Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

chín người mười làng


Chín  
người
Mười  Làng
TRUYỆN NGẮN
ĐOÀN THỊ TẢO


             Có thể bạn chưa biết những câu chuyện này . Nó không xảy ra vào cái thời có một ông vua bỗng mọc hai tai lừa. Trị vì tại một vương quốc nọ. Ông vua ra lệnh một bác thợ cắt tóc cho mình . Và phải giữ kín chuyện này , nói cho ai biết sẽ bị chém đầu . Các bạn cũng biết đấy bác ta mắc phải căn bệnh nan y không lây qua đường huyết thống . Tên khoa học gọi căn bệnh đó là Bép -Sờ - Xép mà tôi cũng mắc phải từ khi biết đọc biết viết . Vậy chớ nên bảo người bệnh đừng nói ra những chuyện họ biết . Có mà thánh mới giữ được trong lòng .
                
             Tôi chỉ là người kể chuyện ...Xin hãy lắng nghe. Lắng nghe những chuyện tôi kể sau đây (không phải dưới dạng đào hố thật sâu mà hét vào đó như bác thợ cắt tóc, mà những chuyện này được thể hiện qua những con chữ .) 
              Dù có đọc hay không tôi cũng xin chân thành cảm ơn trước ./.  


                                                   Đoàn Thị Tảo




Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

RÉT NÀNG BÂN



KHĂN TÍM EM TÔI 
                                                           (Hay RÉT NÀNG BÂN )

                                Thương nàng BÂN trời xuân trở rét 
Em viết lên khăn đôi nét chữ gầy 
Khắn tím nhẹ bay như sương như khói 
Quàng vai nhau cho ấm lại chút tình say 


Câu thơ cũ 
 Ghé tai nói về một điều xưa cũ
 Về một thời xa xót rét nàng BÂN
Đường gập ghềnh khúc lội khúc quanh 
Líu ríu theo nhau chị đi em bước 
 Khăn tím này giá mà gói được 
Mọi nỗi buồn chị buốt em đau 
Ấm tình đời thơ san sẻ cho nhau 



                                                                                                   
                        Kỷ niệm giao lưu cùng TDT7
                                                                                                                 
                                             LỤC NAM



Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

BỨC TRANH ĐẮT NHẤT




Bức tranh đắt nhất

Truyện ngắn mini của Nguyễn Phan Hách

          Con tàu cũ nghiến đường ray ken két rời Pari về thị trấn Ovơ. Van Gốc, vai đeo giá vẽ, bước xuống,lặng lẽ  đưa mắt nhìn. Một vùng thung lũng xanh tươi hút mắt,  bóng nóc nhà thờ trong nắng chiều  vàng ,tiếng sóng sông Oadơ vọng lại rì rào.
          Từ xa, một chiếc xe ngựa tiến lại, người đội cát két trắng trên xe bước xuống:
- Ông là Van Gốc phải không? Tôi là bác sĩ Ga sê có nhiệm vụ đón tiếp ông.
Hai người bắt tay nhau. Ga sê cười thân thiện:
- Phong cảnh vùng này có thể vào tranh ông được không? Nó không có sắc nắng  phương Nam vàng chanh, màu hoa Hướng dương …như ở vùng Prôvăng xơ để ông thể hiện trong các bức tranh trước đây của ông.  Nhưng nơi này  có những sắc thái riêng của nó.
- Vâng đúng... Tĩnh mịch, thanh bình lắm.  Bờ sông màu ngọc bích, lâu đài cổ hoang tàn, chân trời màu  màu tím nhẹ  ảo huyền ...
Xe ngựa đưa Van Gốc đến một khách sạn, giá cả niêm yết 6 phờrăng một ngày. Van Gốc vội đi giật lùi ra khỏi phòng tiếp tân:
- Ồ không... Tôi chỉ là công nhân lao động... Không đủ tiền...
Ga sê đưa ông đến một tiệm cà phê nhỏ cạnh tòa thị chính. Người ta thỏa thuận xếp cho ông một phòng, ngày hai bữa phục vụ bánh mì, đậu xào, một tách cà phê sáng... tổng cộng 3 phờrăng.
Sáng hôm sau Van Gốc dậy sớm lắng nghe tiếng chim  vùng Ôvơ, xem có khác tiếng chim vùng Prôvăngxơ, nơi mấy năm xưa anh đã lang thang vác giá vẽ trên đồng.
Có... có khác. Tiếng chim ở đây trầm hơn, buồn hơn, không lảnh lót hăm hở như tiếng chim Prôvăngxơ... Van Gốc thở dài... Tiếng chim thực như thế hay là mình cảm nhận ra thế do tâm trạng  u uất của mình. Mười năm qua, mình đã sục sôi hăm hở vẽ từ sớm mai đến tối mịt, vẽ nhanh ,nhanh, sợ không ghi kịp hết cảm xúc, sắc màu lên mặt vải toan. Nhưng những bức tranh đã vẽ cứ nằm chất đống đấy, không ai ỏ ê đến, không một galơry nào nhận bán.

Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

Vị văn hay vị tiền


VỊ VĂN VỊ TIỀN
                          Tác giả: Vân Vi


   Thời văn học mới đang định hình nhóm bút Tự lực văn đoàn bỏ tiền túi ra treo giải thưởng văn chương. Giải do họ tự xét. Nhưng rất uy tín và có tính phát hiện cao. Những người được giải đều thành danh. Tác phẩm được giải có tiếng vang và sức sống bền lâu. Vì họ chấm văn vì văn và do đó nền văn học tuy mới phôi thai những phát triển mạnh mẽ.
   Ngày nay người viết đông, tổ chức hội văn thành lập từ trung ương đến tỉnh, có sự hỗ trợ của nhà nước. Giải thưởng văn học luôn là một động lực thúc đẩy văn học tiến lên nên luôn được đặt ra. Nhưng nhiều giải bị lên án vì người chấm giải  không vì văn, hoặc vì văn rất ít, vì những cái ngoài văn thì nhiều. Và người ta đổ cho cái gu của người chấm. Gu tiền, gu ban oai ban phúc, gu dốt... đủ thứ.
   Mấy năm trước ồn ã chuyện chấm giải ở Hội văn Hải Phòng. Bây giờ đang ồn lên chuyện chấm văn ở Hội văn Quảng Nam. Phải chăng việc chấm văn ở những hội êm ả là thành công tốt đẹp, không có chuyện gì? Có đấy. Sóng ngầm bị dẹp yên một cách khéo léo mà thôi. Xin kể ví dụ ở Hội văn Bắc Ninh chẳng hạn.
   Năm 2004 Hội văn có cuộc thi kỉ niệm 60 năm thành lập Quân đội và ngày hội quốc phòng toàn dân. Mảng kí và truyện ngắn chỉ có một giám khảo. Chỉ một thì tha hồ ban oai ban phúc. Muốn sao được vậy. Tất có đi đêm. Nhờ sự quen biết vì cùng sinh hoạt Hội, nhà thơ cao niên Tạ Hồng Quân dẫn tác giả mới và là hàng xóm Lương Quang Đãng đến nhờ giám khỉu giúp đỡ. Vị độc quyền chấm giải giúp bằng cách nai lưng ra hoàn thiện nốt phần chồng mộc người ta mang đến. Kết quả chưa chấm đã rõ. Văn của giám khảo tất phải hơn văn của người khác. Nhà thơ Tạ Hồng Quân đoạt giải nhất kí, tác giả Lương Quang Đãng đoạt giải nhì truyện ngắn. Giải thưởng qua đi nhưng tác phẩm đoạt giải còn đó. Xin bạn đọc tham khảo hai truyện ngắn cùng đồng hạng nhì cuộc thi đó để biết cách chấm văn của Hội văn Bắc Ninh.
   Năm 2006 Hội văn Bắc Ninh có cuộc thi hoành tráng hơn. Có sơ có chung hẳn hoi. Sơ ở hội tỉnh. Chung là nhà văn uy tín trung ương.
   Sơ cuối cùng vẫn chỉ có vị giám khỉu 2004 xếp giải theo sự đồng thuận của chủ tịch hội đồng nghệ thuật tỉnh, tức chủ tịch hội văn tỉnh.
   Chung là nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Ông chung đem cả uy tín đời văn vào cuộc y chiểu này. Chẳng biết ông có đọc không, có chấm không, hay ông chỉ y chiểu thôi cho đỡ mệt, lại hợp ý người chi tiền. Uy của ông thì mấy nhà văn nhãi nhép xứ mù làm sao dám cãi. Thế là ông cứ để mặc con ma to đùng trong người ông tha hồ tác oai tác quái. Nhận tiền chung và y chiểu. Xong.
   Khổ cho mấy nhà văn xứ mù. Đỗ Công Tiềm có nhiều truyện in ở báo Văn nghệ nhất tỉnh bị đoạt giải ba ấm ức. Anh làm như giáo viên coi thi rọc phách truyện của chính mình và truyện nhất đi nhờ bạn bè ngoài tỉnh thẩm giúp. Quả nhiên sự tham khảo đổ dầu vào lửa. Truyện ba hơn truyện nhất. Khổ cái người vì văn một cách vô tư này không phải vai chung. Khiến họ Đỗ định không thèm nhận giải. Nhưng sợ tai tiếng cho cả hội văn tỉnh với lãnh đạo nên đành vuốt bụng cho qua.
 Chẳng hiểu con ma trong người ông Trường to thế nào và cái sự tác oai tác phúc ghê thế !
  Tuy không vừa đá bóng vừa thổi còi, nhưng có điều hơi bị lạ là ông anh ruột vị sơ khỉu lần nào cũng chạm giải, giải vừa vừa thôi, nhì ba nhì nhằng nên ít bị người khác soi. Quả nhiên không thấy hội viên nào phản ứng. Nếu phản ứng thì lần sau đừng có cơ hội chường mặt lên tạp chi hội và cơ hội nhận giải lần sau nữa.
   Đấy, thành công rực rỡ của một cuộc thi văn học mà thực ra ẩn chứa bao sóng ngầm. Chỉ vì chấm văn không vì văn. Làm sao thúc đẩy nền văn học một địa phương tiến lên được. Sao không làm như Tự lực văn đoàn tiền bối nhỉ.
   Thực ra nếu chấm văn có một tập thể, có tiêu chí đánh giá và cho điểm độc lập rồi cộng điểm thì chất tác oai tác phúc sẽ giảm đi. Nhà văn trung ương không nhận lời thì thôi, đã nhận thì phải có trách nhiệm chắc sẽ khắc phục nốt hạn chế về trình độ thẩm định của địa phương, dù đã làm việc tập thể một cách khách quan nhất.
                                                                                 Vân Vi

Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

ĐƯỜNG CHÍN ĐOẠN





HỌC GIẢ TRUNG QUỐC NÓI VỀ
 " ĐƯỜNG CHÍN ĐOẠN"

Tại hội thảo “Tranh chấp biển Đông: chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế” ngày 14-6 do Viện nghiên cứu kinh tế Thiên Tắc và báo điện tử Sina.com tổ chức, nhiều học giả Trung Quốc đã đặt lại vấn đề về cái gọi là “đường chín đoạn“ và cách hành xử của Trung Quốc.
* “Chúng ta vẽ đường chín đoạn mà không có một kinh độ hoặc vĩ độ cụ thể, và cũng không có căn cứ pháp luật... Đường chín đoạn (chiếm gần 80% biển Đông) là do Trung Quốc tự vẽ ra năm 1974”
LÝ LỆNH HOA
(nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Tin tức hải dương Trung Quốc)
* “Là con người phải biết giữ nhân tình. Chúng ta đều là người, không phải là dã thú sống trong rừng rậm. Trong quan hệ giữa người với người, không chỉ biết yêu bản thân mà nhất định phải tính cả đến lợi ích của người khác... Nếu ý nghĩa của cái gọi là đường chín đoạn là đường biên giới quốc gia được vẽ sát vào bờ biển Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei như thế, tôi không tin những quốc gia đó có thể chấp nhận. Nếu Nam Hải được vẽ thành “biển nhà” (của Trung Quốc) như vậy, các nước khác có nhu cầu vận tải trên biển cũng không thể chấp nhận, và như thế sẽ trở thành tranh chấp mãi mãi. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà mọi người dựa vào nhau để tồn tại. Chúng ta muốn sống thì cũng phải để người khác sống chứ”
Giáo sư HÀ QUANG HỘ
(Học viện triết học thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc)
* “Quyền lợi của anh (Trung Quốc) cần được người khác thừa nhận, người khác không thừa nhận thì anh không có quyền”
Giáo sư TRƯƠNG THỰ QUANG (Đại học Tứ Xuyên)
nhấn mạnh không thể tự vẽ ra đường chín đoạn
* “Tôi rất không đồng tình với kiểu hành xử chính trị quốc tế theo luật rừng. Cần giải quyết theo Luật quốc tế và theo Luật biển”
Giáo sư TRƯƠNG KỲ PHẠM
(Học viện Pháp luật, Đại học Bắc Kinh)

HẠNH NGUYÊN - ĐÔNG PHƯƠNG

Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Thơ Đoàn Thị Tảo


THƠ
 ĐOÀN THỊ TẢO




XẨM CHỢ


Này chị em ơi!!!

Ra chợ từ buổi sớm mai
Có ba đồng vốn giở vai với giời
Một đồng mua cái nổi trôi
Đồng mua duyên hẩm với người ngày xưa
Ốm đau mua lão là vừa
Hết ba đồng vốn chợ trưa mất rồi

Bôn ba tần tảo ngược xuôi
Thác ghềnh chèo chống một đời bán mua






TỨ TUYỆT TÌNH

I
Người đem buồn nhớ đổ đi
Còn tôi níu lại phòng khi giở giời
Sập sùi mưa  gió bời bời
Nỗi buồn còn đó đem chơi một mình.

II
Một mình ra ngẩn vào ngơ
Lặng nghe tiếng lá gọi mưa bồn chồn
Hạt mưa như lỡ độ đường
Yêu say đắm đó chán chường lại đi

III
Thơ yêu tôi tặng một người
Của thời vụng dại chỉ người ấy thôi
Một người với một mình tôi
Cũng làm nên cả một trời nhớ thương




 NGÔI SAO RƠI

Tôi đi về nơi ngôi sao rơi
Miền hoang vu gió
Một tinh cầu bé nhỏ
Bơ vơ rơi đâu

Tôi đi tìm nơi ngôi sao rơi
Hỏi từng ngọn cỏ
Có thấy một vì sao bé nhỏ
Bây giờ nơi đâu

Có ai tiếc thương một điều vô nghĩa
Giữa hằng hà thiên thể
Ngôi sao buồn bỏ đi nơi đâu
Cho tôi đi tìm
Một tinh cầu khờ dại đến xót đau





NGỌN ĐÈN VÀ ĐÊM ĐEN
        “Thà rằng chả biết cho xong”

Ngọn đèn dầu le lói
Rọi qua song cửa tre
Lập lòe đơn độc

Đêm đen đêm đặc
Nỉ non con dế khóc
Tủi duyên chú ếch kêu một mình

Người đa tình
Buồn sầu vô cớ
Đi không nỡ, ở chẳng trông ai
Thở dài thương
Thương cho ngọn đèn đầu phố   
Mở mắt trông thấy mặt đường lồ lộ
Đêm không đen
nhờ nhờ!....