Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

TÂY YÊN TỬ - Nguyễn Văn Phong






 Cuốn sách TÂY YÊN TỬ
CỦA CHI HỘI  VHNT CÁC DTTS VN TỈNH BẮC GIANG






Nguyễn Văn Phong
Ký họa Q. Đại

NGUYỄN VĂN PHONG


Bút danh; Phật Sơn, Việt Văn

Sinh ngày: 23 - 1 – 1969
Quê quán:  Lục nam Bắc Giang  
 Trình độ chuyên môn: Cử nhân Hán nôm
 Hiện công tác tại : Bảo tàng Bắc Giang.
Vào hội VHNT các DTTS VIỆT NAM: 2004
( Hội viên hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội bảo tồn Văn hóa dân tộc)

 TÁC PHẨM

- Di sản văn hóa Bắc Giang( Văn hóa phi vật thể tập I, II)
 - Văn miếu Bắc Ninh, Di tích miền quê hiếu học, 1995
- Văn bia Hán Nôm tỉnh Bắc Giang
- Nghệ thuật trang trí văn bia Bắc Giang
- Nghệ thuật trang trí trên tác phẩm sành gốm Bắc Giang
- Di sản Hán Nôm dân tộc thiểu số tỉnh Băc Giang

Viết chung:
- Dân ca Sán Chí huyện Lục Ngạn
-  Dân ca Cao Lan -  Địa chí Bắc Giang
- Di tích Bắc giang
- Làng văn hóa cổ truyền thống Bắc Giang

GIẢI THƯỞNG:
 - Dân ca dân tộc Sán Chí huyện Lục Ngạn , tỉnh Bắc Giang (Khảo cứu, sưu tầm, dịch thuật) Đoạt giải C do trung ương Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng.







 Gia đình cụ Đồ Ba,
gia đình có công với cách mạng
                            
            1. Cách đây hơn sáu mươi năm (1943-1944) Trung ương Đảng và Xứ uỷ Bắc kỳ đã cử đồng chí Hoàng Quốc Việt về Hiệp Hoà xây dựng một An toàn khu vùng đệm gọi là An toàn khu II (ATK II). Sau khi khảo sát cơ sở, phong trào cách mạng của nhân dân và địa hình vùng thượng huyện Hiệp Hoà, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chọn xây dựng ATK II trên vùng đất giáp gianh 3 huyện: Hiệp Hoà (tỉnh Bắc Giang), Phú Bình, Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên). Đây là giải đất nằm ven bờ sông Cầu, là khu đệm mang tính chiến lược nối liền khu giải phóng với miền trung du và đồng bằng. Vị trí chiến lược quân sự này rất thuận lợi cho việc tiến thoái an toàn để bảo toàn lực lượng trong thời kỳ chuẩn bị giành chính quyền về tay cách mạng. Khi ATK II ổn định về tổ chức cơ sở đã được Trung ương Đảng tin tưởng chọn là địa bàn đóng cơ quan và hoạt động Trung ương và Xứ uỷ Bắc kỳ trong những năm 1944- 1945. Các cơ sở ấn loát, các lớp tập luyện và đào tạo cán bộ của Đảng, cán bộ quân sự bổ sung cho các đảng bộ ở Bắc kỳ được diễn ra ở xã Hoàng Vân.
            Thời gian trước khi thành lập cũng như thời gian hoạt động, phát triển và đến ngày khởi nghĩa đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân lao động, các địa phương ở huyện Hiệp Hoà nằm trong vùng ATK II luôn có vai trò là trung tâm ảnh hưởng trực tiếp đối với phong trào quần chúng cách mạng các vùng phụ cận. Những năm 1936- 1945, nơi đây là nơi hoạt động của các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Lê Quang Đạo, Hoàng Văn Thái, Lê Thanh Nghị, Hà Thị Quế, Lê Hoàng... Nhân dân Hiệp Hoà nói chung, Hoàng Vân nói riêng đã nhiệt tình che dấu, giúp đỡ và tích cực tham gia hoạt động cách mạng. Tiêu biểu nhất là làng Vân Xuyên, có gia đình cụ Ngô Văn Thấu (tức Cụ Đồ Ba) sớm được giác ngộ và dâng hiến cho cách mạng những những người con ưu tú nhiệt tâm theo Đảng từ ngày còn hoạt động trong bóng tối đến ngày Cách mạng thành công.
       
     2. Cụ Đồ Ba có tên thật là Ngô Văn Thấu, sinh năm 1888, tại xã Vân Xuyên, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Ninh, nay là thôn Vân Xuyên, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang. Cha là cụ Ngô Văn Tác (nhân dân quanh vùng quen gọi là cụ Đồ Tác), một nhà Nho yêu nước thi đỗ Tam trường và từng tham gia khởi nghĩa Bãi Sậy, bên màn trướng của thủ lĩnh nghĩa quân Nguyễn Thiện Thuật. Khởi nghĩa Bãi Sậy thất bại, cụ Ngô Văn Tác trở về quê hương bản quán dựng 3 gian nhà làm trường dạy học và đón vợ con Tán Thuật về chăm nom nuôi dưỡng. Khởi nghĩa Yên Thế nổ ra, hưởng ứng lời kêu gọi của thủ lĩnh Đề Thám, gia đình cụ Ngô Văn Thấu là nơi hội tụ của trai tráng trong vùng, đầu quân ứng nghĩa trước khi lên căn cứ địa Phồn Xương.
            Bình sinh, cụ Đồ Ba được cha gửi đến nhà người bạn ở Đáp Cầu (Bắc Ninh) ăn học cùng người anh là Ngô Văn Quỳ (còn gọi là cụ Đồ Quỳ), sau cả hai anh em đều thi đỗ Tú tài và cùng chuyên tâm với nghề dạy học và bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Cụ Đồ Ba lấy vợ là bà Nguyễn Thị Uyên, quê ở Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là bà cô họ của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Chính vì có mối quan hệ với dòng họ Nguyễn ở Tam Sơn cộng với truyền thống hiếu học, yêu nước thương dân của gia đình mà cụ Ngô Văn Thấu cùng các con sớm giác ngộ cách mạng. Tìm hiểu về con đường giác ngộ cách mạng của cụ Đồ Ba, hậu duệ họ Ngô cho biết: Năm 1926, đồng chí Nguyễn Văn Cừ học khỏi trường Bưởi (Hà Nội) thì tham gia tổ chức lễ truy điệu nhà chí sỹ yêu nước Phan Chu Trinh nên bị đuổi học. Vì thế, đồng chí có lánh lên nhà bà cô họ Nguyễn Thị Uyên, ông chú rể Ngô Văn Thấu. Thời gian ở đây đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã tuyên truyền giác ngộ Chủ nghĩa cộng sản và con đường đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc cho các con cụ Đồ Ba, từ đó, cụ dành hết khả năng để cho con cái tiếp tục ăn học để sau này tham gia và hoạt động cách mạng. Các con của cụ đã trở thành những hạt giống đỏ đầu tiên của làng Vân Xuyên, huyện Hiệp Hoà, tô thắm thêm truyền thống yêu nước và cách mạng cho dòng họ Ngô làng Vân Xuyên.
Thời kỳ tiền khởi nghĩa, nhà cụ Đồ Ba là nơi nuôi dấu nhiều đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng. Khi có đồng chí cán bộ nào bị đau yếu, bệnh tật, cụ đồ Ba lại bắt mạch, khám bệnh, kê đơn, bốc thuốc chữa trị. Cụ được các đồng chí lãnh đạo của  Đảng lúc bấy giờ đặc biệt tin tưởng, cho nên tháng 8- 1945 Cụ là một trong bốn đại biểu của Hiệp Hoà đi dự Đại hội quốc dân Tân Trào. Dự đại hội trở về, Cụ càng hăng say, nhiệt tình phục vụ Đảng, phục vụ cách mạng. Các con của Cụ cũng nguyện đồng lòng theo cha làm cách mạng và đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc ngay từ ngày cách mạng còn đầy chông gai thử thách. Cụ Đồ Ba mất ngày mồng 2 tháng 9 năm 1959.
            3. Gia đình cụ Đồ Ba có rất nhiều người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia cách mạng, bảo vệ Đảng, che chở cho các chiến sĩ cộng sản kiên trung trong những năm hoạt động cách mạng ở ATK II. Trong số đó, tiêu biểu có các đồng chí: Ngô Văn Quỳ, Ngô Văn Hoạt, Ngô Tuấn Tùng, Ngô Duy Phương... Họ đều là những người hoạt động phong trào rất tích cực, luôn đi đầu trong đấu tranh công khai, gan dạ bảo vệ cán bộ của Đảng trong hoạt động cách mạng. Với bầu máu nóng của tuổi trẻ, lại được tiếp xúc và giác ngộ cách mạng, họ đã rất tích cực, tham gia các cuộc đấu tranh của quần chúng lao khổ chống thực dân, phong kiến. Đó là những đảng viên Cộng sản, “hạt giống đỏ” đầu tiên mà Đảng đã gieo vào lòng đất, lòng người Hiệp Hoà, biến nơi đây thành một vùng quê cách mạng.
           
* Cụ Ngô Văn Quỳ ( tức cụ Đồ Quỳ, hay Cụ Đồ Hai)
            Người anh trai cụ Đồ Ba là cụ Đồ Quỳ (Ngô Văn Quỳ) cũng thi đỗ Tú tài và chuyên tâm với nghề dạy học, chữa bệnh.Cụ Đồ Quỳ cũng được giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Năm 1931, Cụ đã từng đưa đồng chí Ngô Tuấn Tùng vào Nghệ An thăm phong trào Xô viết Nghệ tĩnh. Khi về cụ đã bí mật tuyên truyền cho học trò ở Hoàng Vân về chủ nghĩa Mác- Lê nin, về phong trào cách mạng ở mọi miền tổ quốc. Chính Cụ đã thành lập được cơ sở cách mạng ở Hoàng Vân với nòng cốt là học trò của Cụ như; Lý Lâm, Lý Ngôn, Lý Tính, Chánh Hậu...Cụ là người vận động Lý Lâm (tức tạ Văn Lâm) thôn Lạc Yên cấp thẻ căn cước cho các đồng chí tiền bối cách mạng hoạt động đi lại hợp pháp trong vùng.
            Cụ đồ Quỳ sinh được 4 người con. Hai người con trai là Ngô Quốc Toản, Ngô Tuấn Long; hai con gái là Ngô Thị Huệ, Ngô Thị Khánh.
            Ông Ngô Quốc Toản sinh năm 1930. Thuở học chữ Nho ở Phù Khê, sau ra Hà Đông học chữ Quốc ngữ. Năm 1944, cụ Đồ Ba gọi về giao cho học ông Nguyễn Văn Cự (người Nghệ An), người anh em kết nghĩa với Cụ Đồ Quỳ. Theo lời kể của cụ Ngô Quốc Toản thì đầu năm 1945 cụ tham gia cách mạng. Ban đầu phụ trách Thiếu nhi ở xóm, khi ông Ngô Văn Kính chuyển đi thoát ly thì cụ Toản làm Phụ trách công tác thiếu nhi của thôn Vân Xuyên.
            * Đồng chí Ngô Văn Hoạt (tức Giáo Đán):
            Người con cả cụ là Ngô Văn Hoạt (tức Giáo Đán) sinh năm 1910 được Nguyễn Văn Cừ dìu dắt đã được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam ngày 1 tháng 6 năm 1938 khi đang là hương sư dạy học tại xã  Đào Xuyên, huyện Gia Lâm.Và từng là Bí thư chi bộ Đào Xuyên (Gia Lâm) năm 1939- đến cuối năm 1940. Cuối 1940 do yêu cầu công tác của Đảng, ông Ngô Văn Đán thôi không dạy học nữa, rút vào hoạt động bí mật với nhiệm vụ chắp nối lại những cơ sở ở Văn Lâm, Thuận Thành, Từ Sơn mới bị vỡ. Thời gian hoạt động ở Từ Sơn- Bắc Ninh, ông Ngô Văn Đán đã giới thiệu kết nạp đồng chí Lê Quang Đạo vào Đảng. Cuối năm 1942 ông Ngô Văn Đán được tổ chức điều về hoạt động ở khu căn cứ Hoàng Vân, Hiệp Hoà. Sau năm 1945 làm Chủ nhiệm Việt Minh huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Trước khi nghỉ hưu giữ chức Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ Thái Nguyên. 
            * Đồng chí Ngô Tuấn Tùng:
            Người con thứ hai cụ Đồ Ba là Ngô Tuấn Tùng (tức Ngô Duy Hiệp) sinh năm 1913 tại làng Vân Xuyên. Năm 1933, ông lấy vợ là bà Nguyễn Thị Cẩn. Cụ bà Cẩn là em con cô con cậu ruột với cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ. Được Nguyễn Văn Cừ giác ngộ, gia đình đồng chí Ngô Tuấn Tùng chuyển lên sinh sống và hoạt động cách mạng tại phố Đạo Đường thị xã Bắc Giang (1936) và trở thành cơ sở bí mật tin cậy của xứ uỷ Bắc Kỳ.
            Năm 1938, đồng chí Ngô Tuấn Tùng được đồng chí Hoàng Quốc Việt (tức Hạ Bá Cang) giới thiệu và kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và trở thành một trong những Đảng viên cộng sản đầu tiên của huyện Hiệp Hoà và tỉnh Bắc Giang. Cuối năm 1938 đồng chí Ngô Tuấn Tùng được tổ chức giao nhiệm vụ đưa đồng chí Hoàng Quốc Việt - Bí thư xứ uỷ Bắc Kỳ từ phủ Lạng Thương về Hoàng Vân, Hiệp Hoà để chỉ đạo phong trào, xây dựng căn cứ địa cách mạng. Về tới Hoàng Vân được an toàn, đồng chí Hoàng Quốc Việt được bố trí ở nhà cụ Đồ Ba tại xóm Đông, làng Vân Xuyên. Từ đó nhà cụ Đồ Ba trở thành nơi tiếp đón các đồng chí Trung ương và Xứ uỷ về Hoàng Vân hoạt động. Tại đây, đồng chí Hoàng Quốc Việt được phục vụ chu đáo, an toàn. Công việc phục vụ cơm nước tổ chức giao cho bà Ngô Thị Phát (con gái cụ Đồ Ba) đảm nhiệm. Ngoài ra, bà Phát còn được giao nhiệm vụ làm liên lạc, chuyển công văn giấy tờ tới các cơ sở cách mạng thuộc căn cứ địa Hoàng Vân. Và chính từ nơi đây phong trào cách mạng của nhân dân vùng thượng huyện Hiệp Hoà phát triển mạnh mẽ và lan toả đến đến các vùng lân cận trong huyện và các xã giáp gianh thuộc hai huyện Phú Bình, Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên).
            Năm 1939, đồng chí Ngô Tuấn Tùng được phân công phụ trách cuộc vận động bỏ phiếu cho Nguyễn Trung Tẩy (người của cách mạng) trúng cử vào Hội đồng dân biểu Bắc Kỳ với số phiếu áp đảo tại huyện Hiệp Hoà. Sau đó đồng chí  bí mật đưa phái đoàn quân sự của Xứ uỷ (do ông Huy còm phụ trách) lên chiến khu đặc biệt để mở các lớp huấn luyện quân sự đầu tiên cho đội ngũ cốt cán của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ tháng 12- 1940 đến tháng 2- 1945 đồng chí bị địch bắt cầm tù qua các nhà lao Bắc Giang, Hoả Lò, Sơn La. Trong lao tù đồng chí luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản, kiên trì hoạt động, tham gia tích cực vào các phong trào đấu tranh đòi tự do, dân chủ, cải thiện đời sống tù nhân và nhiều lần kẻ thù phải nhượng bộ.
            Trong ngục tù Sơn La đồng chí được Chi bộ nhà tù (Đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Bí thư) giao cho làm Phó Ban kinh tế và cứu tế của nhà tù. Ở đây, đồng chí còn cảm hoá một số tù thường phạm đi theo con đường cách mạng (trong đó có Thành “Quán” sau này là Thành uỷ viên Bắc Ninh). Tháng 3- 1945 đồng chí Ngô Tuấn Tùng cùng với hơn 30 đồng chí vượt ngục Sơn La thắng lợi và trở về Vân Xuyên, Hoàng Vân, Hiệp Hoà an toàn. Ở đây các đồng chí được cụ Đồ Ba đã thuốc thang chu đáo, bình phục để rồi lại tiếp tục làm cách mạng. 
            Đầu năm 1945, đồng chí Ngô Tuấn Tùng đã trực tiếp tham gia lãnh đạo cướp chính quyền tại huyện Hiệp Hoà. Tri huyện Hiệp Hoà là Thái Vĩnh Thịnh đầu hàng cách mạng không điều kiện. Riêng tên Lục sự Liễn đại phản động đã bị thui chết.
            Cách mạng thành công, đồng chí trở thành vị Chủ tịch huyện đầu tiên của chính quyền cách mạng Hiệp Hoà (8- 1945).
            Từ tháng 12- 1947 đến tháng 11- 1949 đồng chí được phân công làm uỷ viên Ban căn cứ địa Việt Bắc, phó Bí thư Đảng uỷ khối dân chính đảng Liên khu I, trưởng Ban kiểm tra Nha thương binh Liên khu I. Đầu năm 1950 đến tháng 12- 1952 được điều lên mặt trận Tây Bắc, tham gia Trung đoàn ủy Trung đoàn công binh 150 mở đường chuẩn bị cho chiến dịch Tây Bắc. Ngày 14-10-1452 quân ta mở chiến dịch Tây Bắc, đồng loạt nổ súng ở Nghĩa Lộ, Sơn La, Lai Châu, đồng chí Ngô Tuấn Tùng được giao trọng trách trưởng ban dân công phục vụ chiến dịch Tây Bắc. Dưới sự chỉ huy và điều hành của đồng chí, dân công hoả tuyến khắp mọi miền đều hăng say lên đường tải gạo, thực phẩm, thuốc men, đạn dược lên chiến trường Tây Bắc phục vụ bộ đội chiến đấu.
            Từ 1953 đến 1955, là Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên, chủ tịch Hồi đồng tạm cấp ruộng đất. Sau đó, cùng phái đoàn Chính phủ về tiếp quản thủ đô Hà Nội, giữ chức phó Ban kinh tế Chính phủ. Sau cụ chuyển sang làm Vụ trưởng Uỷ ban kế hoạch nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
            *Đồng chí Ngô Duy Phương
             Người con thứ ba cụ Đồ Ba là Ngô Duy Phương (tức Ngô Văn Thạnh) là một trong ba thanh niên trung kiên (cùng Ngô Văn Triệu, Nguyễn Văn Cường) có nhiều thành tích, cống hiến trong quá trình hình thành và phát triển của ATK II tại Hoàng Vân. Đồng chí tham gia cách mạng ở địa phương từ năm 1937 và được đồng chí Lê Hoàng, Xứ uỷ viên Xứ uỷ Bắc kỳ giới thiệu kết  nạp vào Đảng ngày 16 tháng 2 năm 1940 ngay trên mảnh đất quê hương mình. Năm 1941, đồng chí bị địch bắt giam ở Hoả Lò (Hà Nội) và Sơn La đến tháng 2 năm 1945 mới thoát khỏi nhà tù thực dân.
            Từ năm 1945- 1947 lần lượt được giao các trọng trách như: Chủ nhiệm Việt Minh huyện Việt Yên, Bí thư huyện uỷ Yên Thế, Thường vụ Huyện uỷ Lạng Giang. Năm 1947- 1959 là Phó Bí thư tỉnh uỷ kiêm Chủ tịch UB kháng chiến huyện Yên Thế. Năm 1959 đến tháng 3- 1963 Tỉnh uỷ viên, Phó Bí thư, Chủ tịch UB hành chính tỉnh Bắc Giang; Tháng 4 đến cuối năm 1963 là Phó bí thư Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UB hành chính tỉnh Hà Bắc. Năm 1964- 1967 là Vụ trưởng Vụ Kế hoặch Tổng cục khai hoang.
            Năm 1967- 1974 là Trưởng đoàn chỉ đọ sản xuất Bộ Nông nghiệp.
             Năm 1974 đến 1983 là Chánh văn phòng Bộ Thuỷ lợi.
            * Ngô Văn Triệu (tức Ngô Tiêu)
            Trong gia tộc họ Ngô, làng Vân Xuyên còn có người con ưu tú sớm được giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng, đó là đồng chí Ngô Văn Triệu (tức Ngô Tiêu) gọi Cụ Đồ Quỳ và Cụ đồ Ba là chú họ.
            Đồng chí Ngô Văn Triệu (là con cụ Ngô Văn Đức) sinh năm 1917 tại làng Vân Xuyên. Đồng chí là một trong 3 đảng viên đầu tiên ở Hoàng Vân được đồng chí Lê Hoàng kết nạp vào Đảng tháng 2 năm 1940 (cùng đồng chí Ngô Duy Phương, Nguyễn Văn Cường) tại địa điểm lịch sử Đống Mú, thôn Vân Xuyên.
            Đồng chí Ngô Văn Triệu mất ngày 6 tháng 8 năm 1948 bởi một căn bệnh hiểm nghèo tại Dân y viện tỉnh Phú Thọ khi mới 31 tuổi.
            Ngoài những người có công với dân, với nước, với cách mạng kể trên, gia đình cụ Đồ Ba còn một số cá nhân khác cũng có nhiều công lao đóng góp cho Đảng, cho cách mạng. Vì chưa có điều kiện tìm hiểu đầy đủ, nhất là một số tư liệu còn chưa thống nhất chưa được kiểm chứng nên chúng tôi không đặt vấn đề tìm hiểu trong chuyên đề khoa học này. Hy vọng sẽ có dịp trở lại tìm hiểu sâu sắc, có hệ thống hơn về các cá nhân, dòng họ ở Hoàng Vân có những đóng góp xuất sắc cho cách mạng  trong thời kỳ trước và sau khởi nghĩa tháng Tám- 1945.
            Ngôi nhà của cụ Đồ Ba khi xưa, hiện nay đã được Bộ Văn hoá - Thông tin lập hồ sơ khoa học và pháp lý, cấp bằng xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng. Di tích đã trải qua nhiều lần sửa chữa, thay đổi. Ngôi nhà cũ, nơi hội họp, hoạt động của các chiến sĩ Cộng sản trung kiên không còn, khuôn đất xưa hiện do người cháu họ Cụ Đồ Ba sở hữu. Một số tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cụ Đồ Ba Ngô Văn Thấu và những người con ưu tú của cụ đã được sưu tầm nhưng mức độ quan tâm vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình hiện nay. Thiết nghĩ, đây là vấn đề bức thiết cần được các cấp, các ngành liên quan quan tâm triển khai thực hiện góp phần cho công tác nghiên cứu, trưng bày giới thiệu  để tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ hôm nay và mai sau về truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương Hiệp Hoà từ khi có Đảng./.
                                                                       
                                                                                                                             

           






Thần tích lưu đình Nội Đồng
Xã Yên Sơn, huyện Lục Nam

Bản sao thần phả về vị Bản Thục đại vương và Độc Cước thần linh ở Tiêu Sơn dưới triều Lý Cao Tông (Theo chính bản của bộ Lễ triều Nguyễn, Thần thượng đẳng, thất phẩm).
Trước đây, nước Việt ta thời Hùng Duệ Vương cho đến các đời Đông Hán, Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương cộng là 319 năm tạo dựng. Đến khi nước Nam từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần khai sáng hồng đồ đều có các vị anh quân nhậm trị.
 Đến thời Cao Tông triều Lý, đời truyền rằng ở trại Đông Thắng huyện Phong Phú, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc có một gia đình họ Nguyễn, tên là Lễ, lấy vợ người Phú Độ, tên là Đào Thị Khôi. Gia thế ông Lễ vốn là một người hào trưởng có tiếng là giàu có, vợ chồng ông nghèo, nhưng nếu việc làm phúc dù bằng sợi tơ cũng làm. Những việc hành nhân tích đức, tạo tượng đúc chuông, làm cầu, dựng chùa, sửa điện, vợ chồng ông đều hết sức khắc ý ghi tâm. Vợ chồng ông duy chỉ chuyên cần làm phúc. Khi tuổi đã cao, ông bà vẫn thờ ơ với chuyện chăn gối. Khi ông tuổi đã cao và Thái bà tuổi đã ngoài tứ tuần vẫn bất ưng chuyện loan phượng. Trải đã 20 năm,vẫn chưa thấy tin vui từ nơi màn trướng, ông thầm niệm trong lòng: Ngày sau lấy ai mà hương khói! Than ôi! Than ôi!
Lòng trời thật bất công, năm 65 tuổi, ông bỗng nhiên mất, Thái bà bèn làm lễ mai táng. Trong suốt 3 năm, Thái bà trông nom phần mồ mả như khi ông còn sống để chọn cái nghĩa vợ chồng. Sau 3 năm mãn tang, Thái bà giao gia tài, hương hỏa cho người cháu để cúng giỗ tiên tổ và phu quân rồi đến thụ trì cảnh giới ở chùa Tiêu Sơn (chùa Tiêu Sơn cũng ở trong huyện).Thời đó, ở chùa Tiêu Sơn có một cây đại thụ không biết đã có từ mấy nghìn năm. Cành lá rậm rạp, xum xuê. Dưới gốc cây có một tòa thạch bản ngũ sắc. Những đêm gió mát trăng trong, Thái bà thường ra đó tĩnh tọa để hóng mát ngắm trăng. Một ngày, Thái bà thắp hương lễ Phật, rồi ra nằm ở thạch bàn, rồi tự nhiên thấy một đám mây ngũ sắc chói sáng bao quanh Thái bà. Trên bụng có một đám mây. Rồi tự nhiên đám mây tan đi, lại thấy một người quần áo, mũ khăn chỉnh tề, thân hình cao to, mặt đen như mực, góc miệng có răng, hình thù quái dị, từ không trung bay xuống đứng ngay trước mặt, quát lên một tiếng và nói rằng:
- Vâng mệnh thượng đế, thần vốn là chưởng lĩnh các thần Tiêu Sơn, làm chúa tể, có quyền trấn trị ở chốn già lam. Bị thiên đình biến truất, giáng xuống làm người nhân gian, nhập vào đầu thai ở Thái bà để làm con.
 Đương nói chưa hết, bỗng nhiên nhập vào Thái bà. Thái bà bỗng nhiên tỉnh mộng, bàng hoàng kinh sợ, mồ hôi vã ra như tắm, toàn thân ướt đầm như ở giữa trời mưa. Xa nhìn về phía trước, trên mặt đất có một hòn đá giống như người, cao 3 thước. Thái bà lấy làm quái dị, bèn chạy về Thiên gia, ngầm tưởng đến một điều tốt lạ. Từ đó bèn trai khiết chí thành thắp hương cầu nguyện ở Tam bảo Phật điện để giải trừ quái sự. Thắp hương nguyện lễ xong, đêm đó Thái bà mộng thấy có một nữ nhân, nhan sắc tuyệt đẹp, có vòng hào quang trên đầu, thân mặc áo vàng màu trắng, tay cầm đóa hoa sen vàng đứng ở trước án Tam bảo. Cô gái liền triệu hô Thái bà đến án. Thái bà phụng mệnh đến trước án khấu đầu hành lễ. Nàng liền quỳ trên án nói rằng:
- Ta vốn là Bạch Y Bồ Tát phụng mệnh từ tôn thượng phát truyền báo cho bà được biết: Nay có Tiêu Sơn thần già lam chúa tể, tính cường thử bất pháp thượng tào tàn phá nhất tòa nhạc phủ quyết liệt đến một nửa Tiêu Sơn, nghịch mệnh Thiên tào, vì vậy giáng xuống trần, cho vào làm con nhà họ Nguyễn. Nhà bà phúc hậu, không có gì là quái dị cả.
 Nói chưa hết, Thái bà kinh sợ tự nhiên tỉnh giấc biết rằng mộng báo điềm tốt lành.
Từ đó, Thái bà cảm thấy trong mình có thai. Từ khi biết mình có thai, đi trên đường thấy có đám mây họp lại hình người, đứng ở trên đầu, có tiếng truyền hô rằng:
Thiên thượng thanh thanh
Địa thượng hoàng hoàng
Thiên thần giáng thế
Hiệu tương Tiêu Sơn
            Dịch nghĩa:
Trờicao xanh xanh
Mặt đất vàng vàng
Thiên thần giáng thế
Xuống vùng Tiêu Sơn
Mấy ngày liền không ngừng. Người đời truyền rằng, Thái bà có thai được ba tháng, bụng cao tròn như cái trống to. Thời kỳ ấy, những người ở động Tiêu Sơn, từ già trẻ, gái trai đều phỉ báng, cho rằng thiền ni tư thông mà có chửa. Mọi người đều xỉ nhục thậm tệ Thái bà. Thái bà ngậm ngùi chịu đựng.
Trước đây Thái bà có một muội nương lấy chồng tại khu Nội Đông, động Yên Sơn, tổng Trí Yên, huyện Phượng Nhỡn, phủ Lạng Giang, đạo Kinh Bắc. Người em gái đó tên là Đoàn Thị Phương, lấy chồng tên là Hà Công Mật (Gia đình Hà Công Mật sau đó di cư đến khu Đông của trại Yên Sơn, xã Phú Thử, huyện Thâm Bản, phủ Nghĩa Hưng, Sơn Nam hạ. Người di cư đến đây vừa tròn một đời)
Khi ông Mật 38 tuổi thì người em (Phương Nương) của Thái bà tròn 31 tuổi. Vợ chồng đều dốc lòng trợ giúp người nghèo, có tiếng là người tích thiện gia phúc. Vợ chồng mộng thấy đầu hổ, là điềm lành, rồi có thai. Đến ngày 12 tháng 11 năm Bính Dần sinh hạ được một con trai, thể mạo khôi kỳ, mắt phượng mắt rồng, mày ngài, mũi hổ, tam đình đều nhau, hàm én triều thiên, tai trắng, mặt hồng, tai dài quá gối, cao lớn đường đường, khác hẳn người thường vạn bội. Mới một tuổi đã biết nói. 5 tuổi đã hiểu âm luật. Bố mẹ bèn đặt tên là Thục Công. Năm 13 tuổi học thông tam tạng ngũ điển. Vĩ tần văn chương: Đi 7 bước làm xong bài thơ. Vũ dũng như thần, có tài hiệp chúng siêu quần. Người nơi đó đều kính cẩn không dám đương đối.
Người đời truyền rằng: Thời kỳ đó, Thái bà tìm đến nhà em gái, nói rõ trước sau sự việc của mình cho em gái biết. Người em gái nghe lời kể của Thái bà, cho làm quái dị, trong lòng ngẫm cho rằng tự trước đến giờ chị bà là người không có lỗi. Nhưng mới nghe lời nói mà chưa biết sự việc thì chưa thể tin được.
Thái bà ở nhà người em gái được mấy ngày. Thời kỳ đó, người dân (tức khu Nội Đông, trại Yên Sơn) có các họ Nguyễn, Phạm, Đỗ, Vũ, Lê, Trần, Đào, Bùi, Dương, Mai, Đình, Triệu, Hoàng. Sau đó mộng thấy quan quân, voi ngựa về ở. Nhân dân tập trung bốn mặt (để đánh) nhưng không thắng. Trong số đó có một đạo binh của một quan nhân, y quan chỉnh tề dẫn vào khu cửa Nội quán (thời kỳ đó, ở khu Nội Đồng, trại Yên Sơn có dựng một quán ở hướng Cấn (1) nằm ở phía trước cửa quán có một khe nước nhỏ chảy quanh 7 con ốc dực tinh phong đôi ở sau, tam tinh ưng lập ở ngoài, phía trước có hình rồng, phụ bảng thổ cục, khai sả tâm, ất vi ngũ cục. Quán dựng tại long hình thổ cục, bên ngoài có ao nước chảy chầu vào dòng nước có tả hữu kim tinh. Xa ứng phù my, ngoại giới tiểu giang, mạch sơn phía trước bọc ra phía sau là hướng Cấn (1)nước tụ ở phía Đông Nam chảy ngược lên phía Tây Bắc thành một khối. Quay về ở đất khu giới, xa xa phía trước, phía sau, có nhiều động ứng dựng ao hồ làm bảng, tả hữu loan hồi ở phía xa, cờ ngựa bốn mặt chầu về quán. Trong khoảng Đinh, Quý Khảm, Mão Dậu ba phần để lấy quý cục. Bên ngoài phía trước có cửa ao làm minh đường mộc tinh kết làm án ở phía sau gối đầu ở bình động mộc ấn). Viên quan đó tức thì triệu nhân dân hội họp, nói rằng:
- Tôi là Thần kỳ quyển chưởng địa khu dân giã. Nay có chiến binh Thanh xứ chỉ dẫn vào ở khu nhân dân.
Sáng sớm hôm sau (tức ngày 12- 5), Thái bà đến kỳ mãn nguyệt, giáng sinh thiên binh thần tướng, làm Bắc thiên binh hội giáng xuống khu dân, trợ giúp thần tướng giáng sinh. Nay dân chúng làm lễ mừng, không nên sợ hãi.
Nhân dân nghe ra và cùng Thái bà đều khấu đầu bái hạ, Thái bà hốt nhiên tỉnh mộng. Lúc đó đã là giữa canh ba, Thái bà bỗng thấy trong trăng có một tiếng to phát ra như sấm. Thiên địa trấn động, mưa to gió lớn, muội nương lấy làm kỳ dị, bàng hoàng sợ hãi vô cùng, bèn cùng Thái bà đến nơi quán sở. Đến quán sở, Thái bà bèn ngồi ở đó (ngày 12- 5). Lúc đó cả khu quán sở thiên địa hôn ám, giữa ban ngày mà tối tựa đêm. Bên ngoài hổ, rắn, giao long đều nằm ở ngoài. Mọi người đều vào trong quán. Trong quán, bốn mặt cờ tướng đại khởi tiếng hô như sấm. Lúc đó nhân dân (tức khu Nội Đông, trại Yên Sơn) thấy thế rất sợ, bèn hội đàm với Thái bà. Mọi người thấy vậy đều nói là cũng thấy như thế.
Được một lát, Thái bà sinh hạ được một con trai, thiên tư lẫm liệt, thể diện khôi kỳ quái dị, trên đỉnh đầu có một cái sừng mọc lên, cao đến 7 tấc, mắt tròn như sao, sáng huy hoàng sán lạn, tóc đen như mực, mũi hổ, hai góc miệng có răng trắng như bạch ngọc, hai mắt triều thiên, hai tai sắc đỏ, thân thể đầy lông. Lúc mới sinh thân thể đã dài hơn 3 thước, đều đứng ngồi ngay ngắn, miệng nói tiếng to như sấm. Nhân dân thấy vậy đều vô cùng sợ hãi. Được ba ngày, ở quán sở có tiếng hét liên thanh, to như tiếng sấm, chấn động đến mọi nhà, làm người, vật đều ốm đau. Được ba ngày nữa, trời đất trở lại quang sáng. Khi đó, nhân dân (tức khu Nội Đông, trại Yên Sơn) đều đem lễ vật đến nhà muội nương. Trước sau đều kêu xin muội nương dẫn đến quán sở để hành lễ thần tướng. Muội nương cũng sợ, không dám dẫn nhân dân đến đó.
Con trai muội nương là Thục Công liền nói rằng:
- Nếu có thánh thần Thạch Sùng thì là sự định của trời sinh. Bất quá cũng là anh ta vậy, làm gì mà sợ? Không bằng ta cùng dẫn mọi người làm lễ.
Nhân dân đều tự theo Thục Công đi đến quán sở. Ở đó thần tướng đương hò hét như sấm, mắt phóng hào quang sán lạn. Nhân dân kinh khiếp không dám đứng. Mọi người đều quì ở xa ngoài quán. Duy có con muội nương là Thục Công một mình đi thẳng vào, đứng lại gần thần tướng, nói rằng:
- Trời đã định thần tướng giáng thế, tất phải có vị thế nghiêm cẩn để bảo hộ dân quốc. Sao mà hò hét liên thanh làm chấn động trời đất khiến cho nhân dân sở tại kinh sợ. Làm cho mọi người khiếp sợ (tức khu Nội Đông, trại Yên Sơn), không dám tự đến làm lễ. Nay dân chúng bị bệnh tật, tất do thần tướng giáng sinh trên đất của dân. Linh trướng từ khi xung thiên, binh hội giáng sứ đến người vật thảy đều mắc bệnh, nghĩ không đành. Nay để thần dẫn nhân dân đến làm lễ, nghe thấy thần tướng hò hét, dân chúng khiếp sợ, không dám tự vào làm lễ. Dám xin giảm thanh im tiếng để dân chúng làm lễ.
Thục Công nói xong, tự nhiên im tiếng không còn hò hét nữa. Thục Công bèn dẫn nhân dân vào làm lễ. Mọi người đều nguyện xin làm Thần tử.
Thần tướng nghe nhân dân đều xin làm Thần tử, bèn nói rằng:
- Dân chúng có lễ làm Thần tử, ta ưng cho xin tự an tọa, không làm thanh động (tức khu Nội Đông, trại Yên Sơn).
Nhân dân thấy thần tướng kỳ dị, đều xin phương quan tâu về nhà vua. Nhà vua nghe tâu ngài là bậc kỳ dị, bèn lệnh cho quan binh sĩ loan giá về thăm. Đến xứ dân khu, truyền thế tử cùng hồi triều quốc. Về rồi, nhà vua hỏi quanh quẩn “thấy thế nào?”
Người đời truyền rằng: Nhân dân trại Đông Thắng cùng với họ Nguyễn cùng mộng thấy quan quân cùng thanh chấn rằng:
- Nay hoàng thiên giáng sinh thần tướng thụ nhập nhà Thái bà làm con. Đến kỳ xuất thế, đảm sinh người họ Nguyễn, sao dám hoạt nhiên không đến Yên Sơn để làm lễ mừng ?
Nhân dân bỗng nhiên tỉnh mộng.
Đến sáng hôm sau, nhân dân cùng họ Nguyễn đều đến hội đàm: Mộng triệu đều báo thấy như vậy. Mộng như thực. Đương nói chưa xong, bỗng thấy có người đi trên đường ở khu Nội Đông, trại Yên Sơn có sinh hạ một thần tướng quái dị. Nhân dân cùng người họ Nguyễn đều nghe lời người nói hợp với mộng. Tức thì biện lễ vật. Nhân dân và họ Nguyễn cùng đến nơi đó để xem hư thực thế nào. Ngày hôm đó, đến đất Yên Sơn thấy quả đúng như vậy bèn làm lễ lạy mừng, và xin hai mẹ con trở về quán sở cùng kết thân thuộc với mọi người dân địa phương (tức khu Nội Đông trại Yên Sơn). Dân khu thỉnh mời, đều không ưng cho. Đương do dự, bỗng thấy quan quân binh sĩ đều đến nơi, nói rằng:
- Khâm phụng hoàng đế, xin rước hai mẹ con hồi triều bệ kiến.
Thái bà nghe thấy vậy, bèn phụng mệnh cùng con trai hồi triều cùng loan giá.Quan quân hồi triều quốc, nhà vua truyền cho vào long đình. Thái bà phụng mệnh cùng thần tướng vào long đình. Thần tướng bèn đứng chầu ở long đình chính ngự hướng tiên, Thái bà bèn khấu đầu hành lễ. Nhà vua ngự lãm thấy thần tướng quái dị, trong long cũng thấy kinh sợ. Đương ngự lãm, bỗng thấy bốn phía cuồng phong, phía Tây mây kéo đến vần vũ, trời đất tối tăm. Bỗng một vật đen tối phóng thẳng xuống long đình. Nhà vua nghe thấy có tiếng nói rằng:
- Nay Tiêu Sơn thần tướng được thiên đình chia cho một nửa quản chưởng. Ngự thiên tướng soái sắc phong Thiên Tiên Độc cước hồ con chủ, một nửa quản chưởng địa giới thống ngự thổ thuộc tướng soái phụng mệnh địa tiên Độc cước gia tăng, chử Đô Thiên lực sĩ mau mau phân chia không thể trì hoãn.
Bỗng thấy một tiếng sấm động đất, thân người chia làm hai nửa, cao hơn mười trượng, bay lên trời biến mất. Tự nhiên mây đều tan hết, trời đất trong sáng (và một nửa thân, một chân, một mắt, nửa mặt. Còn nửa người một tay, một chân thân hình tồn tại như cũ thì nằm liệt ở giữa long sàng). Nhà vua thấy kỳ dị, bèn triệu nhân dân khu Nội Đông, trại Yên Sơn vào thềm rồng chia tặng cho 3000 quan tiền để về lập sinh từ tại mảnh đất, nơi sinh ra ngài ở quán sở để phụng tự. Việc binh lương đều miễn, lại truyền cho nhân dân trại Đông Thắng mời quý phu gia Thái bà vào long điện để tiếp kiến nhà vua. Nhà vua cũng ban tặng cho 3000 quan tiền để về phụng dưỡng thần tướng, và phong Thái bà làm phu nhân. Tôn công liền khấu đầu bái tạ nhà vua rồi đều ra về. Khi ấy, nhà vua lại cùng quan quân loan giá đưa mẹ con Thái bà về nhà.
Người đời truyền rằng: khi Thái bà cùng dân làng, họ hàng (tức gia tộc họ Nguyễn trại Đông Thắng) phụng mệnh nhà vua cùng về phụng dưỡng tướng thần. Từ đó, mỗi ngày thần tướng đều ăn hết 100 đấu gạo, 100 cân thịt sống. Thái bà và nhân dân, họ hàng thân thuộc lấy làm kinh sợ, bèn cùng nhau đàm đạo rằng: “Ăn uống như quỷ thế này thì không phải là thần tướng. Vả lại, có một nửa thân không đủ hình người để làm độ người ta được việc gì. Chẳng qua là tiên tổ nhà họ Nguyễn mắc trọng tội, Thiên đình cho quỷ xuống thụ thai làm con để báo hại cơ nghiệp của họ. Không bằng chúng ta cùng đến miếu thần kỳ để một phen sinh tử”.
Đến miếu, mọi người hỏi rằng:
- Dân chúng tôi liều chết và bàn bạc là phải giết thần tướng. Thái bà và những người thân thuộc đều đồng lòng. Mai táng lang tướng được ba ngày, dân làng đều bị bệnh tật chạy chữa không khỏi.
            Lúc đó nước nhà lại có 8 qủy tặc nổi loạn ở đạo Đông Hải, binh lính đều có hình quỷ, đông đến hơn 30 vạn. Chúng đến nơi nào là nhân dân ở đấy bị bệnh tật. Trong thiên hạ, số người sống sót chia 3 chỉ còn 2 phần. Nhà vua trong lòng vô cùng lo sợ, bèn cử tướng mang hơn 10 vạn binh lính ra cự chiến cùng quỷ tặc. Chưa được một tháng, binh sĩ bị bại, không thắng nổi. Lúc ấy nhân dân cả nước đều bị bệnh tật.
            Người đời truyền rằng: Khi mai táng lang tướng được 100 ngày, bỗng thấy ở dưới đất nơi đó có tiếng to như tiếng sấm to liên tục không ngừng. Nhân dân vô cùng kinh khiếp. Hàng ngày hội họp nhau lại đứng xa nơi đó, không dám đến gần, thì thấy nơi đó, mây kéo đến vần vũ, tối tăm trời đất, sấm chớp liên hồi, thăng giáng khác thường. Đến 100 ngày bỗng thấy ba tiếng hô to kinh thiên động địa, miếu sở thần từ đều tiêu tan xuống đất hoặc bay lên trời. Nhân dân trông thấy đều phục ở phía ngoài xa mà nhìn, thì thấy thần tướng xuống đất phá miếu địa, thẳng bay lên. Thân dài 10 trượng, nửa đầu nửa thân, một mắt, một tai, một tay, một chân. Mắt tỏa hào quang sán lạn, miệng phun ra lửa, tiếng nói như sấm, vang xa đến vạn dặm. Đến gần lang tướng nói rằng: Ta đây chính là Tiên Sơn Độc Cước thần tướng, có quyền cầm âm binh, có thể hô chúng quỷ, có thể ăn chúng sinh. Nay vâng mệnh Phật, quyền chưởng già lam, sắc mạnh hồ tôn sứ giả, thống lĩnh pháp môn. Khi ấy nhân dân nghe như vậy, bèn đến làm lễ cúng mừng. Quan quân nghe được chuyện đó, làm biểu tâu về nhà vua. Nhà vua nghe lời tâu, bèn mệnh cho đình thần quan quân  loan giá về đến nơi đó đón thần tướng về triều đình để bệ kiến. Đình thần phụng mệnh về tại nơi đó hành lễ và thưa rằng: “Nay bệ hạ có chiếu đón thần tướng hồi triều”. Thần tướng bèn nói với đình thần rằng: “Xin các ngươi hãy về trước, ta sẽ đến sau”. Đình thần vâng mệnh bèn về trước. Được mấy ngày, nhân dân khu Nội Đông, trại Yên Sơn nghe tin đó bèn biện lễ vật đến nhà người em gái Thái bà, Thái bà và Phương Nương bèn mời con trai Phương Nương là Thục Công dẫn dân làng đến làm lễ bái hạ thần tướng. Thần tướng thấy Thục Công cùng với nhân dân đến làm lễ. Thần tướng bèn nói rằng: “Ta và đệ cùng có thiên tư, thần cốt, vả lại lại là con bác con gì trong nhà. Người khác phụng mệnh bệ hạ triệu ta hồi triều tất vì quốc gia hữu sự. Ta và đệ là chỗ tâm phúc, đệ cùng với ta hồi triều quốc để có thân bao quyền chưởng dễ dàng vào công việc”. Thục Công vâng theo lời thần tướng. Bèn đi bộ đến thẳng triều quốc, đứng ngay dưới bệ long đình. Hôm đó, đình thần cũng về đến nơi, đã thấy thần tướng đứng ở đó. Hoàng đế ngự thấy thần tướng thân cao 10 trượng, cao lớn kinh thiên kỳ dị. Nhà vua truyền dựng một tòa lầu các ở phía tả long đình cao hơn 10 trượng và cho thần tướng tọa ở trong các. Nhà vua hỏi rằng: Nay nhân dân trong thiên hạ bị bệnh tật khắp cả. Ai cũng cho rằng do quỷ tặc (một là Sa bà quỷ, hai là bình nạn quỷ, ba là Lỗ gia quỷ, bốn là Lư la quỷ, năm là Đoạt tiến quỷ, sáu là Ngư đầu quỷ, bẩy là Ngưu y quỷ, tám là Dũng lợi quỷ, gọi là 8 quỷ tướng). Họ có thể uống máu người làm loạn ở đạo Đông Hải tinh binh có đến hơn 10 vạn. Triều đình đã đem binh ra cự chiến, trải qua một tháng, tướng sĩ bị hại gần một nửa. Trẫm rất lo sợ. Nay may được gặp thần tướng giáng trần, tất thượng đế đã có mệnh để giúp trẫm đức phụ quốc tý dân, thu trần, trừ tặc, trẫm rất lấy làm cảm kích. Vì vậy mới triệu thần tướng hồi triều để hỏi về việc ngự chế như thế nào để thần tướng báo đáp được.
            Tiên Sơn thần tướng tâu rằng: “Thần xin bệ hạ truyền cho làm một chiếc búa sắt nghìn cân và một roi sắt dài 100 thước mang đến cho thần. Thân nguyện tự đem tài ra quét sạch bệnh tật trong thiên hạ”. Quả nhiên không quá ba ngày, tự nhiên 8 con quỷ tặc loạn đều tự yên. Hoàng đế nghe tin đó vô cùng vui mừng, tức thì truyện lệnh lấy 1000 cân sắt rèn thành chiếc búa và roi sắt mang đến cho Tiên Sơn thần tướng. Tiên Sơn thần tướng bèn truyền triệu người em là Thục Công đến. Thục Công đến long đình bái yết hoàng đế, hoàng đế thấy Thục Công thể diện cao lớn cũng là người dị thường: Thân cao hơn 7 thước. Hoàng đế bèn cho thi văn võ, Thục Công ứng đối lưu loát như nước chảy, sắc mặt không đổi, văn võ tinh thông hơn hết mọi người. Nhà vua lấy làm mừng lắm, bèn xuống chỉ cho làm Đô thống triều quốc.
            Người đời truyền rằng: Khi đó Tiên Sơn thần tướng bèn cử Thục Công cầm roi sắt và nói rằng: “Tiên Sơn Độc Cước thần tướng có roi sắt truyền cho các na tinh ôn bộ khẩn cấp về chầu thần tượng. Trong khi về chầu không được sát hại sinh linh. Nếu không tuân cứ sẽ dùng roi sắt trị tội”. Thục Công phụng mệnh, cầm roi sắt của nhà vua ban cho. Binh sĩ loan giá Thục Công bèn tiến hành đánh dẹp. Đến nơi nào quỷ tặc cũng kinh sợ, kêu khóc. Sau 3 ngày, việc bình thiên hạ đã xong, Thục Công quốc bộ hồi triều quốc. Lúc đó, đi trên đường mưa gió tối trời. Trên trời nghe có tiếng tà tinh. Sau nghe có tiếng kêu khóc mà không thấy hình người. Mọi người hồi triều cùng nghe có tiếng nói, ở bốn mặt thành có nhiều tiếng kêu khóc. Nhà vua hỏi thần tướng tại sao lại có việc kêu khóc vang cả thành mà không nhìn thấy hình người. Tiên Sơn thần tướng thưa rằng: “Đó là bọn quỷ làm ra bệnh tật để hại nhân dân. Nay em của thần đã đuổi chúng ra khỏi cảnh giới”. Nhà vua nghe ra bèn hỏi thần tướng rằng: “Nay trẫm muốn bọn quỷ phải hiện hình ra, có được không?”. Thần tướng thưa: “Được” và hô lên một tiếng và lấy tay chỉ xuống đất nói rằng: “Truyền cho tà chúng hiện hình”. Lúc ấy, trời đất thanh quang, sáng sủa, tà chúng ôn binh đều hiện hình ra. Nhà vua nhìn thấy khắp trong thành không biết bao nhiêu người. Thần tướng bèn bái tạ nhà vua, nói rằng: “Bọn chúng theo thần thảo thức không được nên làm loạn thiên hạ. Nay nhất loạt xin khấu đầu làm lễ bái tạ, tự biến đi”. Nhà vua lấy làm mừng lắm. Từ đó bệnh tật đều hết.
            Người đời truyền rằng: Lúc đó Tham Nghị Công truyền cho các gia thần thủ túc lấy 100 người theo Thục Công. Tham Nghị Công tham nghị với Thục Công rằng: “Đệ theo ta thảo tặc, khi đó nhà vua cấp cho binh sĩ, voi ngựa 3000 đều theo phụ tá thần tướng”. Tiên Sơn thần tướng bèn nói rằng: “ Đã có âm binh hành thảo, không dùng đến dương binh mà giặc quỷ phải tan. Xin nhà vua cho 10 người lực sĩ để cùng theo thần mệnh”. Nhà vua bằng lòng, thần tướng bèn cầm búa sắt nghìn cân cùng với người em là Thục Công. Nhà vua lại phong cho ngài làm Đổng Nhung nguyên soái, ban cho đao vàng. Thần tướng tay cầm roi sắt, mình cưỡi kỵ mã hùng dũng thắng ruổi. Thần tướng tiến đến phương nào, nhân dân phương đó đều khiếp phục, các cửa chầu đều đến xin thần hiệu để thờ ở phủ, viện. Thần tướng bèn cho. Thần tướng hiệu truyền lấy cây cỏ và bột gạo kết thần cốt để phụng thờ. Các chư pháp môn đều phụng mệnh truyền khắp thiên hạ.
            Người đời truyền rằng: Thần tướng đến thẳng biên cảnh của tặc quỷ, tám tướng quỷ tặc đều quỳ lạy. Hơn 20 vạn tinh binh xin hàng và thu lượm khí giới, quỳ lạy thần tướng. Thần tướng bèn truyền Thục Công lấy dây sắt trói 8 tướng quỷ tặc. Thần tướng cùng trở về. Thần tướng đi một bước dài đến 10 dặm. Thần tướng về đến núi Tiên Sơn, bỗng thấy trời đất tối tăm. Thần tướng bèn trói 8 tướng quỷ tặc ở dưới chân rồi bay lên trời biến mất, rồi hét lên một tiếng kinh trời động đất. Rắn, hổ đến chân, hào quang phóng ra bốn phía sáng chói. Thần tướng bèn cùng 8 tướng quỷ (ngày 16 tháng 5) bay thẳng lên trời biến mất không để lại dấu vết.
         Người đời truyền rằng: Thục Công nguyên soái cùng gia thần thủ túc (thời đó ở trại Đông Thắng, ba trại theo thần tướng cùng với Đệ Công nguyên soái cộng được 36 người. Khu Nội Đông trại Yên Sơn, hai khu cộng được 38 người theo phường Phú Độ được 36 người theo) binh sĩ theo thần tướng. Nhưng theo không kịp được mấy ngày đến núi Phượng Hoàng, huyện Đông Hồ, phủ Kinh Môn (tại động Lạc Lộ, núi Phượng Hoàng). Hôm đó (ngày 18 tháng 5), Đệ Công tiến binh đến sơn cước, truyền gia thần binh sĩ dừng lại ở đó. Đệ Công bèn trèo lên đỉnh núi xem, bống thấy mây kéo đến vần vũ, gió bụi nổi lên, rồi thấy thần mình ông có một đám dây lửa bao quanh rồi bay thẳng lên trời biến mất. Trời đất trở lại sáng sủa. Đệ Công hóa rồi, gia thần lực sĩ cùng nhân dân nơi đó đến cùng làm biểu tâu lên triều đình. Nhà vua nghe chuyện đó, bèn truyền cho đình thần tiến bằng hai đường đến thẳng nơi ngài hóa làm lễ, truyền cho nhân dân địa phương dựng lăng từ để phụng tự xuân thu nhị kỳ quốc tế. Lại gia phân cho mỗi nơi 5000 quan tiền và 10 mẫu tế điền để phụng thờ ngài.
            Người đời truyền rằng: Các đình thần các đạo phụng mệnh. Một đạo đến Tiên Sơn, một đạo đến núi Phượng Hoàng truyền cho nhân dân địa phương làm lễ, tu dựng đền miếu. Khi công việc đã hoàn thành, các đình thần đều về triều tâu với hoàng đế. Hoàng đế lại truyền Hương Quý, trại Đông Thắng và phường Phú Độ đều sinh ra thần, ở những nơi đó chia cho mỗi nơi 500 quan. Riêng khu Nội Đông trại Yên Sơn 1000 quan để tu dưỡng đền miếu để phụng tự. Còn các nơi khác làm thần và đệ tử cũng dựng đền miếu để phụng tự ngài. Nha thần các đạo đều phụng mệnh truyền chấn. Việc tu dựng đền miếu ở các nơi đã hoàn thành. Tất cả có 56 nơi. Đình thần phụng mệnh hồi triều tâu với nhà vua. Nhà vua bèn bao phong mỹ tự Thượng đẳng phúc thần vạn cổ huyết thực, dữ quốc đồng hưu, vĩnh vi hoằng thế khâm tai.
- Phong Tiên Sơn Độc Cước đại vương (gia phong uy dũng hùng lược Bảo quốc an dân anh linh hiển ứng, thông minh chính trực phù tác hung uy thần linh quý minh thượng đẳng tôn thần. Thời Đại Minh, hoàng đế gia phong tiên văn minh chí thần).
- Bản Thục Thành hoàng đế thống đại vương (gia phong chính trực anh linh hộ quốc phù vân an dân, hùng tài cương nghị thượng đẳng tôn thần. Chuẩn cho khu Nội Đông trại Yên Sơn phụng thờ).
            Người đời truyền rằng: Từ 8 đời triều Lý đến 12 đời triều Trần đến Lê Thái Tổ, trừ họ Hồ bình được người Minh, lên ngôi ở đất Lam Sơn, từ năm Thuận Thiên, với truyền ngôi đến Thái Tôn. Nhân Tôn, Thánh Tôn, Thần Tôn, Kính Tôn, Huệ Tôn, Ý Tôn, Chiểu Tôn. Đến Chiêu Tôn, nhà Mạc cướp ngôi (tức Mạc Đăng Dung, Đăng Doanh tất cả bốn đời), cha truyền cho con, kế tiếp được bốn đời làm vua. Đến đời Lê Trung Tôn (là thái tử của Chiêu Tôn) cùng đại thần thái úy phục khởi nghĩa binh trừ nhà Mạc, bèn lên ngôi vua. Từ Lý, Trần, Tiền Lê, Hậu Lê thần đầu hộc quốc tý dân rất là anh linh, lẫm trứ hiển hiện vô cùng. Vì vậy các đời đế tướng đều bao phong mỹ tự Thượng đẳng tôn phúc thần, hương hỏa không dứt.
- Ngày sinh của thần đều cho gia lệ: Tên húy, sắc phục đều cấm.
- Ngày sinh đệ nhất tôn thần: 12- 5 chính lệ  (trước đây có định lệ nghênh thần trên đường đến miếu điện, nghênh thần cáo tế thượng trai bàn: Hoa quả, lợn, xôi, rượu. Ngày chính lệ cũng thượng trai bàn: Trâu, lợn, cũng có thể xôi, rượu, ca xướng 10 ngày sau đó làm lễ tạ).
- Ngày hóa của thần: 16-5. (trức đó một ngày trai bàn: Lợn, xôi, rượu. Ngày chính lệ trai bàn: Trâu, lợn cũng được).
- Ngày sinh thần: 12- 11 chính lệ (hành lễ cũng giống như ngày sinh thần ngày 12-5, ca xướng tùy nghi).
- Ngày hóa của thần: 18- 5 (lệ như ngày hóa của thần ngày 16- 5).
- Khánh hạ ngày 10- 2 (hành lễ trước một ngày, lễ cáo tế gồm: Lợn, xôi cũng được. Ngày chính lệ: Lợn, xôi, rượu, đánh cờ 3 ngày).
- Khánh hạ ngày 12- 8 cũng có thể như ngày khánh hạ 10- 2.
- Khánh hạ ngày 23- 12 (cũng như ngày khánh hạ trước)
- Khánh hạ ngày 1- 12 (cũng như những ngày khánh hạ trước)
- Húng của Thục Công Tiên Sơn (tên húy, tên tự nhất thiết cấm, sắc phục màu vàng, màu tía nhất thiết cấm trong khi hành lễ).
- Ngày mùng 10 tháng giêng, niên hiệu Hồng Phúc năm đầu (1572).
Hàn lâm viện đông các đại học sĩ, thần là Nguyễn Bính phụng sao.
- Ngày tốt tháng 3, niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 2 (1736). Quản giám bách thần, hùng lĩnh thiếu khanh, thần là Nguyễn Hiền theo bản chính của tiên triều sao lại.
- Sao lại vào ngày tốt, tháng 2 năm Tự Đức thứ 30 (1877).

                                                                           12/ 2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét