Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

đồng chiều

ĐỒNG CHIỀU

                  Thơ :Đỗ Vinh 
 Lời bình: Phạm Thuận thành


Cuối ngày đủng đỉnh
trâu về
cưỡi trâu
cưỡi cả con đê cỏ vàng
hai sừng
đã chạm cổng làng
bốn chân
bì bõm chưa sang khỏi chiều
cái đuôi
sau rốt vòng vèo
còn vung vẩy nốt
chút heo may đồng…

               (Tạp chí Thơ số 10/2012)

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

THƠ NGUYỄN ĐÌNH CHÍNH

THƠ
NGUYỄN
 ĐÌNH CHÍNH

Những cái vỏ ốc
 thối và máu

Chúng ta đang sống trong một  thế giới
khắp mọi nơi
vung vãi
vô vàn vỏ ốc thối
những mảnh sắc nhọn
đêm ngày chầm chậm cứa vào tâm hồn ta
rỉ máu
đau đớn ngàn lần

em bảo hãy chạy đến đây
ngã vào vòng tay mềm mại 
và… và…
ngủ đi ngoan nào
lãng quên giấc mơ tình yêu

Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

nhân duyên khó định


NHÂN DUYÊN KHÓ ĐỊNH
           Truyện ngắn của Hồng Giang

Đó là góc chết. Không hiểu sao nàng lại ngồi đó một mình, xuay mặt vào trong, một chân gếch lên chiếc ghế bỏ không bên cạnh?

Hình như nàng không muốn ai nhìn thấy mình, hoặc nàng không muốn nhìn thấy ai? Đôi lông mày thanh tú, cặp mắt đen, đuôi mắt dài thỉnh thoảng nhíu nhẹ, không ra vẻ vui hay buồn.

Nàng thoa nhẹ chút son môi. Da mặt để mộc gần như không đánh phấn. Mái tóc dày cắt ngắn theo mốt hiện đại của tuổi teen thời bây giờ. Khó có thể đoán tuổi của nàng, cũng như khó đoán nàng đang nghĩ, hay không nghĩ gì?
Đám ăn “mải” khánh thành “nhà miếu” của ông chuẩn tướng, nàng có liên quan gì mà tới đây?

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

chào mừng 20/11

Thày học cũ
      Nguyễn Thị Mai
                 
    (Kính tặng những người thày đã dạy chúng tôi ở Trường cấp 2 Trường Sơn – Mai Sưu thời sơ tán.)


Vòng tay làm thước com pa
Vung đường phấn trắng mở ra địa cầu
Lớp trò đi khắp năm châu
Riêng thày đứng lại bến dâu quê làng

Nghiệp đời như chở đò ngang
Nổi chìm con sóng, mênh mang bến bờ
Lặng thầm làm một tứ thơ
Buồn vui khuất nấp giấc mơ cánh buồm

Tôi như giọt nước xa nguồn
Òa vào biển cả vui buồn thế nhân
Mải đời cơm áo phù vân
Quên người nối nhịp bước chân cầu kiều

Ngày đi bóng nắng xế chiều
Mới lần về sợi dây diều tuổi trăng
Trước thày mái tóc sương giăng
Tôi thành bụi phấn vung văng nhạt mờ

Ước chi về thuở học trò
Để tôi xuống lại con đò bến dâu
Để thương yêu lại lần đầu
Mái trường, thày bạn… tình sâu, nghĩa dày
Ơn người gieo hạt ươm cây
Tôi là ai, vẫn trò thày năm xưa.
         

  Nguyễn Thị Mai

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

thơ Trần Dần


                               Chân dung nhà thơ Trần Dần do Nguyễn Sáng vẽ in trên NHÂN VĂN số 1


Tình yêu
                              
Trần Dần

Em ơi
      anh không ngủ được
            bốn đêm rồi !
Nhớ em
      đường phố Sinh Từ
            đen cả mũi
                  mùi than
                        mùi bụi
Nhớ gian nhà
      bây giờ
            lùi lũi
                  một mình em
Em ạ
Tình yêu không phẳng lặng bao giờ
Nó đè sóng
      đè mưa
            nổi bão…
Tình yêu
      không phải chuyện
            đưa cho nhau
                  ngày một bó hoa
Nó là chuyện
      những đêm ròng
            không ngủ
tóc tai bù
      như những rặng cây to
nó vật vã
      những đêm trời động gió
Tình yêu
      không phải là
            kề vai mơ
            sầu mộng dưới trăng mòn
mà phải sống
      phải cởi trần
            mưa nắng
phải mồ hôi
      chảy đẫm
            tận buồng gan.
Tình yêu không phải
      chuyện ngàn năm
            kề sát má
mà bỗng dưng –
      một quả tim chung
phải bổ nó
      làm
      đôi
người một nửa
      người
      ôm một nửa…
Tình yêu
      không phải là
            những chiếc toa đen
                  con tàu cuộc sống
tuỳ chuyến đi
      mà cắt bỏ
            hoặc nối thêm
Mà tự nó là
      Một ĐẦU TẦU HOẢ
có nghìn toa
      buổi – sáng
            buổi – không đèn
Triệu mã lực
      con tàu điên
            tàu dại
nó đâm bừa
      gãy cẳng
            ngày đêm
nó hú chết
      thời gian
            khoảng cách
nó rú lên
      trên trái đất
            chưa người
chưa xã hội
      chưa luân thường
            ước lệ…
Tình yêu không phải
      chuyện bạ sao yêu
            cũng được
nó lạ lùng
      như giữa một trời sao
            triệu triệu ánh
Chỉ có anh
      đã khản tiếng
            kêu gào
mới gọi được
      vì – sao – em
            hay khóc
Và có em
      đi mãi đến mê
            người
mới dừng lại
      ôm mình anh
            buồn tủi
vì – sao – anh
      rốc lửa
            xém bên trời…
Tình yêu
      không phải
            có hoặc không
                  cũng được !
mà nó như là
      những vần thơ
những bắp thịt
      những đường gân
            tổ quốc
*****
Em ơi
      em lại khóc
            em à ?
Gian nhà vắng
      con chó nằm nó rú…
Anh mới đấm lên trời
      dăm quả đấm
bao giờ anh
      ngồi
         chết
            một gian buồng
bốn bức tường
      nó giữ chịt người
                 anh
để giáo dục anh về nhiều chuyện
và chuyện yêu
      -  là câu chuyện chúng mình…
Em đọc kỹ
      trang thơ này nhé
Em đếm xem
      bao chữ
            bao vần
cũng tựa bao đêm
      em ngắm trời sao
em đã thấy
      một vì sao
            ngất ngưởng
vì – sao – anh
      nó chuyển bốn bên trời
đuôi nó cháy – đúng là
      vì sao dữ
Anh cho phép
      em khóc nhiều
            khóc nữa
Em ơi
      tình yêu em
            không có tuổi bao giờ
mươi thế kỷ
      vì sao
         anh
            vẫn cháy…

Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

tac pham moi nhat


ĐỂ SỐNG...

  Truyện ngắn của Hồng Giang

Cơn bão Sơn Tinh chưa tràn đến đây. Con bé đang ở chân núi Ba Vì. Ngọn núi có tên thánh, đang được người ta gọi tên cơn bão. Một cơn bão chỉ trước bão San Zi khốc liệt bên Hoa Kỳ vài ngày. Người ta nói, sắp tới có thể mưa kéo dài. Có khi cả vùng còn bị ngập lụt nữa. Mà mưa gió ở xứ này đồng nghĩa với việc đi lại khó khăn, vật giá leo thang và giá cả đắt đỏ. Nhưng lúc này, nó chẳng còn bụng dạ nào quan tâm đến chuyện đó. Ngay dù cả đất có sụt dưới chân, cây có đổ ngay trước mặt nó cũng không còn đầu óc đâu để ý đến. Nó vừa gặp một việc bất ngờ mà nó đinh ninh không bao giờ xảy ra.

Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

chuyện nhỏ như con thỏ


CHUYỆN NHỎ
 NHƯ
CON THỎ
                       VĂN TẢN
Cái tháng con cẩu này toàn những chuyện bực, đau hết “cửa” mình. 
Hết nằm sõng xoài  ở Đại Lải ngâm thơ, chờ cơm, gặp các vị tai to mặt lớn, các “nhân” quan trọng, vô bổ lại về những cuộc rượu bất đắc dĩ. Anh nghĩ trên đời này không có cái khổ nào giống cái khổ phải rượu với những tên lạ hoắc. Mình không biết nó là ai. Nó cũng chẳng biết mình là thằng nào. Rượu tưng tưng, không trêu ghẹo thằng nào vẫn có thằng cố tình đùa dai. Lại đùa những cái đối với những thằng đầu đất bằng thìn thịn chả có nghĩa mả mẹ gì, nhưng với mình lại đau! Nhưng vì sự sống còn của văn học nước nhà vẫn phải ráng phấn đấu, “Phối kết hợp” với những đứa chẳng ra gì, ( Cái từ “Phối kết hợp” không biết thằng bỏ mẹ nào nghĩ ra đầu tiên, thế mà hay. Cứ lằng nhằng như chó dính nhâu í nhở). Đặng góp phần nhỏ bé trong cơn nguy khốn của văn chương đang tới kì xuống dốc. Định giữ kín trong lòng, không thốt ra bất cứ lúc nào, với bất cứ “thằng con” nào. Gọi là sống để dạ, chết mang đi. Nhưng cái tâm hồn ống bơ lăn lóc quá nhiều, cố, không chịu nổi đành phải thốt ra. Thôi thì cũng là cách xả bớt xì troét một tí cho nó nhẹ đường tiêu hóa, mát mẻ phần trong, phần ngoài..

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

về biển Đồ Sơn


VỀ CÙNG BIỂN ĐỒ SƠN.

                         Từ trái sang  ông Doãn (Nhóm hoa sóng) . Trà My , Ô Lâm , Lê Hà , Cù thị Loan (Thi đàn thứ bảy)
                 Vào một chiều giữa thu, bãi biển đã thưa người, gió hanh hao thổi, sóng chẳng ồn ào. Nơi bãi Một của khu du lịch Đồ Sơn, có cuộc chơi thơ nho nhỏ. Trên thảm cỏ xanh dưới tán thông, gần hai chục người quây quần bên nhau, hồ hởi thân tình. Họ cao giọng đọc cho nhau nghe những vần thơ tâm huyết ấp ủ trong lòng.

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

tho ngyen thi mai


CÓ MỘT CHỢ ĐÊM CỦA NỮ NHI CỬU VẠN
                        (Bình bài thơ Chợ đêm Long Biên của nhà thơ Nguyễn Thị Mai)

Chợ đêm Long Biên

Buôn đêm để bán sáng ngày
Một vùng không ngủ kề ngay phố phường.
Ngợp trời rau quả muôn phương
Về đây từ khắp nẻo đường bán mua.

Chợ đêm dù bão dù mưa
Vẫn đông người vợ, vẫn thưa người chồng
Chuyển khuân, bốc dỡ, gánh gồng
Nón che kín mặt kiếm đồng sinh nhai

Nữ nhi cửu vạn đêm dài
Vác khiêng hùng hục, sụn vai vẹo người
Giữ lành quả ngọt,  rau tươi
Chị tay đen đúa, em cười nhọ nhem

Mồ hôi, sương muối ố hoen
Buốt lưng cửu vạn đã quen với nghề
Đồng công năm bảy sẻ chia
Nẻo cơm quán trọ, nẻo về nuôi con

Chợ trăng đêm khuyết đêm tròn
Khiêng sương, vác gió cũng mòn hai vai
Bữa ngon, hiểu được mấy ai?
Chỉ cây cầu biết,
                thở dài với sông

                                       Nguyễn Thị Mai
Lời Bình:
      Bài thơ Chợ đêm Long Biên của nhà thơ Nguyễn Thị Mai được giải nhì (không có giải nhất) trong cuộc thi thơ lục bát với chủ đề "Ngàn năm thương nhớ" do 6 báo đồng tổ chức năm 2010, trong đó có báo Văn nghệ, nhân dịp kỷ niện đại lễ Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội
       Buôn đêm để bán sáng ngày/Một vùng không ngủ kề ngay phố phường. Với cách lập ngôn: mua đêm, bán ngày nghe có vẻ lạ. Chinh sự lạ ấy mà ngay từ cặp câu mở này đã đưa ta tới một phiên chợ bằng những hoạt động của những người mua đi bán lại, những nữ nhi “cửu vạn”khuân vác diễn ra sôi động quần quật thâu đêm suốt sáng. Tất cả làm nên một không gian riêng - "một vùng không ngủ", "vùng không ngủ" có lẽ chỉ có trong khái niệm không gian văn học mà nhà thơ sáng tạo nên
       Có thể nói, ở bất cứ phiên chợ nào, thì số đông người tới chợ vẫn là phụ nữ, nhưng nữ ở Chợ đêm Long Biên chắc có điều gì khác lạ, nên nhà thơ không gọi vậy, mà: Chợ đêm dù bão dù mưa/Vẫn đông  người vợ vẫn thưa ngươi chồng. Nếu thiếu cảm quan tinh nhạy, ta dễ mắc sai lầm, nghĩ nhà thơ làm phức tạp những vấn đề đơn giản. Sao lại còn phải người vợ, người chồng trong thi cảnh này? Xin thưa! đó là lối “bẻ ghi” điệu nghệ, cách biến đổi sáng tạo, hướng người đọc vào một điều hệ trọng khác, vào khái niệm thiên chức gia đình, để khai thác về thân phận người phụ nữ, và những đòi hỏi về giải phóng phụ nữ, bình đẳng giới - tư tưởng chủ đạo, cái đích đến của bài thơ.     
       Đã là vợ chồng trong gia đình, thì dù “luât bất thành văn” mọi công to việc lớn, vất vả nặng nhọc đương nhiên người chồng phải đảm nhận, vì họ vốn "chân yếu tay mềm". Thế là đã rõ cái dụng ý thâm sâu của nhà thơ không dễ nhận ra.
      Nhà thơ Nguyễn Thị Mai thường rất thành công khi đưa những thành ngữ, ca dao, thậm chí cả tiếng lóng trong ngôn ngữ đời thường hợp thi cảnh rất hiệu quả cho thơ. Ví như: “nữ nhi cửu vạn" làm tăng cái sự ngược đời, trái khoáy, việc đáng lẽ của người chồng nhưng ở đây người vợ phải gánh vác. Trừ những người chồng ích kỷ vô cảm, còn liệu ai có thể cam lòng để người vợ phải "vác khiêng hùng hục, sụn vai vẹo người". Nhưng đó lại là một thực trạng phổ biến đang diễn ra hàng ngày trong đời sống xã hội, không chỉ ở Chợ đêm Long Biên, nên công tác bình đẳng giới và những đòi hỏi bức xúc giải phóng phụ nữ phải được đặt ra ở một nước tiến bộ, văn minh .
       Đức tính nhân hậu, hiền thục, chịu thương chịu khó lam làm của người phục nữ Việt Nam vốn có đã ngàn đời được nhà thơ khai thác tôn vinh. Họ không oán thán kêu ca, muốn cho mọi sự vẹn tròn. Nặng nhọc mệt mỏi là thế, nhưng vẫn luôn nhắc nhau phải khéo léo, nhẹ nhàng tay chân,  để "giữ lành quả ngọt rau tươi ". Bởi, niềm vui  hạnh phúc của họ chỉ có thể có được khi tiếng cười đầy ắp trong mỗi bữa ăn của mọi nhà. Được vậy thì dẫu "Chị tay đen đúa, em cười nhọ nhem" cũng bõ, cũng thoả. Dù khi cuộc sống mưu sinh hàng ngày với họ thật nghiệt ngã:"Đồng công năm bảy sẻ chia/ Nẻo cơm quán trọ, nẻo về nuôi con". Đồng công là sự sống của cả gia đình họ mỗi ngày, quan trọng là thế, nhưng đồng thời "Giữ lành quả ngọt rau tươi" cũng mang lại cho họ mãn nguyện, và quan trọng chẳng kém. Có lẽ với họ, đó là “thương hiệu”, là uy tín của những “nữ nhi cửu vạn”. Nguyễn Thị Mai gây ấn tượng với người đọc bằng những chi tiết rất điển hình, ngôn ngữ giản dị nhưng tinh tế và hóm hỉnh, mà hiệu quả mang lại thật bất ngờ. Người phụ nữ thường được tạo hoá ban cho đôi bàn tay đẹp " búp măng" và nụ cười " duyên" quyến rũ. Chị lại nhắm vào những ưu thế của cái đẹp riêng có trời cho cần được bảo vệ, giữ gìn ấy để khai thác. Với công việc nặng nhọc vất vả của họ phải làm thì gìn giữ cái đẹp là việc bất thi. Buộc phải chấp nhận “chị tay đen đúa, em cười nhọ nhem”, đó là sự phát hiện tìm tòi, cách biểu cảm sáng tạo độc đáo làm xa xót, xúc động trái tim người đọc. Có nỗi buồn khổ nào hơn với phụ nữ khi cái đẹp bị che khuất, biến dạng. Nhưng cao hơn hết với họ là tình yêu dành cho con cái và hạnh phúc gia đình. Biết cái đẹp bị phôi phai, sự nuối tiếc lớn nhất của đời người phụ nữ, họ vẫn lạc quan yêu đời dù nụ cười"nhọ nhem"và tay ngà đen đúa”. Những thân phận, những con người như thế lẽ ra phai được trân trọng tôn vinh, trái lại những kẻ vô cảm, ô trọc lại cậy tiền, coi thường kinh rẻ họ, đó là sự bất bình đẳng tệ hại nhất.
       Chắc những "nữ nhi cửu vạn" cảm động lắm nếu khi biết có một bài thơ được giải cao của một cuộc thi lớn viết để sẻ chia đề cao và tôn vinh họ. Rồi những hình ảnh: mồ hôi, sương muối ố hoen, buốt lưng cửu vạn... Bao nhiêu gian nan vất vả được đẩy mâu thuẫn đến tận cùng ở Chợ đêm Long Biên, càng xót xa với thân phận của người phụ nữ, những con người cần được cảm thông nâng đỡ sẻ chia, cần những thiết chế tiến bộ của Đảng và nhà nước để giải phóng họ. Bởi " vùng không ngủ " nằm trong lòng một thủ đô được phong tặng danh hiệu “hoà bình”, văn minh, hoa lệ nhưng cũng còn chứa đựng nhiều nghịch lý: ở sự phân cực giàu nghèo vô lối, ở thói hành xử bất bình đẳng giữa con người với con người. Chính vì thế khổ kết bài thơ không khép lại mà lại được mở ra với nhiều chiều suy ngẫm:
Chợ trăng đêm khuyết đêm tròn
Khiêng sương vác gió cũng mòn hai vai
Bữa ngon, hiểu được mấy ai
Chỉ cây cầu biết,
                           thở dài với sông
      Chợ đêm Long Biên, bài thơ được dừng lại bằng những câu thơ bâng khuâng, biến ảo nhiều liên tưởng. Những phiên chợ như vốn có, như tự nhiên trời đất sinh ra cho con người, vì con người. Nó được nối tiếp, sự lặp lại đêm đêm, đêm này qua đêm khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác tưởng như chẳng đổi thay gì. Vẫn những “người vợ”, những “nữ nhi cửu vạn”- những phận người mong manh như sương gió, như vầng trăng khi tỏ khi mờ, khi khuyết khi tròn. Bằng những cung bậc diễn biến tâm lý, tình cảm và những chi tiết hành động được mã hoá vi diệu trong vỏ bọc ngôn từ. Đã làm ta xúc động thấm thía, tìm được sự đồng điệu sẻ chia, để miễn dịch được với căn bệnh thờ ơ, vô cảm. Sự vô cảm bi thảm đến mức cả cây cầu sang chợ vô tri cũng phải buông xuống dòng sông tiếng thở dài thế sự.
Cúc Phương, ngày 04.6.2012
                                                                    Lâm Xuân Vi
Đ/C:Hội VHNT Ninh Bình
xuanlamvi@yahoo.com


Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

chùm thơ Lâm Xuân Vi




CHÙM THƠ
LÂM XUÂN VI

SÔNG LỤC vừa cho đăng bài viết về thơ Lâm Xuân Vi, hội viên Hội nhà văn Việt Nam, hiện ở Ninh Bình. Để bạn đọc tiếp cận thơ Lâm Xuân Vi, SÔNG LỤC tiếp tục giới thiệu một chùm thơ của ông. 


Có một ngày thơ
 
Có một ngày không thể nào quên
Cả thị trường nhà đất sôi lên
Giá vàng cũng đột nhiên biến loạn
Còn sông Lục núi Huyền bừng reo tâm thế khác

Đến với nơi trồng người thuần phác
Trường trung học Đồi Ngô*
Thày và trò gặp các nhà thơ
Quanh khúc ngoặt gập ghềnh tâm trạng

Những ý trò tươi non
Thày luận hướng tâm hồn dào dạt
Mở đất nhà thơ gieo hạt ươm mầm
Mỗi khám phá tìm tòi, một khát vọng xanh trong
Thơ phủ sóng trời đông ấm lại

Chủ và khách không còn gianh giới
Tan vào thơ vào nhau
Vào mạch nguồn nghĩa chữ xa sâu
Dung dưỡng hồn người thơ giàu có nhất

Không loạn như vàng, không sôi như đất
Thơ đằm đằm hương mật trào dâng

Bắc Giang - Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2009


Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

thơ Lâm Xuân Vi




Minh Châu.
Lâm Xuân Vi - Thơ như men rượu nồng say
     
  Lời tự bạch :”Văn học nói chung và thơ nói riêng đối với tôi là niềm khao khát đam mê suốt đời. Bởi, sẽ tìm thấy ở đó nguồn dung dưỡng cho chân thiện mỹ mà đời đời con người phải hướng tới để bồi đắp và tôn vinh nó”. Và có lẽ vì thế mà thơ của Lâm Xuân Vi như men rượu nồng,uống từng giọt, từng ly, để cảm nhận từ từ và say lúc nào không biết.

     Rất tình cờ, tôi có được “Tuyển tập thơ Lâm Xuân Vi”, do Hội Văn học nghệ thuật Ninh Bình xuất bản, với gần như tuyển chọn một đời thơ của nhà thơ xuất thân miền đất cổ đô với những huyền thoại có cả nghìn năm tuổi nước Đại Cồ Việt xưa- Gia Viễn, Ninh Bình.333 bài thơ chắt lọc từ tình yêu quê hương đất nước, không chỉ là miền đất nơi sinh ra mà là cả dải đất cong cong hình chữ S, với những thiết tha, đắm say, để rồi từ đó là chất men ấp ủ cho những tình cảm về bao miền đất đã đi qua, những con người bắt gặp trên đường đời, những rung động đầy tinh tế trước cảnh vật, những cảm xúc trước  nhân tình thế thái của thời cuộc….

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

em là mùa thu Hà Nội



Thái Triển trong buổi giao lưu giữa NHÓM BÚT SÔNG LỤC với các bạn thơ THI ĐÀN THỨ BẢY

 TRẦN THÁI TRIỂN

EM LÀ
MÙA THU
HÀ NỘI
(Đọc HỒN PHỐ - Tản văn của Chử Thu Hằng, NXB Hội nhà văn 2011)

Tôi biết Chử Thu Hằng với tư cách một Nhà thơ, nên khi đọc tản văn Hồn phố của chị, tôi cứ ngờ ngợ rằng đây cũng là một tập thơ; mà là một tập thơ hay, mang hồn cốt của một người Hà Nội gốc.

THƠ NGŨ NGÔN 10 CÂU

THƠ
NGŨ NGÔN
 MƯỜI CÂU
CỦA QUANG ĐẠI


TÔI TIN VÀO TRONG XANH

Ngược về đầu nguồn nước
Tôi tin vào trong xanh
Tôi tin vào cuội trắng
Tôi tin vào mây lành

Tôi tin rừng cây xanh
Lọc khí trời tôi thở
Tôi tin vào nỗi nhớ
Nở mùa hoa kim anh

Ở một miền thanh bạch
Tôi tin vào trong xanh.




TRĂNG QUÊN

Điều ấy là trăng nói
Chứ đâu phải lời em
Dĩ nhiên là trăng quên
Còn em thì vẫn nhớ

Em nào đâu thất hứa
Chỉ vì trăng nói trêu
Cũng bởi vì anh yêu
Mới tin trăng nói dối

Em làm gì có lỗi
Lỗi ở vầng trăng quên.