Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

kiệu rồng rước rau


KIỆU RỒNG
 RƯỚC RAU
                                                                                                          BÚT KÝ : Quang Đại

Ở làng Hà Mỹ (xã Chu Điện, Lục Nam, Bắc Giang) có lễ hội rước cỗ cuốn vào Rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm. Trong ngày tết rau đặc biệt này, món diếp cuốn được tôn vinh lên ở vị thế cao sang nhất. Món này được dân làng coi là cao lương mỹ vị. Còn như  xôi, gà, thịt thà, bánh trái … lại trở thành phụ ẩm…

Hà Mỹ có nơi thờ thành hoàng làng thật bề thế, khang trang. Về quy mô thì đình này chỉ kém đình Dùm, đình Sàn, đình Thân là những ngôi đình có thể gọi là “vật vã” trong vùng. Tuy nhiên, đình làng Hà Mỹ lại nức tiếng gần, xa bởi những bức chạm khắc gỗ tinh xảo, độc đáo, đẹp vào bậc nhất so với tất cả những ngôi đình cổ ở Việt Nam.
Nhưng đây là ngôi đình còn có nhiều điều bí ẩn.
Khách thập phương và ngay cả dân làng cũng vẫn thường hay đặt ra những câu hỏi: Vì sao đình Hà Mỹ cho đến nay,gần như được bảo tồn nguyên bản kiến trúc cổ, nhưng không để lại lấy một tấm bia? Vì sao chẳng tìm thấy bất kỳ một chỗ nào trong đình ghi lại năm, tháng xây dựng hoặc ngày khánh thành? Vì sao ngoài bức đại tự treo trước thượng điện với bốn chữ “Thánh cung vạn tuế” không cho một thông tin gì đặc biệt ra…thì chẳng còn thấy  một văn bản Hán Nôm nào khác liên quan đến ngôi đình còn lưu truyền lại?

Có lẽ do chẳng thể trả lời được những câu hỏi ấy chăng? Mà ngôi đình Hà Mỹ đã có nhiều huyền thoại khá ly kỳ và lạ lùng.
 Một lần, khi cùng lúc tôi được hầu chuyện với nhiều cao niên trong làng thì một cụ bảo:
- Này bác ơi! Đình làng tôi vốn không phải đình làng tôi đâu!
 Tôi suýt phì cười. Nhưng may mà kìm lại được, trố mắt, sững sờ ngạc nhiên:
- Ơ! Sao thế hả cụ? Đình Hà Mỹ mà lại không phải đình Hà Mỹ? Phải nói thật là…cháu chẳng hiểu ra làm sao ạ!
Cụ ngồi bên thản nhiên như không:
- Ngôi đình này là do làng tôi “thó” được ở ngoài Đông Anh đấy!
- Thó? Nghĩa là … là ăn cắp ấy hả cụ?
- Chứ còn là cái gì nữa! Cụ ấy gật đầu:- Chả là thế này… có một người ở làng tôi, khi đi ra Đông Anh thì thấy ở đó có  một ngôi đình khá đẹp. Mà khi ấy, hai làng họ đang tranh giành nhau. Thế là, giữa lúc hai bên còn đang mải cãi vã, không để ý, ông ấy đã lẳng lặng đến ăn trộm. Mang về.
Chuyện ăn trộm đình mà nghe cứ ngon xoẻn. Để ý thì thấy các cụ khác ngồi bên xem ra cũng chẳng có phản ứng gì đặc biệt. Mới hay, tất cả các cụ trong làng đều tin vào điều kỳ lạ, hoang tưởng, khó mà có thật ấy. Tôi trộm nghĩ: ngôi đình chứ có phải cái chén, cái bát, vuông khăn, manh áo, quả na, quả bưởi hay một vật dụng nhỏ nhoi gì đâu mà có thể đút túi, cho vào đẫy rồi… đem đi dễ dàng thế được?
Thắc mắc của tôi được các vị cao niên ở làng Hà Mỹ giảng giải kỹ càng hơn… cũng lại bằng một câu chuyện ngày xửa ngày xưa….
Căn cứ vào kiến trúc của đình Hà Mỹ hiện nay, các nhà nghiên cứu đều khẳng định có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XVII, vào thời Lê Trung Hưng. Song nhiều cụ trong làng lại nói rằng làng Hà Mỹ có muộn hơn thời điểm đó nhiều. Theo các cụ  nếu sớm thì làng các cụ cũng chỉ được hình thành từ cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ thứ XIX.  Nghĩa là sau ước đoán niên đại của ngôi đình làng chừng hơn 100 năm. Khi ấy, có bốn hộ người họ Nguyễn ở làng Hà Thanh( Hà Tú) di cư ra đây lập trại rồi sau nên làng Hà Mỹ. Hàng chục năm về sau mới dôi ra được mươi hộ. Cũng vì nghèo, lại neo người nên không thể làm được đình. Thấy các làng bên cạnh người ta có đình thì thèm lắm. Ai nấy đều ước ao.
Bấy giờ, trong làng có một ông phủ thủy rất cao tay. Ông này đã đi khắp mọi nơi, đặng tìm một ngôi đình để lấy về cho làng mình. Ông đã tìm được một ngôi rất ưng ý. May quá, hẳn là thần linh thổ địa ở đó đã chán ngán trước tình cảnh mất đoàn kết, luôn cãi cọ của dân bản địa, nên khi ông gieo quẻ, xin âm dương để đưa ngôi đình này đi thì được ngay. Thế là, chỉ trong một đêm, ông người Hà Mỹ đã phù phép, sai khiến âm binh khênh  tếch ngôi đình đó về. Dựng ngay ở giữa làng Hà Mỹ. Sáng ra, cả làng đều dụi mắt, bàng hoàng, kinh ngạc khi thấy ngôi đình uy nghi bỗng dưng mọc lên giữa làng mình. Mà cứ như là đình đã có ở đó từ lâu lắm rồi. Bởi ai cũng nhìn thấy cỏ mọc trùm chân tường, dây bìm bìm leo lên gần nóc đao..
Chỉ ít ngày sau. Hai làng ngoài Đông Anh đến nhận đình. Họ bảo ngôi đình đang ở làng Hà Mỹ là của hai làng họ vừa mới bị ăn trộm. Hai làng này đi kiện lên quan. Quan hỏi mất đình từ bao giờ? Hai làng này bảo chỉ vừa mất cách đây mấy hôm. Người làng Hà Mỹ liền thưa: “Bẩm quan lớn! Đình làng tôi cỏ đã mọc trùm chân tường, bìm bìm leo lên tận nóc thì không thể là đình vừa ăn trộm mấy hôm được ạ! Xin quan trên đèn trời soi xét!”. Quan về thẩm tra, thấy quả đúng là như vậy nên đã xử cho Hà Mỹ được đình và phạt hai làng ở Đông Anh về tội vu vạ!

*
*   *
Câu chuyện về ngôi đình được đánh cắp…có thể chỉ nói lên một điều là kiến trúc đình Hà Mỹ rất khác lạ, không hề giống với kiến trúc của các đình làng trong vùng. Tôi là người đã học Mỹ thuật, hiểu biết về nghệ thuật điêu khắc nên đã vô cùng sững sờ khi được ngắm những bức trạm gỗ ở đây.
Nó có rất nhiều nét khác biệt và rất độc đáo so với bất cứ một ngôi đình nào đó ở nước ta. Người nghệ sĩ dân gian thời xưa đã tạo nên những tác phẩm điêu khắc đầy ngẫu hứng và sinh động tại ngôi đình này. Bước qua bậu cửa, đã bắt gặp hai kẻ tràng gian giữa, tuy vẫn là phần thân rồng, đuôi rồng nhưng các họa tiết đã được khéo léo phổ vào đó các hình trang trí mang đậm tính dân gian là các cô gái? Hay cô tiên?  Hoặc các vũ nữ? Tất cả đều mình trần, khỏa thân đang múa may, bay lượn. Có cô tiên còn được chạm nằm xấp, chổng mông, áp chặt vú và người ngọc vào vây rồng; chân tay thì quàng ra, ôm quặp lấy. Thật là một hình tượng đầy phồn thực giữa chốn đình chung linh thiêng cho ta thấy cái sự bay bổng, lãng mạn vô cùng tận của người nghệ sĩ dân gian.
Bước tới cửa cấm, hai bên tả hữu là hai bức cốn được đục chạm bằng một phong cách rất lạ, đẹp mà linh dị. Cùng với đề tài “long ổ”: rồng mẹ, rồng con, rồng cháu, rồng chắt, rồng chút, rồng chít… sinh sôi nảy nở phồn thịnh nhưng mỗi bên lại mang một phong cách thể hiện khác nhau.
 Một bên được đặc tả, nhấn mạnh sự sinh tồn theo mong ước “phúc, lộc, thọ” ngàn đời của cư dân lúa nước. với những con rồng to nhỏ được xếp thành các khối hình nhấp nhô trông như những ngọn núi rùng điệp. Trên các đầu rồng lại chễm chệ một cô tiên nửa như khiêu vũ, nửa lại như trầm mặc, chiêm nghiệm sự sinh sôi, phát triển của tạo hóa.
 Bức cốn bên kia lại mang nét uy nghiêm của vương quyền. Trên mảng chạm này có các đầu rồng trông hung dữ, uy nghiêm như muốn hăm dọa, tiêu trừ mọi sự bất chính. Các bờm, vây rồng ở bức chạm này dựng một loạt san sát như vô vàn lưỡi giáo, mác thẳng đứng lên như muốn đâm xuyên tới cõi vô cùng. Hình tượng rồng ở đây biến hóa, được nhào nặn giữa yếu tố dân gian với yếu tố cung đình. Sự kết hợp hài hòa giữa thần quyền với vương quyền như muốn để răn đe, giáo dục, hướng con người ta đến những điều chân, thiện, mỹ.
Những hình tượng tiên nữ ở đây thật ấn tượng. Tôi nghĩ: không phải chỉ là ngẫu nhiên mà các tiên nữ lại xuất hiện nhiều ở đây với những tư thế lạ lùng như thế. Phải chăng đã có một điều gì đó, chẳng hạn như mối liên quan giữa các tiên nữ với thành hoàng đình làng?
Trong khi chưa cụ nào giúp được tôi về câu hỏi ở trên thì một bất ngờ nữa đã đến. Những cụ già nhất ở Hà Mỹ cho tôi hay: trước đây, trên hai đầu xà lòng phía bên phải của ngôi đình còn có tượng hai cô tiên. Mỗi cô tiên cao chừng bảy, tám mươi phân.Trong hai cô tiên thì một cô ở mé tây( phía trong) có cánh xòe ra như ngỗng bay. Cô kia không cánh. Theo như lời các cụ mô tả lại khá tỉ mỉ, có cụ còn khéo tay vẽ cả ra giấy…thì tôi hiểu đây là hai pho tượng tròn cũng khá đặc sắc bằng gỗ mộc, không sơn được tạc rất đẹp và tinh xảo với thân hình tiên nữ óng ả, nuột nà, mái tóc bồng diệu vợi. Cả hai cô tiên đều tai to, nét mặt và mắt mũi thanh tú. Theo lời cụ Ninh (94 tuôi) và cụ Thủy( 81 tuổi) là những cao niên của làng thì hai cô tiên này đã bị quân Nhật lấy đi vào năm 1945 khi chúng đóng trong đình.
Quân Nhật lấy đi tượng hai cô tiên có lẽ cũng là đã đem theo toàn bộ mọi bí mật của ngôi đình. Theo như lời các cụ thì tất cả tài liệu liên quan đến ngôi đình, trong đó có nhiều văn bản Hán, Nôm đều được cất giấu trong lòng hai cô tiên ấy. Biết đâu hai tác phẩm điêu khắc đó vẫn còn lưu trữ ở một bảo tàng nào đó bên Nhật? Và nếu như tìm lại, chúng ta sẽ được hé lộ bao bí mật về ngôi đình kỳ lạ và bí hiểm này.
*
*    *

Theo giới thiệu của nhiều dân làng. Tôi đã tìm đến gặp cụ Nguyễn Văn Tông, 86 tuổi, sinh ra và sống tại Hà Mỹ cho đến nay.  Đây là một già làng lịch thiệp, có học. Cụ đã đỗ Xéc - phi - ca thời Pháp thuộc. Hiện tấm bằng này còn được bảo quản mới nguyên. Cụ là người có tâm trong việc lưu giữ những hiện vật trong quá khứ. Ngôi nhà cổ mà cụ đang ở cũng có niên đại vào thời Lê Trung Hưng. Trong đó có một loạt những dụng cụ “cổ lỗ sĩ” đến ngỡ ngàng. Ấy là nhứng cái bát to bằng gỗ mà không chừng cả mấy chục đời nhà cụ đã dùng. Chiếc gậy chống của ông cố năm đời tính đến cụ. Đây là một chiếc gậy làm bằng cây hèo, hai đầu bịt đồng, đầu phía trên có cắm một chiếc sừng hoẵng. Rối thì thạp cổ. bình vôi cổ. mâm gỗ mộc, cối đá. cối xay… có cả một chiếc móc cầu làm bằng gộc tre dùng để chơi cướp cầu vào ngày hội làng và hàng trăm thứ có thể gọi là cổ vật khác.
  Cụ Tông cho tôi biết hiện ở Hà Mỹ còn vài nếp nhà cổ như nhà cụ. Thế thì phải chăng làng Hà Mỹ cũng đã có từ thời ấy? Ngôi đình mà chúng ta hiện thấy vẫn chỉ là ngôi đình do chính người làng Hà Mỹ xây dựng nên mà thôi. Tuy nhiên, vẫn có  thể xảy ra việc gia tộc cụ Tông các đời về trước đã mua lại một ngôi nhà cổ? Những nhà khác ở Hà Mỹ có niên đại thời Lê Trung Hưng cùng ngôi đình cũng đã xuất hiện với tình huống tương tự  chăng?
Trong lúc đàm đạo, cụ Tông cũng đồng cảm với tôi về những băn khoăn trên. Thế nhưng, cụ cho rằng: thời trước, nhà cụ cũng như cả làng Hà Mỹ còn nghèo nên khó mà mua được nhà cổ, đình cổ. Hơn nữa, chưa ở đâu thấy người ta nói đến chuyện bán đình…
Sau khi rót mời tôi chén nước trà trầm quế  ngọt dịu, thanh tịnh, vương vương mùi thơm tho của hương vị cổ kính… cụ Tông chậm rãi kể cho tôi nghe về tục rước cỗ cuốn của làng cụ:
- Từ năm 1946 trở về trước, năm nào làng tôi cũng tổ chức rước cỗ cuốn vào ngày rằm tháng Giêng. Cỗ cuốn được làng giao cho hai ông cai đám lo liệu. Trong hai ông cai đám thì làng phân cho một ông là Đám cả, một ông là Đám hai. Ông Đám cả có quyền hơn, thường là người giáp Đông vì ở đấy có nhiều cánh vế thế lực. Hai ông này phải bỏ tiền nhà mình đóng hai mâm cỗ cuốn của làng.
Người được làng giao cho làm cai đám chủ yếu là người đã đến tuổi phải lo lệ làng. Nhưng cũng có khi làng bán cai đám cho ai đó muốn mua chức Nhiêu. Nghĩa là một người đáng lẽ không phải làm cai đám nhưng lại nhận phần cai đám để sau đó làng cho thành Nhiêu. Nhiêu thì bác biết rồi đấy, là người được miễn phu phen, tạp dịch mà quan trên bổ về cho làng.
Hầu hết các ông cai đám đều phải vay mượn để lo cho làng. Ngoài việc đóng hai mâm cỗ cuốn thì hai ông này còn phải khao cả làng một bữa sáng hôm đó để mọi người  tập trung đến ăn rồi cùng rước  ra đình. Để khao làng, một ông cai đám phải mổ tới mấy con lợn hoặc một con trâu cùng nhiều thứ đi theo khác. Nói chung là tốn kém lắm bác ạ!. Có ông lụn bại vì khao làng đến dăm sáu năm sau cũng chẳng vực dậy được. Nhiều ông vì không lo được cai đám nên đành phải bỏ làng mà đi cơ đấy.  
Để thành Đám cả, Đám hai thì từ năm trước, mỗi ông phải nộp cho làng một cối gạo xôi để được lên chức Thày chay, nghĩa là trở thành người dự bị để sang năm sẽ làm cai đám. Thế rồi, suốt một năm trời, hai ông Thày chay này lại phải bạc mặt, bướt ba, bướt bải lo trâu, lo lợn, lo gạo xôi, bánh …
 Trong mâm cỗ đặt trên kiệu rồng thì món cuốn rau là món quan trọng nhất, không thể thiếu. Món này được làm rất cầu kỳ: gà chỉ lóc bỏ xương đùi rồi đem băm cả con sao cho thật mịn, thật nhuyễn. Thịt mỡ lợn được áp chảo ra mỡ, gần thành tóp đem ngâm ngập trong mỡ nước từ trước đó vài tháng. Đến ngày làm cỗ vớt ra; cũng băm vụn, trộn lẫn với gà đã nhuyễn. Sau đó, nêm mắm muối, gia vị cho vừa ăn rồi sào chung với nhau. Lát sau đập thêm trứng gà vào sào tiếp. Đợi khi trứng chín thì bắc xuống, để nguội làm nhân gói cuốn.
Các món khác làng không có quy định nào đặc biệt; ai làm cũng chẳng sao. Nhưng riêng món cuốn, lệ làng quy định chỉ những cô gái còn trinh, mặt không có mụn, thẹo mới được gói. Các cô gái trinh này chọn lấy từng lá rau diếp lành lặn vuốt phẳng, trải trên trên mặt mâm rồi nhón tay một nhúm hỗn hợp gà, tóp, trứng, đặt vào giữa chiếc lá, nắn cho thành nhân dài theo chiều dọc. Tiếp đó là gập hai đầu lá rồi cuốn lại, tương tự như người ta gói bánh đa nem hiện nay ấy! Cuối cùng thì dùng que tăm cắm gài vào cho khỏi bung ra. Chiếc cuốn gói xong dài gần gang tay to bằng cỡ quả chuối tiêu.
Đi kèm theo cuốn còn có một con gà trống to béo đã được luộc chín, một nồi gạo thổi thành xôi trắng và sáu cỗ bánh trưng. Những cỗ bánh chưng này cũng gói bằng gạo nếp, nhân đỗ thịt như bánh chưng thông thường nhưng lại được gói theo hình ống, đường kính khoảng 25 phân, cao  60 phân. Để gói sáu chiếc bánh chưng này cũng phải mất một nồi gạo nếp mười hai đấu(chừng 16kg ).
Khi đóng cỗ, sáu chiếc bánh chưng hình ống được đặt nằm song song, vừa vặn lòng kiệu.. Phía trên bánh trưng lót lá chuối, đổ xôi trắng lên, nặn cho tròn trĩnh, gọn ghẽ, đẹp đẽ. Sau đó cắm chân con gà đã luộc vào giữa khối xôi. Dùng đũa hay que tre ghim, đỡ sao cho con gà đứng được trên xôi mà xòe cánh ra. Tiếp nữa, cuốn rau xếp đứng thành ba tầng xung quanh gà. Các ông cai đám còn sai người khéo tay cắt giấy màu, giấy trang kim đội mào, chắp cánh để trông con gà luộc trên mâm cỗ không khác gì chim phượng hoàng.
Hai kiệu cỗ này đóng xong trông rất  là đẹp mắt. Vừa hài hòa, vừa nổi bật bởi màu vàng ươm của gà luộc trên cuốn rau xanh mướt; rau lại ở trên cỗ xôi trắng ngần. Phía dưới là màu xanh ngái của bánh trưng trên kiệu sơn son thếp vàng.
Thoạt đầu, kiệu cỗ cuốn được đem ra cúng trình ở ngôi điếm của làng để thần linh duyệt trước. Điếm này gọi là Điếm Nguyệt ở phiá đông, cách cổng đình chừng hơn trăm mét. Sau khi cúng, vái, xin âm dương, được thần linh cho phép mới rước vào đình.
 Đám rước cỗ cuốn linh đình và trang trọng với trống giong cờ mở. Giai làng ( mười tám đôi mươi) ngoài tám anh chàng mình mặc áo vàng, đầu đội khăn nhiễu khiêng hai kiệu rồng cỗ cuốn trên vai; số còn lại đều đội nón dấu đỏ có ngù, mặc áo chẽn màu tía, cầm giáo mác như quân lính tiền hô hậu ủng. Cả làng già trẻ, gái trai ai nấy đều mặc quần áo thật đẹp, thật mới, hoan hỉ khua chiêng trống, reo hò rước hai kiệu cỗ cuốn đi vòng vèo một lúc lâu qua làng rồi mới ra cổng đình.
Cùng với hai mâm cỗ cuốn, các ông cai đám còn phải bảo người nhà gói hai nong bánh mật để trước cúng thần hoàng, sau đãi khách thập phương. Bánh mật của làng tôi rất đặc biệt. Bánh này làm từ bột nếp ngào với mật mía, nhân vừng trộn đường, gói ngoài bằng lá hồng pháp. Bác hỏi tôi lá hồng pháp là lá gì ấy à? Thì là lá của cây hồng pháp, một loại cây  gỗ cao to, thường mọc thẳng; có cây thành cổ thụ cao đến vài chục mét. Trước đây, cây này có nhiều trên núi Rừng Thờ ở bên kia đồng trước làng. Lá hồng pháp to gần bằng bàn tay người lớn, dài, dầy, nhẵn mặt, khi phơi khô thường dẻo, dai và có màu đỏ tía rất đẹp. Lá ồng pháp hgói bánh mật sẽ  khiến bánh nhìn đẹp mắt. Khi hấp chín thì ruột bánh màu đỏ sẫm bắt mắt, hương vị lại thơm ngon hơn nhiều so với gói bằng lá chuối hay lá ỏng. Trước đây, người dân Hà Mỹ thường lên rừng lấy lá hồng pháp tươi từ tháng mười năm trước phơi khô, để dành đến tháng tháng giêng năm sau.
Bánh mật không rước theo cỗ cuốn mà đem ngay ra đình, đặt trên hai chiếc mâm bồng để cúng thần cùng với cỗ cuốn.
Làng đã có sẵn một bộ rạp làm sẵn bằng gỗ.Rạp này có thể tháo ra lắp vào dễ dàng, có sàn rộng với mái che vải đỏ. Từ sáng sớm, dân làng đem rạp ra dựng ở sân đình phía ngoài. Khi rạp đã dựng xong. Khoảng tám giờ sáng, các cụ thượng làm lễ, khênh tượng thần hoàng làng ra đặt trên án có che lọng ở giữa sân đình.
Khi hai kiệu cỗ cuốn rước vào cũng lại được che lọng rồi đặt chầu ở hai bên, thấp hơn tượng thánh. Sau đó, dân làng làm lễ cúng tế.
Lúc sự lệ đã xong, các cụ trong làng chia nhau ra đãi khách thập phương. Bất kỳ ai đến góp vui với hội làng Hà Mỹ thì dù ít, dù nhiều, đều được quà là hai chiếc bánh mật ngọt, ngon, thơm phức mùi lá hồng pháp.
Tiếp đó thì làng tổ chức vui chơi. Các cụ đắm mình vào  những cuộc hát ca trù trong rạp che vải đỏ. Phần còn lại của sân đình và ngoài cửa đình là những nơi các trò chơi dân giã diễn ra sôi nổi.  Nào là bịt mắt bắt dê, cờ người, đánh đu, chọi gà, vật…vui lắm bác ạ!
Đặc biệt nhất là trò chơi cướp cầu ở bãi đất trước cửa đình. Hiện đình làng tôi vẫn còn giữ lại được một quả cầu bằng gỗ lim, đường kính khoảng 35 phân. Những năm gần đây, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn tổ chức cho trai tráng trong làng chơi trò này. Tuy nhiên, sự lệ thì không còn được như xưa.
Ngày trước, bãi chơi cướp cầu là khoảng đất rộng hình chữ nhật có đắp bờ làm gianh giới ở ngay trước cửa đình. Tại chính giữa, cách hai bờ ngang khoảng một bước nhảy đào mỗi bên một cái “lồ”. Thể lệ cuộc chơi khá đơn giản: ông cai đám ném quả cầu ra giữa bãi. Quân hai bên dùng những cái móc cầu làm bằng gộc tre để tranh nhau móc lấy quả cầu rồi kéo hay vác  cầu bằng móc về bên mình. Bên nào đặt được quả cầu vào lồ thì bên đó thắng keo đó. Vì dân làng tin rằng trong cuộc chơi cướp cầu đầu năm mới, nếu mà bên giáp Đông thắng thì cả năm sẽ mưa thuận, gió hòa, phong quang mát mẻ; cả làng sẽ được mạnh khỏe, bình an, làm nên ăn ra. Bởi vậy, kết quả bao giờ cũng là giáp Đông thắng, giáp Đoài thua. Mặc dù đã biết trước như thế mà năm nào dân làng cũng háo hức, hồi hộp, thậm chí nín thở dõi theo quả cầu gổ. Các giai giáp Đoài dù biết cuối cùng vẫn cứ phải để cho đối phương thắng, nhưng mà họ cũng làm cho giai giáp Đông đổ mồ hôi,  mệt lử người, được trận thắng  cũng không dễ dàng gì. Giai bên giáp Đông cũng phải ra sức vì dân, vì làng…
Ở những cuộc chơi cướp cầu trước đây. Bao giờ khi vào cuộc cũng có hai ông cai đám ra khai trò. Hai ông cùng với một ông Xôn trưởng dẫn khoảng ba bốn chục giai khỏe ở hai giáp ra bãi chơi. Dân làng tấp nập đổ ra cổ vũ rất đông.
. Khi dân làng đã đứng chật ních xung quanh bãi. Ông Đám cả vác nồi hương trên vai, Ông Đám hai ôm quả cầu cùng  giai hai giáp đã ở giữa sân. Nồi hương luôn được ông cai đám cả vác trên vai từ đầu cho đến khi tan cuộc nhắc nhở các đối thủ với ý nghĩa như có thành hoàng chứng dám.
 Trước khi trận cướp cầu bắt đầu, ông Đám cả giơ cao nồi hương lên trời, khấn trình thần thánh và trời đất. Tiếp đó, ông xôn trưởng (bốn chín tuổi) bảo một anh giai nhớn (hăm tám tuổi) cầm chiêng gõ lên ba hồi chín tiếng. Tiếng chiêng ngớt thì xôn trưởng giao lệ trò chơi. Nội dung giao lệ là những quy định của làng về trò cướp cầu: đại để  trận cầu được đấu trong ba keo không kể thời gian. Bên thắng là bên có hai keo đặt được cầu vào lồ phe mình.  Người chơi chỉ được dùng móc để kéo hoặc vác cầu. Đặc biệt, lời giao lệ cấm giai hai giáp không được ẩu đả. Nếu giai nào làm đối phương bị thương thì theo như giao lệ sẽ: ”…Sứt một tí da phạt ba tiền sáu, đổ một tí máu phạt sáu tiền tư…” . Giao lệ xong thì  cuộc chơi bắt đầu.
 Cứ tưởng một trận đấu thắng, thua chỉ hình thức thì chẳng mấy là xong. Ấy vậy mà cũng quyết liệt ra trò!. Có khi, giai giáp Đông sắp đưa cầu vào lồ lại bị giai giáp Đoài cướp mất.  Dân hai giáp vẫn cứ hò hét, cổ vũ cho giai giáp mình đến khản cả họng. Còn các giai trên bãi thì anh nào anh ấy chạy huỳnh huỵch, dù chỉ cởi trần đóng khố mà trong giá rét, mồ hôi mồ kê vẫn đổ ra như tắm. Từ non trưa đến tận khoảng ba giờ chiều, giai giáp Đoài mới  để cho giai giáp Đông thắng cuộc.
Sau trận cướp cầu, giai cả hai giáp đều hỉ hả cùng dân làng reo hò đi theo tiếng chiêng trở lại sân đình.
Lúc này, ở sân đình đã vãn trò. Trong rạp vải đỏ cũng ngừng “tom, chát”. Các cụ thượng cúng vái rồi sai hạ lễ, chia phần cỗ. Bánh chưng được cắt khoanh theo xuất việc làng. Gà chặt miếng chia theo số khoanh bánh. Xôi cũng thành số nắm tương tự. Cuốn rau chia đều. Tất cả được đem về từng gia đình thụ lộc.
Món cuốn ăn lẫn với xôi trắng. Người Hà Mỹ xưa nay vẫn coi món này là lộc thánh, thuốc tiên. Tôi cũng chỉ nghe bảo dân làng ăn món này với ý nghĩa: năm mới sẽ được mát mẻ, tốt tươi và nhớ công ơn hai nàng tiên đã giúp thành hoàng làng là hai thánh Cao Sơn - Quý Minh  đánh thắng quân Thục vào thời Hùng Vương thứ mười tám.


*
*    *
Ấy là lời kể của cụ Tông. Tuy nhiên, “kho bảo tàng sống” của làng Hà Mỹ cũng không rõ các tiên nữ đã giúp đức thánh Cao Sơn - Quý Minh như thế nào.
Mãi về sau, tôi mới được biết đến một truyền thuyết không thuộc diện “chính sử”, mà là “dã sử” của làng. Chuyện kể rằng: lúc đánh đuổi, bao vây được quân Thục dưới chân núi Rừng Thờ thì hai anh em Cao Sơn - Quý Minh và quân của hai ông đột nhiên bị một cơn bệnh lạ, tất cả đều sốt cao, run lẩy bẩy… không sao cầm nổi vũ khí.
Giữa lúc quân Thục sắp thoát khỏi vòng vây, có cơ sắp phản công lại thì bỗng hai tiên nữ từ trên trời bay xà xuống, đem theo linh dược, chữa khỏi được bệnh cho quân Văn Lang. Vì thế mà trận ấy hai ông đã đánh tan quân Thục. Thứ linh dược mà hai nàng tiên đem đến chính là lá rau diếp. Truyền thuyết còn kể là từ ấy, hai nàng tiên luôn theo quân hai ông thánh. Đi đến đâu tiên cũng vung những hạt rau diếp có ngù bay tứ tung,mọc vung vãi khắp nơi. Quân tướng ăn vào thì sức khỏe tăng lên gấp bội, đánh đâu thắng đấy. Lại có lúc, quân hai ông nhớ nhà, nhớ vợ thì hai nàng tiên lại biến những cây rau diếp thành những người đàn bà giống hệt vợ những người lính ở nhà cho họ ân ái…

Tôi đã được thưởng thức món “thần dược” của làng Hà Mỹ trong tết rau rằm tháng Giêng của làng. Quả thực, cỗ cuốn đúng là một đặc sản có một không hai. Cái chất ngọt béo của thịt gà, tóp mớ trộn nhau, cộng với vị bùi bùi, cảm giác sừn sựt khoái khẩu của xương gà băm nhuyễn ăn với xôi vừa dẻo, vừa thơm. Đặc biệt lại kết hợp với lá diếp ròn, mát, vị đắng nhè nhẹ…thật “hợp cạ”. Ngon quá! Lúc trước thấy dân làng bảo món cuốn làm như thế, như thế thì nghĩ cũng bình thường. Ăn vào khách lạ miệng ai cũng phải bất ngờ thốt lên khen lấy khen để.

Khi ăn cỗ cuốn tôi lại nhớ đến những cô tiên đang khỏa thân bay lượn trên đình Hà Mỹ. Áp thân thể ngọc ngà vào thân và vây rồng… đó là tiên hay là do rau diếp biến ra? Tôi liên tưởng về những lá rau diếp mơn mởn xanh non, nõn nà,, mượt mà mềm mại… với những nàng tiên. Rồi tôi lại  tiêng tiếc hai tác phẩm nghệ thuật đang còn lưu lạc xứ người…
Thì ra,  nguồn gốc mâm cỗ cuốn được rước trên kiệu rồng là như thế.
                                                                                                        Q. Đ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét