Nhà văn vũ xuân Tửu (ký họa của họa sĩ Quang Đại)
"Cửa đá" đãđược viết như thế nào?
Một vài suy nghĩ nhân đọc “Cửa
đá” của Vũ Xuân Tửu..
( Nxb
Hội Nhà văn 2011 và Website Vanvn.net, 2012)
Hồng Giang.
Đã có nhiều bài viết về hai tiểu Thuyết gần đây của nhà văn Vũ Xuân Tửu ( Cửa đá và Bến mê). Gần đây nhất có bài của nhà văn Trần Huy Vân, đăng trên trang mạng Trần Nhương.com. Một bài viết khá tỉ mỉ, phân tích sâu sắc theo quan điểm mĩ học hiện thực
xã hội chủ nghĩa. Tác giả đi sâu vào nội dung, kết cấu, bố cục của truyện theo lối truyền thống với đôi chút băn khoăn về dụng ý của nhà văn?
Bài viết này chỉ nên coi như một vài ý kiến góp thêm vào. Người viết không muốn nhắc lại những vấn đề người khác đã quan tâm, mổ xẻ. Như vậy là lặp lại, nhàm và không cần thiết.
Phải nói ngay là “Cửa Đá” là một cuốn sách khó đọc đối với một số người. Nhất là độc giả thông thường. Những người chưa quen với những đổi mới, cách tân trong văn học gần đây. Những người còn xa lạ với lý thuyết “Hậu hiện đại”, “hiện tượng học” hoặc còn lăn tăn rằng “văn chương hậu hiện đại ở Việt Nam” liệu đã có, đã hình thành hay không? Nó đã gây một cú sốc, băn khoăn cho không ít độc giả.
Đã có một nhà văn tương đối nổi tiếng nói cảm nhận của mình: “Có lẽ thằng này điên, đọc nó tao không hiểu nó viết cái gì nữa. Đang chuyện nọ xọ sang chuyện kia, nhảy cóc lung tung, đứt gãy và rời rạc.. So với “Chúa Bầu”, “Chuyện trong làng ngoài xã” cuốn
này hỏng”. Chưa rõ “hỏng” như thế nào? Một nhà văn đã từng ẵm mấy cái giải còn nói thế, nói “Cửa đá” là tiểu thuyết khó đọc là chuyện không ngoa. Một số người khác lại quá nhấn mạnh “yếu tố huyền ảo” trong những tác phẩm gần đây của Vũ. Điều này tất nhiên là đúng, không sai, nhưng
không là tất cả. Yếu tố huyền ảo hay ám dụ, phúng dụ chỉ là cách thể hiện của nhà văn theo lối hậu hiện đại, một chuyện không còn phải bàn cãi trong văn học đương đại.
Vũ Xuân Tửu đã có hơi nhiều tác phẩm viết theo “hiện thực xã hội chủ nghĩa” thành công. Từng
đạt nhiều giải thưởng cao cho những tác phẩm của mình. Cẩn thận đến từng câu chữ, ý tứ thận trọng từng chi tiết. Trên bàn viết của anh luôn có các cuốn từ điển. Không thể nói nhà văn viết hồ đồ, vội vã, hoặc thiếu sót về mặt này mặt khác được. Chưa có nhà văn nào tỉ mỉ hơn Vũ. Khi anh viết “Chúa Bầu” mang theo cả thước, cả máy ảnh đi theo, chụp ảnh đo đạc từng viên gạch xây thành . Xin lưu ý là những viên gạch ấy đã chìm xuống lòng sông Lô, hay dưới lớp đất bồi ven sông. Viết “Bến mê” tác giả còn thuê thuyền bơi trên lòng hồ Thác Bà để tìm dấu vết lâu đài cổ. Trèo lên núi để tìm dấu chân Cao Biền năm xưa đi yểm bùa chỗ nào? Chu đáo và cẩn
trọng với từng chi tiết như vậy, rất ít người viết làm được.
Sẽ có người nói: Đúng mãi cũng có thể đến lúc sai, tài mãi phải đến lúc dở! Cũng có thể như thế với một số người tự cao tự đại, thỏa mãn với thành công của mình, sinh ra kiêu ngạo. Với Vũ Xuân Tửu, một nhà văn “ dấn thân” cho cái hay, cái đẹp, cho tìm tòi, sáng tạo chưa và chắc chắn không xảy ra điều đó! Anh viết là do nhu cầu đổi mới chính mình phù hợp với xu thế chung của thời đại, với tâm thế và trách nhiệm của nhà văn đối với cuộc sống đang diễn ra bao điều khó nói hiện nay. Nói anh là nhà văn “dấn thân”
là việc hiển nhiên. Đã có không ít lời bàn ra tán vào, thậm
chí xì xào thế này thế khác về dụng ý sáng tác của nhà văn. Có người mang cả những quy phạm cũ kỹ, lỗi thời để áp vào khi đọc tác phẩm gần đây của Vũ. Rất may là trong xu hướng đổi mới và cởi mở hiện nay, những ác ý ấy không còn đất, không còn tác dụng nữa. Nó chỉ là lời ong tiếng ve, mập mờ, lấp lửng chỗ bàn trà, quán nước. Không còn khả năng “kích hoạt” biện pháp chính quyền như đã từng xảy ra vài chục năm trước. Khi mà người ta nhầm vai trò và công việc
nhà văn với người làm công tác tuyên truyền.
**
Thời thế nào thì văn chương nấy. Nhà văn bất kì thời đại nào cũng không thể né
tránh bổn phận nhập thế của mình. Trước một thế giới đầy rẫy nguy cơ do khủng hoảng, lạm phát, đổ vỡ niềm tin, tha hóa và xuống cấp về đạo đức và nhiều vấn nạn như hiện nay, nhà văn buộc phải có cái nhìn khác, cách cảm, cách nghĩ và cách viết
khác. Nếu như anh không muốn quay lưng lại với độc giả của mình. Người đọc ngày nay, nhất là tầng lớp trẻ không còn ấu trĩ, non kém như xưa. Người ta không dễ dàng chấp nhận những những tác phẩm hời hợt, nông cạn, xa rời những gay cấn của thời đại mình. Chưa bao giờ yêu cầu dấn thân của người viết lại gay gắt như lúc này.
Anh ta chỉ có hai cách lựa chọn: Một là cứ đi theo lối mòn cũ, đã có sẵn những tấm biển chỉ đường với những quy phạm cũ không còn hợp thời. Và véo von những bài ca đi cùng năm tháng.
Đây là lối thoát an toàn, không phải
lo lắng gì. Cho dù nó không mang đến kết quả đáng kể nào trong lòng người đọc. Xa chút nữa là không đáp ứng được tinh thần và mong muốn thời đại.
Hai là chọn con đường mới bắt đầu khai mở, còn gồ ghề, còn lắm ý kiến bàn cãi và đáng chú ý nhất
là còn nhiều thách thức, thậm chí nguy hiểm. Nó chưa có chuẩn mực hay bất cứ khuôn mẫu nào.
Éo le thay điều đó lại luôn luôn là tính đặc thù, đặc biệt của văn chương. Văn chương không có khám phá, sáng tạo chỉ là những bản sao mờ của cuộc sống. Tệ hơn nữa nó tạo cho người ta thói quen cù lần,
xa rời thực tế. Thậm chí ru ngủ đánh lừa người ta, chối bỏ thái độ cư xử cần thiết cho số phận mình, số phận dân tộc.
Khi mà “Những câu chuyện cuộc đời”, những “Đại trần thuật”, “Đại tự sự” không còn đáng tin cậy,
những đổ vỡ khủng hoảng lòng tin về những giá trị cần có câu hỏi và câu trả lời. Những huyền thoại một thời xem ra kém thuyết phục, văn chương cần có “câu chuyện của mình”.
Từ những suy nghĩ như vậy ta sẽ không ngạc nhiên, không khó hiểu khi đọc “Cửa đá”.
Tiểu thuyết không có tuyến nhân vật “ta”, “địch” rạch ròi. Không theo trình tự lớp lang. Không
“Khắc họa tính cách nhân vật” theo lối thường. Chỉ có nỗi ám ảnh tâm trí, nỗi hoài nghi khắc khoải về thời thế. Nó giải thiêng huyền thoại lịch sử dân tộc mình. Là người Việt Nam , bình tâm một chút hẳn không ai lại muốn lịch sử dân tộc mình chỉ là huyền thoại. Nói trắng ra là nó rất mơ hồ mung lung. Chỉ đáp ứng nhu cầu tình cảm theo lối ngây thơ hồn nhiên. Lịch sử phải là lịch sử có tính khoa học chính xác. Năm đó ngày tháng đó xảy
ra chuyện gì? Người ta sống ra sao? Ăn mặc thế nào? Độ tin cậy và chính xác là bao nhiêu? Không thể
nói mơ mơ đại khái “Chuyện con rồng cháu tiên” thế được. Và nguyên nhân thất sử của cả một giai đoạn dài của đất nước là vì đâu? “ Cửa đá” bằng lối viết phúng dụ, pha chút hài hước châm biếm mang đến cho ta câu hỏi này. Nếu không để ý đến ý tứ này của nhà văn, người ta sẽ nghĩ tác giả viết ngồ ngộ, nôm na quá. Làm sao mẹ trái đất vĩ đại lại hao hao giống củ khoai tây móm méo được? Những câu chuyện của ếch nhái sâu bọ nói lên điều gì? Và “Cửa đá” là cái cửa gì vậy? Phải chăng đó là những hạn chế thời đại, hạn chế của cõi nhân sinh, đặt ra câu hỏi đằng sau nó có gì? Có cách nào để qua không, hay lại lẩn quẩn trở về chỗ “Thoạt kì thủy” ban đầu với hình ảnh hàng bầy rồng tái xuất hiện hàng trăm năm sau?
Câu chuyện của ngài chuyên viên Mộc, ông ta đọc không biết bao nhiêu là sách theo lối
chủ quan, phiến diện tưởng mình cái gì cũng biết hết rồi, mà kiến giải cuộc đời, trả lời những câu hỏi cụ thể lại không sâu sắc bằng anh chủ quán chuyên nghề mổ chó! Điều này nghe phi lí, nhưng lại có thật!
Rất nhiều câu hỏi về thời thế, về nhân sinh quan đặt ra trong tác phẩm này.. Tôi chỉ lưu ý tâm thế của nhà văn, lựa chọn khám phá và quyết tâm dấn thân của tác giả.
Cái mới bao giờ cũng phải đối mặt với sự thách thức của nghi kị, ghen tức thậm chí cả với sự thờ ơ của một số người.
Tôi nghĩ Vũ
xuân Tửu trước khi bắt tay vào viết “Cửa đá” anh đã chuẩn bị tâm thế này.
Rất may mọi chuyện xảy ra xuôn xẻo.Tác phẩm của anh đã được công chúng chấp nhận và ủng hộ. Thành công của nó đến đâu hẳn mọi người đã biết.
Tôi rất tâm đắc với chi tiết trong một tác phẩm khác của anh: “..Đến đây đoạn đường sắt có hai thanh ray, một
trái một phải kết thúc. Người ta phải đi trên những bánh xe tròn bơm hơi, tự chọn lối cho riêng mình..”
Nói “Cửa đá” có phải theo khuynh hướng “Hậu hiện đại” hay không, còn là câu chuyện dài. Mong sao tác giả
thành công trong lựa chọn dấn thân của anh!
Ngày đầu năm 2013
HG
HG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét