Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

HOA XUÂN TRÊN ĐẦM LẦY



BÀI TRÊN CÁC BÁO IN

HOA  XUÂN TRÊN ĐẦM LẦY
                                     Bút ký: Quang Đại

Hùng đã đi thật xa…
Đã sáu mùa xuân rồi  tôi không thể gặp Hùng được nữa. Thế nhưng, gốc đào thế mà bạn tặng tôi thì năm nào cũng nảy lộc, đơm nụ, kết hoa;  dù rằng có năm sớm, có năm muộn, có năm dày, có năm thưa…
Phía dưới gốc đào vẫn là vầng đất đầm lầy.

I.  KỶ NIỆM THỜI THƠ ẤU

Tôi và Hùng là bạn đồng ngũ cùng sinh năm Quý Tỵ (1953). Tính đến tết này là vừa tròn một hội.
Chúng tôi biết nhau và thân nhau từ thủa ấu thơ, bắt đầu ở khoảng đầm lầy trước cửa nhà Hùng.
Khi ấy, tôi còn là một đứa trẻ chăn trâu. Chẳng hiểu vì đâu mà bất cứ con trâu nào dù hiền lành, ngoan ngoãn đến mấy mà vào tay tôi cũng như thành tinh. Khó bảo, thích tìm ăn lúa má, hoa màu và chạy rông.  Điều này mãi về sau tôi mới hiểu, chính ra là do tôi mải chơi, hay thả trâu tự do để người đi chơi khăng, chơi đáo, chạy nhảy khắp nơi. Con trâu hay được thả lỏng cứ quen dần với tự do, phóng túng mà thành ra thế.
Có một lần, tôi đã theo dấu chân mà tìm được trâu của mình ở một xóm rất xa, sang tận xã bên cạnh, nơi mà tôi chưa hề đi đến do lúc ấy còn bé. Khi tìm thấy cũng là lúc con Mộng của tôi đang ngồm ngoàm vừa ăn, vừa dẵm nát  ruộng khoai lang đang xanh mơn mởn của nhà người ta.
Một thằng bé đen nhẻm, nhỏ thó chạy ra kêu lên:
- A! thằng kia!  Sao mày thả trâu phá ruộng củ nhà tao?
Lúc ấy tôi cuống lên. Nhưng đã kịp nghĩ ngay ra một cách láu cá là đánh cho trâu chạy thật nhanh để tẩu thoát. Tôi cầm cành cây vụt lia lịa, vụt lấy vụt để vào mông, thúc con Mộng chạy về hướng  bãi hoang phía dưới.
Thằng bé lúc nãy thấy vậy  thì hoảng hốt hét tướng lên:
-  Này này này … bãi lầy đấy ! Mày xuống đó thụt cả trâu lẫn người Đánh trâu quay lại đi!
Tôi cho là thằng bé này nó lừa mình nên mặc kệ, không thèm nghe.
 Khi đã qua khỏi ruộng khoai, nghĩ là thoát rồi nên tôi tôi đắc chí quay lại, bĩu môi, hất hàm về phía thằng bé mà “ lêu lêu” nó rồi thúc trâu chạy nhanh hơn nữa. Tôi nghĩ rằng con Mộng của tôi chạy khỏe lắm, chỉ một lát nữa thôi thì đố ai đuổi kịp…
 Bỗng nghe tiếng “phụp” thật to. Con Mộng bỗng mất hút trong đám cỏ dại um tùm. Lát sau mới thấy tiếng nó lục ục, kêu kêu lên Ò ò… một cách thảm hại. Thêm vài chục bước nữa thì thì tôi nhìn thấy con Mộng bị thụt dưới lầy. Bốn chân nó ngập lút trong bùn,đang giãy giụa, kêu cứu một cách vô vọng, làm bùn nước bắn lên tung tóe. Tôi định chạy tới thì thằng bé lúc nãy vội ngăn lại, nó bảo tôi chỉ cần đi thêm  vài bước nữa là cũng sẽ bị ngập lúp đầu.
Thế là tôi sững lại, lo lắng nhìn chú Mộng đang thở phì phì dưới đầm lầy rồi khóc lên hu hu. Thằng bé lúc nãy đến bên tôi an ủi. Tôi ân hận lắm, vừa khóc vừa bảo nó:
- Tao… không nghe mày… giờ… mới đến nỗi này! Còn… biết làm sao bây giờ… hu hu hu ..
- Mày đừng lo! Thằng bé  bảo: - Mày cứ ở đây, tao chạy về gọi người kéo  trâu  lên!
Nói rồi nó vừa la hét vừa chạy vào làng.
Chỉ dăm phút sau, có tới mấy chục dân làng đi hướng về phía đầm lầy. Thì ra, chuyện trâu sa lầy ở đây vốn là chuyện thường tình. Người dân thôn Bãi Cả vẫn thường xuyên cứu những “ca” trâu sụt như thế này. Ai nấy đều nhiệt tình vào cuộc. Họ dùng thừng chạc luồn qua bụng trâu vài vòng rồi buộc lại, mấy chục người cùng nhau kéo, rút chân con trâu lên khỏi bùn, vật cho nó ngã ngửa, chổng vó lên trời mà kéo vào. Qua gần hai tiếng đồng hồ “ dô hò”, người ta đã kéo được con Mộng của tôi lên khỏi  bùn lầy.
Sau khi hỏi tôi ở đâu? Con cái nhà ai? Sau đó, cô bác giao trâu cho tôi. Chỉ dặn dò tôi từ nay đừng chăn trâu ở gần đầm lầy nữa. Tôi vừa dắt trâu đi vừa lấm lét lo sợ thằng bé lúc này nhắc đến chuyện trâu tôi phá nát cả khoai lang. rồi bắt đền. Thế nhưng, nó không hề nhắc đến chuyện đó, cứ như là nó đã quên chuyện đó rồi. Không những thế, nó còn dúi vào tay tôi mấy củ khoai nướng, nó biết tôi đang đói bụng vì đi tìm trâu từ sáng đến giờ…
Hôm sau, tôi đưa bố tôi sang cảm ơn bà con thôn Bãi Cả và đem theo mấy cân phân NPK để bón bù cho ruộng khoai vừa bị trâu ăn.
Tôi lại gặp lại cậu bé tốt bụng hôm qua và biết tên cậu ta là Hùng. Qua chuyện trò giữa bố tôi và bố Hùng mới hay gia đình Hùng cũng mới từ Thái Bình lên đây khai hoang năm ngoái. Thôn Bãi Cả  vốn là một thôn khai hoang lấy tên của đầm lầy bên cạnh.
Từ khi thân với Hùng, tôi thường đưa trâu sang chăn bên đầm lầy ấy mà không sợ vì con Mộng của tôi từ độ bị sa lầy thì hãi lắm, hễ đến gần đầm là nó cứ gãi gãi chân rồi lùi lại…
Hùng kể với tôi là cũng có nhiều người bị sa xuống đầm lầy này và được cứu lên. Cứu người thì đương nhiên là dễ hơn cứu trâu. Chỉ cần vứt dây thừng xuống cho người ấy bám rồi hai ba người, có khi khỏe thì chỉ cần một người cũng kéo lên được. 
Đầm lầy cạnh nhà Hùng rộng đến vài chục mẫu. Đó là khoảng đất vô dụng lớn hơn nhiều so với đám ruộng vừa được khẩn hoang của thôn Bãi Cả. Trên đó mọc um tùm những bụi rậm và gai góc, nơi làm ổ cho rắn rết và muỗi dĩn. Bên dưới đầm thường rỉ ra  những lạch nước có váng chua, nhung nhúc những đỉa…
Đó là toàn bộ những gì tôi cho vào “bộ nhớ” của mình về khoảng đầm lầy bên cạnh nhà bạn tôi. Tôi không thể ngờ là Hùng lại đau đáu nghĩ đến cái đầm lầy ấy suốt cả đời …
Nhưng tất cả đều âm thầm. Bao buổi chăn trâu cùng nhau Hùng cũng không nói. Sau này tôi và Hùng cùng nhập ngũ một ngày, ở cùng một đơn vị cũng chẳng thấy Hùng hé răng. Tôi đâu biết sau cái lần con trâu của tôi sa xuống đầm lầy, nghĩa là lúc mới mười một, mười hai tuổi Hùng nảy ra ý muốn chinh phục cái vùng đất vô dụng ấy…
  Rồi khi về phục viên, cơ thể Hùng có biểu bị nhiễm chất độc màu da cam. Người Hùng gầy dộc, ốm o… vậy mà bạn tôi vẫn nung nấu ý tưởng chinh phục đầm lầy…


II.      QUẢ BÍ ĐẦU TIÊN TỪ ĐẤT ĐẦM LẦY

Cách đây chục năm. Một hôm, khi tôi rẽ vào thăm nhà bạn thì được Hùng đưa cho một quả bí đỏ khá mỡ màng nhưng còn xanh. Bạn tôi bảo:
- Tặng đồng ngũ thành quả đầu tiên của tớ!
Tôi ngạc nhiên:
- Cậu  vẫn thường cho vợ chồng tớ bí đó thôi! Thành quả gì cơ?
Hùng hào hứng:
- Đây là quả bí đặc biệt! Cậu đi theo tớ.
Hùng nói rồi ho một tràng. Tôi biết sức khỏe bạn tôi kém lắm. Tuy nhiên, vì đang khá hưng phấn nên Hùng bước đi thoăn thoắt. Bạn dẫn tôi ra phía đầm lầy. Chẳng mấy chốc, tôi đã phải ngạc nhiên đến há hốc mồm ra khi thấy một vườn rau xanh mướt hiện lên  trên đầm lầy ngay tại chỗ con trâu Mộng ngày trước bị sa lầy.
Thật chẳng khác gì một phép màu.
- Người ta khỏe thì ước mơ chinh phục đỉnh Păng Xi Păng. Hùng thổ lộ: -Còn tớ, tớ lại mong chinh phục đầm lầy ngay trước cửa nhà mình. Tớ tin là có ngày tớ sẽ đàng hoàng đi ra giữa đầm lầy này.
- Nhưng cậu làm thế nào mà trồng rau được trên đầm lầy?
- Đó là một câu chuyện dài đến hơn bốn chục năm cơ đấy. Cậu biết không? Nhà tớ từ Thái Bình, vùng thèm đất nhất Việt Nam lên đây khai hoang. Ấy thế mà ngay trước cửa nhà lại có cả hàng chục mẫu đất chẳng thể làm gì thì ai nhìn mà chẳng ngứa mắt.  Cậu nên biết đất đầm lầy không chỉ có lún sụt mà thôi đâu. Cái cơ bản chính là nó chua phèn, không thể trồng hay thả thứ rau màu gì vào được. Rau muống hay rau rút thả xuống hôm trước, hôm sau vàng úa rồi lụi đi ngay. Đau đầu suốt hàng chục năm, tớ đã tìm ra được một cách để cải tạo hoàn toàn đất đầm lầy và  canh tác bình thường trên đó.
Tôi trố mắt hỏi Hùng:
- Cậu định tiếp tục cải tạo cả hàng chục mẫu đầm lầy này hay sao?
- Tớ sẽ phổ biến cách của tớ cho mọi người cùng làm. Thậm chí tớ còn bảo cho bà con ở nơi khác có đầm lầy cùng cải tạo thành ruộng, thành vườn để trồng lúa, trồng màu. Tớ biết nhiều nơi trong vùng mình còn đầm lầy lắm. Ở những vùng khác cũng còn nhiều nơi đầm lầy rộng mênh mang, cải tạo thành những cánh đồng thì thật là tuyệt.
- Nhưng có khó khăn lắm không?
- Với tớ, việc cả cái đầm lầy này thành đất canh tác chỉ còn là thời gian không lâu.
Hùng tự tin bảo tôi.như thế rồi thủ thỉ:
 - Chắc cậu không thể ngờ cái hầm chữ A gắn bó với chúng mình hồi còn là bộ đội lại chính là bí quyết để tớ cải tạo đầm lầy đâu nhỉ? Cậu có biết không?  Cả vườn rau ngoài đầm kia  bên dưới là những dãy cây chống theo cách hầm chữ A như của bộ đội hồi đánh Mỹ đấy. Có cả chục dãy hầm chữ A liền mà tớ dựng liền nhau. Chỉ có khác là những hầm chữ A này không để người núp vào tránh đạn mà khi dựng xong, tớ lấy đất dưới đầm đổ đầy khoảnh trống hình chữ V. Như vậy thì bên trên thành mặt phẳng, bên dưới là khoảng trống của hầm chữ A. Đất trên đó do luôn nước dóc xuống, chảy theo những rãnh hầm chữ A. Rồi qua những đợt nước mưa mà dần dần rửa hết chua phèn, trở thành đất trồng rau màu rất tốt. Đất này lại có ưu điểm là luôn có độ ẩm nhờ rãnh nước lúc nào cũng chảy phía dưới. Bởi thế nên rau màu trồng bên trên không cần phải tưới mà vẫn luôn xanh tươi. Tớ nghĩ, với cách này có thể cải tạo một khoảnh hay toàn bộ đầm lầy dù nó rộng đến đâu.
Thật là một cách cải tạo đầm lầy đơn giản mà hiệu quả.
Ngay lúc đó, Hùng hạ cây cầu ván treo xuống để hai chúng tôi cùng bước sang vườn rau. Hay thật, vườn rau  trên đầm lầy nếu cất cầu treo đi thì người hay trâu bò đề không thể qua được.
Tôi đã trèo lên khoảng vườn bồng bềnh mà mỗi bước đi đều cảm thấy chòng chành ấy. Trên đó Hùng trồng đủ thứ rau màu. Quả là không phải tưới nước, không phải bón phân mà vẫn xanh tươi mơn mởn. Hùng chỉ cho tôi cây bí đỏ và vết cắt cuống quả đầu tiên mà bạn tặng tôi rồi bảo:
- Tao cho mày ăn trước để rồi viết bài, phổ biến cách cải tạo đầm lầy của tao. Để nơi nào có đầm lầy thì bà con cùng làm.

II.      HOA TRÊN ĐẦM LẦY
            
Vào dịp tết Đinh Hợi (2007) Hùng lại gửi ra cho tôi một cây đào thế có cả chậu. Trên thành chậu Hùng còn dán một  mảnh giấy với dòng chữ “ Trồng trên đất đầm lầy”. Tôi đã gặp hoa và… không bao giờ gặp được bạn tôi nữa. Vì sau khi gửi cho tôi chậu hoa ít ngày thì Hùng nằm phải đi nằm viện rồi mất nhanh chóng vì một căn bệnh hiểm nghèo có nguồn gốc từ chất độc màu da cam…
Bây giờ tất cả đầm lầy Bãi Cả đã thành ruộng nhờ cách làm của Hùng. Không những thế, hàng chục héc ta đầm lầy trong khu Tứ Sơn (huyện Lục Nam)  ở các xã Vô Tranh, Bình Sơn,Trường Sơn cũng đã được cải tạo thành đất canh tác bằng cách gác cây những hầm chữ A rồi đổ đất dưới đầm lên trên. Đó là phát minh làm ra no ấm của cả một vùng mà đến nay vẫn ít người ai biết đến người nghĩ ra đầu tiên. Người ấy chính là nông dân Nguyễn Văn Hùng, người ở thôn Bãi Cả, xã  Bình Sơn, huyện lục nam tỉnh Bắc Giang.

Tôi rất ân hận nhận thấy mình là một kẻ vô tâm khi bây giờ mới đặt bút viết bài này. Hôm nay ngắm chậu hoa đào đang đâm nụ khi xuân về tôi lại thấy nôn nao nhớ bạn. Thắp một nén nhang tôi cầu xin Hùng tha thứ cho sự chậm trễ của mình rồi thầm thì bên gốc hoa xuân:
- Hùng ơi! Muôn đời cậu là bông hoa xuân trên đất đầm lầy!

                                                                                                          Q. Đ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét