùng đến dao bầu…
Công an sợ bỏ ra về. Cán bộ bảo tàng
không có sự hỗ trợ của vũ lực đành phải rút lui. Sau đó thì ngành văn hoá tỉnh
đích thân ông giám đốc sở đến xin lỗi cụ và đưa cho cụ một văn bản công nhận
chiếc vòng đồng đen là gia bảo của dòng họ Đào Đăng (tức Mạc Đăng trước đây).
Xin phép cụ Hoà cho được làm giám định khoa học và đưa vào danh sách những cổ
vật được Nhà nước bảo hộ theo chính sách hiện hành. Theo văn bản này, gia tộc
Đào Đăng có toàn quyền với chiếc vòng. Nhượng bán cho ai, giá cả bao nhiêu Nhà
nước không can thiệp nhưng phải báo cho chính quyền. Cụ Hoà là người hiểu biết
nên không ngăn cản gì việc làm chính đáng này. Tuy nhiên, từ ngày đó, cụ Hoà
không bao giờ rời chiếc vòng đồng đen nữa.
Cụ nói với mọi người là đã cất vào
một chỗ không người nào biết được. Chỗ bí mật đó chính là một túi nhỏ, do cụ tự
khâu rồi cho chiếc vòng vào đó mà đeo ở phía trong ngực áo, cạnh trái tim cụ.
Chỉ người bạn gan ruột của cụ được biết bí mật này.
Khoảng hơn một tháng trời cả làng, cả
xã, cả huyện sôi lên vì chuyện chiếc vòng. Sau thì lặng dần. Bọn đạo chích qua
nhiều lần tìm kiếm, chọc ngoáy đủ mọi ngõ ngách mà chẳng ăn thua gì nên chúng
chán, bỏ đi. Những người buôn đồ cổ cũng bớt đến làm phiền khi cụ Hoà nhất
quyết nói như đinh đóng cột là không bán. Tuy nhiên, ai cũng biết những người
buôn đồ cổ thường theo đuổi đến cùng cổ vật mà đã biết là nó có giá trị… Chẳng
hiểu sau đó thì họ còn làm gì nữa không. Chứ giờ thì mọi chuyện đã bình thường.
Cụ Hoà và cụ Khiêm lại đi đánh lưới và chăn trâu bên nhau như những ngày trước
đây. Có điều, lòng hai cụ thanh thản hơn, nhẹ nhõm hơn.
Một hôm, ở bên bờ sông Lục, lúc chỉ có hai
người bên nhau. Cụ Hoà bảo cụ Khiêm:
Vậy là tôi và cụ giờ đây đều mang
những bí ẩn trong mình, cụ thì có nỗi oan khuất thời chiến tranh. Tôi đem theo
chiếc vòng huyền bí của tổ tiên trong ngực áo.
Cụ Khiêm trầm ngâm:
Cụ cứ nghĩ ngợi mà làm gì. Tôi chẳng
bao giờ thấy khổ sở vì cái án oan ấy đâu. Tôi chẳng trách cứ ai. Cuộc đời của
bất kỳ người nào cũng có cái gì đó không sáng tỏ trước người khác, đó chỉ là
chuyện thường. Tôi thì tôi rất mãn nguyện, sung sướng khi chúng ta tìm được
chiếc vòng của tổ tiên nhà cụ. Tôi mừng là tình bạn của chúng ta vẫn keo sơn
qua thời gian như thế này thì có gì bằng hả cụ?
Những lời tâm sự từ bờ sông tưởng
như chỉ có cỏ, lúa, gió và hai cụ nghe được. Ai ngờ, một máy ghi âm tối tân
siêu nhỏ đặt ở dưới phần đốt cuối, đáy của chiếc điếu cày mà cụ Khiêm đem theo
đã ghi lại tất cả.
Thằng cháu cụ Khiêm là một kẻ nghiện
ngập bất hảo. Hiện giờ, chỉ còn hê-rô-in là linh hồn và nguồn sống của nó,
hê-rô-in có thể dắt nó đi đến bất kỳ đâu. Kể cả xuống địa ngục nó cũng đi theo.
Lúc nào nó cũng chỉ nghĩ làm bất kỳ mọi giá để có tiền để hút, hít… Bọn trộm cắp
đồ cổ cỡ xuyên quốc gia ở Hải Phòng đã lấy nó làm kẻ tiếp cận hai ông cụ để
chiếm đoạt cho bằng được chiếc vòng quý. Chúng trang bị mọi thứ cần thiết, kể
cả những phương tiện nghe trộm siêu hạng cho thằng cháu nội của cụ Khiêm, hứa
sẽ trả nó nửa tỷ đồng nếu đem về chiếc vòng còn nguyên vẹn hay sứt sát một tý
chẳng sao. Bởi thế mà thằng nghịch tử này cứ thò thụt ở làng Húi mấy chục ngày
nay. Nó nói là bố sai về thăm ông chứ thực ra là về đây để do thám, tìm nơi cất
dấu chiếc vòng. Nó đoán chiếc vòng quý của cụ Hoà để đâu thì thể nào cũng sẽ
nói cho ông nội nó biết. Sau khi nghe hết cuộn băng chỉ nhỏ bằng cái cúc áo, nó
đã biết được chắc chắn chiếc vòng đồng đen đang ở đâu. Nó liền vạch ngay ra một
kế hoạch tước đoạt…
Sáng hôm ấy, như lệ thường, hai ông
cụ lại đặt chiếc thuyền lên lưng trâu, sánh vai nhau đi ra khỏi làng. Vẫn như
mọi ngày, dân làng Húi trìu mến nhìn
theo hai cụ đi sóng đôi bên nhau. Hai cụ rẽ ra con đường lớn giữa đồng đi về
phía ngòi Gạo. Hôm nay, hai cụ định sẽ đánh một mẻ trạch trấu làm bữa rượu. Cũng
là “lâu ngày mới làm một bữa”, nhưng bữa rượu hôm nay sẽ là bữa rượu có ý nghĩa
ăn mừng vì tìm được chiếc vòng và tống khứ được bao nhiêu phiền toái xung quanh
nó.
Nhưng bữa rượu dự định ấy của hai cụ đã không
thành…
Chẳng phải vì ngòi Gạo đã tuyệt chủng trạch
trấu. Mà có một hiểm nguy đang rình rập các cụ: một con “trạch người” đã lẩn
hút theo sau hai cụ từng bước. Và sự đã việc xảy ra hết sức đột ngột: khi cụ
Khiêm đang thả lưới dưới ngòi. Trên bờ, cụ Hoà vẫn đang thủ thỉ trò chuyện thì
thằng nghịch tử từ đám lúa gần đó vọt ra, tay nó vung con dao nhọn sáng loáng,
nó hét:
Đưa ngay chiếc vòng cho tôi! Ông tôi
kéo nó từ dưới sông lên, nó không phải của ông!
Cụ Hoà ngớ ra. Chưa kịp phản ứng thì
đã bị thằng nghịch tử chẹn cổ, đè xuống, dùng dao định cắt rạch nơi ngực áo. Cụ
Khiêm hốt hoảng, gào thất thanh:
Thằng mất dạy! Thằng nghịch tử khốn
nạn! Mày bỏ cụ ấy ra…
Cụ Khiêm lao từ dưới ngòi lên, tay
cầm chiếc bơi chèo đập túi bụi vào thằng cháu ăn cướp, nhưng nó vẫn không chịu
buông bạn cụ ra. Trong lúc xô xát, con dao trên tay thằng nghịch tử đã đâm vào
cụ Hoà, đúng động mạch lớn ở cổ, máu tuôn thành tia. Cụ Khiêm hoảng hốt dùng
bơi chèo đập mạnh vào tay thằng kẻ cướp, nó phải buông cụ Hoà rồi ngã lăn ra.
Cụ Khiêm vội đỡ người bạn già lúc ấy
một tay đang giữ chặt phần ngực áo. Máu ở cổ cụ vẫn túa ra, cụ loạng choạng,
quay cuồng, mắt trợn ngược. Cụ Khiêm hãi
quá kêu lên:
Sao thế, cụ ơi!
Cụ Hoà lắc đầu, không nói được, định
đưa tay ra ôm lấy bạn thì trượt chân ngã xuống ngòi. Cụ Khiêm lao theo để cứu
bạn. Kết cục là cả hai cụ đều bị chết đuối dưới ngòi sâu.
Thằng cháu cụ Khiêm bị đập bén đầu
nên ngất xỉu. Tỉnh dậy thấy hai cụ nổi phập phềnh dưới ngòi. Nó sợ quá, rú lên
rồi ù té chạy…
Hai cụ chết trong tư thế ôm chặt lấy
nhau dưới ngòi. Khi dân làng vớt lên thì không làm sao mà gỡ hai cụ ra được. Hai
bên gia đình đành bàn nhau, làm ma chung rồi
đến lúc cải táng hãy hay. Khi khâm liệm cho hai cụ thì không làm sao mà
thay được áo quần, đành lấy nước thơm lau bùn đất rồi đặt hai cụ vào một chiếc
áo quan to gấp đôi chiếc áo quan bình thường.
Lúc đầu, mọi người định chôn theo cả
chiếc vòng vì nó ở ngực áo cụ Hoà áp chặt vào ngực cụ Khiêm. Song lại sợ bọn vì
chiếc vòng mà hai cụ đã xuống đến mồ rồi vẫn chưa yên bởi bọn đạo tặc nên đành
phải dùng mọi cách để đưa chiếc vòng ấy ra. Nhưng thật kỳ lạ, khi vừa rời khỏi
ngực hai cụ thì lập tức chiếc vòng bùng cháy, sáng trắng, biến thành một nhúm
tro màu xám xanh… Những miếng hồng ngọc không cháy được nhưng vụn nát ra như
cát… Người ta đã rắc nhúm tro ấy và cả những vụn hồng ngọc xuống dòng sông Lục.
Sau này, có ông giáo già người làng Húi viết thư lên hỏi ti vi về điều
kỳ lạ này thì được ông giáo sư phụ trách mục “Trả lời bạn xem truyền hình” giải
thích rằng: có thể đó là hợp chất Magie đồng. Những linh khí thời cổ khi chế
tác thường liên quan đến máu người. Rất có thể bình thường thì chiếc vòng tồn
tại, nhưng khi gặp máu người nên đã tạo thành hợp chất dễ cháy trong không khí…
Giải thích của vị giáo sư chẳng được
mấy người tin. Người ta vẫn tin vào sự linh nghiệm. Sau này, khi cải táng cho
hai cụ, dân làng lại vô cùng ngạc nhiên khi thấy hai bộ xương đã dính liền vào
nhau. Các bộ phận trong hai bộ hài cốt không rời ra như thường thấy mà lại dính
kết thành một khối. Điều này là một sự lạ xưa nay chưa xảy ra bao giờ. Người ta
lại nghĩ đến sự bí hiểm của chiếc vòng đồng đen. Bí ẩn từ chiếc vòng đã để cho
đôi bạn nằm với nhau vĩnh viễn trong nấm mồ to như ngôi mộ tổ. Về sau, ngôi mộ
này được xây vành lao hình vòng cung, đắp hai con rồng chầu mặt nguyệt mô phỏng
chiếc vòng đồng đen.
Ngôi mộ nổi bật giữa đồng làng Húi trở
thành một tượng đài của tình bạn. Người ta vẫn gọi một cách kính cẩn bằng cái
tên: “Lăng hai cụ”.
Mùa Hạ 2011
Chuyện kể của con mèo lai cáo
Truyện ngắn
Tôi là con mèo lai cáo.
Bản lý lịch tự khai đẫm nước mắt này
kể về mối tình cay nghiệt của một bà mẹ mèo. Đồng thời, đây cũng là câu chuyện về nguồn gốc lai cáo của chính
tôi.
Câu chuyện bắt đầu từ lòng tốt của
một người phụ nữ xinh đẹp, giàu sang và
tốt bụng tên là Tuyết Lan. Bà Tuyết Lan sinh ra ở một xóm nghèo bên bờ sông
Lục. Hồi nhỏ, bà có tên: Cún Miu. Cái tên có nghĩa là chó mèo con, một cái tên
như bao cái tên quê mùa của những đứa trẻ được cắt rốn bằng liềm trấu, sinh ra
trong những nhà nghèo, vì khó nuôi con nên mới phải đặt ra những cái tên thật
xấu xí để tránh xa sự nhòm ngó của những vị thần thường đem đến tai ương. Nhà
Cún Miu nghèo lắm, ngoài túp lều lợp lá chuối ở ven sông, một con thuyền mương
rách nát với mảnh lưới cũng vá chằng vá đụp ra thì không còn gì nữa. Ruộng vườn
không có, bố Cún Miu làm nghề lưới vương, ngày nào cũng ngâm bợt da trong nước
mà con cá, cái cua kiếm được chẳng là bao. Mẹ Cún Miu thường ngày đi nhặt phân
trâu, phân chó để đổi sắn, gạo, ngày mùa thì đi mót, nhặt thóc rơi…
Thế rồi, chiến tranh xảy ra. Túp nhà lá chuối
ven sông của gia đình Cún Miu bị cháy rụi. Mỗi người trong nhà ly tán một nơi.
Riêng Cún Miu đã lạc quê, đi tha phương vào mãi trong Nam Bộ. Cún Miu đã chịu
một cuộc đời vùi dập, chẳng có ai thân thiết bên mình, đơn phương lớn lên, vật
lộn “bảy nổi ba chìm” nhiều phen trong cuộc sống, đổi tên là Tuyết Lan và làm
không biết bao nhiêu nghề cơ cực để kiếm sống. Nhờ có nỗ lực của bản thân mà về
sau có miếng ăn miếng để. Khi tìm về được về
làng quê nghèo bên sông Lục thì bố mẹ bà không còn nữa…
Suốt những tháng năm đi xa cho mãi
đến sau này, xóm nghèo nửa chài nửa cạn bên bờ sông Lục đã đọng lại trong bà
bao kỷ niệm. Có cả ngọt ngào và cay đắng nhưng đều mang đầy ám ảnh thương yêu.
Bởi thế nên bà Tuyết Lan luôn da diết nhớ và lúc nào cũng mong mỏi được về thăm
quê, nhào mình vào dòng nước biếc xanh.
Bà Tuyết Lan luôn mong muốn mình có được một món quà kỷ niệm thật có ý nghĩa để
dành cho tất cả hơn ba trăm nóc nhà nơi mảnh đất bà đã sinh ra và lớn lên. Bà
muốn món quà ấy không những có ý nghĩa mà trước hết phải có hiệu quả thực thiết
thực, lâu bền với đời sống của bà con. Nhưng đó là món quà gì? Bà nghĩ mãi mà
không ra. Nếu như tặng tiền cho từng nhà
thì đúng là không biết bao nhiêu tiền cho đủ, “tiền vào nhà khó như gió vào nhà
trống”, bà đã từng cho những nhà nghèo trong xóm mỗi nhà vài ba chục triệu
đồng. Thế nhưng, họ tiêu vèo một cái là hết mà vẫn chẳng đâu vào đâu. Bà thấy ở
chỗ này, chỗ kia, những người đi xa quê thường hay gửi tiền về công đức để xây
đình, xây chùa, làm đường xá, trường học
thì phần lớn số tiền ấy lại chui phần lớn vào mấy cái túi tham. Để rồi, những
công trình bị rút ruột đã chẳng tồn tại được mấy nả, đồng tiền dồn nén từ tình
thương nhớ, niềm yêu quê hương, nghĩa đồng bào thành ra cát bụi...
Bà Tuyết Lan đã nghĩ ra được món quà
ấy.
Trong một lần về thăm quê, bà được chứng kiến
sự hoành hành dữ dội của bầy chuột. Cứ như chúng đã được sinh ra cùng một lúc,
đồng hành với lũ “Chuột người” để ăn tàn
phá hại ở các làng quê. Chúng sinh sôi, nảy nở nhanh một cách khủng khiếp. Kéo đàn kéo lũ cắn hại lúa má, quần áo, chăn
màn, sách vở, đồ đạc. Chúng ranh mãnh như những con ma, quấy rối mọi lúc mọi nơi, không cho con người ăn ngon, ngủ yên
một chút nào.
Tất cả những gì độc ác nhất, thâm
thù nhất thì người ta đã đem ra để chiến
đấu với loài chuột, nhằm huỷ diệt bằng hết bọn mõm nhọn này. Nhưng xem ra con
người tuy to đầu hơn chuột nhưng đã nhiều lúc phải phát khóc lên vì bất lực.
Chuột rất nhạy phát hiện ra cạm bẫy. Biết cách đi tránh xa dây điện trần. Bả
cực độc nhãn hiệu “ ma de in Chi Na” chuột chén vào lại càng đẻ khoẻ hơn... người
ta đã tỏ ra bất lực, buông xuôi không biết tính sao…
Cuối cùng thì người ta lại nghĩ đến
cách diệt chuột muôn đời mới là…dùng mèo. Thì hẳn đi rồi, bắt chuột xưa nay là
nghề của loài mèo chứ đâu phải là nghề của loài người? Tuy nhiên, khắp vùng của
quê bà Tuyết Lan lúc ấy mèo chẳng còn mấy con mèo nữa, người ta đã đưa hầu hết
chúng vào các quán tiểu hổ mất rồi. Số mèo còn lại trong làng chỉ đếm được trên
đầu ngón tay, nhưng tất cả đều bị xích vì hở ra là bị bắt trộm hay bị bắn. Mèo
bị tiêu diệt cùng với rắn, ếch, kỳ đà, những thiên địch của chuột đều đã lần
lượt trở thành đặc sản của con người để cho lũ mõm dài lên ngôi.
Bà nghĩ: Ở trong Nam hiện nay vẫn còn nhiều mèo mình
sẽ trở vào trong ấy mua tặng cho mỗi nhà
một con mèo con, vị chi là 357 con mèo. Đội ngũ mèo này mà lớn lên thì ở quê bà
không còn phải lo gì nạn chuột nữa.
Nghĩ ra được món quà độc đáo này, bà
Tuyết Lan cảm thấy sung sướng quá. Bà hớn hở mừng rỡ muốn reo lên, khoe với mọi
người nhưng lại kìm được. Bà thấy cần phải dành cho mọi người trên quê hương
một sự bất ngờ…
Bà Tuyết Lan khấp khởi, lập tức bay
vội vào Nam
để tìm mua mèo.
Mọi chuyện đã không đơn giản như bà
Tuyết Lan nghĩ. Mèo ở trong miền Nam thì đúng là còn nhiều thật,
nhưng chúng lại không đẻ vào cùng một thời điểm để cho bà mua những 357 con mèo
con. Thế là bà phải vất vả, chạy ngược, chạy xuôi gần như khắp các tỉnh ở miền
Đông Nam Bộ cả tháng trời mới gom mua đủ
số lượng. Mua được mèo rồi thì lại phát sinh đủ chuyện: Nào là chỗ nhốt, việc
ăn uống, đái ỉa cho cả ngần ấy con mèo. Lũ mèo con lạ hơi đã xông vào cắn, xé nhau tơi bời, kêu gào ỏm tỏi, inh tai nhức
óc khiến cho những nhà bên cạnh ca thán. Bà phải đi ngủ chỗ khác, dành cho
chúng ở ngay trong phòng ngủ có tường cách âm. Đồng thời, bà còn thuê hàng chục
người đến chăm sóc chúng.
Tưởng mọi chuyện như thế đã là ổn.
Ai hay, có một điều hết sức quan trọng mà bà lại không nghĩ tới: ô - tô người
ta kiêng chở mèo. Bà đã ngớ người khi nhớ ra là từ bao đời nay người ta vốn có
định kiến nặng nề với loài mèo. Có câu: “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì
giàu”, người ta vẫn quan niệm chuyên chở mèo trên các phương tiện giao thông sẽ
bị đại xúi quẩy. Bà Tuyết Lan đã phải trả giá rất cao mà mấy tài xế cũng lắc
đầu nguầy nguậy:
- Một con tôi cũng không chở! Trả bao nhiêu
tôi cũng xin kiếu! - Một tài xế lắc đầu - Huống hồ đây lại là những hơn ba trăm
rưởi con mèo, ba trăm rưởi điều xúi quẩy!
Thuyết phục, năn nỉ thế nào cũng
không xoay chuyển được tài xế. Thậm chí sức ép của cả những ông chủ cũng không
làm họ lung lay thành kiến với mèo. Bà Tuyết Lan ra ga tàu liên hệ thì tình
hình cũng chẳng hơn gì. Mặc dù đúng là không hề có một quy định thành văn nào
của nghành đường sắt về cấm chuyên trở mèo trên tầu hoả cả. Thế nhưng, nhà ga
cũng cương quyết phảy tay. Bà đã giở lý lẽ, dùng văn bản pháp luật ra đấu
tranh. Họ nói với bà rằng: Bà không biết
luật pháp nước ta co dãn như cao su hay sao? Đây thuộc ứng xử văn hóa truyền
thống, là phong tục ngàn năm bà có kiện đến trung ương thì cũng thế thôi! Cuối
cùng thì bà Tuyết Lan đành phải chịu thua các nhà chức trách ghét mèo.
Khi trở về nhà, nghe tiếng kêu gào
của lũ mèo khiến đầu óc bà rối tung lên. Bà lại vò đầu bứt tai nhưng thực sự bí
bách, bà đã nghĩ cả đến chuyện đưa chúng đi theo đường thủy, đường hàng không
…nhưng thực sự thất vọng trước sự ngược đãi vô lý của mọi phương tiện giao
thông với những con miu bé nhỏ của bà. Bất lực không biết là sao, bà chỉ biết
ôm những miu con mà khóc nức nở….
Hàng tháng sau, bà Tuyết Lan vẫn
không có cách nào để chuyển được số mèo ra Bắc. Lũ con mèo con lâm vào tình
trạng bi đát sau khi những người mà bà Tuyết Lan thuê đến chăm sóc đã chán nản
bỏ đi. Bà tìm mãi cũng không có ai chịu nhận công việc này nữa. Thế là một mình
bà chăm bẵm chúng, suốt ngày suốt tháng bà chẳng làm ăn gì được, chỉ loay hoay,
xoay sở, vật lộn cùng mấy trăm con mèo. Cuối cùng thì bà bị ốm nặng, phải đi
viện tới hơn chục ngày trời. Lũ mèo con không có ai chăm sóc đã chết dần, chết
mòn đi tới hơn một nửa. Khi ra viện về nhà, bà Tuyết Lan đành phải cho chúng đi
hoặc thả chúng ra cho ai nhặt được thì nuôi. Bà chỉ giữ lại mấy con, giấu vào
trong túi du lịch để đem ra ngoài Bắc làm quà cho người nhà. Trong số ấy có một
con mèo cái. Đó chính là mẹ tôi, được bà Tuyết Lan đem ra cho người em ruột là
cậu Đức.
Cậu Đức nuôi mẹ tôi cho đến một ngày
mẹ tôi động đực. Chuyện cũng thật đơn giản nếu như có một ông mèo đực đến để
làm tình với mẹ tôi. Họ sẽ ôm lấy chặt nhau, bập móng vuốt vào người nhau một
cách êm ái, ngoạm vào gáy nhau rồi kêu lên “Ngoào, ngoào”. Họ gầm rú, rên xiết
rền rĩ, dai dẳng mấy giờ đồng hồ trong hạnh phúc tột đỉnh mà Thượng đế đã ban
cho loài mèo. Chỉ thế là xong, sẽ không có những chuyện xót xa , cay nghiệt và
dữ dội mà tôi kể tiếp sau đây.
Bi kịch tình ái đã diễn ra khi mà
khắp trong vùng không tìm đâu ra một anh mèo đực để đến làm tình với mẹ tôi.
Thì ra, mèo đực to xác, được thịt hơn
nên đã là đối tượng quan trọng của những quán tiểu hổ. Mèo đực vốn lại là những
tay du thủ du thực, hay đi ngao du nên hay bị mắc vào bẫy và thường bị các tay
súng săn hạ thủ . Một sự thật đáng mỉa mai là : các tay thợ săn thú rừng thiện
xạ trước đây đã lẫy lừng với những chiến tích nghề săn treo đầy nhà thì giờ đây
làm gì có thú rừng nữa mà bắn, họ phải duy trì “Nghề truyền thống” bằng cách đi
tìm bắn mèo. Để giảm bớt tính lãng du của những anh mèo đực, loài người đã xẻo
phéng đi cái nguồn gốc của sự gió trăng của họ đi. Đã có
mấy tay mèo đực béo ụ, đã bị thiến như thế đã đến chịn chịn phần khấu đuôi vào
mẹ tôi. Nhưng chẳng làm được trò trống gì, bị mẹ tôi cắn cho đổ máu, tháo tiết
rồi kêu rú lên, chạy bán sống bán
chết...
Cả vùng chỉ còn vài mèo cái. Tiếng
kêu oai oái, rền rĩ trong đêm làm cho cả một vùng như sục sôi trong một không gian động đực. Tiếng kêu thèm
khát, thảm thiết làm buốt ruột người nuôi. Chỉ một con mèo cái động đực mà làm
cả làng, cả xã không sao ngủ được. Nhiều nhà có mèo cái bị hàng xóm chửi rác
tai quá, không chịu nổi, đã phải đem đập chết con mèo cái đang động đực
của nhà mình...
Mẹ tôi càng ngày càng lên cơn động
đực dữ dội, ngày đêm gào rú điên dại. Cậu Đức đã phải đem mẹ tôi đi khắp nơi
trong huyện, trong tỉnh để tìm đực. Nhưng không thể tìm đâu ra một tình lang
cho mẹ tôi. Một người bạn đã bảo cậu Đức :
- Tớ nghe các cụ bảo mèo có thể phủ với rắn hổ
mang. Mèo đực thì thiếu chứ rắn hổ mang thì thiếu gì! Ở bên Lạng Giang khối tay
nuôi rắn hổ mang. Cậu cứ mang nó sang đấy, không khéo gặp của lạ cô nàng lại
chẳng sướng rên lên ấy chứ !
Cậu Đức ngần ngừ hỏi :
- Thế rồi sau đó, con mèo nhà tớ sẽ đẻ ra mèo
hay rắn nhỉ?
- Ai mà biết được! Chắc là một thứ nửa mèo,
nửa rắn !
Ông chủ của mẹ tôi kêu lên :
- Thế thì kinh bỏ mẹ ! Nuôi một con vật vừa có
nọc độc, vừa có móng vuốt thì khác gì nuôi yêu tinh ở trong nhà !
- Hay là cậu đưa nó lên rừng Mai Sưu - Người bạn của cậu Đức lại bàn -
Cho nó phủ với cáo. Cáo có họ hàng gần với mèo đấy!
Cậu Đức gật đầu :
- Sáng kiến này của cậu xem ra hợp lý thật.
Ngay ngày mai, tớ sẽ mang nó vào Mai Sưu cho nó đi tìm cáo.
Ngày hôm sau, cậu Đức ôm mẹ tôi lên
rừng Mai Sưu. Trên đường đi mẹ tôi vẫn cứ luôn mồm gào rú, cào bới. Những cơn
thèm đực khiến mẹ tôi khổ sở, từng thớ thịt
giật thon thót. Cậu Đức an ủi:
- Mày yên tâm đi. Tao sẽ cưới cho mày một con
cáo. Mày sẽ sướng rên lên cho mà xem. Cáo thì bao giờ chả máu và hoang dại hơn
mèo hì hì…
Cậu Đức đem mẹ tôi đến cửa rừng Mai
Sưu thì gặp ngay mấy tay thợ săn. Sau khi biết ý định của cậu Đức thì cả nhóm
thợ săn đều phá lên cười lăn lộn. Một tay thợ săn bảo cậu Đức :
- Ông đem nó về mà thịt. Rừng này làm quái gì
còn cáo, bọn này xào lăn tất tần tật cả rồi. Con này mà cho vào bao tải buộc
chặt, quẳng xuống nước cho chết rồi lột da, luộc lên, ép cho bớt nước rồi băm
ra, rắc lá chanh vào - Gã nuốt nước miếng, lắc lắc đầu - Ngon tuyệt!
Một thợ săn khác bảo :
- Ông chỉ được cái máu ăn. Ông có biết một con
mèo cái bây giờ có giá thế nào không? Tiền triệu đấy ông ạ ! Mèo con còn mấy
trăm ngàn một con đó, ông biết không?
- Nhưng khổ lắm, không có mèo đực thì đẻ thế
quái nào được! Còn cáo thì ông là thợ săn, ông còn lạ gì ? Chính chúng mình đã
triệt hết rồi còn gì!
- Đúng đấy - Một thợ săn nữa tham
gia vào câu chuyện - Nếu không thịt thì chỉ còn cách là cho nó đi phủ với rắn
hổ mang bành.
Cậu Đức nghe lũ thợ săn kháo nhau
thì vô cùng thất vọng và ngán ngẩm. Mẹ tôi thì cứ như hiểu được những lời của
lũ thợ săn hay sao mà càng gào lên thảm thiết khiến cậu Đức càng rối lên, vò
đầu vò tai không biết tính sao. Bỗng lão
thợ săn già nhất bảo :
- Còn đấy ! Ở trong rừng Nước Vàng
vẫn còn một con cáo đực già. Nó chỉ còn ba chân do một lần mắc một chân vào cạm
kiềng của tớ. Nó đã dùng răng cắn đứt cái chân đó để chạy trốn. Con cáo đực này
giờ tinh quái như một con yêu tinh. Nó không thao láo mắt mà nhìn đèn soi như
những con cáo khác đâu. Thấy đèn soi là nó liền lỉnh ngay tức khắc. Nên chẳng
tay súng nào làm gì được nó. Nó hiện là một con cáo cô đơn. Ông cứ mang con
mèo cái đang động đực này thả vào rừng
Nước Vàng . Không khéo lần nó lại giúp chúng tớ làm một vụ mỹ nhân kế để chúng
tớ hạ thủ nốt con cáo già ba chân này hi! hi!
Cậu Đức năn nỉ :
- Còn mỗi một con cáo mà các bố không để giống sau này mà bắn à ? Thôi!
Con xin các bố! Các bố để cho con mèo nhà con lấy giống xong đã. Rồi các bố
muốn bắn chác gì thì bắn. Con xin biếu các bố một bữa rượu thịt chó, bằng cả
mấy con cáo ấy. Được chưa nào ?
Nói đến rượu thịt chó là mắt mấy lão thợ săn
sáng lên, đồng ý ngay. Cậu Đức lôi cả sáu cây súng săn vào quán rượu thịt chó ở
Đồng Đỉnh để đập phá một bữa, coi như ký kết với bọn họ một hiệp ước ngừng bắn để tạo điều
kiện thuận lợi cho cuộc tình của mẹ tôi và một ông cáo đực.
Sau đó, cậu Đức đã thả mẹ tôi vào rừng Nước
Vàng. Mẹ tôi đã gặp cha tôi. Cuộc tình sấm sét và mãnh liệt đã diễn ra giữa một
mèo cái đang ngấu đực cùng ông cáo vốn cũng bao năm không gặp con cáo cái nào.
Họ đã lao ngay vào nhau để làm tình. Họ gầm gào, rền rĩ suốt ngày này qua đêm
khác, tiếng mèo gào quện với tiếng cáo vang
động cả một vùng rừng Yên Tử, người dân trong vùng kể là ở xa hàng chục
cây số còn nghe thấy. Hạnh phúc rên xiết trong đôi tình nhân mèo cáo…
Nhưng khi tôi chưa kịp ra đời thì “
Bản hiệp ước” bằng rượu thịt chó được ký kết giữa những tay thợ săn ở rừng Mai Sưu và cậu Đức đã bị phản bội. Chính
những tay thợ săn đó đã nã súng vào đôi uyên ương mèo cáo. Lúc ấy mẹ tôi đang
có mang sắp đến ngày trở dạ. Tuy nhiên, những phát súng của lũ thợ săn bất
nhân, bất tín ấy vẫn không làm gì được con cáo ranh mãnh như cha tôi, nhưng đã
làm mẹ mèo của tôi bị thương rất nặng vào ngay chân trước. Kẻ bắn phát súng ấy
chính là lão thợ săn già. Mẹ tôi lết đi như kiệt sức. Lũ thợ săn thì chạy đuổi theo,
chúng cười hô hố bảo nhau đừng để món mèo luộc ép bớt nước, rắc lá chanh mà
chúng đang thèm nhỏ rãi.
Chỉ còn chút nữa thôi là mẹ tôi bị
toán thợ săn bắt được.Và sẽ không còn có tôi hôm nay để mà kể chuyện với các
người. Tôi sẽ chung số phận với mẹ. Tôi sẽ cùng các em tôi sẽ thành món mèo bao
tử ngâm rượu thuốc Bắc…
Nhưng câu chuyện đã không xảy ra như vậy. Khi
lũ thợ săn đã đuổi kịp mẹ tôi, lão thợ săn già giơ báng súng lên để đập mẹ tôi
thì bố cáo của tôi từ ngọn cây cao lao phập xuống như một mũi tên. Ông bấm chặt
móng vuốt vào cổ lão thợ săn già, dùng răng cắn vào cổ lão ta, nhát cắn trúng
ngay vào động mạch chủ , máu tuôn ra như xối, khiến lão ta ngã lăn ra, giãy
giụa và kêu lên ôi ối, tay cố dứt bố cáo của tôi ra, nhưng không tài nào dứt ra
được. Những tay thợ săn khác đã dùng báng súng và gậy gộc quật vào người, vào
đầu bố cáo tôi. Cho đến khi bố cáo tôi chết thì móng vuốt và răng ông vẫn găm
vào cổ lão thợ săn già. Lão cũng bị chết ngay sau đó vì lũ thợ săn không có tài
thánh cũng không thể cầm máu ở động mạch cổ.
Vậy là mạng đổi mạng.
Đêm hôm ấy, mẹ tôi đã lết đi trên một đường
khá dài để tìm về nhà cậu Đức. Mẹ tôi lách vào bếp, nằm trên đống tro ngày nào,
lấy hết sức tàn mà rặn đẻ tôi…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét