Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

thắc mắc về những câu thơ...


NHỮNG CÂU THƠ
 CỦA CHU NGỌC PHAN
 KHIẾN TÔI THẮC MẮC
                                                           QUANG ĐẠI
 
Với thơ, tôi vốn ngoại đạo. Nhưng lại thích đọc thơ. Tuy nhiên, tôi thấy có khá nhiều những câu thơ của nhà thơ Chu ngọc Phan khiến tôi phải thắc mắc. Tôi cảm thấy có lúc anh Chu Ngọc Phan hơi ẩu trong sáng tác thơ.


Tất nhiên, dù ngoại dạo thì tôi cũng hiểu rằng làm thơ (cũng như viết văn) đôi lúc không cần thiết phải chính xác. 
Vâng! Có khi những cái “sai” lại đưa tới hiệu quả lớn trong nghệ thuật. Tôi viết văn và sáng tác mỹ thuật thì tôi hiểu điều đó lắm chứ...
Tuy nhiên, khi đã nói đến sự cụ thể nào đó. Chẳng hạn vẽ, viết chân dung một người A, B nào đó thì không thể A bảo B hoặc ngược lại được.
 Khi nhà thơ đã nói đến một địa phương cụ thể thì  không thể bịa đặt.
Anh chu Ngọc Phan viết:
           
                  Chưa vội về Lục Sơn
Ta đủng đỉnh ra quán trưa Đủng Đỉnh
Bát phở cay ớt thóc măng chua
Sông Rù Rì ơi đừng chảy vội.

Dưới bài thơ anh Chu Ngọc Phan có chú thích: Đủng Đỉnh là thị tứ thuộc xã Lục Sơn. Thực ra, nó ở xã Bình Sơn. Còn ở xã Lục Sơn hay cả vùng Tứ Sơn không hề có con sông nào tên là sông Rù Rì cả. Hư cẩu nghệ thuật ư? Nếu nghĩ vậy thì quá ngô nghê. Trong một bài thơ tôi thấy anh còn chú thích: Đèo Hạ Mi thuộc Quốc lộ 293, trong khi đó là một tỉnh lộ. Trong nhiều bài thơ anh nhắc đến bản Hà.  Đọc trong một bài thì đó là một bản ở Vùng hồ Khuôn Thần Lục Ngạn. Thế nhưng, ở bài khác lại nói người bản Hà thịt lợn sớm để đi chợ Gàng, một chợ ở Vô tranh, Lục Nam, cách Khuôn Thần gần 5 chục cây số. Sáng sớm mới thịt lợn mà mang đi bán xa như vậy liệu có hợp lý không? Với lại, hai vùng này lại rất ngược đường; cách sông, cách núi.  Chẳng lẽ thơ chỉ cần nói cái ý chứ mặc kệ thực tế muốn thế nào thì thế hay sao?
Chu Ngọc Phan  viết:


             Thoắt đã mấy ngàn năm
     Dã hương thành đại lão

Viết về cây dã hương Tiên Lục như vậy là sai. Như tôi được biết,người ta đã đem mẫu vật cây dã hương Tiên Lục đi xác định tuổi ở Mỹ. Kết quả chỉ hơn 600 tuổi. Ta trót nói ngàn năm còn tạm được, chứ “mấy ngàn năm” xem ra không ổn.

Biếu mẹ bao đạm trắng ngần
Chỉ mong tóc mẹ đôi phần còn xanh
Đây cũng là câu thơ của Chu Ngọc Phan trong bài “Quà biếu mẹ”. Tôi nghĩ ít ai  lại mong tóc mẹ mình xanh.  Vì cái điều mong mỏi ấy nó vu vơ và tầm phào quá. Nói thế là nói bừa và giả dối. Còn nếu về phía nghệ thuật mà liên tưởng chuyện bón phân  với “tóc mẹ xanh” thì khiên cưỡng quá, vụng về quá, ngô nghê quá.


Đôi lúc thơ anh còn có nhừng từ như ”Lão ké Thanh Y” “noọng người Dao”. Gọi như vậy là không được. Bởi người Thanh Y không có ông ké như Tày, Nùng, Thái. Cũng như con gái Dao không ai gọi là noọng cả. Có khi anh dùng chữ "giỏi hung" đặt vào miệng đồng bào dân tộc thiểu số phía bắc là hỏng. Vì chỉ đồng bào dân tộc thiểu số Tây  Nguyên và miền Trung mới dùng từ này.
Còn nhiều câu thơ của Chu Ngọc Phan khiến tôi phải thắc mắc nữa. Đó là những câu thơ xem ra khá phản cảm:
Ngực em sữa chảy ướt đầm
Cho Tôi thương mãi một lần Mẫu Sơn
                                             (Mẫu Sơn)
Hay:
Rừng dẻ trắng mù sương
Rộ tiếng lơn kêu sặc tiết 
                                      ( Bản Hà sớm) 
Tôi cũng thắc mắc sao thơ anh có bài hay thế. Lại có nhiều bài dễ dãi quá thể. Nói chung, số bài viết dễ dãi quá nhiều trong thơ anh.  Không chừng phải trên hai phần ba.... Có những bài như: "Cảm ơn tổ đến thăm tôi" 'Quà biếu mẹ"... sao mà dễ dãi đến khó tưởng tượng. Anh dễ dãi cả khi đặt đầu đề cho thơ. Chẳng hạn như anh có ít nhất hai bài thơ khác nhau cùng một đầu đề "Suối Mỡ".
Dễ dãi sẽ làm được nhiều thơ.  Và thơ sẽ có nhiều bài kém chất lượng. Ta thấy các nhà thơ ở Bắc Giang như Anh Vũ, Tô Hoàn, Duy Phi,  Trịnh Kim Hiền ... nào có ra thơ hàng loạt. Họ rất cẩn trọng nên  khi đã viết ra ít khi để "hở miếng" như thế.  

Tôi chân thành viết ra đây để anh Chu Ngọc Phan nhanh chóng dọn vườn thơ của anh. Và tất nhiên, đây cũng chỉ là ý kiến chủ quan của một người bạn đọc thơ Chu Ngọc phan.
 Xin đừng giận lời nói thẳng. 
                                                                                                             
                                                                                                                       Q. Đ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét